Chứng minh: Tiễn dặn người yêu là khúc ca tình yêu chung thủy, son sắt

tien-dan-nguoi-yeu-la-khuc-ca-tinh-yeu-chung-thuy-son-sat

Chứng minh: Tiễn dặn người yêu là khúc ca tình yêu chung thủy, son sắt

Tình yêu luôn là đề tài muôn thưở của văn học, đối với truyện thơ, tình yêu là một đề tài lớn và quan trọng. Xống chụ xon xao của dân tộc Thái chính là khúc ca ca ngợi tình yêu chân chính, đậm sâu. Thông qua chặng đường gian nan khó khăn của đôi trẻ với tình yêu định mệnh, vượt qua bao khó khăn trắc trở, vượt qua định kiến xã hội và những hủ tục ngăn các để đoàn viên và giành lại hạnh phúc, câu chuyện tình yêu của đôi trai trẻ thể hiện một nhân sinh quan tích cực của nhân dân, đồng thời thể hiện niềm tin vào hạnh phúc.

Tình yêu của đôi trai gái là một tình yêu thủy chung, son sắt. Với họ, yêu thương là gắn kết, với họ, một khi yêu là tầm hồn mình gắn bó với tâm hồn người thương, tuy hai mà một, mãi mãi không chia lìa. Khi làm lụng trên nương, người con gái gọi vía người thương:

“Vía anh yêu đừng nằm bên gốc lau
Đừng ngủ sau gốc sậy
Hỡi vía anh yêu, về nhà theo mau”

Khi chàng trai ở trong rừng, cũng tha thiết nhớ người yêu mà gọi vía:

“Dạ bồn chồn như làm ruộng cuối vụ
Cấy ngày kia mà gieo mạ bữa mai
Anh nhớ mong em không cạn không nguôi
Vào đồi rậm rừng quang hú gọi
-Vía em yêu hỡi”

Khi chờ chàng vò võ, thì trong lòng em yêu:

“Người đi xa nhưng vía cuốn không rời
Dây trầu không đã vượt cỏ leo giàn”

Tín ngưỡng người Thái cho rằng mỗi một con người có năm chục vía đằng trướ và ba chục vía đằng sau. Vía đằng sau thường hay bị lạc, nếu đã có người yêu thì vía thường hay tìm đến, phiêu du cùng vía bạn. Như vậy, dù không gian nào, dù thời gian nào, thì tâm hồn họ vẫn hướng về nhau, hai trái tim chung một nhịp đập. Tưởng như họ đã thành một phần máu thịt trong nhau, mãi mãi không bao giờ tách rời.

Cảm xúc yêu đương bao giờ cũng là những cảm xúc mãnh liệt nhất, tha thiết nhất:

“Anh yêu em, lời ước nguyền kia vẫn nhớ
Nhớ chắc chắn như con nhặt tấm
Nhớ khăng khăng tình són ắt  òn đeo
Như xôi bỏng bọc lá tươi
Lá tươi bọc lá tươi càng nóng
Ước mong tha thiết càng nồng”

Yêu đương gắn liền với khao khát, đặt vào hoàn cảnh đôi lứa trong truyện, khao khát đi liền với đắng cay, chua xót:

“Bạn tình hỡi, người yêu anh ơi!
Khác nào hoa tươi đỉnh núi
Mắt nhìn, tay vươn chẳng tới”

Cảnh đợi chờ trong tình yêu thì vò võ, dai dẳng:

“Em vẫn ngồi cạnh thang em đợi
Em vẫn ngồi đầu cối em mong
Đợi anh về, vò võ ngóng trông”

Tình yêu trong Xống chụ xon xao là tình yêu phải trải qua vàng thử lửa, phải chịu đựng bao đớn đau, thử thách, bao nghiệt ngã, trớ trêu của số phận. Trong nỗi đau tận cùng, đôi lứa yêu nhau đã cất lên những tuyên ngôn tình yêu mạnh mẽ, thể hiện sự trường tồn vĩnh cửu của tình yêu:

“Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông
Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già”

Hai câu thơ trên có lẽ là hai câu thơ được người đời ghi nhớ nhiều nhất. Hai câu thơ sóng đôi, ngắn gọn, nhưng thu vào trong đó là thời gian của cả một đời người, mùa hạ, mùa đông thời trẻ, khi góa bụa về già – cả một đời người tưởng dài lâu nhưng chỉ là trong thoáng chốc. Chỉ có tình yêu và quyết tâm của tình yêu là còn lại mãi mãi. “Không lấy nhau… ta sẽ lấy nhau… không lấy nhau… ta sẽ lấy nhau”. Và đến cuối cùng, họ tin rằng họ sẽ tìm được đến nhau, trở về bên nhau. Họ quyết tâm trở về bên nhau.

Hai câu thơ trên gợi ta nhớ đến câu danh ngôn của Kawabata yasunari: “Tuổi trẻ có tình yêu, tuổi già có cái chết, tuổi trẻ đến một lần, tình yêu đến hoài hoài”. Cả cuộc đời con người trôi qua trong thoáng chốc, tuổi trẻ, tuổi giả, cái chết, đó là con đường một chiều của đời người, rồi tất cả thành hư không, tất cả thành cát bụi. Vậy điều gì còn lại mãi mãi, vậy điều gì là có ý nghĩa trong cuộc đời mỗi con người? Chính là tình yêu – thứ tình yêu trong sáng nhất thanh khiết nhất vượt lên trên mọi dục vọng ham muốn tầm thường của con người. Thứ tình yêu mà dù tuổi trẻ hay tuổi già, dù rạo rực xuân xanh hay thâm trầm năm tháng, thì vẫn mãi nguyên vẹn, vẫn mãi đậm sâu. Đó là tình yêu đích thực.

Để mình chứng cho tuyên ngôn tình yêu của mình, họ nguyện lấy cái chết ra để hẹn thề. Ngay khi tiễn người yêu về nhà chồng, trong lòng anh yêu đã có ý niệm về cái chết:

“Xin hãy cho anh kề vóc mảnh
Cuốn quanh vai ủ lấy hương người
Cho mai sau lửa xác đượm hơi
Một phút bên em thay lời tiễn dặn”

Đoạn thơ gắn liền với tục mai táng của người Thái. Người Thái quan niệm rằng, để người đã khuất an nghỉ, cần phải hỏa táng họ với đồ vật của người mà người đã khuất yêu thương nhất. Như vậy, người đã khuất sẽ về cõi vĩnh hằng trong tình yêu, về với cõi trường cửu trong hơi ấm của người thương. Ngay khi tiễn biệt anh yêu đã xin người tình ôm thật chặt để lưu lại hơi, để để dành hơi ấm cho cuộc hành trình cuối cùng của cuộc đời mình về bên kia thế giới, đã cho thấy được tình cảm sâu đậm của anh.

Từ giây phút này cho đến mãi mãi về sau, tâm hồn anh, cuộc đời anh, trái tim anh, tình yêu của anh duy nhất và chỉ duy nhất thuộc về một người, người mà anh sẽ mang hơi theo khi trở về cõi chết, mãi mãi. Như vậy ở đây, ý niệm về cái chết không gắn liền với ý muốn từ bỏ thế giới, mà đó là sự xác định lại giá trị của cuộc sống. Cuộc sống suốt phần đời còn lại, người con trai đã biết được điều gì là quan trọng nhất với mình, người nào là quan trọng nhất với mình.

Không có được người yêu, anh nguyện chết:

“Chết trong lòng người đẹp
Chết trong lòng người yêu
Được chết cùng em không hề tiếc hận”

Cái chết được dùng để làm minh chứng cho tình yêu, khẳng định sự trường tồn bất tử của tình yêu:

“Chết ba năm hình còn treo đó
Chết thành sông vực nước uống mát lòng
Chết thành đất mọc dây trầu xanh thắm
Chết thành bèo ta trôi nổi ao chung
Chết thành muôi ta múc xuống cùng bát
Chết thành hồn, chung một mái, song song”

Đoạn thơ gắn liền với quan niệm về thế giới ma và hồn của người Thái. Vạn vật đều có hồn, hồn không bao giờ mất đi, mà chỉ biến đổi từ sự vật hiện tượng này thành sự vật hiện tượng khác. Và tình yêu, cũng sẽ bất tử cùng với hồn đó, dù bị hủy hoại nhưng không thể bị tiêu diệt, sẽ mãi mãi hồi sinh. Phép điệp cấu trúc “Chết thành … chết thành… chết thành…” cùng hệ thống những hình ảnh thành đôi, thành cặp đã tạo cho đoạn thơ một âm hưởng dõng dạc, mãnh liệt, khẳng định quyết liệt sức sống vĩnh cửu của tình yêu.

Cái chết là điểm cuối cùng của sự sống, cái chết làm cho cuộc đời của con người hữu hạn. Chỉ khi sống trong một thời gian hữu hạn, con người mới nảy sinh nhận thức về những giá trị của cuộc sống, mới có khao khát được sống trọn vẹn trong những giá trị vững bền, trường tồn và loại bỏ những giá trị nhất thời, phù phiếm. Chính sự hữu hạn của đời người làm cho đời người có ý nghĩa. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên, càng gần cái chết người ta càng nhìn thấy rõ hơn và biết trân quý hơn những điều tốt đẹp của cuộc đời. Vì lẽ đó, cũng không khó hiểu khi cái chết chính là minh chứng sắt đá nhất, hùng hồn nhất cho tình yêu – giá trị vĩnh hằng của đời sống. Văn học thế giới cũng không ít những trường hợp dùng cái chết để chứng minh sự trường tồn vĩnh cửu của tình yêu: Romeo và Juliet, Lương Sơn Bá – Trúc Anh Đài… tất cả tình yêu đó đều trở nên trường tồn cùng thời gian và trong lòng nhân loại.

Trong trường hợp của truyện thơ Xống chụ xon xao cũng vậy, cái chết không phải là sự phủ định của đời sống, mà trái lại là khẳng định những giá trị tốt đẹp của đời sống, khẳng định sức sống trường tồn bất diệt của tình yêu.

Tình yêu của đôi trai gái trong truyện thơ Xống chụ xon xao còn là tình yêu giàu đức hy sinh. Khi người con gái có con với chồng, người con trai vẫn yêu thương nàng hết mực, thậm chí yêu cả con nàng:

“Con nhỏ đưa anh ẵm
Bé xinh đưa anh bồng
Cho anh bế con dòng đừng ngượng
Nựng con rồng con phượng đừng buồn”

Cách gọi con dòng, con rồng, con phượng thật trìu mến, yêu thương. Trong tình yêu, ai mà không ghen? Vượt qua được những nhỏ nhoi toan tính trong tình yêu, thì người tình đó phải cao thượng, phải bản lĩnh biết nhường nào. Trường hợp này cũng giống như bài ca dao tình yêu của dân tộc Kinh:

Mình nói dối ta mình hãy còn son
Ta đi qua ngõ, thấy con mình bò
Con mình những trấu cùng tro
Ta đi xách nước rửa cho con mình.

Bài ca dao cũng có chút trách móc, nhưng kết lại ở một hành động thật cao thượng, thật bao dung. Giá trị vững bền của tình yêu nằm ở chỗ đó: biết tha thứ và biết sống cho nhau.

Trong suốt những tháng ngày ở nhà chồng, cô gái đã bị hành hạ, bị đánh rất tàn nhẫn, chính chàng trai là người chăm sóc cô, an ủi cô, vỗ về cô, tiếp cho cô thêm sức mạnh để vượt qua tất cả:

“Dậy đi em, dậy đi em ơi!
Dậy rũ áo kẻo bọ
Dậy phủi áo kẻo lấm
Đầu bù đưa anh chải cho
Tóc rối đưa anh búi hộ
Anh chặt tre về đốt gióng đầu
Chặt tre dày, anh hun gióng giữa
Lam ống thuốc này em uống khỏi đau”

Trong đau đớn, tủi nhục, họ vẫn nuôi hy vọng về một ngày có thể đoàn tụ bên nhau (Mà nếu thiếu đi hy vọng đó, có lẽ mãi mãi sẽ không có đoạn kết hạnh phúc):

“Tơ rối đôi ta cùng gỡ
Tơ vò ta vuốt lại quay guồng
Quay lại guồng gỗ tốt, cán thuôn
Về với người ta thương thuở cũ”

Trong đau đớn, tình yêu giúp họ kiên cường:

“Hỡi gốc dưa yêu mọc ngoài cồn cát
Nước ngập gốc đáng lụi, đừng lụi
Nước ngập rễ đáng bềnh, đừng bềnh
Đôi ta yêu nhau tình Lú-Ủa mặn nồng
Lời đã trao thương không lạc mất”

Tình yêu đích thực là như vậy, không đơn thuần chỉ là cảm xúc, vì cảm xúc mạnh mẽ nhường nào rồi cũng sẽ có lúc qua đi, tình yêu là sự gắn bó, tình yêu là sức mạnh là động lực để con người ta vượt qua gian khổ của cuộc sống. Hay nói cách khác, tình yêu đích thực là tình yêu cho ta ý nghĩa sống, và cho ta sức mạnh để sống.

Tình yêu trong Xống chụ xon xao quả là một tình yêu tích cực, nó đã tiếp cho con người sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh. Đó chính là thái độ tích cực của nhân vật nam, khi quyết chí làm ăn thay đổi cuộc đời, để chờ ngày trở về đi tìm hạnh phúc. Khi hỏi cưới người yêu không được chấp nhận, anh đã quyết tâm lập nghiệp:

“Anh tủi mới đi Lào
Anh cầm sào bởi nghĩ đau lòng phận khó
Mới đem túi xuống nhà đi buôn
Đi buôn, buôn sắt Lào
Đi bán, bán lưỡi mai
Quanh khắp tời, tìm sắt Tông Puốn
Tìm sắt, được sắt Tông Puốn bền sắc
Chọn mai, chọn mai lòng máng tốt của Lào”

Đi về đã muộn, chăm sóc người anh, anh lại quyết chí ra đi:

“Gió thốc sông Đà quằn quại
Chúc gã trai buôn mạnh khỏe yên lành
Tàu dong nhỏ nghiêng xuôi dốc núi
Anh ngắt dong đắp suối ba dòng”

Tình yêu của họ đã thắp lên cho họ tia hy vọng, để họ có thái độ sống tích cực. Sự vận động của văn học luôn đi từ chỗ coi con người là nạn nhân của hoàn cảnh đến chỗ nhìn thấy khả năng thay đổi hoàn cảnh ở con người. Chỉ khi nhìn thấy khả năng thay đổi hoàn cảnh ở con người, văn học mới có thể giải quyết bi kịch để đến với kết cục hạnh phúc (mà không phải nhờ vào thế lực siêu nhân siêu hình nào).

Thông điệp tình yêu ở đây thật đúng đắn, thật tích cực: Tình yêu cần được thể hiện bằng hành động cụ thể, cần phải xây đắp trên nền tảng tương lai bền vững. Tình yêu chỉ có thể vững bền khi con người có thể giải phóng mình khỏi các ràng buộc, khi con người đạt được tự do và làm chủ cuộc sống của chính mình. Để làm được điều đó, rất cần lòng kiên trì, rất cần sự quyết tâm, rất cần nhiều chịu đựng. Yêu nhau không nhất thiết phải ngày ngày giờ giờ ở bên nhau (dù trái tim luôn khao khát hướng về nhau), tình yêu đích thực là khi ta có thể cùng nhìn về một hướng, khi cần biết chấp nhận sống xa nhau để cùng xây đắp hạnh phúc của nhau.

Mỗi câu chuyện tình yêu đều để lại trong ta một dư vị riêng, một bài học riêng. Câu chuyện tình Xống chụ xon xao gửi cho ta một bài học thực tế và tích cực về tình yêu, về cách ứng xử trưởng thành trong tình yêu.

4 Trackbacks / Pingbacks

  1. Lời tiễn dặn (trích Tiễn dặn người yêu - Truyện thơ dân tộc Thái) (Bài 4, Ngữ văn 11, tập 1, Kết Nối Tri Thức) - Theki.vn
  2. Lời tiễn dặn (Trích Tiễn dặn người yêu) (Bài 1, Ngữ văn 11, tập 1, Cánh Diều) - Theki.vn
  3. Lời tiễn dặn (trích Tiễn dặn người yêu, truyện thơ dân tộc Thái) (Ngữ văn 11, tập 1, Chân trời sáng tạo) - Theki.vn
  4. Phân tích Lời tiễn dặn (Trích Tiễn dặn người yêu) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.