Phân tích đoạn trích: Thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa

phan-tich-doan-trich-than-em-chi-bang-than-con-bo-ngua

Phân tích đoạn trích “Thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa”

  • Mở bài

“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

(Nguyễn Du)

Đớn đau. Tủi khổ. Bất hạnh. Truân chuyên… Đó là thân phận nhỏ bé bấp bênh vô định của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến. Thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến là một chuỗi những bi kịch chua xót của nhiều cuộc đời, nhiều số phận lồng ghép thành những lời ca đau đáu, khắc khoải vọng vào thời gian như lời thở than ai oán. Đoạn trích “ thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa” trong tác phẩm “Xống chụ xon xao” của dân tộc Thái là một trong những bài ca mang niềm đau như thế, là những phút giây chua xót, lo sợ, bàng hoàng của một cô gái có trái tim nhân hậu, chân thành , khao khát thương yêu trước nỗi đau bị tước đoạt mối lương duyên do những bất công oan trái không lối thoát của cuộc đời gây ra.

  • Thân bài.

Những công việc vất vả thường nhật của cô gái và tấm chân tình thương yêu cô gửi gắm vào những giọt mồ hơi cực nhọc trong lao động ( từ: “ Mẹ cha ưng gả… thấy lạ sao!”)

“Mẹ cha ưng gả khi em còn trên nương
Khi em đang ngoài ruộng”

Hai câu thơ mở đầu của câu chuyện như một điềm báo trước cho một chuỗi những đớn đau trực chờ cô phía trước. Đó cũng là lời chua xót, đắng cay, bất lực của chàng trai trước số phân éo le của người thương trong hoàn cảnh thực tại khi anh biết chuyện thì mọi việc đã là “ chuyện đã rồi..” không còn có thể cứu vãn được:

“Chiều tới, mặt trời rụng
Mặt trời rơi xuống thấp
Mặt trời sát mặt phai
Mặt trời qua sàn ngoài người thương
Mặt trời quấn ngọn dang sắp lặn
Mặt trời quấn ngọn tre, ngọn bương sắp tắt
Mặt trời lặn, mặt trời không gọi
Mặt trời đi, mặt trời không chờ
Mặt trời khuất mây mờ sập tối”

Không gian mở ra cùng thời gian, thời gian hiện hữu qua hình ảnh mặt trời. Ở đây là cảnh của buổi chiều tà khi mặt trời đứng bóng, ánh sáng ban ngày dần tắt để màn đêm bao phủ và ngự trị.
Điệp cấu trúc “ mặt trời…” làm cho nhịp thơ nhanh, gấp gáp, thể hiện sự biến đổi nhanh chóng của thời gian, chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi như chớp nhoáng, nhưng từng trạng thái của mặt trời lại thể hiện tâm trạng, mang nặng nỗi lòng, ở đây có lẽ cảm xúc của chàng trai, người kể lại câu chuyện đớn đau này, hoặc cũng có thể là tâm trạng của cô gái, hiện lên qua cảm nhận và sự thấu hiểu của chàng trai.

Mặt trời “ rơi” “ rụng”, những trạng thái lỏng lẻo vô định, đầy bất trắc và cũng thật chơi vơi, có lẽ tâm trạng ở đây là những đau đớn tiếp nối của hai câu thơ trước những bấp bênh của số phận mà con người không thể chống lại. Đó cũng là một điềm báo mơ hồ cho những biến cố đầy thương tâm sắp xảy đến với số phận con người.

Mặt trời “ quấn” – “Mặt trời qua”: Sự dùng dằng tiếc nuối như níu kéo, trì hoãn quy luật vận động của thời gian. Ở đây câu thơ dài ra, số chữ tăng lên, tuy nhiên nhịp thơ vẫn không đổi, chính điều này làm cho cảm giác trì trệ, dùng dằng nìu kéo trở nên rõ ràng, đậm nét hơn.

Mặt trời lặn, mặt trời không gọi
Mặt trời đi, mặt trời không chờ

Phép đối tương ngỗ, hai câu thơ sóng đôi, “ lặn” đối với “đi”, “không gọi” đối với “ không chờ” đã tạo ra một chỉnh thể thống nhất và toàn diện, như một quy luật bất biến và cứng cỏi của thời gian: Rồi mặt trời cũng lặn!

Ở đây Điệp ngữ vẫn tiếp tục được sử dụng, luyến nhấn hình ảnh mặt trời lặn, thật đột ngột và cũng thật chênh vênh.Đây là hình ảnh thật của tự nhiên, khác hẳn với những tâm trạng ở những câu thơ trên , vốn là tâm trạng của con người gán vào tự nhiên. Hình ảnh mặt trời ở câu thơ này hiện ra vừa thực vừa ảo, vừa khách quan lại vừa thật chủ quan, nhưng dù theo cách nhìn nào thì mặt trời vẫn phải tuân theo quy luật mọc-lặn tuần hoàn bất biến của thiên nhiên. Dù dùng dằng níu kéo cũng không thể thoát khỏi những quy luật bất biến ấy. Qua hình ảnh mặt trời, ta như mường tượng ra thân phận của người con gái bé nhỏ đang đi dưới bóng mặt trời, có những quy luật, những luật lệ hà khắc vô lý phá hoại hạnh phúc và cuộc đời cô, nhưng cô vẫn phải tuân theo mà không thể phản kháng.

Cuối cùng mặt trời cũng lặn và màn đêm ập đến thống trị: “Mặt trời khuất mây mờ sập tối”. “Sập” là một động từ mạnh, nhanh, thể hiện sự ập tới bất chợt, đột ngột và mạnh bạo. Cụm từ “ sập tối” chỉ vỏn vẹn có hai tiếng ngắn gọn nhưng lại thể hiện đầy đủ và hoàn chỉnh sự biến chuyển của thời gian và không gian. Cách thể hiện thời gian này khác hẳn với cách thể hiện chi tiết cụ thể ở trên, nó chỉ vẻn vẹn hai tiếng thơ ngắn gọn nằm ở cuối dòng thơ. Nhưng sự ngắn gọn ấy không làm màn đêm yếm thế, lép vế so với mặt trời, ở đây màn đêm như một chiếc lồng khổng lồ đen kịt, như một cạm bẫy bí hiểm, đầy uy quyền và sức mạnh, chụp xuống đột ngột và bất ngờ, nhanh chóng bao phủ, ngự trị. Bóng đêm chìm xuống không gian hay bóng đêm đang dần len lỏi vào số phận của người con gái đáng thương kia?

“Em tuốt dao chặt củi
Chặt củi, chặt củi dâu
Sắp củi, sắp cho bõ gánh
Kiếm củi, kiếm hai bó
Kiếm củi, kiếm ba bó
Một bó để mẹ yêu ninh xôi
Một bó cho mẹ yêu nấu rượu
Một bó dành nhen lửa sàn hoa
Lửa sàn hoa để bạn trai xa hơ áo
Em chẻ đóm chờ mồi thuốc anh yêu”.

Mặt trời lặn, màn đêm về, không gian ngơi nghỉ trong tĩnh lặng. Đối lập với không gian là sự chăm chỉ cần cù của cô gái, khi vẫn miệt mài chặt củi, tìm củi trong bóng tối:

Điệp ngữ liên hoàn: “chặt củi, chặt củi.. Kiếm củi, kiếm…” làm cho nhịp thơ nhanh và dứt khoát, thể hiện động tác lao động nhanh nhẹn, mau lẹ, thoăn thoắt của cô gái. Hình ảnh từng bó cúi hiện ra, “hai bó” rồi “ ba bó” chính là những thành quả cứ dần tăng lên theo thời gian, thể hiện sự liên tục, đều đặn trong lao động của cô gái, dường như không hề có sự ngơi nghỉ.

Điệp khúc: “Một bó…” miêu tả hình ảnh cô gái lao động trong niềm say mê với tấm lòng nhân hậu bao là gửi gắm vào từng bó củi. Cô vừa làm vừa nghĩ đến ích lợi mà những bó củi mình kiếm được mang lại, nghĩ về niềm vui mà người thân sẽ nhận được qua từng bó củi cô tìm kiếm, góp nhặt. Đó điệp khúc của tình thương hiền hòa nhân hậu, là tấm chân tình của một người con gái thảo hiền, chung tình mà mỗi lần “ Một bó…” vang lên là một hình ảnh thật ấm áp và đáng yêu hiện ra từ những bó củi.

Hai đối tượng mà cô gái nhớ tới khi làm việc và tình cảm cô dành cho họ: mẹ yêu – anh yêu. Cánh gọi tên thể hiện tình cảm chân thành của cô gái. Cách sắp xếp thứ tự của hai đối tượng Mẹ trước người yêu thể hiện tấm lòng hiếu thảo của cô gái. Nhưng số câu thơ viết dành cho người yêu lại gấp đôi dành cho mẹ ( 4 – 2), ở đây tâm trạng của cô gái đã được thể hiện rất tự nhiên và chân thực, diễn biến tâm lý hợp lý phù hợp. Lòng hiếu thuận của cô gái vẫn tha thiết, đáng quý. Nhưng tình yêu cô dành cho người thương còn mãnh liệt và dạt dào, cháy bỏng và nồng nàn hơn cả! Hội tụ trong cô gái là sự vẹn toàn của tình cảm, giữa Hiếu và Tình. Nhưng sự vẹn toàn đó không thể hiện một cách máy móc, rập khuôn, mà được thể hiện bằng một cách rất “ Người” khi để tình yêu đôi lứa da diết, tha thiết, cháy bỏng hơn.

Em trở về em gọi:

-Về nhà thôi vía hỡi!
Về với cây sào dang vắt khăn
Về với cây sào lăn vắt áo
Về giã gạo hai cối bữa chiều
Về giã gạo thêm cơm bữa sáng
Về nằm đệm nẹp đen
Về nằm đệm nẹp đỏ
Về nằm bên mẹ hiền!
Vía anh yêu đừng nằm nơi gốc lau
Đừng ngủ sau gốc sậy
Hỡi vía anh yêu, về nhà theo nhau
Em khoác lẵng, em gánh củi
Vừa đeo rựa, vừa xách bầu
Về tới bản, thấy lạ sao!

Gọi vía là một quan niệm của người dân tộc Thái. Người Thái xưa cho rằng một người có năm mươi vía đằng trước, ba mươi vía đằng sau. Vía đằng sau thường hay bị lạc mất nên đi đâu người ta thường hay nhủ vía theo đó. Qua những lời gọi vía,nhiều công việc khác trong cuộc sống gián tiếp hiện lên: giặt giũ, giã gạo, bếp núc… dường như chưa một giây phút cô gái ngơi nghỉ hay quên đi trách nhiệm của mình, vừa mới hoàn tất việc này cô lại nghĩ ngay tới những công việc khác, dường như không ngơi nghỉ dù chỉ một chút.

Tình yêu thức dậy mạnh mẽ trong từng lời gọi vía, khi cô không chỉ gọi vía của mình, mà còn gọi vía người yêu:

“Vía anh yêu đừng nằm nơi gốc lau
Đừng ngủ sau gốc sậy
Hỡi vía anh yêu, về nhà theo nhau”

Hình ảnh thơ ở đây thật lãng mạn, ý vị, là những cảm xúc ngọt ngào của tình yêu sâu đậm, mãnh liệt, nồng nàn. Hai người đã yêu nhau thì vía hai người cũng tìm đến quấn quýt bên nhau. Ta bỗng nhớ đến một câu ca dao của miền đồng bằng Bắc Bộ:

“Ước gì anh hóa ra gương
Để cho em cứ ngày thường em soi”

Chuyến kiếm củi kết thúc khi cô gái về đến bản, bằng một câu cảm thán như dự cảm cho một điềm không may:

Vừa đeo rựa, vừa xách bầu
Về tới bản, thấy lạ sao!

  • Kết bài:

Tình yêu luôn trong trẻo và mãnh liệt như thế, dù là ở đâu, với ai, trong thời điểm nào. Anh hóa ra gương để em soi tâm hồn, tình cảm, trái tim vào trong anh, để hồn ta quyện chặt, giao hòa, đồng cảm, để tình yêu thăng hoa vững bền… “Thơ là ý toại ngôn ngoại”, dù là “ hỡi vía anh yêu về nhà theo mau” hay là “Ước gì anh hóa ra gương” thì có lẽ cũng chỉ là những cách nói khác nhau cho ước nguyện muôn thuở, cho tâm trạng miên man bất biến của những con người chìm đắm trong vị ngọt của tình yêu: Ước muốn đến được với nhau, gắn kết với nhau, giao hòa đồng cảm, vươn tới tình yêu bền vững bất diệt!

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.