phan-tich-cam-xuc-cua-nha-tho-truoc-mua-xuan-cua-thien-nhien

Phân tích cảm xúc của nhà thơ Nguyễn Du và Thanh Hải trước mùa xuân của thiên nhiên

Phân tích cảm xúc của nhà thơ Nguyễn Du và Thanh Hải trước mùa xuân của thiên nhiên

I. Mở bài:

Mùa xuân vốn là thi liệu, là đề tài, cảm hứng lớn của thi ca từ xưa đến nay. Không gian đất trời vào xuân với sắc màu lung lình của lá non, lộc biếc, bầu trời trong xanh thoáng đãng làm say mê biết bao thi sĩ. Nguyễn Du với đoan trích “Cảnh ngày xuân” (trích Truyện Kiều) và Thanh Hải với bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” đã có những rung cảm thật tinh tế trước mùa xuân của thiên nhiên vũ trụ. Hai tâm hồn của hai thời đại nhưng có chung một rung cảm.

II. Thân bài:

1. Cảm nhận cảm xúc của Nguyễn Du trước vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên mùa xuân trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân”:

– Với những hình ảnh được chọn lọc tinh tế, Nguyễn Du đã gợi lên những đặc trưng riêng của khung cảnh mùa xuân trong tiết Thanh Minh hiền hòa, đầm ấm, nét xuân tươi tắn, trong sáng và tràn đầy sức sống…

“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”.

– Hai câu thơ mở đầu với những hình ảnh gần gũi, giản dị như “con én”, “ thiều quang” đưa ta trở về với một mùa xuân truyền thống dân tộc, một nét xuân đã ăn sâu trong tiềm thức bao người.

– Thông qua bút pháp ẩn dụ tinh tế “ con én đưa thoi” nhà thơ đã thể hiện ngụ ý thời gian trôi qua rất nhanh, nay “đã ngoài sáu mươi”. Bằng cách biểu đạt thời gian tinh tế qua cái nhìn độc đáo ấy, bức tranh mùa xuân trở nên thi vị và ấn tượng hơn…

– Nguyễn Du đã rất tinh tế khi miêu tả mùa xuân qua những đường nét, hình ảnh và ánh sáng, ánh “thiều quang” làm cho bức tranh xuân thêm ấm áp, gợi lên khí trời mùa xuân tươi sáng, rộng lớn, mênh mông. Cái mênh mông, rộng lớn, bao la của trời đất ấy hài hòa cùng những đường nét, hình ảnh gần gũi giản dị của tự nhiên đã tổng hòa nên một bức tranh xuân thật tươi đẹp , trìu mến!

“Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

– Nhà thơ Nguyễn Du đã vận dụng tinh tế thủ pháp nghệ thuật đặc sắc trong thơ cổ “thi trung hữu họa”. Từng câu thơ đều chan chứa hình ảnh, từng hình ảnh đều hòa quyện vào trong thơ, tất cả làm nổi bật một mùa xuân thực sự hài hòa và tinh tế. Ta có thể cảm nhận như giọt xuân đang chảy trên đầu ngọn bút của thi nhân nên mới chân thực và tha thiết đến vậy…

– Vẻ đẹp của mùa xuân trong sáng, mới mẻ và tinh khôi đó đã được nhà thơ khắc họa qua những hình ảnh chấm phá độc đáo “cỏ non xanh” , “cành lê trắng”. Những hình ảnh ấy gợi tả nên một sắc xuân tràn đầy sức sống, một sắc xuân tươi trẻ, mới mẻ và sống động. Lấy cảm hứng từ hai câu thơ cổ Trung Quốc: “Phương thảo liên thiên bích  – Lê chi sổ điểm hoa”, Nguyễn Du chỉ thêm một chữ “trắng” cho cành lê mà bức tranh mùa xuân đã khác. Không gian như trở nên khoáng đạt, trong trẻo và nhẹ nhàng hơn, nhưng cảnh vật không vì thế mà tĩnh lặng trong khoảng không bao la, rộng lớn và khoáng đạt ấy, cảnh vật trong “Cảnh ngày xuân”- trong thơ Nguyễn Du bao giờ cũng có hồn và có sức sống riêng của nó.

– Với thủ pháp nghệ thuật đảo ngữ “ trắng điểm”, nhà thơ đã thể hiện “cái hồn” riêng của cảnh vật, cảnh vật được thể hiện qua câu chữ im lìm trên trang giấy nhưng lại tiềm ẩn sức sống riêng. Chính vì thế, vẻ đẹp của mùa xuân ở đây không hư ảo, trừu tượng mà thật chân thực và gần gũi.

– Đồng thời, Nguyễn Du còn vẽ lên bức tranh mùa xuân ấy bằng những gam màu, ngôn ngữ giàu chất tạo hình và biểu cảm cao. Với việc hòa phối giữa màu xanh của cỏ non “cỏ non xanh tận chân trời” với màu trắng của cành lê “ cành lên trắng điểm”, Nguyễn Du – một bậc thầy trong sử dụng ngôn ngữ đã khắc họa nên hình ảnh một mùa xuân với vẻ đẹp hoàn thiện và trọn vẹn. Một vẻ đẹp hài hòa từ hình ảnh đến màu sắc và cả “ tâm hồn”.

– Bằng việc tả cảnh sắc ngày xuân trong những câu thơ đầu tiên, nhà thơ đã gợi lên không khí rộng ràng, náo nức của đất trời và của lòng người đi du xuân. Qua đó, ta cũng cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, tâm hồn tinh tế, lãng mạn của thi nhân. Bởi chỉ có thể yêu tha thiết và rung động trước vẻ đẹp của tự nhiên mới là cho tâm hồn thi sĩ trở nên tinh tế và nhạy cảm đến thế!

– Nhà thơ Nguyễn Du đã khắc họa bức tranh mùa xuân với vẻ đẹp trong sáng, hài hòa, mới mẻ, tươi tắn, tinh khôi và tràn đầy sức sống. Với những bút pháp nghệ thuật đặc sắc, cách phối màu, dùng chữ, xây dựng hình ảnh, nhà thơ đã làm sống dậy trong tâm hồn người đọc một mùa xuân truyền thống của dân tộc.

2. Cảm nhận cảm xúc của nhà thơ Thanh Hải trước mùa xuân của thiên nhiên trong Màu xuân nho nhỏ:

–  Bức tranh mùa xuân thiên nhiên trong 6 câu thơ đầu được vẽ bằng vài nét phác hoạ nhưng rất đặc sắc:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

– Không gian cao rộng của bầu trời, rộng dài của dòng sông, màu sắc hài hòa của bông hoa tím biếc và dòng sông xanh – đặc trưng của xứ Huế.

– Rộn rã, tươi vui với âm thanh tiếng chim chiền chiện hót vang trời, tiếng chim trong ánh áng xuân lan toả khắp bầu trời như đọng thành “từng giọt long lanh rơi”.

– Cảm xúc của tác giả trước mùa xuân đất trời thể hiện qua cái nhìn trìu mến với cảnh vật, trong những lời bộc lộ trực tiếp như lời trò chuyện với thiên nhiên “ơi, hót chi… mà…”. Đặc biệt cảm xúc của nhà thơ được thể hiện trong một động tác trữ tình đón trân trọng vừa tha thiết trìu mến với mùa xuân: đưa tay hứng lấy từng giọt long lanh của tiếng chim chiền chiện.

“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”.

– Có thể hiểu câu thơ theo nhiều cách khác nhau. Trước hết, “giọt long lanh” là những giọt mưa mùa xuân, giọt sương mùa xuân, trong sáng, rơi xuống từng nhành cây, kẽ lá như những hạt ngọc.

– Ở đây, giọt long lanh cũng có thể được hiểu theo nghĩa ẩn dụng chuyển đổi cảm giác. Tiếng chim từ chỗ là âm thanh (cảm nhận bằng thính giác) chuyển thành từng giọt (hình và khối, cảm nhận bằng thị giác), từng giọt ấy lại long lanh ánh sáng và màu sắc, có thể cảm nhận bằng xúc giác “Tôi đưa tay tôi hứng”. Dù hiểu theo cách nào thì hai câu thơ vẫn thể hiện cảm xúc say sưa, ngây ngất của tác giả trước cảnh đất trời xứ Huế vào xuân, thể hiện mong muốn hoá vào thiên nhiên đất trời trong tâm tưởng giữa mùa đông giá lạnh khiến ta vô cùng khâm phục.

 – Thanh Hải bộc lộ niềm tự hào về một đất nước Việt Nam anh hùng và giàu đẹp. Đất nước mãi trường tồn, vĩnh cửu cùng vũ trụ, không bao giờ mất đi và không một thế lực nào ngăn cản được, nhất định đất nước cũng sẽ toả sáng như những vì sao trong hành trình đi đến tương lai rực rỡ, đi đến bến bờ hạnh phúc. Đó là chí quyết tâm, niềm tin sắt đá, niềm tự hào lạc quan của cả dân tộc. Ở câu thơ thứ hai, phụ từ “cứ” kết hợp với động từ “đi lên” thể hiện quyết tâm cao độ, hiên ngang tiến lên phía trước, vượt qua mọi khó khăn, cảm xúc của nhà thơ là cảm xúc lạc quan, tin tưởng, ngợi ca sức sống của quê hương đất nước, của dân tộc khi mùa xuân về.

3. So sánh:

– Nguyễn Du vận dụng bút pháp miêu tả chấm phá điểm xuyết, tả cảnh ngụ tình, tả ít gợi nhiều theo thi pháp cổ điển khi miêu tả bức tranh thiên nhiên mùa xuân hết sức độc đáo và hiệu quả, gợi lên nhiều suy tưởng ở người đọc. Thanh Hải vận dụng thủ pháp tả chân, ghi nhận trung thực cảnh vật, hình ảnh gần gũi, thân quen, dễ tiếp nhận.

– Không gian rộng lớn, mênh mông, thời gian ngưng đọng, sắc màu đơn sơ nhưng tạo được ấn tượng sâu sắc ở người đọc.

– Bức tranh mùa xuân trong Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải rộn rã âm thanh, ánh sáng rực rỡ, một biểu hiện của lý tưởng sống tươi mới, tràn đầy niềm tin tưởng vào cuộc đời.

III. Kết bài:

Dù cách nhau hai thời đại nhưng hai nhà thơ đã có những dòng tâm cảm đồng điệu trước vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên vũ trụ. Lắng đọng trong lời thơ, ta nhận rõ tình yêu cảnh sắc và cuộc sống thiết tha của người nghệ sĩ luôn khao khát dâng cho đời những gì tươi đẹp và tinh khôi nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang