phan-tich-canh-dam-ma-dam-dong-trong-doan-trich-hanh-phuc-mot-tang-gia

Phân tích cảnh đám ma, đám đông trong đoạn trích Hạnh phúc một tang gia (trích Số Đỏ củ Vũ Trọng Phụng)

Phân tích cảnh đám ma, đám đông trong đoạn trích “Hạnh phúc một tang gia”

  • Mở bài:

Vũ trọng Phụng là nhà văn hiện thực trào phúng xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX. Quãng đời sáng tác của Vũ Trọng Phụng rất ngắn ngủi nhưng sự nghiệp lại rất đồ sộ đặc sắc, đặc biệt là ông để lại những kiệt tác như tiểu thuyết “Số đỏ” 1936. Trong tiểu thuyết “Số đỏ” thì “Hạnh phúc của một tang gia” là chương nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng có dịp tung hoành nhất. Ông đã đưa vào trang sách hành trăm người đại diện cho cả cái xã hội thượng lưu để mà giễu nhại lật tẩy cái giả nhân giả nghĩa của xã hội nửa tây nửa ta trước cách mạng tháng Tám. Ấn tượng nhất trong nghệ thuật trào phúng là ở cảnh Vũ Trọng Phụng diễn tả đám tang đám đông.

  • Thân bài:

Cụ cố Tổ là một đại gia giàu có nên có viết chúc thư sẽ chia của cho con cháu khi chết. Đám con cháu đã tìm mọi cách làm cho cụ Tổ chết sớm để chia của, cuối cùng họ đã tìm ra được cách hay nhất đó là thuê Xuân Tóc Đỏ tố cáo ông Phán người cháu rể bị mọc sừng. Cụ Tổ vốn là đại biểu cho gia phong nề nếp nên khi nghe tin đó đã uất ức mà chết. Thay vì việc buồn đau vì một cây cổ thụ ngã xuống thì đám con cháu lại hả hê hạnh phúc. Cái loạn đó từ trong gia đình đã lan ra cả đám tang dẫn đến đám tang cũng nhốn nháo cũng đểu giả.

Trong gia đình thượng lưu này vừa có ta vừa có tây nhưng cụ cố Tổ là một con người của gia phong nề nếp, một con người luôn giữ truyền thống những giá trị văn hóa bao đời nay. Với một con người như thế đám tang diễn ra phải đúng với phong tục truyền thống phải trang trọng trang nghiêm. Nhưng sự thể lại không như truyền thống vốn có mà ngược lại hoàn toàn. Đám tam thì có heo quay đi lộng, một việc xưa nay hiếm.

Lối tổ chức đám tang lại vừa ta vừa tàu vừa tây láo nháo hỗn loạn. Làm rộn lên đám tang lại là cậu Tú Tân, cậu như là người chỉ huy của đám tang vậy đó cũng là điều khác lạ. Chi tiết nực cười nhất làm vỡ tung hình ảnh của một đám tang truyền thống đó là Xuân Tóc Đỏ cùng với một đoàn người khác chen ào vào trước đám tang. Thông thường đám tang thường diễn ra theo một trật tự rất có tổ chức nghiêm trang thì nay được chen ngang như một đám rước đó là chuyện nực cười không thể tưởng tượng nổi. Với một sự hỗn loạn như thế đám tang đã làm náo loạn tất cả những khu phố đi qua. Với một điệp từ “đám cứ đi” nhà văn còn gợi lên cho người đọc một đám tang rộng dài như một đám biểu tình, như một đám rước hội.

Được tổ chức pha tạp, đám tang có cả âm thanh thuộc về nghi thức tang lễ và âm thanh không thuộc nghi thức tang lễ song cảm giác chung là nhốn nháo, ầm ĩ. Âm thanh thuộc tang lễ đó là tiếng kèn pha tạp, lẫn lộn cả kèn ta, tàu và Tây; tiếng khóc “ Hứt!..Hứt!.. Hứt!.” của Phán mọc sừng- một thứ âm thanh lạ lùng sẽ khiến người khác bật cười vì ngạc nhiên. Thực chất đây là hành vi ngụy trang che đậy cho mục đích thực sự của ông. Âm thanh không thuộc tang lễ là tiếng cãi cọ, chê trách nhau của đám người trong nhà. Tiếng cái cọ này sẽ phơi bày những mâu thuẫn ngấm ngầm dù luôn được dàn xếp trong vẻ ngoài êm đẹp.

Một đám tang thật đông vui có đến ba trăm người nhưng ba trăm người đó có thái độn như thế nào trong đám tang. Ba trăm người là ba trăm tâm trạng vui. Nhà văn không đi miêu tả tâm trạng của từng người từng kẻ mà nhấn mạnh tâm trạng thái độ của ba hạng người: những người bạn của cụ cố Hồng đại diện cho phái truyền thống, những người bạn của cô Tuyết, bà Văn Minh đại diện cho phái tân tiến âu hóa, cậu Tú Tân, ông Phán, cụ cố Hồng đại diện cho tang gia. Hình ảnh thuộc nghi lễ thông thường là vòng hoa, câu đối và người đưa tang nhưng nó xuất hiện với số lượng khổng lồ và còn nhiều hơn cả mức cần thiết.

Những người bạn của cụ cố Hồng là những kẻ tai to mặt lớn, đáng lí họ phải làm gương cho con cháu, phải có một thái độ văn hóa nhất trang nghiêm nhất. Thì trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng lại cho họ xuất hiện hoàn toàn khác hẳn với điều lẽ ra họ nên có, họ đi đám tang là để khoe huân chương và khoe các bộ ria. Họ đi đám tang là để có dịp tâm sự về chuyện “vợ con gia đình, về cái tủ mới sắm cái áo mới may”. Tệ hại hơn hết là họ có thái độ đểu giả thiếu nghiêm túc trong việc dúi mắt vào làn da trắng thập thò của cô Tuyết mà quên đi phận sự của mình là đang tiễn đưa người quá cố đáng kính. Nó cho thấy sức ảnh hưởng và mối quan hệ rộng rãi của gia đình. Với những bộ y phục tang lễ tân thời do tiệm may Âu hóa thiết kế đã biến đám tang thành một cuộc trình diễn mốt để quảng cáo sản phẩm với mục đích kinh doanh.

Đó còn là tiếng trêu chọc, đùa cợt thô lỗ, tục tĩu của đám “giai thanh gái lịch”  càng bộc lộ rõ sự tồi tệ, vô liêm xỉ tầng lớp thượng lưu. Hình ảnh trong đám tang có hình ảnh thuộc nghi lễ và không liên quan đến tang lễ song đều tạo ấn tượng về sự phô trương đầy kệch cỡm.

Còn thái độ hành động của thân chủ tang gia thì sao? Vẫn là một tâm trạng vui sướng hạnh phúc thường trực trong mỗi thành viên. Khi cụ cố Tổ chết cả nhà đều mừng khi đám tang diễn ra cũng thế. Bà cụ Hồng thì “sung sướng reo lên” giữa đám tang khi Xuân Tóc Đỏ đưa đến hai vòng hoa chen ngang vào giữa đám tang. Cụ bà đã thốt lên “ấy, nếu thiếu cái ấy thì không được to may nhờ anh Xuân nghĩ hộ tôi”.

Trong khi đó cậu Tú Tân lại lăn xăn chụp ảnh như trong hội chợ. Cụ cố Hồng thì giả đò mếu máo cho hợp hoàn cảnh, còn ông cháu mọc sừng người được hưởng lợi nhất trong cái chết cụ cố Tổ thì dở một trò chó đểu nhất đó là dúi năm đồng gấp tư vào tay Xuân Tóc Đỏ để trả tiên công. Hành động này lại càng đểu giả hơn khi được bao che bởi tiếng khóc giả đò hức hức, đó là tiếng khóc đánh lạc hướng quan khách đánh lạc hướng đám đông nhưng không che được mắt Vũ Trọng Phụng.

Nghệ thuật trào phúng là bằng mọi cách để tạo ra tiếng cười, có khi là tiếng cười đau xót xót xa chua chát, có khi là tiếng cười sảng khoái để mà phê phán. Tiếng cười Vũ Trọng Phụng vừa có sự kết hợp giữa chua chát và sảng khoái vừa thiên về tiếng cười sảng khoái để làm bùng nổ nội dung tiếng cười phê phán. Ở chương mười lăm này Vũ Trọng Phụng đã dùng các thủ pháp trào phúng cơ bản đó là tạo ra mâu thuẫn đối lập giữa buồn và vui, giữa trang nghiêm và bát nháo và nghệ thuật trào phúng.

Qua việc phân tích cảm tượng đám đông đám tang ở trên tác giả đã làm lộ rõ các mâu thuẫn này: đám tang lẽ ra buồn đau ai oán thì cả gia đình đều vui, cả đám đông quan khách cũng đều một trạng thái ấy. Đám tang theo cái lí ở đời phải trang nghiêm, phải đạo trang nghiêm, ngược lại thì là một sự láo nháo hỗn loạn như hội chợ. Có lẽ người đọc nhớ nhất, ám ảnh nhất về nghệ thuật diễn tả đám tang này là nghệ thuật phóng đại. Ở trong đời, kể cả những người không tin thì lúc hạ huyệt một người thân cũng khó có thể sảy ra hành động như ông Phán mọc sừng. Tác giả đã phóng đại chi tiết này nhưng là sự phóng đại có logic có thể chấp nhận được. Giá trị sự phóng đại này rất to lớn nó làm bật tung lên sự trắng đen thật giả, sự giả nhân giả nghĩa của bọn con cháu, của bọn người tự xưng là văn minh. Đây là một thái độ rất có trách nhiệm với xã hội, nhà văn muốn cho xã hội thấy được một vẫn đề nghiêm trọng là những giá trị văn hóa cổ truyền đang bị đảo lộn, cơn lốc âu hóa đang làm mai một truyền thống, tha hóa con người.

  • Kết bài:

Vốn được mệnh danh là nhà văn hiện thực xuất sắc, trong các tác phẩm của mình Vũ Trọng Phụng luôn lôi ra những sự thật ở đời. Có khi miêu tả sự thật với một thái độ thương cảm đau xót, có khi dựng lên một sự thật để châm biếm mỉa mai để mà khinh bỉ căm ghét. Thái độ của Vũ Trọng Phụng trong chương “Hạnh phúc của một tang gia” nhất là trong việc miêu tả đám đông tang gia là một thái độ khinh bỉ căm ghét.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang