phan-tich-canh-ngay-xuan-truyen-kieu

Phân tích đoạn trích Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)

Phân tích đoạn trích “Cảnh ngày xuân”  (trích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du)

  • Mở bài:

Nguyễn Du là một nhà thơ, nhà nhân đạo lớn. Ông mang trong mình một tình yêu thương con người bao la, rộng lớn, biết đồng cảm xót xa trước những khổ đau bất hạnh của người khác. Nhất là đối với cuộc đời của những người phụ nữ tài hoa mà bất hạnh trong xã hội cũ. Truyện Kiều là kiệt tác của Nguyễn Du và của nền văn học Việt Nam từ xưa đến nay. Một trong những thành công đặc sắc của Truyện Kiều là nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, cảnh vật, con người vô cùng nên thơ, sống động, đa dạng, đạt đến bậc kinh điển, xưa nay hiếm có. Đoạn trích “Cảnh ngày xuân” là một đoạn thơ tiêu biểu cho tài năng hơn người ấy của thiên tài Nguyễn Du

  • Thân bài:

Sau khi giới thiệu gia cảnh và tài sắc chị em Thúy Kiều, Nguyễn Du trình bày bối cảnh Thúy Kiều gặp nấm mồ Đạm Tiên và gặp Kim Trọng. Đó là cảnh ngày xuân trong tiết Thanh minh, chị em Kiều đi chơi xuân. Cảnh sắc ngày xuân cứ hiện dần ra theo trình tự cuộc “bộ hành chơi xuân” của chị em Thúy Kiều. Toàn đoạn trích là một bức tranh mùa xuân nên thơ, tươi đẹp, tràn đầy sức sống mà qua đó Nguyễn Du đã âm thầm gởi gắm một quan niệm nhân sinh sâu sắc trước sự trôi chảy của thời gian, của kiếp người mong manh, ngắn ngủi:

Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

“Ngày xuân con én đưa thoi” là cách nói sáng tạo của Nguyễn Du để miêu tả mùa xuân trôi qua thật nhanh. Thật vậy, trong những ngày xuân, từng đàn chim én bay liệng giữa bầu trời cao rộng. Nhìn nó tác giả bỗng liên tưởng đến hình ảnh những chiếc thoi đưa thoăn thoắt giữa tấm lưới trời xanh thẳm, âm thầm lặng lẽ và đều đặn liên tục cũng như thời gian âm thầm lặng lẽ mà nối tiếp nhau trôi qua thật nhanh. Mới đó mà đã bước vào tháng thứ ba: “Thiều quang chín chục đã ngoài 60”, mùa xuân đã qua quá nửa, đang ở vào những ngày cuối.

“Thiều quang” là ánh sáng đẹp. Mùa xuân gồm có ba tháng tức là có chín mươi ngày. Chín mươi ngày xuân là chín mươi ngày ánh sáng đẹp đẽ bao trùm lên không gian cảnh vật. Ấy vậy mà, giờ đây đã qua đi chín mươi ngày, tiết trời đang bước vào đầu tháng ba. Tháng ba hãy còn là mùa xuân nên ta thấy không gian cảnh vật vẫn có gì đó tươi sáng, trào dâng đầy sức sống:

“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

Tiết tháng ba với những đợt mưa phùn khiến cho thiên nhiên, cây cỏ xanh tươi, tràn trào sức sống. Cỏ non xanh tươi mơn mởn, trải dài đến tận chân trời xa xôi vô tận. Không gian bao la, bát ngát, khoáng đạt đến vô cùng. Và trên nền trời trong xanh khoáng đạt ấy, đôi mắt thi nhân bất giác dừng lại trên những cành hoa lê đang bung nở những đóa hoa đầu mùa tinh khôi, trắng xóa.

Ở đây, khi miêu tả những cành hoa lê đang bung nở trong những ngày đầu xuân, tác giả chỉ dùng một từ “điểm”, là nhãn tự của câu thơ. Nó cho ta hình dung những cành hoa lê trong những ngày đầu xuân không nở đầy, nở rộ mà lưa thưa, rải rác. Đâu đó chỉ có một vài nụ hoa mới hé nở nhưng vẫn đủ gợi lên một sự sống đang hình thành sinh sôi nảy nở, và đó là dấu hiệu chứng tỏ mùa xuân vẫn còn đang ngự trị đất trời.

Hơi ấm mùa xuân, khí trời trong lành mát mẻ lan tỏa vào không gian cảnh vật làm cho hoa lá cỏ cây như được hấp thụ tinh khí của trời đất mà cựa mình sống dậy trào dâng sự sống. Cảnh đẹp một cách nên thơ, nhìn về đâu cũng thấy không khí mùa xuân thắm tươi, nồng nàn ấm áp. Bức tranh thiên nhiên không chỉ đẹp một cách nên thơ tràn đầy sức sống, thơm tho, tinh khiết mà còn có sự hài hào về màu sắc. Màu trắng của cành lê dường như nổi bật hơn giữa nền trời xanh biên biếc. Cái màu trắng tinh khiết ấy tuy chỉ là một mảng nhở bé nhưng lại là điểm nhấn của toàn cảnh, tập trung mọi sự chú ý, làm xao động lòng người.

Trong thơ cổ trung Quốc, có hai câu viết về vẻ đẹp mùa xuân, ý tứ rất gióng đoạn thơ của Nguyễn Du:

Phương thảo liên thiên bích
Lê chi sổ điểm hoa

(Cỏ non liền với trời xanh
Trên cành lê có mấy bông hoa).

Có thể thấy, cả hai đoạn thơ đều phác họa bức tranh mùa xuân tươi đẹp. Đối tượng phác họa thảm cỏ, cành lê, khung cảnh mùa xuân bằng bút pháp gợi và tả. Tuy nhiên, trong thơ cổ Trung Quốc, đối tượng một bức tranh xuân là phương thảo (cỏ thơm) ở đây chỉ nói đến mùi vị đặc trưng của sinh vật. Còn trong thơ Nguyễn Du, cũng là cỏ nhưng là cỏ non, vừa có mùi thơm, vừa thể hiện sự tươi mới và tràn đầy sức sống. Nét vẽ của “cỏ thơm” trong thơ cổ thể hiện sự cứng nhắc chắc rắn (cỏ nối liền với trời như một đường thẳng) còn với Nguyễn Du, cỏ non như một tấm thảm uốn lượn, gợn sóng, trải dài đến tận chân trời. Đó là nét vẽ mềm mại, uyển chuyển tinh tế.

Trong thơ cổ, số hoa lê ít ỏi, không lộ diện sắc trắng nên hoa lê dễ bị chìm đi trong sắc cỏ ngút ngàn, không nổi lên giữa không gian rộng lớn, lê yếu ớt như không thể đối chọi được với “cỏ thơm”. Với Nguyễn Du, nghệ thuật điểm nhãn (điểm trắng một vài bông hoa) thể hiện nét chấm phá sinh động, là điểm nhấn tỏa sáng nổi bật cảnh ngày xuân. Một vài bông lê với sắc trắng của nó cũng đủ để tạo nên một gam màu quyến rũ. Hai màu sắc xanh trắng hài hòa cân đối tạo nên bức tranh xuân tươi đẹp dạt dào sức sống, hội tụ cả xuân sắc, xuân hương và xuân tình. Đây là nét chấm phá mới mẻ thể hiện bản lĩnh hội họa của Nguyễn Du mà trong thơ cổ không thể nào có được.

Khung cảnh lễ hội mùa xuân rộn rã, tươi vui  tiếp tục hiện ra với hình ảnh rộn ràng của nam thanh nữ tú, xúng xang áo quần. Không khí mùa xuân tràn ngập khắp nơi nơi. Nhìn về đâu cũng thấy dòng người nao nức đi du xuân và tảo mộ:

Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạo thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

Tiết thanh minh diễn ra vào đầu tháng ba. Lúc khí trời trong lành mát mẻ, người ta rủ nhau đi tảo mộ, quét dọn sửa sang lại phần mộ của người thân để tỏ lòng thương nhớ hoặc cùng nhau đi chơi ngoài đồng nội, bàn chân giẫm lên cỏ xanh. Thế nên người ta gọi đó là “hội đạp thanh”. Từ khắp mọi nơi từng đoàn người đông vui nhộn nhịp, nao nức trẩy hội du xuân như đàn chim én, chim oanh bay lượn rộn ràng ríu rít. Không khí đông vui, tưng bừng nhộn nhịp khiến cho chị em nàng Kiều cũng nôn nao “sắm sửa bộ hành chơi xuân”.

Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

Từ láy “dập dìu” miêu tả hình ảnh người qua kẻ lại đông vui tấp nập. Trong đó nào chỉ có những kẻ phàm phu tục tử, thô lỗ ít học mà còn có biết bao những trang giai nhân tuyệt sắc, những bậc tài tử phong lưu, hào hoa, lịch lãm. Sự xuất hiện của những đôi trai tài gái sắc càng làm cho không khí ngày xuân thêm phần ý vị, đẹp đẽ, thanh tân. Không gian ấy gợi lên trong lòng người biết bao niềm nôn nao háo hức, những khát khao về hạnh phúc, tính yêu đôi lứa vì đối với những người trẻ ngày đó mùa xuân không chỉ là dịp để người ta du xuân ngoạn cảnh, giẫy cỏ thắp hương, viếng mộ người thân mà còn là cơ hội để những đôi trai tài gái sắc, nam thanh nữ tú gặp gỡ, đính ước, hò hẹn, trao duyên.

Một không khí mùa xuân ngập tràn phơi phới với những cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” ồn ào, tấp nập, đông vui, nhộn nhịp mang đậm dấu ấn của cuộc sống đủ đầy no ấm, giàu sang, lịch lãm của những ngày xuân nơi chốn hồn hoa đô hội. Chỉ trong sáu câu thơ tả cảnh, tác giả đã sử dụng rất nhiều những cặp từ sóng đôi, những động từ, tính từ miêu tả, những từ láy như: nô nức, dập dìu, yến anh, giai nhân, tài tử, v.v. Từ đó gợi lên một không khí mùa xuân ngập tràn, nên thơ, ý vị.

Đối với Nguyễn Du, màu xuân không chỉ là mùa của sự sống, mùa của cỏ cây hoa lá đâm chồi nảy lộc. Cái gì cũng xanh xao, mơn mởn, trong trắng, tinh khôi mà mùa xuân còn là mùa của tình yêu, của hạnh phúc lứa đôi. Nhìn về đâu, nhìn bất cứ cái gì người ta cũng thấy có đôi có bạn từ thiên nhiên cho đến cho người (yến anh, tài tử-giai nhân).

Cho nên trong không khí mùa xuân tươi vui ấy, ai mà chẳng thấy lòng mình non nao, “nô nức”. Không khí mùa xuân tràn ngập, đông vui, tưng bừng rộn rã gợi lên trong lòng người biết bao niềm lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống. Chỉ bằng mấy chữ mà Nguyễn Du đã làm sống lại trong ta một không khí mùa xuân lễ hội tươi vui, nhộn nhịp, căng tràn nhựa sống, làm ta ngây ngất đắm say trước hương xuân, hương tình nồng nàn phơi phới như giăng mắc, lan tỏa đâu đây.

Trong cái ngày xuân nên thơ dịu mát tràn đầy mùa xuân, tình yêu, sự sống ấy, cong người vẫn bắt gặp đâu đó những hình ảnh tương phản, một nỗi buồn, một sự chia ly, tang tóc:

Ngổn ngang gò đống kéo lên
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.

Từ láy “ngổn ngang” gợi lên hình ảnh những nấm mồ nằm bơ vơ, trơ trọi, rải rải đây đó khắp nơi làm cho không gian có gì đó lạnh lùng tê tái. Hình ảnh “Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay” gợi lên hình ảnh những người còn sống đang đốt giấy tiền vàng bạc để tỏ lòng thương tiếc cho người thân vừa nằm xuống, mong cho họ có cuộc sống tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia. Tuy âm dương cách trở nhưng trong tâm tưởng những người còn sống bao giờ cũng dành những tình cảm tốt đẹp, nhớ nhung, thương tiếc người đã khuất. Đó là một nét đẹp trong đời sống tâm linh, văn hóa của người Việt thuở xa xưa.

Cũng là cảnh ngày xuân mà sao hai hình ảnh quá tương phản, một bên thì đông vui, ồn ào, tấp nập, ngựa xe đưa đón, còn một bên thì tang tóc chia ly. Phải chăng xây dựng hai hình ảnh tương phản, đối lập đó Nguyễn Du như muốn nói với chúng ta rằng kiếp người ngắn ngủi, có đó rồi cũng mất đó, có hạnh phúc sung sướng mà cũng có khổ đau oan trái. Biết bao nỗi bi hoan, hợp tan cứ thay nhau đắp đổi chảy qua trước con mắt người phàm trần theo dòng đời năm tháng. Vậy thì hãy trân trọng những gì mình đang có, những hạnh phúc, những ngày vui hân hoan rạo rực vì trong cuộc sống không có gì là lâu bền, vĩnh cữu, hạnh phúc rất mong manh, ngày xuân rồi cũng sẽ qua đi.

Cuộc vui ngắn ngủi, ngày xuân mau tàn, chị em Thúy Kiều lần bước ra về khi trời đã xế chiều:

Tà tà bóng ngả về Tây
Chị em thơ thẩn dang tay ra về.
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.

Thật vậy, cũng là cảnh ngày xuân, cũng là từ láy, nào là “tà tà”, “thơ thẩn”, “thanh thanh”, và những động từ miêu tả “lần xem”, “bước dần”, nhưng không còn là cảnh xuân về đông vui nhộn nhịp mà không gian có gì đó trầm lắng, u buồn, mênh mang, vắng lặng. Và những từ láy ở đây đâu phải chỉ dùng để miêu tả cảnh vật mà cảnh vật dường như đã nhuốm màu tâm trạng. Cảnh vật gợi lên một chút bâng khuâng, luyến tiếc của con người khi hội xuân, ngày xuân đã trôi qua, hương xuân có chút gì đó đã tàn phai, con người đành từ giã hội vui để trở về với mái ấm gia đình:

Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Có thể thấy, cảnh dưới ngòi bút của Nguyễn Du, nó linh hoạt biến chuyển không ngừng. Lúc ồn ào, đông vui tấp nập. Lúc trầm lắng đìu hiu; lúc nôn nao háo hức, nhộn nhịp rộn ràng. Lúc luyến lưu bịn rịn, âm thầm lặng lẽ; lúc trời xanh biên biếc. Lúc bóng ngã chiều tà; lúc ngựa nhẹ như nước, lúc gò đống kéo lên. Chỉ mấy câu thơ mà cảnh vật thay nhau đắp đổi, cái này nối tiếp cái kia mà xoay chuyển cũng ví như một đời người không ngừng biến chuyển dời đổi.

Có người cho rằng toàn đoạn trích này chỉ đơn thuần là tả cảnh. Phải chăng, đó chỉ là tả cảnh thôi chăng hay trong cảnh đã chứa đựng tình người, một nỗi niềm luyến tiếc, một sự chiêm nghiệm về cuộc đời, về cái đẹp, hạnh phúc có gì đó mong manh, sớm lụi tàn.

Đoạn trích đã cho thấy một tài năng miêu tả bậc thầy của Nguyễn Du. Ngôn ngữ thơ sinh động, giàu chất tạo hình. Nó tái hiện lại một bức tranh mùa xuân, một không khí lễ hội nên thơ sống động. Bức tranh xuân chứa chan tình người, hương xuân ấm áp, gợi lên trong lòng người biết bao rung cảm, khát khao giao hòa cùng thiên nhiên cảnh vật. Để từ đó, con người muốn tận hưởng cuộc sống nên thơ tuyệt đẹp. Lồng trong đó còn là lời cảnh báo với tha nhân về một quy tắc khắc nghiệt muôn đời của cuộc sống: ngày xuân chóng tàn, tuổi trẻ qua mau, hãy trân trọng những gì tốt đẹp mình đang có, hãy tận hưởng cuộc sống vốn mong manh, ngắn ngủi, đừng để nó trôi qua một cách uổng phí.

Vẻ đẹp thiên nhiên mùa xuân và tình yêu cuộc sống thiết tha một lần nữa được nhà thơ Thanh Hải bày tỏ hết sức chân thành và cảm động trong bài thơ Màu xuân nho nhỏ:

“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”.

Bức tranh mùa xuân đồng quê hiện ra với một dòng sông xanh, bông hoa tím biếc. Không có cỏ xanh hay lúa non nhưng ta vẫn cảm nhận được một màu xanh bất tận trải đầy khắp mặt đất. Trên bầu trời cao, con chim chiền chiện say sưa hót bài ca ngợi ca cuộc sống. Con người say sưa tận hưởng vẻ đẹp bình dị của đất trời. Tất cả vẻ đẹp của đất trời và lòng người đọng lại trong một “giọt lòng lanh” đang rơi xuống. Phải chăng, đó là giọt mật thơm, là kết tinh của tình yêu cuộc sống và niềm khát khao dâng hiến mùa xuân cuộc đời cho mùa xuân đất nước mà tác giả hằng mong muốn?

“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”.

Lặng lẽ dâng cho đời “một mùa xuân nho nhỏ”, không phô trương, không hào nhoáng, khiêm nhường và dung dị. Mùa xuân nho nhỏ ấy chính là tinh thần chiến đấu bảo vệ đất nước trong chiến tranh, là sức lao động dựng xây tổ quốc trong thời bình, là hóa thân thành những gì tốt đẹp nhất tô thắm cuộc đời này.

  • Kết bài:

Đoạn trích “Cảnh ngày xuân” là bức tranh thiên nhiên lễ hội, mùa xuân tươi đẹp trong sáng, tươi xanh, thuần phác, là một trong những bức tranh thiên nhiên tươi đẹp nhất trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đoạn thơ đã thể hiện bút pháp tả cảnh giàu chất tạo hình, chuyển từ miêu tả sang tả cảnh ngụ tình trong nghệ thuật miêu tả và ngôn ngữ trong sáng giàu chất thơ của Nguyễn Du.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang