Phân tích đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt (trích vở kịch cùng tên của Lưu Quang Vũ) (dưới góc độ thi pháp)
Cái làm nên tính độc đáo và sức hấp dẫn đặc biệt của Hồn Trương Ba, da hàng thịt chính là quan niệm nghệ thuật về con người, một quan niệm sâu sắc, mới mẻ, hiện thực và nhân văn. Nhìn chung, trong thế giới nghệ thuật kịch của Lưu Quang Vũ, quan niệm nghệ thuật về con người của nhà viết kịch hiện đại Việt Nam tài danh bậc nhất này luôn đau đáu, trăn trở về vấn đề thân phận con người. Hiển nhiên, thân phận con người là vấn đề muôn thuở của văn chương và cả nghệ thuật, nhưng, trong nền văn học Việt Nam cho đến những năm 80 của thế kỷ XX thì quan niệm, triết luận, cái nhìn của Lưu Quang Vũ thực sự đã có những bước phát triển mới, những đột phá, khơi sâu.
Cái xuyên suốt tiêu biểu trong các sáng tác kịch của Lưu Quang Vũ nói chung và Hồn Trương Ba, da hàng thịt nói riêng chính là những day dứt, trăn trở cho cái quyền sống của con người: Sống thực chứ không giả tạo, sống không dối lừa và không bị dối lừa, sống không bị tước đoạt cái tôi chân chính, không bị mọi áp lực làm méo mó và tha hóa nhân cách. Nhưng hiện thực lại phũ phàng, và con người nhân văn trong kịch của ông chòi giẫy, quẫy đạp, chống cự và vượt thoát, như Hồn Trương Ba vậy.
Quan niệm nghệ thuật về con người như thế được thể hiện trong hình tượng nghệ thuật với những xung lực trái chiều thông qua câu chuyện tranh cãi giữa Hồn Trương Ba, da hàng thịt, cũng như cuộc đối thoại giữa Đế Thích và Hồn Trương Ba. Những xung đột và đối thoại này trong nghĩa đen của ngôn từ và ở cấp trực cảm là thế giới bề mặt, còn ở nghĩa bóng của ngôn từ và ở cấp ý niệm là thế giới bên trong. Thế giới bên trong là những vấn đề giữa lý trí, tâm hồn, nhân cách (Hồn Trương Ba) với những vấn đề nhu cầu trần tục của thể xác (xác hàng thịt), đồng thời là xung lực giữa tâm (Hồn Trương Ba) và thân (xác hàng thịt); là hành trình của tâm hồn và nhân cách, lương tri (Hồn Trương Ba) giữa áo cơm trần tục, phàm phu, tha hóa (xác hàng thịt). Vấn đề xung lực giữa Hồn Trương Ba với xác hàng thịt là vấn đề có tính chất nhân loại và muôn thuở của con người.
Vốn được xây dựng từ một cốt truyện dân gian, nhưng với cái nhìn mới, quan niệm mới, Lưu Quang Vũ đã thổi hồn vào nhân vật, nâng tầm tư tưởng của tác phẩm từ câu chuyện một lớp người thành chuyện của nhiều người, nhiều thời với sức phổ quát sâu rộng. Nhân vật được khai thác triệt để ở những xung lực giữa các mặt đối lập của tâm hồn và thể xác, nhân cách văn hóa với nhu cầu vật chất, giữa ước mơ và thực trạng. Do vậy, các lời thoại mang tính đa nghĩa, trong đó, nhiều khi mong muốn bức thiết của Hồn Trương Ba bắt gặp sự đồng điệu trong tâm sự của người đọc, chẳng hạn: “Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi! (nhìn chân tay, thân thể) Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc! Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỉ, để nó được tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát!”
Trong các lời thoại của xác hàng thịt cũng thường mang tính đa nghĩa, chẳng hạn lời nói sau đây phản ánh đúng sức mê hoặc, lôi kéo của thể xác đối với tinh thần: Tôi rất biết cách chiều chuộng linh hồn. Còn lời thoại này chỉ rõ thứ bệnh tinh thần khá phổ biến của con người, thứ bệnh sĩ diện của linh hồn, bệnh đổ lỗi cho thể xác, vin vào lý do hoàn cảnh để thoát tội, chạy tội: Những lúc ngồi một mình một bóng, ông cứ việc nghĩ rằng ông có một tâm hồn bên trong cao khiết, chẳng qua vì hoàn cảnh, vì để sống mà ông phải nhân nhượng tôi. Làm xong điều gì ông cứ việc đổ tội cho tôi, để ông được thanh thản.
Quan niệm nghệ thuật của Lưu Quang Vũ thể hiện rất rõ trong cuộc đấu tranh của Hồn Trương Ba không chỉ với xác hàng thịt mà với cả Đế Thích, để được mình là mình. Do vậy, khi Đế Thích bảo rằng Hồn Trương Ba phải sống, dù với bất cứ giá nào…, thì Hồn Trương Ba tranh biện và phủ nhận lập luận của Đế Thích, khẳng định quan niệm của mình: Không thể sống với bất cứ giá nào được, ông Đế Thích ạ! Có những cái giá quá đắt, không thể trả được… Lạ thật, từ lúc tôi có đủ can đảm đi đến quyết định này, tôi bỗng cảm thấy mình lại là Trương Ba thật, tâm hồn tôi trở lại thanh thản, trong sáng như xưa…
Thế giới bên trong của tác phẩm còn thể hiện ở sự đau khổ, sự giằng xé bên trong khi phải chịu nghịch cảnh; ở nghị lực, sức mạnh tinh thần quyết đấu tranh để vượt thoát khỏi nghịch cảnh, cho dù không còn gì nữa, không được đầu thai lại nữa của Hồn Trương Ba. Đó cũng là ý thức về lương tri, đạo lý thà chết trong còn hơn sống đục của con người.
Nhìn một cách toàn diện kết cấu của vở kịch, thế giới bên trong được tác giả triển khai ở nhiều bình diện hướng tới chủ đề thống nhất, tiêu biểu như mối quan hệ của nhân vật Hồn Trương Ba với các nhân vật khác và ý nghĩa của những mối quan hệ đó. Ngoài mối quan hệ với xác hàng thịt, với Đế Thích, Hồn Trương Ba còn được đặt trong mối quan hệ với cháu gái, với vợ của mình... Trong từng mối quan hệ, tác giả vở kịch triển khai một quan niệm, một triết lý sống cụ thể ở những bình diện giàu ý nghĩa: Với vợ là sự bổ sung cho tính đúng đắn trong quan niệm, triết lý sống của Hồn Trương Ba và cũng là của nhân loại tiến bộ; với cháu nội là sự tiếp diễn và phát triển đạo đức, tình cảm, cùng các giá trị tốt đẹp của con người ở nhiều thế hệ. Mặt khác, bên cạnh những mối quan hệ với con người, với thần thánh, Hồn Trương Ba còn được nhìn trong mối quan hệ với hoạt động của mình là công việc làm vườn, việc đánh cờ…; với sự vật là mảnh vườn. Những mối quan hệ này bổ sung ý nghĩa cho giá trị nhân cách, đạo đức và tâm hồn của Hồn Trương Ba, đồng thời làm cho câu chuyện của Hồn Trương Ba thành câu chuyện có giá trị phổ quát mang tính nhân loại ở nhiều bình diện.
Để câu chuyện tranh biện giữa Hồn Trương Ba và xác hàng thịt vượt qua ranh giới của cá thể và trực cảm, xuyên qua đường biên về không gian và thời gian, Lưu Quang Vũ đã sáng tạo nên một thế giới phong phú, đa dạng nhưng luôn toàn vẹn và thống nhất. Trong đó cảnh đời thường phàm trần xen lẫn cảnh thần thánh. Không chỉ bản thân trương Ba nảy sinh mâu thuẫn giữa bên trong và bên ngoài mà ở đó còn là cuộc đấu tranh giữa các nhân vật trần thế và thượng giới, giữa thể xác và linh hồn đối thoại, chất vấn, tranh biện lẫn nhau. Qua những cuộc đối thoại ấy, cái nhìn và quan niệm của tác giả về đạo đức, vẽ lẽ sinh tồn, về quyền sống không chỉ được bàn đến qua những chi tiết thuộc bản chất vấn đề ở chiều sâu, mà còn mở rộng đường biên về ranh giới không gian và thời gian để trở thành những vấn đề mang tính nhân loại sâu sắc và vĩnh hằng.