Dựa vào cuộc đối thoại giữa nhân vật Hồn Trương Ba và nhân vật Đế Thích trong đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ (Ngữ văn 12, Tập hai, sđd, tr.148 – 152) để chứng minh rằng, tác giả đã gửi vào lớp kịch này nhiều vấn để mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng, triết lí và nhân văn sâu sắc.
* Gợi ý làm bài:
I. Đặt vấn đề
– Giới thiệu tác giả Lưu Quang Vũ và vị trí của vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt.
– Nhiều vấn đê có ý nghĩa tư tưởng, triết lí và nhân văn sâu sắc đã được tác giả gửi gắm vào cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba và Đế Thích.
II. Giải quyết vấn đề:
– Sau cuộc đối thoại với Xác hàng thịt và với những người thân, Hồn Trương Ba đã ý thức hết những hậu quả nặng nề, đau đớn của kiếp sống chắp vá “Hồn nọ, xác kia”:
+ Kiếp sống ấy đẩy con người vào tình trạng sống day dứt, tủi nhục, đau khổ và khiến linh Hồn bị tha hóa.
+ Kiếp sống chắp vá, giả dối còn khiến cho tất cả những người thân của Hồn Trương Ba đều phải gánh chịu nỗi đau khổ, bất hạnh ; đẩy gia đình ông vào nguy cơ tan nát.
– Hồn Trương Ba gọi Đế Thích xuống trần gian đòi trả lại xác cho anh hàng thịt. Ông không muốn tiếp tục cuộc sống vay mượn, chắp vá “hồn nọ xác kia” tủi nhục và đau đớn này nữa! Đế Thích khuyên Hồn Trương Ba hãy chấp nhận để được sống vì “dưới đất trên trời đều thế cả, nữa là ông” – đến Ngọc Hoàng cũng chẳng phải bao giờ cũng được là mình! Hồn Trương Ba kiên quyết chối từ: “Nếu ông không giúp tôi, tôi sẽ… tôi sẽ… nhảy xuống sông hay đâm một nhát dao vào cổ…”
– Đế Thích lại muốn duy trì sự sống cho Hồn Trương Ba bằng cách để ông nhập vào xác cu Tị nhưng Trương Ba đã nhìn thấy trước bao điều vô lí, bao nhiêu phiền hà rắc rối sẽ đến với mình, với gia đình mình. Và điều đáng sợ hơn là kiếp sống lẻ loi, lạc lõng trong thân xác một đứa trẻ, đáng ghét: “như một kẻ tham lam, một kẻ lí ra phải chết từ lâu mà vẫn cứ sống, cứ trẻ khỏe, cứ ngang nhiên hưởng thụ mọi lộc trời”.
– Hồn Trương Ba đã lựa chọn dứt khoát con đường của riêng mình: trả lại thân xác hàng thịt, đổi mạng sống của mình cho cu Tị. Ông không chấp nhận nhập vào bất kì thân xác nào nữa vì: “không thể sống bằng bất cứ giá nào được… sống thế này còn khổ hơn là cái chết”. Hồn Trương Ba không muốn những người thân của ông phải đau khổ. Ông muốn dùng chính cái chết của mình để cứu vãn đứa con trai đang sa chân vào con đường tội lỗi và giữ cho đứa cháu gái hình ảnh người ông nội mà nó yêu quý.
– Đoạn kết của vở kịch chứa đựng những bi kịch của hiện thực khắc nghiệt: con người đáng sống như Trương Ba lại phải chết; vợ Trương Ba phải một lần nữa trải qua nỗi đau mất chồng. Nhưng linh hồn của Trương Ba – người làm vườn nhân hậu, người đánh cờ thanh cao vẫn sống “trong ánh lửa nấu cơm… trong vườn cây…trong những điểu tốt lành của cuộc đời… trong mỗi trái cây…”.
– Bằng sự lựa chọn dũng cảm của mình, Trương Ba đã gìn giữ được những kỉ niệm tốt lành, đã giữ cho các thế hệ sau niềm tin vào con người, cuộc sống. Hình ảnh hai đứa trẻ gắn bó, yêu thương và hạt na cái Gái vùi vào đất cho cây xanh “nối nhau mà lớn khôn” như lời ông nội dạy chính là niềm hi vọng, niềm tin mãnh liệt cuả tác giả vào những “điều không thể mất” trên cõi đời này.
III. Kết thúc vấn đề:
– Cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba và Đế Thích chứa đựng nhiều vấn đề thiết yếu và cấp bách của cuộc sống hiện đại. Tác giả đã “trình bày” những vấn đề ấy bằng xung đột, mâu thuẫn chồng chất lên nhau: hồn và xác, con người và hoàn cảnh sống, lòng ham sống và ý thức về nỗi nhục của cuộc sống vay mượn.
– Lưu Quang Vũ đã gửi vào sự lựa chọn của Hồn Trương Ba những trăn trở, day dứt và cả niềm tin mãnh liệt về con người, cuộc đời…