phan-tich-li-tuong-nghe-thuat-cua-che-lan-vien-qua-bai-tho-tieng-hat-con-tau

Phân tích lí tưởng nghệ thuật của Chế Lan Viên qua bài thơ Tiếng hát con tàu

Phân tích lí tưởng nghệ thuật của Chế Lan Viên qua bài thơ “Tiếng hát con tàu”

  • Mở bài:

Sau Cách mạng tháng Tám, trong văn học, vấn đề lí tưởng của người nghệ sĩ vẫn được đặt ra một cách cấp thiết. Chỉ có điều, dưới ánh sáng của cách mạng, con đường mà người nghệ sĩ kiếm tìm đã trở nên sáng rõ hơn rất nhiều. Điều này được thể hiện rất rõ qua hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên.

  • Thân bài:

Bài thơ ra đời ngay trong cuộc vận động đi khai hoang Tây Bắc do Đảng phát động trong những năm 1958 – 1960. Tây Bắc là mảnh đất lịch sử, giàu tình nghĩa trong kháng chiến và nay đang trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Bài thơ được trích trong tập “Ánh sáng và phù sa” (1960) – một thành tựu xuất sắc của thơ hiện đại Việt Nam. Tập thơ đã thể hiện hành trình tư tưởng của người nghệ sĩ: từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui, từ chân trời một người đến chân trời mọi người. Bài thơ biểu hiện cho khát vọng và niềm vui của nhà thơ khi về với đất nước, nhân dân cũng là trở về với ngọn nguồn của sáng tạo nghệ thuật:

“Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng?
Bạn bè đi xa, anh giữ trời Hà Nội
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng

Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?
Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia” 

Hai khổ đầu của bài thơ như một sự trăn trở của nhân vật trữ tình trước những lời mời gọi lên đường. Điều này thể hiện qua hệ thống câu hỏi: “Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng?”, “Tàu gọi anh đi sao anh chửa ra đi?”; cùng những lời trách móc: “Bạn bè đi xa anh giữ trời Hà Nội”, “Đất nước mênh mông đời anh nhỏ hẹp”, “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép”, cuối cùng là lời ước hẹn “Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia”. Người đọc nhận thấy dường như nhân vật trữ tình đang tự phân đôi để đưa ra lời thuyết phục, giục giã, hối thúc chính mình từ bỏ thế giới cá nhân nhỏ hẹp chôn vùi hồn thơ để đến với miên đất xa xôi, rộng lớn cho sự sáng tạo.

Chín khổ tiếp theo thể hiện niềm hạnh phúc của tác giả khi được trở về với nhân dân và sống lại những kỉ niệm về nhân dân trong kháng chiến. Đầu tiên, tác giả miêu tả hình ảnh mảnh đất Tây Bắc:

“Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc
Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng
Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất
Nay rạt rào đã chín trái đầu xuân

Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường
Con đã đi nhưng con cần vượt nữa
Cho con về gặp lại mẹ yêu thương “

Trong quá khứ, đây là mảnh đất kháng chiến đau thương mà anh hùng với “mười năm máu rỏ” trên “xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng”. Đến hiện tại, nơi đây đang hồi sinh mạnh mẽ: “nay dạt dào đã chín trái đầu xuân”. Trong tương lai, mảnh đất này sẽ thành là ngọn lửa soi sáng truyền thống yêu nước, bất khuất của cả dân tộc nghìn năm sau. Đặc biệt, Tây Bắc đã trở thành ngọn nguồn sinh ra nghệ thuật qua suy nghĩ chân thành của tác giả:

“Cho con về gặp lại Mẹ yêu thương”.

Để rồi, nhà thơ đã có niềm hạnh phúc tràn ngập khi được về với nhân dân. Với thủ pháp so sánh với những hình ảnh thiên nhiên (nai về suối cũ, cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa) và so sánh với hình ảnh con người (trẻ thơ đói lòng gặp sữa, nôi ngừng gặp tay đưa) tác giả đã cho ta thấy Nhân dân là ngọn nguồn thiết yếu của sự sống, nuôi dưỡng, che chở, cưu mang, nâng đỡ nhân vật trữ tình:

“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa “

Rất nhiều kỉ niệm về nhân dân trong cuộc kháng chiến đã được tái hiện trong tâm trí của tác giả. Họ là những người giản dị, gian khó, không có tên cụ thể (người anh du kích, thằng em liên lạc, mế) nhưng hết sức anh hùng, dũng cảm thầm lặng hi sinh cho đất nước: người anh du kích đêm công đồn, thằng em liên lạc mười năm tròn chưa mất một phong thư. Họ còn là những con người đầy nghĩa tình:

“Con với mế không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi”

Gói lại tất cả những kỉ niệm về đất và người Tây Bắc, tác giả đã có những khái quát chân thành, thấm thía và đầy chất triết lí về quy luật của nghệ thuật và lí tưởng của người nghệ sĩ:

“Tây Bắc ơi! Người là mẹ của hồn thơ
Mười năm chiến tranh, vàng ta đau trong lửa
Nay trở về, ta lấy lại vàng ta”

Qua tác phẩm, người đọc thấy được một bước tiến quan trọng trong lí tưởng của người nghệ sĩ. Khác với giai đoạn trước 1945, trong dòng chảy của cách mạng nói riêng và cuộc sống nói chung, người nghệ sĩ chân chính đã biết tìm về bến đỗ của nhân dân, đất nước. Bởi đó chính là ngọn nguồn của sáng tạo nghệ thuật. Đến đây, ta thấy hành trình kiếm tìm lí tưởng và con đường của nghệ thuật chân chính đã có câu trả lời thỏa đáng và đầy ý nghĩa.

  • Kết bài:

Nếu Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng) và Hộ (Đời thừa – Nam Cao) còn băn khoăn và ôm hận trong bi kịch khi không thể tìm thấy lối đi đúng cho cả nghệ thuật lẫn cuộc đời mình thì người nghệ sĩ trong thơ Chế Lan Viên đã tìm ra lối thoát ấy nhờ cách mạng. Rõ ràng, nếu như Vũ Như Tô không thể giải quyết được mâu thuẫn giữa khát vọng nghệ thuật cao siêu và lợi ích thiết thực của nhân dân, nếu Hộ giằng xé trong bi kịch giữa khát vọng văn chương với gánh nặng cơm áo gạo tiền hàng ngày thì nhân vật trữ tình trong thơ Chế Lan Viên đã biết hòa giải mâu thuẫn ấy, bằng cách tìm nghệ thuật trong chính Nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm lợi ích của nghệ thuật. Con đường đó đi từ chân trời một người đến chân trời mọi người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang