phan-tich-nhan-vat-lao-hac

Phân tích nhân vật lão Hạc

Phân tích nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao.

  • Mở bài:

– Nam Cao ( 1915 – 1951) tên thật là Trần Hữu tri. Quê ở làng Đại Hoàng, huyện Lí Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông viết nhiều về đề tài nông thôn và để lại cho đời những truyện ngắn xuất sắc. Ông được đánh giá là bậc thầy của truyện ngắn Việt Nam.

– Một trong những tác phẩm thể hiện cái nhìn nhân đạo sâu sắc của Nam Cao là truyện ngắn Lão hạc, nhân vật chính là một lão nông dân nghèo khổ, thật thà, chất phác, yêu thương con hết lòng và giàu đức hi sinh.

  • Thân bài:

Lão Hạc là một người nông dân hiền lanh, thực thà, chất phác.

– Lão sống thầm lặng, chưa bao giờ làm phiền đến ai.

– Dù lúc đói kém hay bệnh tất, lão có gì ăn nấy.

– Với ông Giáo, lão hết sức kính trọng, chưa một lần nhờ vả. Duy nhất là lần lão gửi lại mảnh vườn và một ít tiền, phòng khi lão có chuyện gì, nhờ ông Giáo sẽ gửi lại cho con trai lão.

Lão hạc là một người cha hết lòng vì con.

– Vợ mất sớm, lão dồn tất cả tình yêu thương cho đứa con con trai duy nhất.

– Thấu hiểu nỗi đau đớn của con vì nghèo mà bị người ta phụ từ hôn.

– Lão luôn tự dằn vặt vì không giúp được con thoả nguyện, để con phẫn trí bỏ làng đi phu đồn điền cao su.

– Thà nhịn đói chứ lão không muốn ăn vào số tiền dành dụm cho con.

– Vì thương con mà lão đành phải bán con chó Vàng để khỏi tốn kém.

Lão Hạc là một lão nông nghèo khổ nhưng sống trong sạch và giàu lòng tự trọng.

– Sau trận ốm kéo dài, lão không còn được ai thuê mướn nên lâm vào cảnh túng đói.

– Lão kiếm được gì ăn nấy, không thích sự thương hại của người khác, không làm điều bậy bạ.

– Lão tin cậy ông giáo, nhờ ông giáo giữ hộ mảnh vườn và số tiền lão để dành cho con trai.

– Buộc phải bán con chó Vàng, lão ân hận mãi, cứ trách mình cư xử không đàng hoàng với nó.

– Lão tự nguyện chọn cái chết dữ dội  để giải thoát cuộc đời bất hạnh của mình.

* Bình luận.

– Trong sự bế tắc cùng cực của hoàn cảnh, người nông dân nghèo vẫn giữ được phẩm giá tốt đẹp. Điều này thể hiện thái độ trân trọng và cái nhìn nhân đạo của Nam Cao đối với những người nghèo khổ.

– Nam Cao đã lồng vào trong tác phẩm một triết lí nhân sinh: Con người chỉ xứng đáng với danh nghĩa con người khi biết đồng cảm, chia sẻ và nâng niu những điều đáng thương, đáng quý ở người khác.

– Nhân vật lão Hạc có ý nghĩa lên án xã hội đương thời thối nát, bất công, không cho những con người có nhân cách cao đẹp như lão hạc được sống.

  • Kết bài:

– Qua nhân vật lão Hạc, nhà văn Nam Cao đã giúp người đọc hiểu được nỗi khổ sở, bất hạnh của người nông dân nghèo dưới thời thực dân, phong kiến.

– Ông kín đáo ca ngợi vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn họ. Điều đó khẳng định cách nhìn nhận, đánh giá đúng đắn và tiến bộ của nhà văn.

– Hình ảnh lão Hạc nhắc nhở chúng ta hãy tôn trọng những con người nghèo khổ nhưng sống trong sạch.

Bài văn tham khảo 1:

Nam Cao, nhà văn hiện thực hàng đầu trước Cách mạng tháng Tám, để lại những tác phẩm vĩ đại cho dân tộc. Lão Hạc là minh chứng cho tài năng văn chương bất hủ của ông. Lão Hạc, một truyện ngắn đặc sắc về người nông dân Việt Nam trước Cách mạng. Lão Hạc, với cuộc sống đầy bi thương, là hình tượng của phẩm chất cao quý.

Lão Hạc trải qua một cuộc đời đau khổ, đầy bất hạnh. Góa vợ từ khi còn trẻ, lão nuôi con trong cảnh đói nghèo. Cuộc sống đầy thử thách khiến lão mất vợ, và sau đó, mất cả con. Nỗi đau vật chất hòa quyện với nỗi đau tinh thần của người cha.

Cuộc đời của lão Hạc chưa bao giờ nhẹ nhàng. Bất hạnh liên tiếp giáng xuống, từ đói nghèo đến mất con, rồi mất sức lực và thất nghiệp. Lão Hạc tìm kiếm giải thoát trong cái chết, để kết thúc mọi khổ đau.

Lão Hạc, sống với bất hạnh và kiệt sức, trở nên thất nghiệp và nghèo đến mức sống vật vờ với thức ăn dựa vào những thứ nhỏ nhặt như ốc, sung luộc. Cuộc sống cứ thế đẩy lão đến cái chết, tìm sự giải thoát cho mình.

Lão Hạc, mặc dù nghèo đói, nhưng lại giàu tình cảm. Tình yêu thương cha con đậm sâu, với lão, là nguồn động viên lớn. Nỗi thương nhớ về con làm đau lòng người đọc, nhưng cũng thấy ấm áp trong tình cảm cha con.

Tình thương của lão Hạc đặt vào việc giữ mảnh vườn cho con là không gì sánh kịp. Trước khi ra đi, lão dành cả tâm huyết để bảo vệ mảnh đất ấy, thậm chí tìm nơi nhờ cậy để gửi gắm nó. Sự hy sinh và tình cha nghĩa mẹ của lão đọng đậm trong trái tim người đọc.

Cuộc đời lão Hạc bi thương, nhưng lão vẫn giữ vững nhân phẩm. Ý thức về tự trọng không cho phép lão tiêu thụ mảnh vườn của người mẹ hay nhờ cậy vào sự giúp đỡ của người khác. Sự hiểu biết và nhân văn của lão thể hiện qua quyết định nhịn ăn để làm ma, để không làm gánh nặng cho xã hội. Một tấm lòng cao thượng và vị tha.

Dù sống trong môi trường xã hội đen tối, lão Hạc vẫn giữ được sự trong sạch và lương thiện. Lão không bán linh hồn mình cho tà ác, thậm chí chọn cái chết để bảo toàn phẩm hạnh và sự trong trắng trong tâm hồn. Một lối sống đáng trân trọng và tôn trọng con người.

Nam Cao, qua nhân vật lão Hạc, truyền đạt triết lí sống đẹp và khám phá tình yêu thương và tôn trọng con người.

Lão Hạc là biểu tượng sống động của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, đậm chất hiện thực và tình cảm. Nam Cao đã vẽ nên hình ảnh đẹp của người lao động nông thôn qua tác phẩm Lão Hạc, khiến tâm hồn và phẩm chất của họ trở nên rạng ngời.

Bài văn tham khảo 2:

Nam Cao là một nhà văn lớn của người nông dân Việt Nam, đặc biệt là người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945. Ông vẫn cảm nhận được những vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn của họ trước bờ vực của cái đói, cái nghèo. Truyện ngắn “Lão Hạc” của nhà văn là một tác phẩm như thế. Nhân vật chính của tác phẩm – nhân vật lão Hạc – dù có một hoàn cảnh bất hạnh, đau đớn nhưng lão vẫn giữ được tình yêu thương đối với những người thân yêu và đặc biệt là một lòng tự trọng cao cả. Qua nhân vật này, nhà văn đã thể hiện tư tưởng nhân đạo tiến bộ và sâu sắc.

Lão Hạc cũng như bao người nông dân Việt Nam khác phải đối mặt với cái nghèo, cái đói của cuộc sống cơ cực, tăm tối trước Cách mạng. Nhưng lão còn có những hoàn cảnh riêng vô cùng bất hạnh. Vợ lão chết sớm. Con trai lão phẫn chí vì nghèo không lấy được người mình yêu nên bỏ đi đồn điền cao su. Lão chỉ có con Vàng là kỷ vật của con để làm bạn. Vậy là cùng một lúc lão phải đối mặt với bao đau khổ: cái đói, sự cô đơn và tuổi già với ôm đau, bệnh tật. Rồi cuộc đời cực khổ, dồn lão đến mức hết đường sinh sống. Lão phải dứt ruột bán đi con chó Vàng mà lão yêu thương nhất. Lão bán con chó trong niềm khổ đau tột cùng: “Mặt co rúm lại, những nếp nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra, cái đầu ngoẹo về một bên, cái miệng móm mém mếu như con nít”, “lão hu hu khóc”,…

Ban đầu là “luôn mấy hôm lão chỉ ăn khoai”, “khoai cũng hết, lão chế tạo được món gì, ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy hay bữa trai, bữa ốc”. Rồi đến mức chẳng còn gì để ăn, để sống. Rồi điều gì đến sẽ phải đến. Không còn đường sinh sống, lão Hạc chỉ còn đường chết. Và đó là một cái chết thật đau đớn, thật tủi nhục: chết “nhờ” ăn bả chó tự tử…! Cái chết của lão dữ dội vô cùng: lão sùi bọt mép, lão co giật phải hai người đàn ông lực lưỡng đè lên… Cái chết ấy khiến người đọc liên tưởng đến cái chết của con chó Vàng để rồi rùng mình nhận ra rằng cái chết của lão đâu khác gì cái chết của một con chó.

Đói nghèo như thế, khổ đau như thế nhưng lão không vì vậy mà tha hóa về nhân phẩm. Binh Tư đã tưởng lão xin bả chó để ăn trộm. Ông giáo cũng nghi ngờ lão. Nhưng không, Lão Hạc vẫn giữ được vẹn nguyên tâm hồn dào dạt yêu thương đáng quý, đáng trọng của người nông dân và cả sự tự trọng cao đẹp của mình.

Lão yêu thương con rất mực. Văn học Việt Nam đã có những “Cha con nghĩa nặng” của Hồ Biểu Chánh, “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng,… ngợi ca tình phụ tử. Và trong đó cũng cần nhắc đến “Lão Hạc” của Nam Cao. Vì thương con, lão chấp nhận đối mặt với cô đơn, với tuổi già để con ra đi cho thỏa chí. Con đi rồi, lão dồn cả yêu thương vào con chó Vàng. Đừng nghĩ đơn giản rằng lão cưng chiều “cậu” Vàng vì đó là con chó khôn, chó đẹp. Điều quan trọng nhất khiến lão yêu quý con Vàng đến mức chia với nó từng cái ăn, cho nó ăn vào bát như người, rồi đến lúc nó chết lão quằn quại, đau đớn,… là bởi con chó là kỉ vật duy nhất mà con trai lão để lại. Nhìn con chó, lão tưởng như được thấy con mình.

Không chỉ vậy, lão thương con đến độ chấp nhận cái đói, rồi cả cái chết chứ không chịu bán đi mảnh vườn của con. Nếu lão bán mảnh vườn, ắt lão sẽ đủ ăn tiêu để vượt qua thời khốn khó. Nhưng lão lại lo khi con trai về không có đất sinh sống làm ăn. Vậy là lão đã nhận lấy cái chết rồi nhờ ông giáo giữ đất cho con. Chao ôi! Tình yêu thương con của lão thật cảm động biết mấy!

Yêu thương những người thân yêu ruột thịt, lão Hạc còn là một người sống đầy tự trọng trước cuộc đời nhiều cám dỗ và tội lỗi. Vào hoàn cảnh như lão, người ta đã có thể ăn trộm, ăn cắp hay thậm chí ăn bám vào người khác (như Binh Tư chẳng hạn, hay người đàn bà trong “Một bữa no” của Nam Cao…) nhưng lão Hạc thì không. Với sự giúp đỡ của ông giáo (mà cũng có gì đâu, đó chỉ là củ khoai, củ sắn) lão “từ chối gần như hách dịch” khiến ông giáo nhiều khi cũng chạnh lòng. Binh Tư ngỡ rằng lão xin bả để ăn trộm chó “lão cũng ra phết đấy chứ chẳng vừa đâu”. Đến lượt ông giáo cũng nghi ngờ: “con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư? cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn”. Nhưng cuối cùng tất cả đều ngỡ ngàng, sửng sốt trước cái chết đột ngột của lão. Hay còn cách khác: lão có thể bán quách mảnh vườn đi. Nhưng lão lại nghĩ rằng đó là mảnh vườn của con lão. Và lão đã thà chết chứ không ăn của con!

Lòng tự trọng của lão Hạc rực sáng nhất ngay khi thân xác lão đau đớn nhất. Lão đã chọn cái chết, một cái chết khốc liệt để tâm hồn mình được trong sạch, được trọn vẹn tình nghĩa với tất thảy mọi người – kể cả với con chó Vàng tội nghiệp. Nhưng còn một chi tiết khác cũng cảm động vô cùng. Lão đã tính toán để ngay cả khi chết đi rồi cũng không làm phiền đến mọi người: lão đã gửi ông giáo mấy chục đồng bạc, định khi mình nằm xuống thì nhờ ông giáo lo liệu ma chay khỏi làm phiền hàng xóm! Hỡi ôi lão Hạc!

Xây dựng nhân vật lão Hạc, Nam Cao đã sử dụng nghệ thuật khắc họa nhân vật tài tình. Điều đó được thể hiện trong đoạn văn miêu tả bộ dạng, cử chỉ của lão Hạc khi kể cho ông giáo chuyện lừa bán cậu Vàng, trong đoạn miêu tả sự vật vã đau đớn dữ dội của lão Hạc trước lúc chết. Ngôn ngữ nhà văn sử dụng trong tác phẩm sinh động, ấn tượng, giàu tính tạo hình và hết sức gợi cảm.

Qua nhân vật lão Hạc, nhà văn đã thể hiện tinh thần nhân đạo tiến bộ sâu sắc. Nam Cao đã đồng cảm đến tận cùng với cái nghèo, cái đói của người nông dân Việt Nam trong nạn đói 1945. Thời cuộc đã dồn họ đến đường cùng và lối thoát nhanh chóng nhất là cái chết nghiệt ngã. Nhưng trên hết, nhà văn đã biết nâng niu trân trọng vẻ đẹp tâm hồn cao khiết của người nông dân ngay cả khi họ bước vào đường cùng. Không chỉ giàu tình yêu thương, người nông dân còn sống đầy tự trọng. Trong cái đói, tự trọng là thứ gì đó xa xỉ vô cùng. Vì miếng ăn, người ta có thể tàn nhẫn, dã man, thậm chí mất hết nhân tính. Nhưng đáng trọng thay lão Hạc, lão không chỉ giữ được tình thương tươi mát mà còn giữ được lòng tự trọng vàng đá của mình.

Và chính nhờ vẻ đẹp tươi sáng ấy của lão Hạc mà Nam Cao đã chiêm nghiệm: “Cuộc đời chưa hẳn đáng buồn”. Chưa đáng buồn bởi còn có những con người cao quý như Lão Hạc. Viết câu văn ấy, nhà văn đã bày tỏ thái độ tin tưởng đối phẩm cách tốt đẹp của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng. Điều ấy đáng quý vô cùng bởi trước Cách mạng, người nông dân bị coi rẻ như cỏ rác, thậm chí có nhà văn còn nhận định người nông dân “như những con lợn không tư tưởng”. Và bởi thế, tư tưởng của Nam Cao đáng ca ngợi biết bao!

Nhân vật lão Hạc của nhà văn Nam Cao là một nhân vật có nhiều đặc điểm đáng quý, đáng trân trọng. Từ lão Hạc, người nông dân Việt Nam có quyền tự hào về tâm hồn và phẩm cách của mình. Dựng lên nhân vật này, nhà văn Nam Cao đã khẳng định một quan điểm giàu tính nhân đạo sâu sắc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang