Phân tích nhân vật người đàn bà trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.
- Mở bài:
Nguyễn Minh Châu viết “Chiếc thuyền ngoài xa” năm 1983 – khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi qua được 6 năm, đất nước trở lại với cuộc sống đời thường. Nhiều vấn đề của đời sống văn hóa nhân sinh mà trước đây do hoàn cảnh chiến tranh chưa được chú ý, nay được đặt ra. Tác phẩm nằm trong xu hướng nghệ thuật chung của văn học thời kỳ đổi mới: hướng nội, khai thác sâu sắc số phận cá nhân và thân phận con người đời thường. Đặc biệt là thân phận người phụ nữ trong cuộc đời đầy sóng gió. Hình ảnh nhân vật người đàn bà cam chịu, nhẫn nhịn trong tác phẩm không khỏi khiến ta ngậm ngùi.
- Thân bài:
Trong truyện ngắn, tác giả chỉ gọi nhân vật này là “người đàn bà”, một cách phiếm định. Tuy không có tên cụ thể, một con người vô danh như biết bao người đàn bà vùng biển khác. Nhưng số phận con người ấy lại được tác giả tập trung thể hiện, được người đọc quan tâm nhất trong truyện ngắn này.
Nguyễn Minh Châu đã chú ý khắc họa đậm nết nhân vật người đàn bà hết sức chân thực. Nhà văn đã không hề tô vẽ hay cường điệu hóa nhân vật này. Trong xóm chài heo hút, người đàn bà từ từ hiện ra với có vẻ ngoài xâu xí, thô kệch bởi “vốn là đứa con gái xấu lại rỗ mặt sau một bận lên đậu mùa”. Đối với phụ nữ ngoại hình là cái quý giá. Thế nhưng, người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn này đâu có được cái nhan sắc “trời phú”. Chị ta xấu xí, khuôn mặt lỗ rỗ. Càng khó nhìn hơn khi chị ta bước sang cái tuổi trạc ngoài 40. Người đàn bà ấy gợi ấn tượng về một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ.
Chị là một người đàn bà cam chịu, nhẫn nhục. Dù người chồng tàn bạo “trút cơn giận như lửa cháy” bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà. Lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két. Cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ, đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ”. Người đàn bà hàng chài đã không hề kêu một tiếng, không chống trả cũng không tìm cách chạy trốn. Lúc ban đầu, chứng kiến những cảnh như thế, nhiếp ảnh Phùng vô cùng kinh ngạc. Phùng không hiểu vì sao người đàn bà ấy không hề chống cự hoặc là bỏ chạy. Mãi đến sau này, anh mới hiểu ra mọi điều. Người đàn bà không hề cam chịu một cách vô lí, không hề nông nổi một cách ngờ nghệch. Thực ra chị ta là người rất sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời.
Người phụ nữ này có một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ nhưng biết chắt chiu những hạnh phúc đời thường. Sống cam chịu và kín đáo, hiểu sâu sắc lẽ đời nhưng chị không để lộ điều đó ra bên ngoài. Đây là người phụ nữ có ngoại hình xấu xí, thô kệch nhưng tâm hồn đẹp đẽ, thấp thoáng bóng dáng của những người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu đức hi sinh và lòng vị tha.
Chị là một người đàn bà giàu lòng tự trọng. Dù bị chống đánh đến thế mà chị không hề khóc. Và khi biết Phác và người khách lạ nhìn thấy hành động vũ phu của chồng chị lại cảm thấy đau đớn. Vừa đau đớn, vừa vô cùng xấu hổ và nhục nhã. Lòng tự trọng của người đàn bà, người vợ, người mẹ khiến chị tủi hổ vô cùng. Những giọt nước mắt đau đớn chứa đựng biết bao sự nhọc nhằn chỉ thực sự rơi khi thấy đứa con yêu của mình chứng kiến cảnh tượng mình bị chồng đánh, chỉ thực sự rơi khi có người khách lạ chứng kiến.
Điều luôn dày vò người đàn bà khốn khổ. Đó không phải là những đau đớn do đòn roi của người chồng vũ phu mà là sự nom nớp lo sợ con cái bị tổn thương. Nhưng rồi những đứa con vẫn biết sự thật khiến bà “vừa đau đớn, vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã”. Đứa con – cậu bé Phác vì yêu mẹ, thương mẹ mà thành căm ghét bố. Nó xông vào đánh bố để bảo vệ mẹ. Cuộc đời tàn bạo đã khiến nó sống đầy căm hận. Niềm tin trong trẻo trong tâm hồn nó đã bị rạn vỡ. Đấy chính là điều bà lo lắng nhưng vẫn không sao thoát khỏi được.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh con đông, mà cuộc sống trên mặt nước đầy nhọc nhằn bất trắc, nỗi lo cơm áo không lúc nào buông tha, liệu người đàn bà hàng chài có cách lựa chọn nào tốt hơn không? Đây là điều mà Phùng cũng như thẩm phán Đẩu không bao giờ nghĩ tới.
Cái nguyên do cho sự nhẫn nhục, cam chịu ấy với người đàn bà hàng chài chỉ đơn giản bởi trong cuộc sống mưu sinh đầy cam go, trên chiếc thuyền chiếc thuyền kiếm sống ngoài biển xa cần có một người đàn ông khỏe mạnh và biết nghề. Chỉ vì những đứa con của bà cần được sống và lớn lên: “Tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như cái sự thâm trầm trong việc hiểu thấu các lẽ đời hình như mụ chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bên ngoài”. Nếu nhìn từ góc độ đó thì sự cam chịu, nhẫn nhục của người mẹ thật đáng để chia sẻ cảm thông. Ẩn giấu trong người đàn bà ấy là bóng dáng của biết bao người phụ nữ Việt Nam – nhân hậu, bao dung giàu lòng vị tha và đức hi sinh. Khi được mời đến tào án để giải quyết việc gia đình chị rụt rè. Chị cố tìm một góc tường ở chốn công đường kia để ngồi. Đâu chỉ chị thấy sợ hãi khi đến một không gian lạ mà còn vì thấy xấu hổ, thấy ngượng ngập khi chuyện trong nhà giờ đem ra đến chốn đông người. lòng tự trọng không cho phép chị mạnh dạn hơn được.
Dù bị bạo hành đến mức cùng kiệt, thế nhưng người đàn bà lại sống rất sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời, hiểu chồng, thương con vô bờ bến, một người phụ nữ vị tha giàu đức hy sinh. Tại phiên tòa, khác với vẻ sợ sệt lúc ban đầu, điệu bộ, ngôn ngữ và lời giải bày của người đàn bà đã làm cho cả Đẩu và Phùng hết sức ngạc nhiên. Người đàn bà hàng chài kia không hề giản đơn như Đẩu và Phùng nghĩ. Từ đây, Phùng hiểu ra mọi lẽ. Thì ra, cái nghề chài lưới trên một chiếc thuyền vó bè lênh đênh không thể thiếu bàn tay và sức lực của người đàn ông. Người chồng dường như quyết định sự sinh tồn của cả nhà. Để duy trì sự tồn tại cho cả gia đình thì họ phải hợp sức lại mà làm quần quật để nuôi một đàn con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Tình cảnh của người đàn bà hàng chài kia cũng như của bao gia đình hàng chài khác, trừ phi chị nói “giá tôi đẻ ít đi hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rông hơn”.
Dường như, mọi lỗi lầm tạo nên nghịch cảnh này người đàn bà đều nhận về mình hết, coi nỗi khổ vận vào đời mình là lẽ đương nhiên. Nó giống như duyên trời đã định đoạt, không thể thoát khỏi. Chị chấp nhận thực tại phũ phàng như một quy luật. Bởi thế, chị không hề oán trách, không hề khóc than, chỉ một mình cam chịu, không muốn giải bày cùng ai. Chị sống cho con chứ không sống cho mình. Vì con mà không quản cực nhọc, đớn đau. Vì con mà không muốn cho chúng thấy mình bị bạo hành tàn nhẫn. Đó là một cách ứng xử rất nhân bản. Chính điều đó đã đã làm chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng thức nhận được nhiều điều. Thức nhận được, nỗi nhọc nhằn vất vả trong công việc làm ăn của cư dân vùng biển. Thức nhận được cuộc sống bấp bênh khiến họ phải chấp nhận không ít những nghịch cảnh, những ngang trái. Thức nhận được ở người phụ nữ ấy chứa đựng mẫu tính sâu xa như một bản năng: “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”. Những lời lẽ ấy của người đàn bà hàng chài được thốt lên từ một niềm tin đơn giản mà vững chắc vào cái thiên chức mà trời đã giao phó cho người đàn bà. Thức nhận được rằng, người đàn bà hàng chài kia rất biết tìm cho mình những niềm vui, hạnh phúc dẫu rất nhỏ nhoi trong cuộc sống đầy khó khăn.
Ở chị vững bền một niềm tin, một tình yêu và sự lạc quan vào cuộc sống. Hãy biết sống ngay khi cả cuộc đời không thể chịu được nữa. Nụ cười chợt ửng sáng lên trên khuôn mặt rỗ chằng chịt, chị nghĩ đến “trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận vui vẻ” và niềm vui “nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”. Hạnh phúc với người đàn bà hàng chài kia thật giản dị mà không kém phần sâu sắc. Thức nhận được nỗi đau, cũng như sự thâm trầm trong việc thấu hiểu các lẽ đời người đàn bà kia không bao giờ để lộ ra bên ngoài cả.
Thái độ cam chịu, nhẫn nhục của người đàn bà gợi cho người đọc một nỗi xót xa thương cảm nhưng cũng không khỏi băn khoăn suy nghĩ: ‘‘Phải chăng bà ta bị đòn nhiều nên đến mức quen rồi, không còn biết đau nữa. Hay là bà ta tăm tối dốt nát đến mức không còn chút ý thức về quyền sống của mình? Hoặc đó là một sự lựa chọn bất dĩ nhưng đã được suy tính kĩ lưỡng, sáng suốt?” Không chỉ bị hành hạ về mặt thể xác mà người đàn bà hàng chài ấy còn bị dày vò, đau đớn về tinh thần. Sự cam chịu của người đàn bà ấy cũng chính là sự cam chịu của biết bao người phụ nữ Việt Nam trong cảnh đời khác nghiệt. Ai cũng muốn có được hạnh phúc, được sống thỏa nguyện kiếp người. Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng suôn sẻ, đôi khi bất trắc ập đến khiến ta bất ngờ đứng trong nghịch cảnh mà không hay. Sống vì con, hi sinh vì con là lựa chọn bản năng của người phụ nữ.
Điều đó cũng phản ánh sâu sắc những bất công trong xã hội. Khi mà người đàn ông có quá nhiều quyền lực còn người phụ nữ lúc nào cũng yếu đuối, không được bảo vệ, chở che. Ít nhất là được xã hội thấu hiểu, đồng cảm và sẻ chia nỗi khổ đau mà họ bao ngày cam chịu. Phùng với tư cách là một người nghệ sĩ đã chứng kiến trọn vẹn nghịch cảnh của người đàn bà hàng chài. Anh đi từ sự ngỡ ngàng này đến sửng sốt khác trước việc mà Phùng chứng kiến. Anh phẫn nộ trước hành động vũ phu, tàn bạo của người chồng. Anh không khỏi ngạc nhiên trước thái độ nhẫn nhục, cam chịu của người vợ. Anh thấy băn khoăn trước những phản ứng trái chiều, khó hiểu của người đàn bà và cố đi tìm một câu trả lời. Thế rồi, Phùng đã từng bước nhận ra những gì mà người đàn bà phải đối mặt (thiên nhiên hung dữ đầy sự bất trắc, cuộc sống khó khăn với cả đàn con hàng chục đứa…). Anh đã hiểu ra vì sao người đàn bà lại chọn cách ứng xử như vậy.
Phùng đã thực hiện một sự thức ngộ đầy ý nghĩa và cảm phục trước sự hi sinh lớn lao của người đàn bà (sống tất cả là vì con, cho con). Những phẩm chất tốt đẹp của người đàn bà nghèo khổ có ngoại hình thô kệch được phát hiện một cách đầy đủ không phải bởi tâm hồn của người nghệ sĩ mà bởi tâm hồn của một người luôn khát vọng tìm kiếm và tôn vinh vẻ đẹp đích thực ẩn giấu trong con người. Đôi khi vẻ đẹp ấy giấu mình quá kĩ, cần có những sự cố mới có thể phát hiện ra được. Thái độ của Phùng đối với hoàn cảnh của người đàn bà cũng chính là thái độ, là mong muốn của biết bao người về một cuộc sống bình yên, được sống đúng nghĩa, được yêu thương và được khẳng định mình.
Kết thúc truyện ngắn, người đọc vẫn không biết người đàn bà hàng chài kia tên gì. Phải chăng là nhà văn đã sơ xuất? Không phải, đó chính là dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh kể rằng mỗi khi nắm thật kĩ bức ảnh mà mình chụp anh lại thấy người đàn bà hàng chài ấy bước ra từ bức ảnh “mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân rậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông….”. Nghĩa là người đàn bà ấy chỉ là một người trong đám đông của những con người lam lũ, nhọc nhằn, những con người lao khổ, đông đúc và vô danh.
- Kết bài:
Qua nhân vật người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu cũng khẳng định: sự lam lũ, vất vả, nhọc nhằn không làm mất đi ở người phụ nữ vùng biển nói riêng, người phụ nữ Việt Nam nói chung tấm lòng yêu thương, nhân hậu bao dung, vị tha. Và với người phụ nữ, gia đình hạnh phúc là gia đình trọn vẹn các thành viên cho dù đây đó vẫn có những tính cách chưa hoàn thiện.