Những chuyển biến mạnh mẽ của cái tôi trữ tình trong thơ Mới.
Cái tôi là đơn vị tồn tại của cái chủ quan, là hình thức tự ý thức của cái chủ quan. Trong thơ, cái tôi trữ tình là hình thức tự ý thức của tác phẩm trữ tình. Khái niệm cái tôi trữ tình do đó có khả năng khái quát được mối quan hệ giữa thơ và đời sống, bao quát được toàn bộ thế giới tinh thần của chủ thể. Theo nghĩa hẹp, cái tôi trữ tình là hình tượng cái tôi-cá nhân cụ thể, cái tôi – tác giả – tiểu sử với những nét rất riêng tư, là một loại nhân vật trữ tình đặc biệt khi tác giả miêu tả, kể chuyện, biểu hiện về chính mình. Theo nghĩa rộng, cái “tôi” trữ tình là nội dung, đối tượng, phẩm chất của trữ tình.
Quan điểm này hiểu cái tôi trữ tình như một khái niệm phổ quát của trữ tình, phân biệt trữ tình với các thể loại khác. Cái tôi trữ tình là chủ thể của hành trình sáng tạo thi ca, có vai trò quan trọng trong thơ với tư cách là trung tâm để bộc lộ lại tất cả suy nghĩ, tình cảm, thái độ được thể hiện bằng một giọng điệu riêng. Một cái tôi trữ tình phong phú tựa như viên nam châm luôn luôn có sức hút về phía mình sự giàu có của cuộc đời. Đặc điểm của cái tôi trữ tình phụ thuộc vào phong cách của mỗi nhà thơ, của các trào lưu, khuynh hướng. Chính vì vậy, mỗi thời đại có một kiểu cái tôi trữ tình đóng vai trò chủ đạo.
Một trong những thành tựu quan trọng nhất của thơ Mới 1932-1945 là việc sáng tạo hình tượng cái tôi trữ tình cá nhân, đại diện và người phát ngôn đầy đủ ý thức cá nhân và con người cá nhân, cá thể của thời đại. “Ngày thứ nhất, ai biết đích ngày nào- chữ tôi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, nó thực bỡ ngỡ. Nó như lạc loài nơi đất khách. Bởi nó mang theo một quan niệm chưa tưng thấy ở xứ sở này: quan niệm cá nhân” (Hoài Thanh). Các nhà thơ cổ điển luôn vươn tới sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, con người với xã hội. Họ chưa có nhu cầu bức bách phải bộc lộ mình như một cá thể tách khỏi xã hội.
Ở các nhà thơ Mới lãng mạn, cái bình yên thời trước, cái cốt cách hiên ngang xây dựng trên sự cân bằng, hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng không còn nữa. Thi nhân dường như đã mất hết cái cốt cách hiên ngang của cha ông ta thủa trước. Chữ ta với họ rộng quá. Tâm hồn họ chỉ vừa thu nhỏ trong khuôn khổ của chữ tôi. Cái tôi thơ Mới tự ý thức về mình như một thế giới phức tạp và đầy phong phú, đánh dấu giai đoạn phát triển của ý thức xã hội và ý thức nghệ thuật. Nó thức tỉnh sau hàng nghìn năm bị bức tử. Nó không chấp nhận cuộc sống mờ nhạt mà đòi hỏi được khẳng định mình trong thế giới, muốn cái tôi của mình phải được khẳng định chói lọi:
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”.
Nó đề cao trạng thái và địa vị cái tôi của mình. Nó tự tin, chủ động, dõng dạc tuyên bố:
“Ta là Một là Riêng là Thứ nhất
Không có chi bạn bè nổi cùng ta”.
Khi ý thức cá nhân phát triển sẽ đồng thời là cá nhân tự khẳng định. Nó không bằng lòng với cuộc sống buồn tẻ, mờ nhạt, vô danh, vô nghĩa trong cái ao đời phẳng lặng. Nó khát khao được xưng danh và biểu hiện mình một cách trực tiếp: “Ta là con chim đến từ núi lạ ngứa cổ hót chơi”, “Ta như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi”, “Lòng ta những hàng thành quách cũ”.
Cá tính được đề cao, giải phóng sẽ giúp con người giải phóng cảm giác, trí tưởng tượng để hướng tới trình bày một đời sống tâm hồn như một đối tượng phức tạp nhưng hết sức chân thực. Sự chân thực của cảm xúc bao giờ cũng nhận được những đồng vọng lớn lao, (nó không cần khói sóng trên sông gợi nỗi nhớ nhà, không cần bóng chiều thắm hay vàng, vẫn có thể diễn tả thành thực cảm xúc, rung động trong cõi riêng tư). Và từ đó, cái tôi cá thể là trung tâm của cảm hứng giãi bày, thổ lộ, tự biểu hiện mình một cách trực tiếp bằng trạng thái thể chất, giao hòa nhuần nhụy giữa con người với ngoại vật.
Cái tôi cá nhân thơ Mới thành thực bộc lộ tất cả các trạng thái cung bậc cảm xúc trong tâm hồn của mình: thiết tha, say đắm, mộng mơ, não nùng, tuyệt vọng, réo rắt, xót xa, tuyệt vọng, mơ hồ, ảo não… Nội dung tâm lí trở thành đối tượng thẩm mĩ của thơ Mới, cung bậc cảm xúc trở thành nhạc thơ. Cá tôi mang đến khát vọng được phô bày nhịp điệu bên trong của đời sống tâm hồn.
Cái tôi thơ Mới giai đoạn đầu xuất hiện, say sưa, mê đắm với chân trời mới lạ. Cuộc sống như một chiếc áo mới với sắc màu rực rỡ, tươi trẻ, tinh khôi. Các nhà thơ Mới mở lòng ra đón nhận mọi hương sắc của cuộc đời. Nó thấy ý nghĩa tồn tại của mình trong những cảm giác về thế giới. Vì vậy, nó cảm nhận ánh sáng, màu sắc, âm thanh, hương vị, trạng thái, cảm xúc nhiều khi chính xác và tinh tế đến mức hoàn mĩ. “Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”, “Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay”, “Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn”…
Thế giới của cái tôi có hai mặt. Nếu khẳng định cá tính sẽ đem đến những giá trị thẩm mĩ mới, những góc độ nhận thức mới. Nhưng khi cá tính bị đẩy lên đến mức tuyệt đối, ngay lập tức cái tôi sẽ lâm vào trạng thái cô đơn. Không tìm thấy điểm tựa, không có lối thoát, cái tôi đó ngày càng cô đơn, tuyệt vọng, bế tắc. “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh” (Hoài Thanh). Ngay từ thời kì đầu, thơ Thế Lữ đã buồn cái buồn mênh mông, xa vắng… Đến Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu cái buồn đã trở nên thấm thía. Thấp thoáng trong thơ một buổi nắng hè vắng lặng, nghe vọng lại một tiếng gà trưa rượi buồn:
“Mỗi lần nắng mới hắt bên sông
Xao xác gà trưa gáy não nùng”
“Tiếng gà gáy buồn nghe như máu ứa
Chết không gian khô héo cả hồn cao”
Có nỗi buồn ảo não, da diết, viên miễn trong “Lửa thiêng” của Huy Cận. “Huy Cận đi lượn lặt những chút buồn rơi rác để rồi sáng tạo nên những vần thơ ảo não… Người đã nói cùng ta nỗi buồn nơi quán chật đèo cao, nỗi buồn của sông dài trời rộng, nỗi buồn của người lữ thứ dừng ngựa trên non, nỗi buồn đêm mưa, nỗi buồn nhớ bạn… Người đã khơi lại cái mạch sầu mấy nghìn năm vẫn ngấm ngầm trong cõi đất này” (Hoài Thanh).
Cái tôi thơ Mới càng ở giai đoạn sau càng tự tách mình, đẩy mình ra xa với thế giới. Cái tôi chớm đặt chân đến thế giới của siêu thực, tượng trưng của huyền bí. Vì vậy, cái tôi tự vẽ lên một sắc diện mới, lạ, đầy bí ẩn. Cái tôi cô đơn giai đoạn này đã bị đẩy lên tột cùng tất yếu sẽ rơi vào tuyệt vọng, nhiều khi lí trí không kiểm soát được chơi vơi trong thế giới của vô thức, tiềm thức nhiều chiều trong những chiêm bao huyễn hoặc, huyền bí. Các nhà thơ Bình Định thành lập trường phái thơ Loạn, Hàn Mặc Tử ẩn chìm trong Thơ điên. Cái tôi cá nhân trong thơ Hàn mang những nét đặc trưng riêng vừa đa dạng vừa nhất quán với cảm xúc tha thiết đến đau thương tuyệt vọng . Nhiều khi cái tôi ấy hiện ra với bộ mặt của một người điên loạn trong thế giới huyền bí của trăng, hồn và máu đã ám ảnh từng lời thơ của Hàn:
“Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa
Sáng ra thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra”
Sự ra đời của cái tôi trữ tình trong thơ Mới khẳng định khát vọng được thành thực với cuộc đời của con người. Đó là cái tôi đi tìm mình trong thế giới, phát hiện mình trong thế giới.