phan-tich-nhung-dac-sac-nghe-thuat-trong-chien-thang-mtao-mxay-6678

Phân tích những đặc sắc nghệ thuật trong Đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây

Phân tích những đặc sắc nghệ thuật trong Đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây

  • Mở bài:

Đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây (Trích Đăm Săn – sử thi Tây Nguyên) là đoạn trích thể hiện rõ nét thi pháp sử thi, sử dụng nhiều câu văn so sánh, phóng đại. Những câu văn ấy đã mang lại sức hấp dẫn, sự lôi cuốn đối với mọi người. Tìm hiểu đoạn trích này, không thể không tìm hiểu nghệ thuật so sánh, phóng đại.

  • Thân bài:

Đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây thuộc phần giữa của tác phẩm. Sau khi về làm chồng hai chị em Hơ Nhị và Hơ Bhị, Đam Săn trở nên một tù trưởng giàu có và uy danh lừng lẫy. Các tù trưởng Kên Kên (Mtao Grư) và tù trưởng Sắt (Mtao Mxây) lừa lúc Đăm Săn cùng các nô lệ lên rẫy, ra sông lao động sản xuất đã kéo người tới cướp phá buôn làng của chàng và bắt Hơ Nhị về làm vợ. Cả hai lần ấy Đăm Săn đều tổ chức đánh trả và chiến thắng, vừa cứu được vợ lại vừa sáp nhập được đất đai, của cải của kẻ địch khiến cho uy danh của chàng càng lừng lẫy, bộ tộc càng giàu có và đông đúc hơn. Đoạn trích ngợi ca cuộc chiến đấu của Đăm Săn. Đó là cuộc chiến đấu vì danh dự, vì hạnh phúc gia đình và hơn nữa vì cuộc sống bình yên và sự phồn vinh của thị tộc. Đoạn trích này tiêu biểu cho những đặc trưng của thể loại sử thi anh hùng.

Đăm Săn đột nhập vào nhà Mtao Mxây và gọi hắn ra thách đấu. Mtao Mxây do dự, được Đăm Săn nhường quyền đánh trư­ớc nhưng đư­ờng khiên của hắn không đâm trúng Đăm Săn. Đến lượt Đăm Săn rung khiên múa vun vút. Chàng đã đâm trúng Mtao Mxây như­ng không thủng. Đăm Săn thấm mệt, vừa chạy vừa ngủ và mộng thấy ông Trời, được ông Trời bày cho cách dùng cái chày mòn ném vào vành tai Mtao Mxây. Đăm Săn làm theo lời của ông Trời. Mtao Mxây ngã lăn ra đất và bị Đăm Săn cắt đầu bêu ra ngoài đư­ờng. Đăm Săn kêu gọi tôi tớ, dân làng của Mtao Mxây đi theo mình. Về làng, Đăm Săn mở tiệc ăn mừng linh đình, kéo dài suốt cả mùa khô. Đăm Săn ngày càng hùng mạnh, giàu có, “danh vang đến thần, tiếng lừng khắp núi”.

Trong đoạn trích này, tác giả dân gian sử dụng các câu văn so sánh, phóng đại đa dạng và linh hoạt. Đoạn trích sử dụng nhiều so sánh tương đồng. Ví dụ: “Chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc”, “Đoàn người đông như bầy cà tong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến như mối”, “Bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy, chàng nằm sấp thì gãy gầm sàn, chàng nằm ngửa thì gãy xà dọc: Đăm Săn vốn đã ngang tàng từ trong bụng mẹ”

Nghệ thuật so sánh, phóng đại trong đoạn trích có sự kết hợp với nghệ thuật đối lập và phép điệp. Ví như những câu văn miêu tả sự đối lập giữa cảnh múa khiên của Đăm Săn và Mtao Mxây. Khi Mtao Mxây múa khiên thì: “Khiên hắn kêu lạch xạch như quả mướp khô”. Còn Đăm săn múa khiên thì: “Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô. Chàng chạy vun vút qua phía đông, vun vút qua phía tây”, “Chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc. Chòi lẫm đổ lăn lóc. Cây cối chết rụi. Khi chàng múa dưới thấp, vang lên tiếng đĩa khiên đồng. Khi chàng múa trên cao, vươn lên tiếng đĩa khiên kênh. Khi chàng múa chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, ba đồi tranh bật rễ bay tung”

Các câu văn so sánh, câu văn phóng đại có khi được sử dụng tách riêng nhau. Đây là các câu văn dùng biện pháp so sánh: “Khiên hắn tròn như đầu cú, gươm hắn óng ánh như cái cầu vồng”, “Khiên hắn kêu lạch xạch như quả mướp khô”. “Đoàn người đông như bầy càtong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến như mối”. Còn đây là các câu văn dùng biện pháp phóng đại: Chòi lẫm đổ lăn lóc. Cây cối chết rụi. Khi chàng múa dưới thấp, vang lên tiếng đĩa khiên đồng. Khi chàng múa trên cao, vươn lên tiếng đĩa khiên kênh. Khi chàng múa chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, ba đồi tranh bật rễ bay tung”.

Nhưng cũng có khi tác giả dân gian lại dùng biện pháp so sánh kết hợp với biện pháp phóng đại trong một câu văn. Ví dụ: “Rõ ràng là tù trưởng Đăm Săn đang giàu lên, chiêng lắm, la nhiều. Rõ ràng là Đăm Săn có chiêng đống voi bầy, có bạn bè như nêm như xếp. Làm sao mà có được một tù trưởng giàu có, đầu đội khăn nhiễu, vai mang nải hoa, đánh đâu đập tan đó, vây đâu phá nát đó như chàng?”

Đọc đoạn trích ta thấy so sánh, phóng đại có trong lời của người kể chuyện. Ví dụ: “Đoàn người đông như bầy càtong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến như mối”, “Tôi tớ mang của cải về nhiều như ong đi chuyển nước, như vò vẽ đi chuyển hoa, như bầy trai gái đi giếng làng cõng nước.”, “Thế là bà con xem, nhà Đăm Săn đông ngịt khách,tôi tớ chật ních cả nhà ngoài”, “ Chàng mở tiệc ăn uống linh đình, thịt lợn thịt trâu ăn không ngớt. Thịt lợn ăn đến cháy đen hết ống le, thịt dê ăn đến cháy đen hết ống lồ ô. Tiết bò tiết trâu đọng đen khắp sàn hiên, dây cồng dây chiêng dăng như mạng nhện, chỉ vàng chỉ đỏ như hoa dam piết”

So sánh, phóng đại cũng xuất hiện trong lời của các nhân vật. Ví như trong lời của Mtao Mxây: “Ta như gà làng mới mọc cựa kliê, như gà rừng mới mọc cựa êchăm”, trong lời của Đăm Săn: “Rượu bảy ché, trâu bảy con để dâng thần, cầu cho ta được bình yên vô sự, nạn khỏi tai qua, lớn lên như sông nước, cao lên như cây rừng, không còn ai bì kịp.”, “Hãy đánh lên tất cả cho ở dưới vỡ toác các cây đòn ngạc, cho ở trên gãy nát các cây xà ngang, cho tiếng chiêng vang vọng khắp đó đây, khiến voi, tê giác trong rừng quên không cho con bú, ếch nhái dưới gầm sàn, kì nhông ngoài bãi phải ngừng kêu, tất cả đều ngày đêm lặng thinh để nghe tiếng chiêng ăn đông uống vui như mừng mùa khô năm mới của ta vậy.”

Khi đọc đoạn trích, ta cũng cần quan tâm tới đối tượng được so sánh và đối tượng đem ra so sánh. Đối tượng được so sánh ở đây chủ yếu là nhân vật Đăm Săn. Đăm Săn là nhân vật được miêu tả bằng nhiều câu văn có biện pháp so sánh, phóng đại. Ví như: “Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô. Chàng chạy vun vút qua phía đông, vun vút qua phía tây”, “Chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc. Chòi lẫm đổ lăn lóc. Cây cối chết rụi. Khi chàng múa dưới thấp, vang lên tiếng đĩa khiên đồng.

Khi chàng múa trên cao, vươn lên tiếng đĩa khiên kênh. Khi chàng múa chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, ba đồi tranh bật rễ bay tung”, “Rõ ràng là tù trưởng Đăm Săn đang giàu lên, chiêng lắm, la nhiều. Rõ ràng là Đăm Săn có chiêng đống voi bầy, có bạn bè như nêm như xếp”…Đối tượng được so sánh có khi là Mtao Mxây: “Khiên hắn tròn như đầu cú, gươm hắn óng ánh như cái cầu vồng. Trông hắn dữ tợn như một vị thần”. Khung cảnh làm nổi rõ nhân vật cũng là đối tượng được so sánh: “Đoàn người đông như bầy càtong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến như mối”, “Tôi tớ mang của cải về nhiều như ong đi chuyển nước, như vò vẽ đi chuyển hoa, như trai gái đi giếng làng cõng nước.”

Đối tượng đem ra so sánh là các hình ảnh, sự vật chủ yếu lấy ra từ thế giới tự nhiên, từ vũ trụ ( đầu cú, cầu vồng, quả mướp khô, bão, lốc, voi, sấm, ong, vò vẽ, chim ghếch, hoa dam piết..). Như thế hàm ý của tác giả dân gian là muốn lấy thiên nhiên, vũ trụ để “đo” kích cỡ, tầm vóc của con người.

Từ ngữ trong các câu văn so sánh, phóng đại là những từ ngữ giàu giá trị gợi hình, biểu cảm, đặc biệt có sự xuất hiện của nhiều từ láy. Ví như: “gươm hắn óng ánh như cái cầu vồng”, “Khiên hắn kêu lạch xạch như quả mướp khô”, “ Chàng chạy vun vút qua phía đông, vun vút qua phía tây”, “Đoàn người đông như bầy càtong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến như mối”, “đôi mắt long lanh như mắt chim ghếch ăn hoa tre”, “hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy”…

Về cấu trúc câu, các câu văn so sánh, phóng đại có khi là câu ngắn. Ví dụ: “Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô. Chàng chạy vun vút qua phía đông, vun vút qua phía tây”, “Chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc. Chòi lẫm đổ lăn lóc. Cây cối chết rụi”

Nhưng có khi tác giả dân gian lại dùng câu văn dài, nhiều vế, nhiều so sánh, nhiều lần phóng đại để làm nổi rõ một đối tượng. Ví dụ: “Đoàn người đông như bầy càtong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến như mối”, “Ngực quấn chéo một tấm mền chiến, mình khoác một tấm áo chiến, tai đeo nụ, sát bên mình nghênh ngang đủ giáo gươm, đôi mắt long lanh như mắt chim ghếch ăn hoa tre, chàng Đăm Săn hiện ra là một trang tù trưởng mới giàu lên, đang tràn đầy sức trai, tiếng tăm lừng lẫy”, “ Làm sao mà có được một tù trưởng giàu có, đầu đội khăn nhiễu, vai mang nải hoa, đánh đâu đập tan đó, vây đâu phá nát đó như chàng?”

Nghệ thuật so sánh, phóng đại đã mang lại hiệu quả biểu đạt cao và tạo cho đoạn trích sức hấp dẫn đặc biệt. Trước hết, nghệ thuật so sánh, phóng đại đã làm nổi bật đối tượng được miêu tả. Qua so sánh, phóng đại, nhân vật, khung cảnh hiện lên rõ nét, cụ thể, sinh động. Ví như sự thấp kém, dữ tợn của Mtao Mxây hiện lên rất rõ qua các câu văn: “Trông hắn dữ tợn như một vị thần”, “Khiên hắn kêu lạch xạch như quả mướp khô”. Đặc biệt, nhờ nghệ thuật so sánh, phóng đại mà vẻ đẹp của nhân vật chính (Đăm Săn) được khắc họa rõ nét. Người đọc hiểu rõ sức mạnh của Đăm Săn trong cuộc chiến với kẻ thù qua những câu văn: “Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô. Chàng chạy vun vút qua phía đông, vun vút qua phía tây”, “Chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc. Chòi lẫm đổ lăn lóc. Cây cối chết rụi. Khi chàng múa dưới thấp, vang lên tiếng đĩa khiên đồng. Khi chàng múa trên cao, vươn lên tiếng đĩa khiên kênh. Khi chàng múa chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, ba đồi tranh bật rễ bay tung”.

Và vẻ đẹp ngoại hình, sức vóc, uy danh của Đăm Săn cũng hiện lên rõ nét qua các câu văn: “Làm sao mà có được một tù trưởng giàu có, đầu đội khăn nhiễu, vai mang nải hoa, đánh đâu đập tan đó, vây đâu phá nát đó như chàng?”, “Vì vậy danh vang đến thần, tiếng lừng khắp núi, đông tây đâu đâu cũng nghe danh tiếng Đăm Săn”, “Ngực quấn chéo một tấm mền chiến, mình khoác một tấm áo chiến, tai đeo nụ, sát bên mình nghênh ngang đủ giáo gươm, đôi mắt long lanh như mắt chim ghếch ăn hoa tre, chàng Đăm Săn hiện ra là một trang tù trưởng mới giàu lên, đang tràn đầy sức trai, tiếng tăm lừng lẫy.”, “Bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy, chàng nằm sấp thì gãy gầm sàn, chàng nằm ngửa thì gãy xà dọc: Đăm Săn vốn đã ngang tàng từ trong bụng mẹ”

Dù so sánh, phóng đại được dùng để miêu tả Mtao Mxây hay để miêu tả khung cảnh thì mục đích cuối cùng vẫn là làm nổi bật hình tượng nhân vật chính – người anh hùng Đăm Săn. Đăm Săn mạnh mẽ, tài năng, uy danh trong khung cảnh hào hùng, bên sự kém cỏi, yếu thế của kẻ thù. Và tác giả dân gian cũng đã dùng rất nhiều câu văn so sánh, phóng đại để miêu tả trực tiếp vẻ đẹp lí tưởng của người anh hùng Đăm Săn. Đoạn trích đã đem lại cho ta những cách nhìn độc đáo về người anh hùng Đăm Săn trong chiến công bảo vệ buôn làng, đem lại bình yên cho bộ tộc. Đó là vẻ đẹp của sức mạnh, vẻ đẹp thần thánh, siêu phàm đúng với tính chất hùng tráng, mang tầm vóc vũ trụ của nhân vật.

Nghệ thuật so sánh, phóng đại cũng góp phần thể hiện rõ thái độ của người kể chuyện (tác giả dân gian). Đó là thái độ chế giễu sự kém cỏi, dữ tợn, yếu thế của Mtao Mxây: “Trông hắn dữ tợn như một vị thần”, “Khiên hắn kêu lạch xạch như quả mướp khô”. Đó là thái độ ngợi ca vẻ đẹp của sức vóc, tài năng, ngợi ca uy danh của Đăm Săn: “Làm sao mà có được một tù trưởng giàu có, đầu đội khăn nhiễu, vai mang nải hoa, đánh đâu đập tan đó, vây đâu phá nát đó như chàng?”, “Vì vậy danh vang đến thần, tiếng lừng khắp núi, đông tây đâu đâu cũng nghe danh tiếng Đăm Săn”, “Ngực quấn chéo một tấm mền chiến, mình khoác một tấm áo chiến, tai đeo nụ, sát bên mình nghênh ngang đủ giáo gươm, đôi mắt long lanh như mắt chim ghếch ăn hoa tre, chàng Đăm Săn hiện ra là một trang tù trưởng mới giàu lên, đang tràn đầy sức trai, tiếng tăm lừng lẫy”. Tác giả dân gian kể chuyện về Đăm Săn với niềm tự hào bởi vẻ đẹp của Đăm Săn là sự hội tụ, sự kết tinh vẻ đẹp của cả cộng đồng.

Nghệ thuật so sánh, phóng đại làm cho đoạn văn trở nên sinh động, hấp dẫn, tạo nên lối trì hoãn sử thi, lôi cuốn sự chú ý của mọi người. Lời kể chuyện hấp dẫn cùng những câu văn so sánh, phóng đại tạo được dấu ấn đặc sắc, chứa đựng những giá trị nhân văn đặc trưng của sử thi.
Sử thi anh hùng Đăm Săn quả thật đã hình thành nên ý thức và tình cảm cộng đồng vững bền của dân tộc Ê-đê, trở thành di sản quí báu của Tây Nguyên và của dân tộc Việt Nam.

Đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây sử dụng rất nhiều câu văn so sánh, phóng đại, tạo nên sức hấp dẫn riêng, góp phần thể hiện tư tưởng tình cảm của tác giả dân gian. Sở dĩ so sánh, phóng đại xuất hiện nhiều trong đoạn trích vì đây là đoạn trích ngợi ca vẻ đẹp của người anh hùng, ngợi ca sức mạnh, chiến thắng, uy danh của người anh hùng nên phải dùng nhiều câu văn giàu hình ảnh để nâng cao tầm vóc của người anh hùng. Vì vậy sử dụng những câu văn so sánh, phóng đại là một cách để tác giả dân gian tạo ra sức sống lâu bền của nhân vật anh hùng trong lòng mọi người. Mặt khác, đoạn trích này là một trong những đoạn trích tiêu biểu của sử thi Đăm Săn, thể hiện rõ thi pháp sử thi nên trong đoạn trích này tác giả dân gian đã sử dụng nhiều câu văn so sánh, phóng đại.

  • Kết bài:

Chuyên đề này chỉ là một sự cảm nhận riêng của người viết về nghệ thuật so sánh, phóng đại trong đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây (Trích Đăm Săn – sử thi Tây Nguyên). Chuyên đề không đi sâu nghiên cứu mọi giá trị của đoạn trích, của tác phẩm. Chuyên đề vẫn còn nhiều thiếu sót, hạn chế. Rất mong nhận được sự quan tâm, góp ý của bạn bè đồng nghiệp để chuyên đề được hoàn thiện hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang