Phân tích phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong Người lái đò sông Đà.
- Mở bài
Nguyễn Tuân là một nhà văn có phong cách viết tài hoa và hết sức độc đáo. Ông luôn thích những gì gây cảm giác mãnh liệt, dữ dội và đẹp. Vì vậy những trang văn của ông thường miêu tả những cái dữ dội hoặc mãnh liệt, miêu tả cái đẹp thì phải đẹp tuyệt vời. Nguyễn Tuân cũng là người thích tìm tòi khám phá và cũng là người yêu thiên nhiên tha thiết. Chính điều đó đã giúp ông hoàn thành thiên tùy bút đặc sắc Người lái đò sông Đà. Thiên tùy bút này đã thể hiện khá đầy đủ những nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
- Thân bài
Tùy bút Người lái đò sông Đà là những khám phá mới mẻ của nhà văn về vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Nam trong lao động. Điều đó được thể hiện rõ nét thông qua hình tượng con sông Đà và hình tượng người lái đò.
Hình tượng con sông Đà được nhà văn khám phá trên hai phương diện đó là một con sông hung bạo dữ dằn và một con sông thơ mộng trữ tình.
Sông Đà hung bạo dữ dằn được nhà văn miêu tả ở nhiều góc độ khác nhau: hung bạo bởi những vách thành cao, dựng đứng, có quãng thắt lại như cái yết hầu hau đó là những thác nước lúc nào cũng gầm réo quanh năm suốt tháng như sẵn sàng đòi nợ “xuýt” bất cứ con thuyền nào qua đó. Sự hung bạo dữ dằn của sông Đà còn được tạo bởi những cái hút nước, xoáy nước khủng khiếp “nước trôi lừ lừ như cánh quạ đàng, nước thở và kêu như cửa cống cái bị sặc.”.. Sông Đà lúc này hiện lên với diện mạo và tâm địa một kẻ thù số một của con người vừa hung hãn, vừa nham hiểm xảo quyệt.
Bên cạnh vẻ hung bạo, dữ dằn sông Đà còn hiện lên trong vẻ đẹp thơ mộng trữ tình. Dòng sông được miêu tả như một áng tóc trữ tình của một người đàn bà kiều diễm dài ngàn ngàn vạn vạn sải, nước dòng sông thay đổi theo từng mùa, cảnh sắc hai bên bờ sông đẹp hoang dại như hai bờ tiền sử… Sông Đà lúc này lại trở nên thân thiết với con người và tác giả gọi bằng hai từ “cố nhân”.
Hình tượng người lái đò được nhà văn tập trung miêu tả trong cuộc chiến đấu với thác nước sông Đà. Trong đoạn văn miêu tả trận chiến của người lái đò, Nguyễn Tuân đã sử dụng môt đội quân ngôn ngữ tiếng Việt hùng hậu để tạo cho người đọc cảm giác mạnh, những ấn tượng khó quên. Trong trận chiến đấu này, sông Đà hiện lên thật hung ác, đầy mưu mô xảo quyệt còn người lái đó thì đầy trí dũng chèo lái con thuyền vượt qua thác ghềnh như một người nghệ sĩ.
Có thể nói dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên như một công trình nghệ thuật tuyệt vời của thiên nhiên còn người lái đò lại giống như một người nghệ sĩ trong nghệ thuật của Nguyễn Tuân: khám phá thiên nhiên sự vật ở phương diện mĩ thuật và con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ.
Trong thiên bút này Nguyễn Tuân còn vận dụng những hiểu biết của nhiều ngành như địa lý, lịch sử…., nhiều bộ môn nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, âm nhạc… Và đặc biệt nghệ thuật quân sự và võ thuật. Đây là điều ít thấy trong nghệ thuật văn chương.
- Kết luận
Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân nhìn chung rất phong phú và độc đáo. Trong tùy bút Người lái đò sông Đà, nhà văn đã chứng minh cho người đọc sự tài hoa, uyên bác của mình trong việc vận dụng ngôn từ cũng như cách khám phá thiên nhiên và con người trên phương diện thẩm mĩ.