phan-tich-su-van-dong-tu-tuong-cua-hon-truong-ba-trong-doan-trich-hon-truong-ba-da-hang-thit-cua-luu-quang-vu

Phân tích sự vận động tư tưởng của Hồn Trương Ba trong đoạn trích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.

Trong đoạn trích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, trong màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với Xác hàng thịt, Hồn Trương Ba cho rằng: “Không! Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…”. Sau màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với những người thân, Hồn Trương Ba nhận ra: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm mọi cách để lấn át ta…Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình?. “Chẳng còn cách nào khác”! Mày nói như thế hả? Nhưng có thật không còn cách nào khác? Không cần đến đời sống do mày mang lại! Không cần!”.

(Trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2016)

Hãy cảm nhận về hai lời thoại trên, từ đó nhận xét về sự vận động tư tưởng của Hồn Trương Ba.

  • Mở bài:

– Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm.

– Giới hạn vấn đề cần nghị luận: sự vận động tư tưởng của Hồn Trương Ba.

  • Thân bài:

1. Cảm nhận về hai lời thoại của Hồn Trương Ba:

– Lời thoại thứ nhất của Hồn Trương Ba: “Không! Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…”

+ Đây là lời thoại xuất hiện trong màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với Xác hàng thịt. Hồn Trương Ba khao khát cháy bỏng được tách mình ra khỏi cái thân xác công kềnh, thô lỗ và phàm tục, dù chỉ là chốc lát. Xác khẳng định Hồn không thể tách ra khỏi Xác, Xác và Hồn đã hòa với nhau làm một. Tuy nhiên, Hồn vẫn khẳng định: “Không! Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…”

+ Lời thoại cho thấy thái độ tự tin của Hồn Trương Ba, quyết liệt khẳng định sự toàn vẹn, trong sạch, thẳng thắn của bản thân. Mọi tội lỗi đều do xác thịt gây nên. Thực chất đây là một sự ngộ nhận của Hồn về chính mình. Sau bấy nhiêu chuyện đã xẩy ra với gia đình và bản thân, Hồn vẫn cho rằng mình nguyên vẹn, trong sách, thẳng thắn. Cho nên không phải ngẫu nhiên xác khẳng định ‘tác giả” của “trò chơi tâm hồn” không ai khác ngoài “những điều ông vẫn thường nói với mình và với người khác đấy chứ”, xác chỉ làm nhiệm vụ phát biểu “luật chơi” cho rõ ràng, cụ thể mà thôi.

Ý nghĩa gửi gắm qua lời thoại: Linh hồn và xác thịt là hai phương diện tồn tại hữu cơ trong mỗi con người. Có thể nào sống mà không cần đến dáng hình, thân thể. Nhưng lẽ nào đời sống của con người chỉ thu gọn trong những nhu cầu thuần túy bản năng. Đừng bỏ bê thân xác để chỉ biết đến một thứ linh hồn chung chung, trừu tượng không thuộc về một ai. Cũng đừng chỉ chạy theo những khát thèm của thân xác mà trở về với hồng hoang nguyên thủy. Con người cần có sự tồn tại hài hòa cả linh hồn và xác thịt. Đó là sự tồn tại trọn vẹn, tốt đẹp.

– Lời thoại thứ hai của Hồn Trương Ba:“Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm mọi cách để lấn át ta… Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình?. “Chẳng còn cách nào khác”! Mày nói như thế hả? Nhưng có thật không còn cách nào khác? Không cần đến đời sống do mày mang lại! Không cần!”.

+ Đây là lời thoại xuất hiện sau màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với người thân. Tất cả những người thân đều đã nhận thấy và đau đớn, lo lắng, bàng hoàng, bế tắc khi Hồn Trương Ba ngày càng thay đổi, lệch lạc; bị xác hàng thịt lấn lướt, tha hóa. Vì ông mà những người thân yêu nhất đều phải khóc. Vì ông mà nhà cửa tan hoang.

+ Đây là những lời độc thoại nội tâm được nói to ước lệ trên sân khấu kịch, phơi trải cơn bão tố dữ dội và đau đớn của Hồn Trương Ba. Ông nhận thức sâu sắc về sự lệch lạc, thay đổi của mình; nhận thức về sự thắng thế, lấn lướt của Xác thịt đối với bản thân. Hồn Trương Ba quyết tâm thực hiện cuộc đấu tranh giành giật lại bản thân mình từ bàn tay thô bạo của con quỷ dữ bản năng.

Ý nghĩa gửi gắm qua lời thoại: Con người là một thực thể thống nhất toàn vẹn, hài hòa của cả cái bên trong và cái bên ngoài, giữa tâm hồn và thể xác. Sự khập khiễng giữa Hồn Trương Ba, da hàng thịt và cái giá mà nó phải trả đã giúp Trương Ba thấm thía hơn bao giờ hết khát vọng “là tôi toàn vẹn”. Thói quen sống nhờ, sống gửi đã có lúc khiến con người ta quên đi bản thân mình. Thói quen áp đặt của Đế Thích cho người đời đôi khi làm cho mong muốn giản dị “là tôi toàn vẹn” trở thành khát vọng. Cuộc đấu tranh giữa Hồn Trương Ba và Xác hàng thịt thực chất là cuộc đấu tranh giữa dục vọng và khát vọng, giữa phần con và phần người, giữa thiện và ác, giữa đạo đức và tội lỗi trong mỗi con người. Lưu Quang Vũ cũng đặt ra vấn đề: con người luôn phải có ý thức đấu tranh với cái dung tục, tầm thường; đấu tranh với hoàn cảnh sống để hoàn thiện nhân cách.

2. Nhận xét về sự vận động tư tưởng của Hồn Trương Ba.

Sự vận động trong tư tưởng của Hồn Trương Ba là sự vận động từ ngộ nhận về đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn của mình đến chỗ nhận thức về sự thay đổi, lệch lạc, mờ nhòa của bản thân; từ chỗ tin tưởng đến đau khổ, thất vọng; từ suy nghĩ mình không hề bị chi phối bởi xác thịt đến chỗ công nhận xác thịt đã thắng thế, đã lấn át; từ suy nghĩ chấp nhận cuộc sống lắp ghép, khập khiễng, giả tạo đến chỗ quyết tâm đấu tranh giành lại chính mình, giành lại sự nguyên vẹn cho dù phải trả giá bằng cả cái chết; từ suy nghĩ phải sống bằng bất cứ giá nào đến khát vọng sống có ý nghĩa.

3. Ý nghĩa của sự vận động của hồn Trương Ba.

– Sự vận động của nhận thức cho thấy linh hồn và xác thịt là hai phương diện tồn tại hữu cơ trong mỗi con người. Con người cần có sự tồn tại hài hòa cả linh hồn và xác thịt. Đó là sự tồn tại trọn vẹn, tốt đẹp.

– Sự vận động của nhận thức cũng đặt ra vấn đề con người luôn phải có ý thức đấu tranh với cái dung tục, tầm thường; đấu tranh với hoàn cảnh sống để hoàn thiện nhân cách.

– Sự vận động cũng cho thấy tư tưởng lạc quan, niềm tin của nhà văn vào sự chiến thắng của cái tốt, cái đẹp, phần thiện trong mỗi con người.

Quá trình vận động của hồn Trương Ba thể hiện tài năng viết kịch của Lưu Quang Vũ.

  • Kết bài:

– Thông qua những xung đột và đấu tranh kịch liệt của Hồn Trương Ba, Lưu Quang Vũ đã khắc họa một cuộc đối thoại sinh động giữa Hồn và Xác để từ đó đi đến kết luận về một cuộc sống thực sự có ý nghĩa, một cuộc sống thể xác và tâm hồn để tìm sự sự dung hòa hợp lí. Và trong bất kì hoàn cảnh nào, con người phải biết đấu tranh vươn lên những giá trị chân – thiện – mỹ, biết tự hoàn thiện bản thân trên mọi phương diện chính là thông điệp nhân sinh quý giá mà vở kịch mang lại.

Phân tích Hồn Trương ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang