Vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải) và Sang thu (Hữu Thỉnh)
- Mở bài:
Từ xưa đến nay, thiên nhiên luôn là người bạn thân thiết gắn bó với con người và là nguồn cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ. Nhà thơ không chỉ yêu thích ngắm nhìn vẻ đẹp phong phú, bí ẩn của thiên nhiên mà còn gởi gắm trong đó những tâm tư thầm kín, những chiêm nghiệm sâu sắc về lẽ sống, về cuộc đời. Chúng ta có thể bắt gặp điều này qua hai bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh và Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.
- Thân bài:
Thiên nhiên chính là môi trường sống bao quanh chúng ta như trời xanh, mây trắng, gió mát, trăng thanh, rồi hoa thơm cỏ lạ, núi thẳm non xanh, …. Thiên nhiên ấy thật bao la rộng lớn, nên thơ tươi đẹp và hùng vĩ vô cùng. Và thiên nhiên ấy khi đi vào thơ qua cách cảm nhận tinh tế của người nghệ sĩ nó lại đẹp hơn gấp trăm ngàn lần.
Với thi nhân, thiên nhiên là bầu bạn thâm tình. Thiên nhiên gợi lên thi hứng và tình yêu cuộc sống ở con người. Thi ca cũng lấy chất liệu từ thiên nhiên để làm nhân tố cho sự biểu đạt của nó. Trong quá trình tìm kiếm sự hòa hợp, con người phương Đông luôn học cách sống hài hòa với thiên nhiên, thấy mình là một phần không thể thiếu của tự nhiên thanh sạch và thuần khiết ấy.
Đọc Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải chúng ta sẽ có dịp đắm mình trong bức tranh mùa xuân êm đềm, nên thơ, dịu mát của vùng đất cố đô Huế, nơi ông đã sinh ra và lớn lên:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Thiên nhiên hiện ra đầu tiên với hình ảnh dòng sông xanh biếc. Dòng sông chính là cội nguồn bồi đắp phù sa và sự sống cho vạn vật. Dòng sông còn là tượng trưng của dòng sống, dòng đời chậm trôi. Trên cái dòng sông ấy mọc lên một bông hoa tím biếc. Có lẽ không chỉ là một. Nhà thơ đã làm mờ đi tát cả, chỉ giữ lại một bông hoa để cảm nhận sự đơn độc, lẻ loi và sự héo tàn sắp xảy ra không có gì để thay thế. Bông hoa tím vừa đẹp lại vừa buồn. Đẹp vì sắc tím là màu sắc gợi cảm, gợi tình, khơi động nhớ thương. Buồn là vì qua hình ảnh một bông hoa tím, ta cảm nhận được sự mong manh, hạn hữu của đời người. Càng nhìn ngắm càng thấy cô đơn.
Vượt ra khỏi mặt đất, nhà thơ tìm đến bầu trời cao với tiếng chim chiền chiện ca vang. Tiếng chim líu lo, trầm bổng, đôi khi chói gắt. Tiếng gọi “ơi con chim” vừa trìu mến thân thương vừa giận hờn, trách móc. Thương là bởi tiếng chim say mê, yêu bầu trời, yêu cuộc đời đắm say. Giận là bởi nó phá tan cái yên bình của cảnh vật, nó làm con người lay động không thể đằm thắm lại được. Tiếng chim tràn trề sinh lực của cuộc sống hoàn toàn trái ngược với sự sống đang dần vơi cạn ở con người.
Thế nên, nhà thơ vội đưa tay hứng lấy nguồn sinh lực của đất rời dang ào ạt đổ xuống để mong bồi đắp thêm cho sự sống của mình. Hành động vội vã, háo hức. Lấy sức mạnh của thiên nhiên để làm giàu thêm cuộc sống của chính mình. Hòa mình trong cuộc sống lớn để tìm kiếm sự tương trợ của vũ trụ vĩnh hằng.
Đọc đoạn thơ, ta thấy Thanh Hải có một tâm hồn đối với thiên nhiên rất sâu nặng. Ở đó không chỉ có vẻ đẹp của cảnh vật mà còn thấy một tấm lòng tha thiết với cảnh vật. Đó là tình yêu vĩnh cửu với thiên nhiên vô tận, với vẻ đẹp tráng mĩ và sự đồng cảm trước tiếng chim ca, bông hoa nở.
Đến với Sang thu, chúng ta ngỡ ngàng nhận ra bức tranh mùa thu êm đềm nên thơ, dịu mát, không ồn ào, náo động mà trầm lắng, suy tư. Thiên nhiên cảnh vật trong khoảnh khắc giao mùa hết sức nhẹ nhàng và tinh tế. Chứa đựng trong đó là biết bao nỗi luyến lưu bịn rịn, ngập ngừng do dự của một con người. Thi nhân như muốn cưỡng lại thời gian, muốn níu giữ chút gì đó những năm tháng tuổi trẻ của đời mình. Bài thơ không chỉ đơn thuần là tả cảnh mà còn nói lên những suy nghĩ chiêm nghiệm sâu sắc của con người về lẽ sống, cuộc đời.
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.
Bước đi của thời gian khiến lòng ta bồi hồi, xao xuyến. Xao xuyến không chỉ vì cái đẹp nên thơ, thanh sạch, tươi mát của thiên nhiên cảnh vật khi xuân đến thu sang mà còn là sự xao xuyến bởi khát vọng hòa nhập, gắn kết mình với thiên nhiên ấy.
Những dấu hiệu đầu tiên của khoảnh khắc cuối hạ đầu thu hiện ra vừa mơ hồ vừa hết sức rõ ràng. Hương ổi nồng được, làn sương nhẹ trôi, gió mùa sư lạnh vừa như thực vừa như không thực. Thi nhân đã cảm nhận thấy nhưng chưa dám khẳng định bởi sợ nhầm lẫn với biểu hiện của buổi sớm mai thường thấy. Thế nên, ông mới tìm đến với không gian rộng lớn hơn để kiểm chứng và khẳng định điều ấy:
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Hình ảnh dòng sông, cánh chim, mây trời tiếp tục xuất hiện trong bài thơ để biểu hiện cho cái đẹp của thiên nhiên. Nếu ở Mùa xuân nho nhỏ là dòng sông xanh và tiếng chin ca vang thì ở Sang thu là dòng sông chảy và cánh chim vội vã. Sự vận động của thiên nhiên lại hiện hữu ở những sự vật khác biệt. Nó chưa hẳn đã đẹp như lại rất đẹp khi được ngắm nhìn bởi một tâm hồn đẹp. Cái đẹp trong đoạn thơ dồn nén lại ở hình ảnh đam mây trời đầy xung đột:
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Rõ ràng, giưa mùa hạ và mùa thu làm gì có ranh giới. Thế mà, bằng hình ảnh đám mây, thi nhân gợi cho ta thấy được cái ranh giới ấy với những xung đột kịch liệt. Đám mây một nửa chói sáng, sôi động như đang còn ở mùa hạ. Còn nửa kia đã vắt sang thu với vẻ u mờ, trầm lắng. Sự xung đột ây không chỉ ở đám mây trời mà còn diễn ra trong khắp đất trời:
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
Cái nắng chói gắt và rộn ràng của mùa hạ hãy còn nhiều lắm. Những cơn mưa giông dữ dội của mùa hạ đã dần vơi, nhường chỗ cho sự yên tịnh và bình tâm của mùa thu. Tiếng sấm cũng không còn rầm rã trên bầu trời. Hàng cây tư lự đứng nhìn đất trời chuyển động. Vũ trụ dần đi vào tĩnh mịch vốn có mùa mùa thu.
Đối với thi nhân, thiên nhiên là tri kỉ, là tình nhân. Vũ trụ là gia đình, là nơi nương náu tâm hồn. Bởi thế, họ luôn biết nâng niu vẻ đẹp giao hòa giản dị của thiên nhiên bình dị, đều xúc động trước những sự việc rất tầm thường của vạn vật cỏ cây. Thi nhân âm thầm quan sát thiên nhiên và bằng tâm hồn rỗng ràng sẵn sàng hòa điệu cùng vũ trụ, cảm nhận vẻ đẹp của tự nhiên. Và đôi khi, sự tương thông của lòng người với nhau không phải qua lời nói bề ngoài ồn ào mà sự tương giao ấy biểu hiện qua cái tĩnh lặng say mê với cảnh vật.
Chính cái không lời vĩnh viễn ấy mới thấu biết được mọi lẽ trong cõi hiện sinh đầy mệt nhọc này. Bởi vậy, tràn lấp trong các dòng thơ là vẻ đẹp của hoa cỏ, núi sông, là thanh âm của sự sống. Ta cũng thấy được cái cảm giác an nhiên, viên mãn giữa tự nhiên khoáng đạt và rộng lớn. Và ẩn sâu trong đó là khát vọng trường tồn cùng thiên nhiên, vũ trụ ấy.
- Kết bài:
Với cách biểu đạt nhẹ nhàng, tinh tế hai bài thơ đã thể hiện cái đẹp nồng thắn, mê say của cảnh sắc thiện nhiên đất trời. Ở đó, thiên nhiên vừa tươi đẹp, tràn trào sức sống vừa chứa đựng tâm tư, suy nghiệm của con người về cuộc đời , về lẽ sống. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người cũng luôn tìm kiếm một tiếng nói chung với thiên nhiên để tìm kiếm một sự hợp nhất viên mãn nhất. Đó là niềm vui, là hạnh phúc, là lối sống đẹp mà con người luôn hướng tới.