»» Nội dung bài viết:
Phân tích ý nghĩa và giá trị bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử
- Mở bài:
Hàn Mặc Tử là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới đầu thế kỉ XX. trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Hàn Mặc Tử đã sống hết mình với nghệ thuật. Thơ ông say đắm, sôi nổi đến điên cuồng. Đó là “một hồn thơ mãnh liệt nhưng luôn quằn quại, đau đớn, dường như có một cuộc vật lộn và giằng xé dữ dội giữa linh hồn và xác thịt”, hết sức lạ lẫm trong nền thơ việt Nam. Đây Thôn Vĩ Dạ là một trong số ít tác phẩm hiếm hoi của Hàn Mặc tử có giọng thơ nhẹ nhàng, đằm thắm như thế.
- Thân bài:
Bài Đây thôn Vĩ Dạ có liên quan tới mối tình đơn phương giữa Hàn Mặc Tử với người con gái thôn Vĩ có tên là Hoàng Thị Kim Cúc, Thi sĩ đã từng thầm yêu trộm nhớ người con gái thôn Vĩ và từng về thăm Vĩ Dạ. Nhưng sau đó, Hàn Mặc Tử bị bệnh hiểm nghèo, phải xa lánh mọi người để chữa bệnh. Biết tin, Hoàng Cúc gửi cho Hàn Mặc Tử tấm bưu ảnh và những lời thăm hỏi động viên. Tấm Bưu ảnh có in hình dòng sông với cô gái chèo thuyền dưới những cành lá trúc thanh tú, phía xa là ráng trời, có thể là rạng đông, có thể là hoàng hôn, có thể là ánh nắng, có thể là ánh trăng. Tấm thiếp đã tác động mạnh đến hồn thơ Hàn Mặc Tử. Những khái niệm về xứ Huế lập tức thức dậy cùng với một niềm yêu đời tha thiết. Thi sĩ đã xúc động viết bài thơ này.
Ba khổ thơ của Đây thôn Vĩ Dạ không liên kết với nhau bởi tính liên tục thời gian, tính duy nhất về không gian mà liên kết bởi logic về cảm xúc. Khổ thơ đầu là hoài niệm về cảnh vườn thôn Vĩ trong nắng mai và tâm trạng ước ao về thăm lại Vĩ Dạ. Khổ thơ thứ hai là cảnh sông nước đêm trăng huyền ảo và mặc cảm về sự chia lìa cùng tâm trạng lo âu khắc khoải. Khổ thơ cuối là hoài niệm hình ảnh “khách đường xa” và tâm trạng mơ tưởng hoài nghi.
Cảnh vườn thôn Vĩ tươi sáng trong nắng mai; cảm xúc ẩn trong cảnh là niềm ao ước, niềm đắm say mãnh liệt
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Khổ thơ thể hiện chút tình riêng của tác giả, gắn bó với Vĩ Dạ, khao khát được về thăm lại Vĩ Dạ. Chủ thể trữ tình tự phân thân, niềm thôi thúc tự bên trong hiện ra thành lời mời mọc từ bên ngoài: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Cảnh thôn Vĩ qua hoài niệm với vẻ đẹp riêng. Ban mai mang vẻ đẹp tinh khiết với hình ảnh hàng cau trong nắng sớm, hình ảnh vườn mướt mát xanh như ngọc. Con người hòa hợp với cảnh làm cho cảnh thêm sinh động. Bút pháp gợi thể hiện bản chất trung thực, phúc hậu, vẻ đẹp kín đáo của người thôn Vĩ
Về chơi thôn Vĩ chỉ để nhìn ngắm cảnh vật xanh tươi, tràn trề sức sống trong mỗi sớm mai. Về chơi thôn Vĩ để gặp người con gái nép mình e thẹn sau khóm trúc xanh lơ. Qua khổ thơ, cảnh sắc xứ Huế hiện lên thật đẹp đẽ, con người xứ Huế dịu dàng, đằm thắm trong cảm nhận của nhà thơ vốn dành cho xứ Huế một tình yêu tha thiết, đắm say.
Cảnh sông nước đêm trăng huyền ảo và tâm trạng lo âu khắc khoải của nhà thơ
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Hai câu thơ đầu gợi tả cảnh sông nước xứ Huế:
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Cảnh hiện thực mà huyền ảo, gợi nhịp điều nhẹ nhàng của xứ Huế. Gió thổi, mây trôi nhẹ, dòng nước chảy chậm cũng là dòng tâm trạng của tác giả khi hồi ức về cố đô. Cảnh được cảm nhận qua tâm trạng, mang nỗi buồn tâm trạng: chia li cách biệt, xót xa nuối tiếc. Dòng nước buồn thiu, hoa bắp khẽ đưa không buồn đáp lại. Gió mây ngăn cách nhau, ngược chiều, không cùng chung hướng đi lối về.
Hai câu cuối là cảnh sông nước đêm trăng:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Không gian toàn trăng (thuyền trăng, sông trăng, bến trăng). Cảnh hiện thực mà huyền ảo. Hình ảnh thuyền trăng, nhất là hình ảnh sông trăng có thể hiểu theo hai cách: dòng sông nước tỏa đầy ánh trăng, dòng sông trăng tuôn chảy ánh trăng. Bức tranh phản ánh tâm trạng âu lo khắc khoải của nhà thơ. Trăng trở thành tri kỉ, tri âm; nhân vật trữ tình mang tâm trạng âu lo khắc khoải chờ đợi. Hình ảnh thuyền ai đậu bến sông trăng, hay có chỏ trăng về thể hiện niềm khao khát gắn bó với cuộc đời của thi sĩ.
Những hoài niệm về “khách đường xa” và tâm trạng mơ tưởng, hoài nghi.
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Hình ảnh “khách đường xa” qua hoài niệm hiện thực mà huyền ảo. Hiện thực với màu áo trắng xác định; huyền ảo vì là mơ, là khách đường xa, nhìn không ra, màu “áo em trắng quá nhìn không ra” là sắc màu tâm tưởng, gợi về kí ức, là màu của mơ, hư hư, thực thực.
Hình ảnh đó cũng vừa gần gũi, thân thiết vừa xa vời, cách ngăn. Gần gũi, thân thiết vì đã từng quen biết, đã từng sống trong tâm tưởng, đã thành kỉ niệm; xa vời, cách ngăn vì khoảng cách không gian, thời gian nên tất cả đều “mờ nhân ảnh”; xa vời còn bởi mối tình quá xa vời. Một mối tình trong quá khứ chưa ước hẹn, trong hiện tại “anh” đang mắc bệnh hiểm nghèo, tương lai thì vô vọng.
Tâm trạng nhà thơ đang trong mơ tưởng và nỗi hoài nghi bất tận. Nhà thơ mơ tưởng về “khách đường xa” , về người thôn Vĩ. nhà thơ hoài nghi về chính mình về người phương xa. Hỏi người và hỏi chính lòng mình: “Ai biết tình ai có đậm đà”, như nỗi âu lo thuộc về Hàn Mạc Tử. Qua tâm trạng tác giả, ta thấy được niềm khao khát yêu đời, gắn bó với cuộc sống,khát vọng tình người thủy chung, trong sáng của Hàn Mặc Tử.
Bài thơ thể hiện nét đặc trưng trong phong cách thơ Hàn Mặc Tử. Hồn thơ mãnh liệt nhưng luôn quằn quại đau thương. Dường như có cuộc vận lộn giằng xé dữ dội giữa linh hồn và thể xác, vừa khát khao bay tới cõi siêu thoát, vừa gắn bó với cuộc đời mà thi sĩ hằng yêu mến, thiết tha. Vì vậy, thơ Hàn Mặc Tử thường tỏa ra hai nhánh: có những vần thơ đau đớn đến điên loạn, lại có những vần thơ trong sáng, tinh khiết đến vô ngần. Ở điểm giao thoa này, Hàn Mặc Tử có những câu thơ, những bài thơ tuyệt bút. Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ như thế.
Tác giả dùng từ cực tả để gây ấn tượng. Cách viết thiên về hướng biểu tả ở mức cực điểm: “vườn ai mướt quá” (cực tả sắc xanh kì là của mảnh vườn), “áo em trắng quá” (cực tả màu trắng sáng, tinh khiết của áo người thiếu nữ hiện lên từ tâm tưởng, như trong mơ). phép liên tưởng, tưởng tượng phong phú, sự quyện hòa giữa thực và ảo khiến cho cảnh và người đều như trong hiện thực mà lại như trong huyền ảo.
- Kết bài:
Đây thôn Vĩ Dạ là sự kết hợp, giao hòa giữa tình và cảnh bộc lộ những nét đẹp, những nét trong sáng gắn với quê hương Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử. Bài thơ là một bức tranh đẹp về cảnh và người của một miền quê đất nước qua tâm hồn thơ mộng, giàu trí tưởng tượng và đầy yêu thương của một nhà thơ đa tình đa cảm.