»» Nội dung bài viết:
Phân tích ý nghĩa văn bản “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” của Phạm Văn Đồng.
- Mở bài:
Phạm Văn Đồng, nhà cách mạng xuất sắc, nhà chính trị, nhà ngoại giao tài ba, đồng thời cũng là nhà giáo dục tâm huyết, một nhà lí luận văn hóa văn nghệ lớn. Trong lĩnh vực văn học, ông có nhiều bài nói, bài viết sâu sắc, mới mẻ về tiếng Việt và các danh nhân văn hóa. Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc là bài viết của Phạm văn Đồng nhân kỉ niệm 75 năm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu (3/7/1888). Đây là thời điểm ác liệt nhất của cuộc đấu tranh chống Mĩ ở nước ta.
- Thân bài:
Nguyễn Đình Chiểu – một hiện tượng văn học.
Ngay phần mở đầu, tác giả nêu cách tiếp cận vừa có tính khoa học vừa có ý nghĩa phương pháp luận đối với thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, một hiện tượng văn học có vẻ đẹp độc đáo không dễ nhận ra.
+ Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao có ánh sáng khác thường (một hiện tượng văn học độc đáo, thơ văn có vẻ đẹp riêng không dễ nhận ra), phải chăm chú nhìn thì mới thấy (phải cố gắng tìm hiểu và tìm hiểu kỹ, phải kiên trì nghiên cứu thì mới cảm nhận được những vẻ đẹp riêng của nó) và càng nhìn thì càng thấy sáng (càng nghiên cứu sâu, càng tìm hiểu kỹ ta sẽ càng thấy được cái hay của nó và càng khám phá được những vẻ đẹp mới).
Cách nêu vấn đề trực tiếp, hình ảnh so sánh liên tưởng, cách nói khẳng định đề cao. So với thói quen đánh giá thơ văn Đồ Chiểu trước đó (chỉ dựa vào hình thức nghệ thuật trau chuốt, lời văn trang nhã, hoa mỹ) thì đây là một cách tiếp cận vấn đề mới và sâu sắc. Qua đó thể hiện cái nhìn mới mẻ,của Phạm Văn Đồng, có giá trị định hướng cho việc nghiên cứu, tiếp cận cuộc đời và thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu.
Cuộc đời và văn nghiệp Nguyễn Đình Chiểu.
Ở phần giải quyết vấn đề, tác giả khẳng định giá trị to lớn của cuộc đời và văn nghiệp Nguyễn Đình Chiểu. Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu tuy nhiều khó khăn, bất hạnh nhưng ông luôn là “một nhà yêu nước”, trọn đời phấn đấu hi sinh vì nghĩa lớn của dân tộc.
“Ánh sáng khác thường” trong cuộc đời và quan niệm sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu. Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là một nhà văn, nhà thơ mà hơn hết là một nhà tư tưởng có quan điểm hết sức rõ ràng và tiến bộ. Ông coi thơ văn là vũ khí chiến đấu bảo vệ chính nghĩa, chống lại kẻ thù xâm lược và tay sai. Bằng ngòi bút sắc bén, Nguyễn Đình Chiểu mạnh mẽ lên án những kẻ lợi dụng văn chương làm điều phi nghĩa, trái với đạo lí dân tộc.
“Ánh sáng khác thường” trong thơ văn yêu nước chống ngoại xâm của Nguyễn Đình Chiểu. Phạm Văn Đồng cũng nêu bậc giá trị thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu. Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu đã “làm sống lại” một thời kì “khổ nhục nhưng vĩ đại” của phong trào kháng Pháp ở Nam Bộ. Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh của thời đại, cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh chống ngoại xâm bằng những hình tượng văn học “sinh động và não nùng” làm xúc động lòng người. Đặc biệt, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” đã làm sống dậy một hình tượng mà từ trước tới nay chưa từng có trong văn chương trung đại: hình tượng người nông dân nghĩa sĩ.
Nghệ thuật trong thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu được đánh giá rất cao, được so sánh như “những đóa hoa, những hòn ngọc rất đẹp”. Lời văn mạch lạc, lí lẽ sắc bén đưa ra có dẫn chứng đầy đủ, cách lập luận chặt chẽ kết hợp với tình cảm nồng hậu, giàu sức thuyết phục của văn bản đã tỏ rõ giá trị của văn thơ Nguyễn Đình Chiểu đối với đời sống và cuộc đấu tranh của dân tộc.
“Ánh sáng khác thường” trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên là tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Đình Chiểu. Khi “nói về Lục Vân Tiên”, Phạm Văn Đồng nêu quan điểm : “cần phải hiểu đúng Lục Vân Tiên thì mới thấy hết giá trị của bản trường ca này.
Theo Phạm Văn Đồng, có những đánh giá chưa thỏa đáng về giá trị tư tưởng và nghệ thuật của truyện thơ Lục Vân Tiên. Về tư tưởng, những giá trị luân lý mà Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi đó “lỗi thời” “ở thời đại chúng ta”. Về nghệ thuật, lời văn “nôm na”, “không hay lắm”.
Phạm Văn Đồng đó giúp chúng ta nhận ra những “ánh sáng khác thường” của truyện thơ Lục Vân Tiên. Thứ nhất, tác giả đó chỉ cho chúng ta thấy rằng: không phải mọi “giá trị luân lý” mà Nguyễn Đình Chiểu đó từng ngợi ca đều trở nên “lỗi thời”. Thứ hai, về nghệ thuật: do muốn viết một tác phẩm “dễ hiểu, dễ nhớ, có thể truyền bá rộng rãi trong dân gian” nên lời văn có phần “nôm na”.
Với những giá trị vượt trội, “Truyện Lục Vân Tiên” được truyền bá rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Lục Vân Tiên có nội dung tư tưởng gần gũi với nhân dân, là “một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa”. Đây là một chuyện “kể”, chuyện “nói”, lối văn nôm na dễ hiểu dễ nhớ nhưng cũng có những câu thơ rất hay có tính nghệ thuật cao.
Vị trí của Nguyễn Đình Chiểu trong nền văn học dân tộc.
“Nguyễn Đình Chiểu là một chí sĩ yêu nước, một nhà thơ lớn của nước ta. Đời sống và sự nghiệp của ông là một tấm gương sáng cho hiện tại và mai sau”. Khẳng định mối quan hệ giữa văn học và đời sống. Khẳng định vai trò của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.
Với bố cục chặt chẽ, luận điểm rõ ràng, bám sát vấn đề trung tâm, cách lập luận chặt chẽ, đi từ khái quát đến cụ thể, kết hợp cả diễn dịch, quy nạp và hình thức “đòn bẩy” khiến cho lời văn có sức thuyết phục cao. Lời văn có tính khoa học, vừa có màu sắc văn chương vừa khách quan. Ngôn ngữ giàu hình ảnh, biểu cảm. Giọng điệu linh hoạt, biến hóa, khi hào sảng, lúc xót xa… góp phần tạo nên sức hấp dẫn và thuyết phục của văn bản này.
- Kết bài:
Qua bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc viết, Phạm Văn Đồng muốn khẳng định: Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là cuộc đời của một người chiến sĩ đã phấn đấu hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là một minh chứng hùng hồn cho địa vị và tác dụng to lớn của văn học nghệ thuật cũng như trách nhiệm của người cầm bút đối với nhân dân và đất nước. Cuộc đời và văn nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là bài học cho hôm qua mà cho cả hôm nay.
Bình luận đã bị đóng.