Phân tích những đóng góp quan trọng của Nguyễn Đình Chiểu đối với thơ ca dân tộc

phan-tich-nhung-dong-gop-quan-trong-cua-nguyen-dinh-chieu-qua-bai-viet-nguyen-dinh-chieu-ngoi-sao-sang-trong-van-nghe-cua-dan-toc-cua-pham-van-dong

Phân tích những đóng góp quan trọng của Nguyễn Đình Chiểu đối với thơ ca dân tộc qua bài viết “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” (Phạm Văn Đồng)

  • Mở bài:

Phạm Văn Đồng không chỉ là nhà hoạt động cách mạng xuất sắc, người học trò, người đồng chí thân thiết của chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông còn là một nhà giáo dục tâm huyết và một nhà lí luận văn hoá lớn của dân tộc Việt Nam. Trong nhưng năm giữ chức vụ cao trong chính phủ, ông không ngừng nghiên cứu và viết về cái hay, cái đẹp trong văn hóa và ngôn ngữ dân tộc. Tác phẩm “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” được viết nhân kỉ niệm 75 năm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu (3/7/1888).

  • Thân bài:

Tác phẩm chú trong làm rõ ba luận điểm lớn về cuộc đời, sự nghiệp văn học và những tác động lớn lao của Nguyễn Đình Chiểu đối với đời sống dân tộc.

+ Luận điểm 1: Khẳng định Nguyễn Đình Chiểu nhà thơ yêu nước.

+ Luận điểm 2: Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu tấm gương phản chiếu phong trào chống thực dân Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ.

+ Luận điểm 3: Truyện thơ Lục Vân Tiên, tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu, ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian, nhất là ở miền Nam.

+ Cuối cùng, tác giả khẳng định: cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu – tấm gương sáng của mọi thời đại.

Các luận điểm đó quy tụ, xoay quanh để làm sáng rõ một nhận định bao trùm trong toàn bài viết: “Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”. Do đó bài văn đã kết thành một khối thống nhất chặt chẽ.

Bài viết không kết cấu theo trật tự thời gian. Nguyễn Đình Chiểu viết truyện Lục Vân Tiên trước nhưng trong bài viết  tác giả lại nói đến sau. Truyện Lục Vân Tiên được xác định là  “một tác phẩm lớn” nhưng phần viết về cuốn truyện thơ đó lại không kĩ càng bằng phần viết về thơ văn yêu nước chống ngoại xâm.

Với cách so sánh, liên tưởng thơ văn Nguyễn Đình Chiểu như “vì sao có ánh sáng khác thường……càng nhìn càng thấy sáng” đã khẳng định giá trị của các tác phẩm Nguyễn ĐÌnh Chiểu trên phương diện nghẹ thuật lãn tư tưởng. Đây là cách nhìn mới mẻ, khoa học như một định hướng tìm hiểu về văn chương Nguyễn Đình Chiểu.

Mặt khác: “Có người chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của Lục Vân Tiên, và hiểu Lục Vân Tiên khá thiên lệch về nội dung và về văn, còn rất ít biết thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, khúc ca hùng tráng của phong trào yêu nước chống bọn xâm lược Pháp lúc chúng đến bờ cõi nước ta cách đây một trăm năm!”. Nghĩa là các giá trị từ tác phẩm và cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu vẫn chưa được phổ biến, chưa được nhận thức hết. Bổn phận của chúng ta ngày nay là làm cho nó được tỏa sáng hơn nữa trong lòng dân tộc như Phạm Văn Đồng đa nói: đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ của dân tộc, nhất là trong lúc này”.

Đây chính là luận điểm của phần đặt vấn đề. Tác giả đã đặt vấn đề bằng cách vừa chỉ ra định hướng tìm hiểu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, vừa phê phán một số người chưa hiểu Nguyễn Đình Chiểu, vừa khẳng định giá trị thơ văn yêu nước của nhà thơ chân chính Nguyễn Đình Chiểu. Cách vào đề vừa phong phú, sâu sắc, vừa thể hiện phương pháp khoa học của Phạm Văn Đồng.

Cũng chính Phạm Văn Đồng đã từng nhận định: “Văn chương đồ Chiểu không phải là thứ văn chương hoa mĩ, óng chuốt, cũng không phải là  vẻ đẹp của cây lúa xanh  uốn mình trong làn gió nhẹ, mà là vẻ đẹp của đống thóc mẩy vàng” (Văn 11 NXB Giáo dục 1996). Đó là thứ văn chương đích thực).

Ông tiếp tục chứng minh thứ văn chương đích thực ấy thông qua các biểu hiện rõ ràng và thuyết phục của nó bằng các luận điểm hết sức sâu sắc.

Luận điểm 1: Con người và quan niệm văn chương của Nguyễn Đình Chiểu.

* Con người Nguyễn Đình Chiểu.

“Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước mà tác phẩm là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống bọn xâm lược phương Tây ngay buổi đầu lúc chúng đặt chân lên đất nước chúng ta”.

Sau đó, ông làm rõ bằng cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Chiểu.  Nguyễn Đình Chiểu sinh ra trên đất Đồng Nai hào phóng. Mảnh đất quê hương bồi đắp cho tâm hồn ông những tình cảm sâu sắc. Ông lại sống giữa lúc nước nhà lâm nguy, vua nhà Nguyễn cam tâm bán nước để giữ ngai vàng, nhưng khắp nơi, nhân dân và sĩ phu anh dũng đứng lên đánh giặc cứu nước. Hoàn cảnh hun đúc tâm hồn ông những tình cảm lớn. Ý thức yêu nước, thương dân vốn là tư tưởng cửa các chí sĩ cách mạng. Ông cũng hăm hở đem chí làm trai ra cứu nước, giúp đời. Nhưng đáng tiếc thay, ông lại bị mù cả hai mắt. Thế nên, ông lấy thơ ca làm vũ khí chiến đấu và chuyển tải tư tưởng của mình đến với nhân dân nhằm khích lệ tinh thần yêu nước. Và cũng để tỏ rõ tấm tầm của mình:

Sự đòi thà khuất đôi tròng thịt
Lòng đạo xin tròn một tấm gương!

Những tác phẩm đó, ngoài những giá trị văn nghệ, còn quý giá ở chỗ nó soi sáng tâm hồn trong sáng và cao quý lạ thường của tác giả, và ghi lại lịch sử của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại! Thơ văn còn ghi lại tâm hồn trong sáng và cao quý của Nguyễn Đình Chiểu

* Quan niệm văn chương của Nguyễn Đình Chiểu:

Đối với Nguyễn Đình Chiểu, cầm bút viết văn là một thiên chức. Ông quan niệm:  “văn tức là người”, văn thơ là vũ khí chiến đấu:

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

Nguyễn Đình Chiểu trọng chức trách của mình chừng nào thì càng khinh miệt bọn lợi dụng văn chương để làm việc phi nghĩa chừng nấy:

Thấy nay cũng nhóm văn chương
Vóc dê da cọp khôn lường thực hư!

Lấy văn chương làm vũ khí đánh giặc không phải đến Nguyễn Đình Chiểu mới xuất hiện. Thế nhưng, văn thơ của ông thực sự đã phát huy được sức mạnh vô biên của nó. Ấy là ông học theo cổ nhân, lấy đạo nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo vậy:

Học theo ngòi bút chí công
Trong thi cho ngụ tấm lòng Xuân thu!

Luận điểm đưa ra có tính khái quát cao. Cách triển khai lí lẽ, dẫn chứng cụ thể, tiêu biểu giúp người đọc hiểu đúng, hiểu rõ, sâu sắc vấn đề

Luận điểm 2: Thơ văn yêu nước Nguyễn Đình Chiểu làm sống lại lịch sử chống Pháp oai hùng của nhân dân.

“Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu làm sống lại trong tâm trí của chúng ta phong trào kháng Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ từ 1860 về sau, suốt hai mươi năm trời”

Tác giả khẳng định tơ văn Nguyễn Đình Chiểu tái hiện lại một thời đau thương và khổ nhục nhưng vô cùng anh dũng của dân tộc. Ông dùng những dẫn chứng của lịch sử để minh chứng cho khẳng định ấy.

Cuộc kháng cự của triều đình thất bại, Tự Đức vội vã đầu hàng nhục nhã. Từ đó, phải chịu biết bao khoan nhượng vô lí. Năm 1862 cắt ba tỉnh miền Đông. Đến năm 1867 cắt ba tỉnh miền Tây cho giặc.

Thế nhưng, tinh thần kháng chiến của nhân dân vẫn rất mạnh mẽ. Các tầng lớp nhân dân Nam Bộ lúc bấy giờ, nhân dân lao động và các bậc sĩ phu đều kiên quyết vùng dậy đánh giặc cứu nước. Phong trào bắt đầu dấy lên ở miền Đông, sau lan rộng khắp nơi ở “Lục tỉnh”, biến thành cuộc chiến tranh nhân dân rộng lớn, nhiều nơi, nhiều lúc sôi nổi và mạnh mẽ lạ thường, khiến cả kẻ thù cũng không tiếc lời tỏ lòng khâm phục.

Trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lưu lạc, tiếng khóc than thấu tận trời xanh ấy, Nguyễn Đình Chiểu với tấm lòng của kẻ hàn sĩ cẩn thận ghi nhận vào trong văn thơ như những chứng cứ về một thời đau thương của dân tộc. Những trang viết ấy ngày nay đã trở thành “tài liệu về những trang sử oanh liệt này, về biết bao cuộc chiến đấu anh dũng ở khắp nơi, về biết bao chiến công của biết bao anh hùng liệt sĩ, để đánh giá đúng tầm rộng lớn và sức mạnh của phong trào kháng Pháp lúc bấy giờ”. Tác phẩm cũng ghi nhận “lòng căm thù vô hạn của quần chúng nhân dân đối với giặc ngoại xâm, nguyện hi sinh tất cả và chiến đấu đến cùng để cứu nước, cứu dân”.

Phần lớn thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là những bài văn tế ca ngợi những người anh hùng tận trung với nước và than khóc những người liệt sĩ đã trọn nghĩa với dân. Đặc biệt là người nghĩa sĩ nông dân. Nếu bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn, ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương chiến thắng làm rạng rỡ nước nhà thì bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc… muôn kiếp nguyện được trả thù kia…”. 

Phạm Văn Đồng tiếp tục dãn chứng: “trong thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu còn có những đoá hoa, những hòn ngọc rất đẹp“. Không những đẹp ở nội dung phản ánh “một thời buổi oanh liệt và đau thương” của các anh hùng nghĩa sĩ mà còn đẹp ở tấm lòng bậc sĩ phu yêu nước, căm thù giặc nhưng không thể trực tiếp cầm súng đánh giặc, đành ngậm ngùi gửi gắm khát vọng ấy vào nhưng trang văn đẫm đầy nước mắt.

Với giọng văn rõ ràng, dẫn chứng đầy đủ, lập luân chặt chẽ  kết hợp tình cảm nồng hậu của tác giả dành cho Nguyễn Đình Chiểu, Phạn Văn Đồng đã làm cho người đọc/nghe lĩnh hội được vẻ đẹp đáng trân trọng, kính phục con người thơ văn Nguyễn đình Chiểu  và tăng thêm sức thuyết phục cho bài viết.

Phạm văn Đồng đã đặt các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu trên cái nền của hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Bởi một nhà văn chỉ thực sự lớn khi tác phẩm của ông ta phản ánh một cách trung thành những đặc điểm, bản chất của giai đoạn lịch sử  có ý nghĩa trọng đại đối với cuộc sống của nhân dân, đất  nước. Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng là “ngôi sao sáng  trong văn nghệ của dân tộc” vì trước hết thơ văn của ông đã “làm sống lại phong trào kháng Pháp bền bỉ và oanh liệt của nhân dân Nam bộ từ 1860 trở về sau”

Tác giả gọi đấy là  “một thời khổ nhục nhưng vĩ đại”. Vì thế sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương phản chiếu một thời đại như thế, tất yếu là lời ngợi ca những nghĩa sĩ dũng cảm, đồng thời cũng là lời than khóc cho những anh hùng thất thế vì dân, vì nước.

Luận điểm 3: Lục Vân Tiên là tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu rất phổ biến trong dân gian nhất là ở miền Nam.

Tác giả khẳng định Lục Vân Tiền của Nguyễn Đình Chiểu là “tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu, rất phổ biến trong dân gian, nhất là ở miền Nam”.

Tác giả cũng gợi mở thêm: “phải hiểu đúng Lục Vân Tiên thì mới thấy hết giá trị của bản trường ca này. Đúng, đây là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa!. Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga,Vương Tử Trực, Hớn Minh…là những người đáng kính, đáng yêu, trọng nghĩa, khinh tài, trước sau một lòng, mặc dầu khổ cực, gian nguy, quyết phấn đấu vì nghĩa lớn. Họ đấu tranh chống những giả dối bất công và họ đã chiến thắng.

Ở mặt lí luận, ở thời đại chúng ta, quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu có phần lỗi thời nhưng những lời giáo huấn của Nguyễn Đình Chiểu vẫn hết sức “đáng quý trọng”.

Về mặt nghệ thuật văn chương, không nên đánh giá truyện nom Lục Vân Tiên ở hình thức bề ngoài của nó. Phạm văn đồng chú ý: phải để ý đây là một chuyện “kể”, chuyện “nói”. Nghĩa là tác giả cố ý viết một cách nôm na như lời ăn tiếng nói của con người Nam bộ để dễ đọc, dễ nhớ, có thể truyền bá rộng rãi trong nhân gian. Mặt khác, Nguyễn Đình Chiểu viết tác phẩm này khi ông bị mù lòa. Ông phải đọc cho người khác viết. Bởi thế, sự sai lệch có thể có. Tác phẩm viết xong lập tức được lưu truyền. Nguyễn Đình chiểu vì thế cũng không có điều kiện để hiệu chỉnh cho nó mượt mà, chỉnh chu.

Bằng những dẫn chứng và phân tích hết sức sắc sảo, mạnh mẽ và thuyết phục, cuối cùng, tác giả khẳng định: Nguyễn Đình Chiểu là một người chí sĩ yêu nước. một nhà thơ lớn của nước ta. Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao địa vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá và tư tưởng.

Tác giả lập luận theo cách “đòn bẩy”. Người lập luận bắt đầu bằng sự hạ xuống nhưng đó là sự hạ xuống để nâng lên. Cuối cùng đi đến khẳng định thuyết phục.

  • Kết bài:

Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trên bầu trời văn học dân tộc khẳng định ý nghĩa cao đẹp của cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu. Cuộc đời của một chiến sĩ phấn đấu hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; sự nghiệp thơ văn của ông là một minh chứng hùng hồn cho địa vị và tác dụng to lớn của văn học nghệ thuật cũng như trách nhiệm của người cầm bút đối với đất nước, dân tộc.

Phân tích ý nghĩa văn bản Nguyễn Đình Chiểu ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc của Phạm Văn Đồng

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích ý nghĩa văn bản "Nguyễn Đình Chiểu ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc" của Phạm Văn Đồng - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.