phuong-phap-luyen-thi-hoc-sinh-gioi-van-dat-giai-cao

Phương pháp luyện thi học sinh giỏi văn đạt giải cao

Phương pháp luyện thi học sinh giỏi văn đạt giải cao.

– Giáo viên đứng tuyển: luôn học tập tích lũy kinh nghiệm, trau dồi phương pháp, thường xuyên tiếp cận các tác phẩm, cập nhật những tin tức thời sự về văn học, đọc các bài viết, các dạng đề, tích luỹ các đề thi…

– Việc đầu tiên sau khi phát hiện năng lực, tố chất của các em, chúng ta cần bồi đắp cho các em lòng say mê, hứng thú với môn học. Chỉ khi trong các em có lửa nhiệt tình, có đam mê, có yêu thích, các em mới có thể theo đuổi và hết lòng vì môn học. Dẫu biết bao tháng ngày ôn luyện, những giây phút căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí phải chịu thiệt thòi khi không có nhiều thời gian học các môn khác… các em chỉ có thể vượt qua. Những trang văn hay, những lời thơ thấm đẫm tình người, tình đời; những bài học sâu sắc về cuộc sống là sự hấp dẫn, lôi cuốn các em. Tình cảm của các em sẽ lớn dần lên từ những điều như thế.

– Trong quá trinh giảng dạy giáo viên có sự khái quát, hệ thống kiến thức để đưa ra những yêu cầu riêng về phương pháp làm bài của từng phần trong cấu trúc đề thi.

Với Tiếng Việt, kiểu bài thường gặp là tác dụng của biện pháp tu từ, từ đó giáo viên định hướng cho các em phương pháp làm bài: tập trung, ngắn gọn vào giá trị gợi hình và gợi cảm của các biện pháp tu từ. Sự chắc chắn về kiến thức của Tiếng Việt như dùng từ, câu, dựng đoạn giúp các em rất nhiều trong khi làm văn.

Với phần nghị luận xã hội, học sinh cần thuần thục các ý cơ bản cần triển khai ở các dạng đề khác nhau để xử lí linh hoạt trước sự đa dạng của vấn đề nghị luận. Phân biệt được giọng văn của nghị luận xã hội và nghị luận về tác phẩm văn học. Cũng cần lưu ý rằng một bài nghị luận xã hội thì tính vận dụng vào thực tế phải được thể hiện rõ nét thông qua phần rút ra bài học nhận thức và hành động.

Nghị luận về tác phẩm văn học là nội dung cần quan tâm nhiều hơn cả. Ngoài việc yêu cầu các em nắm vững nội dung và nghệ thuật của từng tác phẩm cụ thể; giáo viên còn hướng dẫn cho các em những lưu ý khi làm bài đối với tác phẩm truyện và tác phẩm thơ. Tác phẩm truyện thường chú ý về tình huống, cốt truyện, nhân vật, các chi tiết đắt. Còn tác phẩm thơ lại chú trọng về cảm hứng, nhân vật trữ tình và từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ… Để bài làm sắc sảo, cũng cần trang bị cho học sinh kiến thức về lí luận văn học giúp các em biết đánh giá, khái quát, nâng cao. Giáo viên còn hướng dẫn cho học sinh cách làm bài so sánh tác phẩm này với tác phẩm kia ở cấp độ từ, hình ảnh, chi tiết, nhân vật hay chủ đề tư tưởng… để từ đó rút được sức hấp dẫn, lôi cuốn của từng tác phẩm và những đặc trưng của từng giai đoạn văn học.

– Nhằm hỗ trợ tốt cho các em về kiến thức và khả năng khái quát; giáo viên nên soạn ra các chuyên đề. Các chuyên đề này giúp các em liền mạch trong nhận thức về tri thức đi đến vận dụng hiệu quả trong bài làm.

– Xuyên suốt thời gian bồi dưỡng học sinh giỏi, cũng cần tổ chức cho các em thảo luận, trao đổi những vấn đề còn thắc mắc, chưa tường tận. Các em có thể tự giải đáp cho nhau hoặc những vấn đề nào khó thì giáo viên sẽ giúp các em. Đây là lúc các em sử dụng hiểu biết của mình, rèn kĩ năng tư duy nhạy bén, khả năng diễn đạt… thuyết phục người khác, làm các em tự tin hơn, vững vàng hơn. Khi luyện đề, các em cũng nên được tham khảo bài làm của nhau, tự chấm chữa để học hỏi lẫn nhau đồng thời rút được kinh nghiệm cho bản thân.

– Một bài làm của học sinh giỏi phải thể hiện được sự sáng tạo, cá tính, giọng điệu, cảm xúc riêng của mỗi em. Phải khuyến khích sự phát hiện, trân trọng sự sáng tạo của học sinh. Các em phải được định hướng trong việc tự học, tham khảo tài liệu, bổ sung kiến thức từ thấp đến cao.

– Để rèn luyện được kỹ năng làm bài cho học sinh giáo viên phải thật sự chú trọng việc chấm, chữa bài cho học sinh.

Hướng dẫn cách viết đoạn văn nghị luận 200 chữ trong đề thi THPTQG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang