Qua bài thơ “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi, hãy làm rõ: “Đọc một câu thơ hay là ta bắt gặp tâm hồn của một con người”
- Mở bài:
“Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây cỏ sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút” (Puskin). Thật là vậy, một sáng tác văn chương chỉ có thể là tác phẩm văn học nếu nó không những mang trong mình những nét nghệ thuật độc đáo hay hình ảnh giàu sức tưởng tượng, song quan trọng hơn cả là tâm hồn của người cầm bút, vốn là những xúc cảm chân thật xuất phát từ tận đáy lòng rồi thốt lên thành lời trong thi phẩm. Chỉ như thế thì tác phẩm ấy mới có chỗ đứng trong làng văn học Việt Nam và phục vụ được cho đời sống tinh thần của các bạn đọc. Bởi lẽ đó, người xưa mới có câu: “Đọc một câu thơ hay nghĩa là ta bắt gặp tâm hồn của một con người.”
- Thân bài:
Đối với các sáng tác văn chương, dù là truyện, dù là thơ thì chúng cũng chỉ trở thành những “thắng lợi” khi cả quá trình sáng tác lẫn lĩnh hội đều tỉ mỉ và được mọi người trau chuốt. Bởi thế mà “đọc” thơ không chỉ là giải nghĩa các từ hay liên kết nghĩa của các vế câu trên mặt chữ. Mặt khác, việc “đọc” khác nào một chuyến khai khoáng. Từng lớp đất, lớp đá mang bao nhiêu vàng bạc, kim cương quý giá mà chỉ cần cẩu thả một chút là ta đã đánh rơi cả một tương lai sau này.
Vậy nên mới nói đọc thơ là phải đọc đi đọc lại sao cho thuộc lòng đến ám ảnh, rõ từng dấu chấm, dấu phẩy như từng dấu thăng, dấu giáng trong một giai điệu mang theo hồn người. Một giai điệu xuất phát từ những gì chân thật nhất trong cuộc sống nhưng đã được “chế biến” qua lăng kính của tác giả, gieo vào đó thêm chút “gia vị” của tình người để các bạn đọc có thể cảm thấu nỗi đau của nhà văn, nhà thơ trong từng cái đắng cay, ngọt bùi. Nói tóm lại, khi tiếp nhận một sáng tác văn chương, ta không thể không mở rộng vòng tay để chào đón như gặp lại một tri kỷ sau nhiều tháng ngày mong mỏi. Hãy kéo vội tấm rèm của cửa sổ trái tim, mời gọi mọi thứ ngoài kia kể cả là tia nắng ban mai hay giọt sương đêm vẫn còn sót lại để hiểu hơn những lẽ sống, sẵn sàng hơn cho một ngày mới có thể sẽ đầy rẫy gian truân, nhọc nhằn.
Như vậy ta có thể khẳng định, khi đứng trước một câu thơ hay là ta bắt gặp tâm hồn của một con người. Thơ ca từ lâu đã được ví như những bản nhạc với giai điệu truyền cảm và lời lẽ dễ lay động tấm lòng. Đến một lúc nào đó, khi những tiếng ngân vang chạm đến một cao độ nhất định, ai nghe qua cũng phải chú ý. Như lẽ tự nhiên, họ bị cuốn vào dòng chảy du dương từ bản nhạc trầm bổng, khi cao khi thấp như chính tâm hồn nhạc sĩ. Tâm hồn ấy chỉ thật sự đến được với người nghe nếu đó là xúc cảm chân thật, bộc bạch từ tác giả. Và thơ ca cũng vậy. Chỉ khi những tâm tư, tình cảm của người nghệ sĩ bị “dồn ứ” tạo nên “cú đại địa chấn” (Puskin) trong tâm hồn thì những tiếng lòng ấy mới bật lên thành thơ, thành văn. Những nét đẹp trong văn học kia chính là thứ luôn luôn duy trì sự tồn tại của văn chương, chúng phục vụ cho đời sống tinh thần của mọi độc giả nên thơ ca chẳng bao giờ là lỗi thời hay nhàm chán. Chính vì thế, cứ mỗi khi đọc được một câu thơ hay là ta lại được chạm đến đáy con tim của thi sĩ, để từng vần thơ, từng con chữ thấm sâu vào linh hồn, gặm nhấm vào lí trí khiến ai xem xong cũng không khỏi xuyến xao bồi hồi.
Vẻ đẹp trong thơ ca không chỉ có ở giai đoạn hiện đại hay cuộc sống gần đây mà hai chữ “tâm hồn” ấy đã được các thi nhân nhắc đến từ rất lâu. Trong nền văn học trung đại, nếu phải kể ra một bậc đại nhân thì có lẽ không ít người sẽ nhắc đến Nguyễn Trãi – đại thi hào có danh tiếng lừng lẫy của dân tộc Việt Nam. Cái “tâm hồn” trong thơ ca của ông chẳng phải gì cao xa. Đọc thơ của ông, ta không những quên đi cái thứ vinh hoa phú quý – vốn là thứ xa xỉ luôn được người xưa theo đuổi – mà hơn nữa, những tuyệt phẩm mà Nguyễn Trãi để lại càng khiến cho ta yêu hơn về lối sồng bình dị và lý tưởng cao đẹp ông luôn “khắc cốt ghi tâm”. Trong chùm thơ Nôm “Quốc âm thi tập”, tiêu biểu phải nói đến là mục I “Bảo kính cảnh giới” gồm 61 bài thơ mà ta khó có thể quên đi bài số 43 với cái tên “Cảnh ngày hè”. Chỉ bằng một câu thơ 6 chữ, Nguyễn Trãi cũng có thể mở ra cả một bầu trời chất chứa bao tâm tư và nỗi niềm của mình:
“Rồi hóng mát thuở ngày trường”
Mọi người thường nhắc đến Ức Trai với cụm từ “ưu dân ái quốc”. Quả thực không sai. Mở ra và khép lại bài thơ đều là sự “trung với nước, hiếu với dân”. Điều mà ông mãi khắc khoải chính là đời sống thái bình của thiên hạ. Tuy nhiên, do triều đình tấp nập, xô bồ mà ông phải cáo quan rồi tìm đến Côn Sơn để tu tâm dưỡng tình. Song kể cả Ức Trai có vẻ ngoài rảnh rỗi, tận hưởng thiên nhiên và cuộc sống với thú vui “hóng mát” rất tao nhã thì nhà thơ luôn luôn đọng mãi một nỗi quặn lòng. Chính vì cái muộn phiền ấy mà những ngày hè nhàn rỗi của Nguyễn Trãi đã dài lại còn trở nên dài hơn, “thuở ngày trường”. Nhịp thơ ở đây rất khác với thơ Đường, nếu ta thường bắt gặp ở đó là nhịp 3/4 hoặc 4/3 thì ở câu thơ trên lại là 1/2/3. Nhịp thơ ấy tĩnh tại, chậm rãi tựa bước chân đi khoan thai trên mảnh sân nhà của tác giả.
Nhưng dù sao thì đấy cũng chỉ đơn thuần là một lớp vỏ bọc cho sự “an nhàn bất đắc dĩ” mà thôi. Mới nói đến đây, có lẽ ai trong chúng ta cũng đã thấu hiểu tâm hồn của Nguyễn Trãi, một tâm hồn rất đỗi thi vị. Chính xác thì đây chỉ mới là vẻ đẹp qua câu thơ đầu tiên, với mỗi câu thơ đầu tiên cũng đủ cho ta thấy nỗi canh cánh của thi nhân về cuộc sống của mọi người. Nếu ai là người ít tiếp xúc với văn chương, họ sẽ dễ dàng nhận thấy rằng nét đẹp kia là vô cùng mới lạ, bởi chỉ có văn chương mới mang đến một sự thấu cảm mãnh liệt đến như vậy.
Những câu thơ tiếp theo nhà thơ vẽ lên một bức tranh cảnh ngày hè vô cùng rực rỡ. Bức tranh ấy không chỉ có thiên nhiên mà còn có cả con người. Trước tiên là bức tranh thiên cảnh ngày hè nơi thôn quê. Có thể nói Nguyễn Trãi giống như một nhà họa sĩ dùng ngôn từ để vẽ lên bức tranh tuyệt đẹp ấy:
“Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”
Cây hoa hòe tán rộng tỏa bóng mát khắp đầu tường. Tiếp đó nhà thơ vẽ thêm những bông hoa thạch lựu trước hiên nhà có màu đỏ rực rỡ như ánh nắng chói chang của mùa hạ kia vậy. Nhắc đến quê hương người ta không thể nào quên được hình ảnh những bông hoa sen hồng với hương sắc tuyệt vời. Nhà thơ không nói hẳn là hoa sen mà dùng hai chữ “hồng liên” gợi sự trang trọng cổ kính. Trong bức tranh ấy ta không chỉ thấy màu sắc mùi hương mà ta còn thấy được cả sự sinh trưởng của chúng. Cây hoa hòe “đùn đùn”, cây thạch lựu “phun”, hoa sen “tiễn” mùi hương. Mùa hạ quả đúng là mùa của sinh trưởng cho những loại cây cối. Sức sống ấy mạnh mẽ như các động từ mạnh kia vậy. Hương thơm của hoa sen cũng như bay xa hơn thoảng vào không gian nhiều hơn qua từ “tiễn” ấy. Chữ tiễn ấy không phải là tiễn biệt chia ly mà chứ tiễn như thể hiện cái sự bay xa của hương sen trong cơn gió kia làm cho không gian làng quê ngát hương.
Bức tranh ấy còn có cả những cuộc sống sinh hoạt của con người làng quê. Thật vậy tranh thiên nhiên đã đẹp nhưng nó còn đẹp hơn khi xuất hiện hoạt động sự sống của con người:
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”
Từ láy “lao xao” như thể hiện được hết cái vui tươi của con người lao động trong những buổi chợ. Chợ có đông thì mới có niềm vui như thế, có tiếng động như thế. Cái âm thanh ấy như tác động đến tâm hồn người nghệ sĩ. Chợ cá kia dường như có rất nhiều đồ khiến cho người dân nơi đây náo nức, mua bán. Có thể nói rằng đó chỉ là cuộc sống đời thường thôi nhưng tại sao khi cảm nhận ở đây ta lại thấy nó đẹp đến thế. Có khi nào cái đẹp xuất phát từ những cái quá đỗi bình thường không? Thế rồi âm thanh của những con ve gọi hè. Tiếng ve như dắng dỏi tạo nên thành một dàn đồng ca mùa hạ ngân nga ngày đêm không biết mệt.
Trong dòng chảy của cảm xúc ấy, Nguyễn Trãi đổ dồn hết tất thảy những trăn trở, bộn bề còn đọng lại trong lòng vào văn học. Ông khép lại cả thi phẩm với hai câu thơ, chỉ hai câu thơ kết cũng đủ cho ta thấu được nỗi suy tư đau đáu về nhân dân của tác giả:
“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.”
Để gửi gắm hết những hoài bão trong lòng, Nguyễn Trãi mượn điển tích Ngu cầm để giãi bày khát khao của mình. Tương truyền trong lịch sử đất nước Trung Hoa, thời đại Đường Ngu là giai đoạn mà Trung Quốc phát triển bậc nhất. Đời sống của nhân dân ấm no, tâm thế con người nơi đây thật hạnh phúc, thậm chí có bước ra khỏi nhà cũng chẳng cần đóng cửa. Vua Đường Nghiêu có tặng cho vua Ngu Thuấn một cây đàn Ngu cầm với khúc nhạc Nam Phong, đánh lên để ca ngợi sự thái bình thịnh vượng của muôn dân. Bằng điển tích trên, Ức Trai viết rằng “dẽ có”, tức “nhẽ ra nên có cây đàn Ngu cầm để gảy lên một khúc Nam Phong” ca ngợi cuộc sống đẹp đẽ trước cảnh thiên nhiên tươi tốt, tuyệt vời và nhân dân đủ đầy, sung túc. Câu thơ cuối cùng gói gọn trong sáu chữ nhưng lại vô cùng hàm súc.
Câu thơ “Dân giàu đủ khắp đòi phương” với nhịp 3/3 chia rẽ câu thơ như dòng sông cảm xúc chẻ thành hai nhánh và song hành với nhau. Nhân dân no ấm là một chuyện, nhưng những nơi khác có bình yên hay không lại một chuyện khác. Lý tưởng cao đẹp ấy bị nén lại như dòng thơ vỏn vẹn chỉ sáu chữ kia. Dân đã không giàu thì phải làm sao cho họ “giàu đủ”, mà đã “giàu đủ” rồi thì phải giàu “khắp đòi phương” (khắp muôn nơi)! Qua hai dòng thơ trên ta mới thấy, Ức Trai đúng là một con người có tấm lòng “ưu dân ái quốc”, ông giành thời gian của mình để quan tâm đến toàn bộ những con người “thấp cổ bé họng” nhất trên mảnh đất quê hương.
Thơ ca cổ điển thường có khuynh hướng trang nhã, viết về những cái kỳ vĩ, lớn lao. Song Nguyễn Trãi lại chọn cho mình một lối đi hoàn toàn khác. Ông chọn chất liệu thơ theo xu hướng bình dị, là cây “hòe lục”, là hoa “thạch lựu”, là “hồng liên trì” và hơn cả là “dân”. Qua đó ta mới thấy Nguyễn Trãi thực sự là một con người có tấm lòng tận trung tận hiếu với quê nhà. Từ ngữ ấy muôn đời chỉ có trong thơ ca Nguyễn Trãi, vẻ đẹp ấy muôn đời chỉ có trong tâm hồn Ức Trai. Nhờ đó, cốt cách ông mới được nổi bật lên, trở thành nguồn cảm hứng cho bao nhà thơ khác, trở thành lý tưởng sống cho biết bao thế hệ con cháu mai sau.
Suy cho cùng, văn chương xuất phát rất nhiều từ tình cảm và suy tư dựa trên những gì có trong cuộc sống. Để rồi từng khối xúc cảm ấy trĩu nặng trong lòng nhà thơ để bùng lên thành câu chữ gây động lòng trắc ẩn cả những con người ít hiểu biết nhất. Nói như Tố Hữu: “Thơ chỉ bật ra trong tim ta khi cuộc sống đã tràn đầy”. Tuy nhiên, nếu chỉ có thế thì văn học vẫn chưa bộc lộ được hết vẻ đẹp của nó. Không phải tự dưng mà văn học lại được nhiều người chú tâm hơn so với các lĩnh vực nghệ thuật khác như hội họa hay âm nhạc. Đấy là bởi vì trong thơ không chỉ có nhạc, có tranh, mà còn có cả những nghệ thuật cần vận dụng đến vẻ đẹp của ngôn từ. Chính vì thế mà thơ ca thu hút biết bao nhiêu thế hệ con người Việt Nam, sinh ra vô vàn những đứa con của văn học. Để tận dụng hết cái hay, cái độc đáo của thơ ca, những thi nhân cần phải biết lồng ghép yếu tố nghệ thuật vào đó một cách có trí tuệ như cân đo “một phần nghìn miligram quặng chữ” (Maiakovski), gắn ghép từng “mảnh chữ” vào trong bức tranh rất đỗi văn học, in dấu vào đó một bước chân bất tử với mọi loại bụi thời gian.
- Kết bài:
Sau tất cả, chúng ta phải càng thừa nhận rằng khi “đọc một câu thơ hay nghĩa là ta bắt gặp tâm hồn của một con người”. Ta bắt gặp vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi trong một ngày hè nhàn rỗi đầy ưu tư, một nỗi ưu tư về thời cuộc thật khó nói ra. Thế nhưng, chắc hẳn nhà thơ phải là một người yêu thiên nhiên nhiều lắm thì mới có thể cảm nhận được cả những bước sinh trưởng của cây cối mùa hè như thế. Đồng thời ta cũng thấy được một tâm hồn trung nghĩa với nhân dân. Mặc dù xa rời quan trường nhưng ông không lúc nào không lo cho nhân dân, mong muốn nhân dân có một cuộc sống an lành bình yên.