qua-bai-tho-chieu-toi-hay-lam-ro-van-tho-cua-bac-van-tho-thep

Qua bài thơ Chiều tối, hãy làm rõ: Vần thơ của Bác, vần thơ thép…

Trong bài Đọc thơ Bác, Hoàng Trung Thông viết: Vần thơ của Bác vần thơ thép/Mà vẫn mênh mông bát ngát tình? Điều đó thể hiện trong bài thơ Chiều tối như thế nào?

  • Mở bài:

Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà cách mạng, nhà lãnh tụ vĩ đại mà còn là một nhà văn, nhà thơ, một nghệ sĩ tài hoa. Ngục trung nhật kí (Nhật kí trong tù) được sáng tác trong thời gian Người bị giam cầm trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, là một trong những tác phẩm thơ tiêu biểu của Người. Nhận xét về nghệ thuật thơ ca của Bác, Hoàng Trung Thông viết: Vần thơ của Bác vần thơ thép – Mà vẫn mênh mông bát ngát tình?Chất “thép”, chất “tình” thể hiện rõ ràng trong bài thơ Chiều tối, một bài thơ tiêu biểu trong tập Nhật kí trong tù.

  • Thân bài:

Chiều tối (Mộ) là bài thứ 31 của tập thơ. Cảm hứng của bài thơ được gợi lên trên đường chuyển lao của Hồ Chí Minh từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo vào cuối năm 1942. Bài thơ thể hiện tâm hồn, tình cảm và nghị lực của người chiến sĩ cộng sản trong những năm tháng bị tù đày.

Chất thép: về nghĩa đen, thép là kim loại cứng rắn, khó làm cho biến dạng hay thay đổi. Về nghĩa bóng, chất thép trong thơ Bác là khí phách, là bản lĩnh, là ý chí chiến thắng trước hoàn cảnh, là tinh thần lạc quan cách mạng của Người.

Chất tình hay là tình cảm của người với người, với thiên nhiên… Chất tình trong thơ Bác là tình cảm thương người, sống vì người khác đến quên mình, là tình yêu quê hương đất nước,…

Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã rất đúng khi khẳng định:

Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp
Ánh đèn tỏ rạng mái đầu xanh
Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.

Chất thép biểu hiện trong tập thơ Nhật kí trong tù:

  • Thể hiện ở tinh thần tiến công, không khuất phục trước lao tù.
  • Thể hiện ở việc dũng cảm tố cáo đả kích kẻ thù …
  • Chủ động trước mọi hoàn cảnh.
  • Thể hiện ở tinh thần lạc quan cách mạng.

Chất tình biểu hiện trong tập Nhật kí trong tù:

  • Yêu quê hương đất nước
  • Yêu thương những con người nghèo khổ bất hạnh
  • Yêu thiên nhiên.

→ Mỗi bài thơ trong tập Nhật kí trong tù đều thể hiện vẻ đẹp của người chiến sĩ cách mạng trong những năm tháng ở nhà tù của Tưởng Giới Thạch. Những vần thơ thép vừa thể hiện được ý chí, nghị lực phi thường của người chiến sĩ cộng sản vừa thể hiện được tình cảm bao la của Bác.

Chất thép và chất tình trong bài thơ Chiều tối:

Chất thép cứng cỏi, mạnh mẽ, bất khuất trước nghịch cảnh.

Chất thép, vần thơ thép thể hiện ở tinh thần vượt lên trên hoàn cảnh tù đày. Trong hoàn cảnh lao tù, Bác đã quên đi sự đày ải của chính mình. Bài thơ đã thể hiện được bản lĩnh của người chiến sĩ. Bởi nếu không có ý chí và nghị lực, không có phong thái ung dung tự tại và sự tự do hoàn toàn về tinh thần thì không thể có những câu thơ cảm nhận thiên nhiên thật sâu sắc và tinh tế:

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không.

(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không).

Chất thép thể hiện ở tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh tù đày. Có thể nói trong hoàn cảnh lao tù, Bác bị dẫn đi suốt một ngày dài từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo, vậy mà Bác vẫn nhận ra vẻ đẹp của con người lao động ở xóm núi nơi đất khách quê người:

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

(Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng).

Lúc thời gian dần đi vào buổi tối, Bác đã nhìn thấy lò than rực hồng. Rõ ràng đặt hình ảnh cô gái lao động trẻ trung, khoẻ khoắn bên cạnh hình ảnh lò than rực hồng, ta thấy hai câu thơ tạo nên vẻ đẹp hài hoà đầy sức sống ở nơi núi rừng hẻo lánh. Phải là người có phong thái ung dung tự tại, lạc quan yêu đời, Bác mới nhận ra được sự vận động của thời gian từ buổi chiều sang buổi tối, cảnh vật từ cô đơn, lẻ loi của cánh chim, của chòm mây sang cảnh ấm áp của con người, của lò than rực hồng.

Chất tình mềm mại, đằm thắm, hòa nhập với cuộc sống.

Chất tình thể hiện ở tình cảm gắn bó của Người với thiên nhiên:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.

Hai câu thơ đã tái hiện thời gian và không gian của buổi chiều tối ở chốn núi rừng nơi đất khách quê người. Lúc ấy, người tù bất chợt nhìn lên bầu trời, Người thấy cảnh chim đang mải miết bay về trời. Chòm mây đang chầm chậm trôi. Chim bay về tổ có ý nghĩa báo hiệu thời gian của buổi chiều tối. Qua hình ảnh cánh chim mỏi mệt, người đi còn tìm thấy sự tương đồng hoà hợp với cảnh ngộ và tâm trạng của mình. Vào lúc chiều tối, Người vẫn đang bị dẫn đi từ nhà lao Tĩnh Tây mà vẫn không biết đâu là chặng nghỉ cuối cùng của một ngày. Câu thơ thứ hai tiếp tục phác hoạ không gian, thời gian. “Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”. Chòm mây cô đơn, lẻ loi và lặng lẽ, lững lờ trôi giữa  không gian rộng lớn của trời chiều.

Người tù trên đường bị giải đi vẫn gửi lòng mình vào những hình ảnh quen thuộc của thiên nhiên. Phải có sự quan sát tinh tế, phải có trái tim luôn rung động trước thiên nhiên, Bác mới miêu tả thiên nhiên một cách tinh tế và gợi cảm đến như vậy.

Chất tình thể hiện tình cảm gắn bó của Người với con người và cuộc sống nơi đất khách quê người. Hai câu thơ cuối cho ta thấy thi nhân đã tìm thấy sức sống và niềm vui từ một mái ấm gia đình nơi đất khách quê người:

Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng.

Hình ảnh cô thiếu nữ xay ngô và hình ảnh lò than rực hồng gợi lên một mái ấm gia đình. Bác không hề cảm thấy bị lẻ loi, bị tách biệt khỏi cuộc sống. Cảm giác lẻ loi, cô đơn đã bị xua đi bởi hình ảnh ấm áp của người thiếu nữ xay ngô và hình ảnh lò than rực hồng. Hai câu thơ cho ta thấy được Bác không chỉ hoà hợp, gần gũi thiên nhiên mà trái tim của Người còn luôn hướng về con người, về áng sáng. Bác luôn có được sự cảm thông một cách kì lạ với những người lao động.

  • Kết bài:

Bài thơ Chiều tối đã thể hiện đầy đủ và sâu sắc khí phách, bản lĩnh, tinh thần lạc quan, ung dung, tự tại, tình yêu thiên nhiên, yêu con người và cuộc sống của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh. Đó chính là chất thép và chất tình thể hiện ở Bác. Bài thơ có sự hoà hợp giữa hai yếu tố cổ điển và hiện đại. Yếu tố cố điển thể hiện ở chỗ lấy không gian tả thời gian, lấy ngoại cảnh tả nội tâm. Hình ảnh trong bài thơ mang tính ước lệ, chấm phá (một cánh chim, một chòm mây… Yếu tố hiện đại thể hiện ở chỗ tứ thơ vận động, hướng đến sự sống, nhân vật trữ tình gắn bó với cuộc sống, với con người, luôn lạc quan tin tưởng… Chiều tối là bài học về ý chí và nghị lực, về tinh thần lạc quan và niềm tin vào của cuộc sống của Người.

Đọc thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang