Nhà văn không có phép thần thông để vượt ra ngoài thế giới này nhưng thế giới trong con mắt nhà văn phải có một hình sắc riêng (Hoài Thanh)
- Mở bài:
– Giới thiệu bài thơ “Vội vàng” và phong cách thơ của Xuân Diệu.
– Dẫn vào ý kiến của Hoài Thanh: “……”
- Thân bài:
1. Giải thích nhận định:
– Ý kiến của Hoài Thanh khẳng định hai vấn đề:
+ Thứ nhất: “nhà văn không có phép thần thông để vượt ra ngoài thế giới này”. Nghĩa là mọi chất liệu cấu thành nên thế giới nghệ thuật của một nhà văn không phải từ một thế giới xa lạ nào khác, nó là những gì tồn tại trong thế giới quen thuộc của tất cả chúng ta. Nhà văn “không có phép thần thông” mà chỉ là những người thu nhặt và tái tạo chất liệu đời sống qua bàn tay sáng tạo của mình.
+ Thứ hai: “thế giới này trong con mắt nhà văn phải có hình sắc riêng”. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi của nghệ thuật. Từ những chất liệu quen thuộc của đời sống, nhà văn là người tạo lập một thế giới vừa quen vừa lạ, vừa thân thuộc vừa độc đáo. “Con mắt nhà văn” trong quan niệm của Hoài Thanh cần được hiểu rộng ra là cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ. Bức tranh cuộc sống đi qua sự khúc xạ của con mắt nhà văn có một hình sắc riêng. “Hình sắc riêng” – đó là dấu ấn của cá tính sáng tạo.
2. Khẳng định vấn đề mà nhận định đặt ra:
– Lời nhận định của Hoài Thanh đã đề cập đến một vấn đề cốt yếu của sáng tạo nghệ thuật: nhà văn là người tái tạo, sáng tạo một bức tranh cuộc sống độc đáo mới mẻ trên nền chất liệu quen thuộc của “thế giới này”.
3. Chứng minh “Hình sắc riêng” của thế giới qua cái nhìn của Xuân Diệu.
– Trước Cách Mạng, Xuân Diệu là gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Trong một thời đại nở rộ những tài năng thi ca độc đáo, Xuân Diệu vẫn để lại một dấu ấn không thể trộn lẫn. Ông có một cách nhìn, cách cảm nhận thế giới riêng biệt, từ đó dựng lại một bức tranh cuộc sống độc đáo trong những trang thơ của mình. Vẫn là những chất liệu đời sống quen thuộc của thế giới này như chim chóc, yến anh, cành lá, rặng liễu, hoa cỏ… nhưng qua con mắt của Xuân Diệu, chúng mang một hình sắc riêng:
+ Thế giới này qua con mắt Xuân Diệu mang vẻ đẹp xuân sắc và tình tứ. Đó là một khu vườn xuân đầy hương sắc, thanh âm và mật ngọt (Vội vàng). Đó là một “bài thơ dịu” hòa điệu giao duyên giữa thiên nhiên với thiên nhiên, con người với con người .
+ Thế giới này qua con mắt Xuân Diệu dường như đang phôi pha trong dòng chảy của thời gian. Đó là tiếng than thầm tiễn biệt vang vọng giữa sông núi, là nỗi hờn phải bay đi của chim chóc (Vội vàng). Đó là bức tranh thu trong hành trình từ lúc thu tới đến khi thu xâm chiếm cả đất trời và lòng người (Đây mùa thu tới).
– Dù xuân sắc và tình tứ hay phôi pha và u buồn thì cũng đều là vẻ đẹp riêng biệt của bức tranh cuộc sống qua cảm nhận của Xuân Diệu. Nhà thơ đã nhìn nhận cuộc sống bằng cặp mắt xanh non biếc rờn, bằng cặp mắt đa tình và bằng cả nỗi ám ánh thời gian của một con người luôn yêu từng giây từng phút của sự sống. Qua đó chúng ta nhận ra một cái Tôi Xuân Diệu: lãng mạn, tinh tế, vừa khát khao giao cảm với đời, thức nhọn mọi giác quan để cảm nhận trọn vẹn cuộc sống vừa cô độc, bâng khuâng trước dòng chảy của thời gian…
- Kết bài:
– Khẳng định ý kiến và phong cách thơ Xuân Diệu.
Tham khảo:
- Mở bài:
Văn học phải chăng cũng tựa bản nhạc mà nhạc sĩ Edua Grigơ viết tặng nàng Đanhi: điệu nhạc du dương rạo rực, phập phồng hơi thở cuộc đời, như tiếng tù và vang vọng cánh rừng thông, tiếng gió reo ca trong những dây buồm… nơi thành phố Bécghen, quê hương nàng. Văn học là cuộc sống, là kết tinh muối mặn cuộc đời. Vậy phải chăng công việc của nhà văn nhất thiết chỉ cần đơn thuần dựa trên sự quan sát chính xác, không cần đến sáng tạo, tưởng tượng? Cũng như nhiều nhà văn khác, Maupassant hoàn toàn bác bỏ ý kiến trên. Ông không cho phép ai phủ nhận sự sáng tạo bởi nó mang đến sự phồn vinh của ý sáng tác, là đất đai mang vàng bạc đến cho thơ văn. Nói theo Hoài Thanh thì: “Nhà văn không có phép thần thông để vượt ra ngoài thế giới này nhưng thé giới trong con mắt nhà văn phải có một hình sắc riêng.”
- Thân bài:
Tác phẩm không phản ánh những điều mông lung xa vời và nhà văn cũng “không có phép thần thông để vượt ra ngoài thế giới này”.Đã trở thành một qui luật chung, bất di bất dịch, văn chương của anh sẽ mãi tươi màu, neo chặt trong bến tâm hồn người thưởng thức chỉ khi anh – nhà văn chấm ngòi bút của mình vào nghiên mực cuộc sống. Cuộc sống chính là mạch sữa ngọt ngào tuôn chảy không ngừng từ thế hệ này sang thế hệ khác để nuôi dưỡng văn học. Song nghệ thuật cũng là hoạt động của trí tưởng tượng bất kham và sự sáng tạo là “thâm cung linh thánh” của văn học. Vì vậy trong quá trình sáng văn học nói chung và sáng tác thơ ca nói riêng, người cầm bút không chỉ mang trách nhiệm “người thư kí trung thành của thời đại” mà còn phải “sáng tạo những gì chưa có”.
Cuộc sống là nơi cung cấp chất liệu cho thơ, thơ ca bắt nguồn từ cuộc sống nên thơ bao giờ cũng chứa đựng bóng hình cuộc sống, bóng hình con người. Thơ ca là nơi con người gửi gắm tâm tình, ước mơ, khát vọng, những băn khoăn, rạo rực, ưu tư. Thơ không thể tách khỏi cuộc đời. Cuộc đời ban truyền nguồn nhựa sống mãnh liệt cho thơ và thơ nở hoa làm đẹp cuộc đời, cống hiến cho con người những phút giây tuyệt vời lắng đọng nhiều nỗi suy tư. Thơ ca là cuộc đời nhưng thơ ca không phải là trang giấy in nguyên ven bóng hình của cuộc đời rộng lớn. Cuộc đời vốn bao la, vô tận, như một bức tranh với ba chiều không gian trải rộng đến vô cùng. Nhà thơ như những chú ong cần mẫn bay lượn trong khu vườn ấy, hút lấy chất mật tinh túy nhất, ngọt ngào nhất để tạo nên những vần thơ thật sự có giá trị.
Hiện thực trong thơ là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan đã được khúc xạ qua lăng kính thi sĩ. Sự sáng tạo ở đây thể hiện qua góc nhìn mới mẻ, độc đáo và những phát hiện riêng của người cầm bút trong quá trình khám phá hiện thực cuộc sống. Nó cũng là kết quả của trí tưởng tượng nhằm tạo ra thế giới của ước mơ, lí tưởng, vươn lên trên hiện thực khách quan để phá vỡ các giới hạn của sự tồn tại.
Cùng bắt nguồn từ mảnh đất hiện thực nên nếu nhà văn không tìm tói, khám phá, sáng tạo, không có một điểm nhìn mới, một “hình sắc riêng” thì trang viết của anh cũng sẽ trở thành một món hàng sản xuất hàng loạt, thơ sẽ chỉ còn là sự nhai lại nhàm chán. Sự sáng tạo của thi nhân đã làm thơ vừa quen vừa lạ, vừa là cuộc sống vừa là xứ sở của lí tưởng và ước mơ.
Sứ mệnh cao cả của thi ca là trở thành “thứ vũ khí thanh cao mà đắc lực” (Thạch Lam) để chống lại cái xấu xa, giả dối. Vì vậy, ánh sáng lan tỏa và âm thanh lan truyền là điều mà mỗi tác phẩm phải có. Muốn tác động đến tâm trí người đọc, tác phẩm phải có một sức ám ảnh lớn, chiều sâu tư tưởng mạnh mẽ đối với nhận thức con người. Nếu thơ ca chỉ là sự rập khuôn, đơn điệu nhàm chán, chỉ là những điều bình thường, vụn vặt, tác phẩm sẽ trôi tuột khỏi tâm trí người đọc ngay khi cuốn sách khép lại.
Sức sống của tác phẩm và yếu tố làm nên phong cách tác giả – dấu hiệu quyết định tên tuổi nhà thơ, được tạo nên bởi yếu tổ sáng tạo trong thi ca. Văn học nói chung cũng như thơ nói riêng phải là hoạt động sáng tạo mang tính cá thể, không lặp lại người khác và lặp lại chính mình. Đó cũng là qui luật đào thải khắc nghiệt của văn chương: người không sáng tạo sẽ bị quên lãng. Điều này đòi hỏi người cầm bút phải có những điểm đặc biệt không bị lẫn với người khác, một “hình sắc riêng”, phải có thứ “vân tay nghệ thuật” in dấu trong lòng người đọc.
Thơ ca bao giờ cũng là dấu ấn sáng tạo của người cầm bút, thể hiện bản ngã, cái tôi. Thế nhưng, cái tôi trong thơ trung đại hầu hết hòa trong cái ta chung. Thơ ca trung đại đề cao tính vô ngã. Phải đến thơ mới, cái tôi mới được nhận thức và thể hiện như là trung tâm của thơ ca. Có thể nói, thơ ca hướng vào thể hiện cái tôi chính là con đường đưa thơ trở về với bản ngã của chính nó. Với tư cách là chủ thể nhận thức, cái tôi cùng hệ thống quan niệm thẩm mĩ mới mang dấu ấn của những tìm kiếm mới, sáng tạo mới, phong cách mới mà văn học mấy thế kỷ qua chưa đạt tới được. Cái tôi ấy không chỉ bó hẹp thơ ca trong mục đích tải đạo, nói chí, giáo huấn mà là chủ thể sáng tạo mang cá tính riêng, phong cách riêng với nhu cầu tự khẳng định mình. Cái tôi cũng là đối tượng phản ánh của thi ca với tất cả sự phong phú, hấp dẫn, phức tạp của nó. Với nhu cầu khẳng định cái tôi cá nhân, cá thể, các nhà thơ mới đã “đồng loạt cất lên bản hòa tấu tuyệt đẹp với những âm thanh mới lạ, tân kỳ chưa từng có trước đó” (GS. Hồ Thế Hà). Trong bản giao hưởng ấy, những vần thơ Xuân Diệu cất lên đầy sôi nổi, hăm hở của một tâm hồn yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt.
Có lẽ “Vội vàng” là tác phẩm bộc lộ đầy đủ nhất thế giới mang đậm thần thái, “hình sắc riêng” Xuân Diệu. Đó là thế giới đầy hương sắc của thiên nhiên với bao của ngon vật lạ kích thích mọi giác quan làm người ta say đắm. Nó là cái đẹp bát ngát mơn mởn của “đồng nội xanh rì”, sự non tơ tươi mới của “cành tơ phơ phất”, niềm hạnh phúc, yên bình mỗi sớm mai “thần vui hằng gõ cửa” chờ đón. Được cảm nhận bằng cả sự tinh vi nhất của một hồn yêu đầy ham muôn nên thiên nhiên cũng hiện ra như một thế giới đầy xuân tình, mơn mởn, quyến rũ như một người tình kiềm diễm, tình tứ, rạo rực, trinh nguyên: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Tháng giêng là sự khởi đầu mơn mởn của một năm, là hình ảnh biểu tượng cho khoảnh khắc tươi đẹp, khoảnh khắc hiện hữu của mùa xuân cuộc đời và của tuổi trẻ trên dòng chảy thời gian. Có lẽ trước Xuân Diệu, trong thơ Việt Nam chưa có cảm giác “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Nó là cảm giác của ái ân tình tự. Một hình dung rất trừu tượng là “tháng giêng” nhưng được cảm nhận cụ thể, gây ấn tượng mạnh qua từ “ngon”, phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác tài tình, mới lạ, táo bạo. Cảm nhận bằng vị giác lại hòa quyện trong những rung động của thị giác. Từ những rung động của một hồn thơ yêu đời, yêu sống đó đã làm cho người ta thấy tháng giêng mơn mởn, tơ non, tràn đầy sức sống thanh tân. Tháng giêng mang trong nó một sức quyến rũ không thể cưỡng được, như một “cặp môi gần” tươi hồng, chín mọng của thiếu nữ hé mở, chờ đợi, sẵn sàng hiến dâng.
Lần đầu tiên, bằng đôi mắt xanh non biếc rờn, cái tôi thơ mới cảm nhận toàn bộ thanh sắc của cuộc sống mang đậm màu sắc cá nhân. Song thơ mới cất tiếng khóc chào đời trong hoàn canh u buồn, đau đớn của một thế hệ mất nước nên mỗi nhà thơ trốn vào những “thiên đường” riêng, thoát li cuộc sống chán chường đương thời. Hoặc thả hồn mình trên chốn bồng lai tiên cảnh như Thế Lữ hãy quay về khóc than cho quá khứ vàng son dĩ vãng như Vũ Đình Liên hay tìm lãng quên trong những cơn say bất tận tựa Vũ Hoàng Chương, mỗi nẻo đường ấy mang nhiều màu sắc phức tạp khác nhau. “Lầu thơ” của Xuân Diệu cũng mang một “hình sắc riêng”. Nó được xây dựng trên đất của “một tấm lòng trần gian”, của một tình yêu say mê, cuồng nhiệt với cuộc sống. Vì vậy thiên đường trong thơ ông không đâu xa. Thiên đường ấy có ở ngay mùa xuân quanh mình, đang bày ra trước mắt mà địa chỉ là cõi trần. Nhà thơ tựa say sưa cùng tận với hơi men mùa xuân, hơi men cuộc sống, cái khát khao, hạnh phúc tuyệt đích khi được “uống hàm hồ dòng suối mặt trời” , “cắn hàm hồ vào trái tim của mùa xuân”.
Vẻ đẹp của đất trời đầy sức sống và rạo rực tuyệt bích là thế nhưng chỉ “ngon” nhất ở độ xuân còn con người cũng chỉ hưởng thụ được cái “ngon” kia khi còn trẻ mà thôi. Cả hai đều vô cùng ngắn ngủi, thời gian sẽ cướp đi hết thảy. Không như con người trung đại yên trí với quan niệm thời gian tuần hoàn “xuân khứ, xuân lai, xuân bất tận”, với cái chu kì bốn mùa cũng như cái chu kì ba vạn sáu nghìn ngày của kiếp người, thời gian trong quan niệm của Xuân Diệu mang đến tất cả và lấy đi tất cả. Trong hiện tại “đương tới” đã có màu li biệt “đương qua”, trong sự sống bắt đầu “còn non” đã ẩn chứa hạt mầm của sự tàn phai “đã già”. Chẳng thế mà thi sĩ cảm thấy thật hiển hiện mỗi khoảnh khắc đang lìa bỏ hiện tại, “rớm vị chia phôi” để trở thành quá khứ thật sự là một cuộc ra đi vĩnh viễn. Trên mỗi thời khắc đều có một cuộc ra đi như thế, thời gian đang chia tay với con người, chia tay với không gian và với cả chính thời gian. Một sự tàn phai không thể nào tránh khỏi. Thế nên, chỉ có thể “vội vàng” mà sống, chạy đua với thời gian, tranh thủ sống:
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi hương
Cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
Bài thơ kết thúc bằng những cảm xúc mãnh liệt, bằng những ham muốn mỗi lúc một cuồng nhiệt, vô vập. Ta như có thể nghe thấy giọng nói, nghe thấy cả nhịp đập của con tim thi sĩ. Nó hiện ra trong những làn sóng ngôn từ đan chéo nhau, giao thoa nhau của các tính từ chỉ xuân sắc, những động từ chi trạng thái đắm say, những danh từ chỉ vẻ đẹp thanh tân tươi trẻ, như những đợt sóng vỗ mãi vào tâm hồn người đọc. Cái “tôi” chật hẹp đã chuyển thành đại từ “ta” rộng lớn, sánh ngang với vũ trụ. Câu thơ “Ta muốn ôm” ngắn ngọn lại được đặt ở vị trí đặc biệt: chính giữa dòng thơ là hoàn toàn có dụng ý. Xuân Diệu muốn tạo ra hình ảnh một cái tôi đầy tham lam đang đứng giữa trần gian dang rộng vòng tay, nới rộng tầm tay để ôm cho hết, chi khắp, gom cho nhiều nữa mọi cảnh sắc mơn mởn, trinh nguyên của trần thế này vào, “cho chếnh choáng mùi hương, cho đã đầy ánh sáng”, “cho no nê thanh sắc của thời tươi”.
Nếu mở đầu bài thơ thi nhân muốn “tắt nắng”, “buộc gió”, lưu giữ tất cả những “tuần tháng mật”, “khúc tình si” trong lo âu dự cảm thì giờ đây nhà thơ hoàn toàn tự do tràn ngập trong hương thơm và ánh sáng. Lối sống “vội vàng” đã giúp con người vượt thoát khỏi tính hữu hạn của thời gian để mỗi khoảnh khắc sống trọn vẹn đều là vĩnh viễn. Khổ thơ như ly rượu tràn đầy và ngây ngất của cuộc sống mà chưng cất nên chất “rượu của thế gian” đắm say ấy là cái đắm say tận cùng của tình yêu trong “một cái hôn nhiều” và cái bồng bột của, hăm hở của tuổi trẻ trong ước muốn “cắn” “xuân hồng”, “cắn” cái vẻ đẹp căng mọng tròn đầy của cuộc sống như một con ong hút nhụy đã thỏa mãn, đã “no nê thanh sắc của thời tươi” đang lảo đảo bay đi. Sống là hạnh phúc và “vội vàng” là cách duy nhất để đến với hạnh phúc, là hạnh phúc cũng là cái giá phải trả cho hạnh phúc.
“Vội vàng” là thế giới mang đậm “hình sắc riêng” của “chất Xuân Diệu”. Nó là một dòng cảm xúc dào dạt, bồng bột có lúc thực sự là một cơn lũ cảm xúc, cuốn theo bao nhiêu hình ảnh thi ca như gấm như thêu của cảnh sắc trần gian. Nhưng nó cũng là một bản tuyên ngôn bằng thơ, trình bày cả một quan niệm nhân sinh về lẽ sống vội vàng. Đó là cách sống cuồng nhiệt, sống hết mình, sống thực sự có ý nghĩa với mỗi giây phút cuộc đời. Nó không phải là lối sống hưởng thụ, gấp gáp, bất cần. Quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu thể hiện khát khao sống mạnh mẽ, có bản sắc riêng. Con người bằng tài năng và nhiệt huyết sẽ thắp lên ngọn lửa chói lọi của đời mình, thi sĩ bằng thi ca sẽ chiến thắng cái chết và hư vô.
Thi ca là quá trình phản ánh và sáng tạo đời sống. Thơ là hoa thơm của cuộc đời nhưng nếu chỉ được kiến tạo từ trí tưởng tượng và cái tôi bé nhỏ thì nó chỉ là “những bông hoa làm bằng vỏ bào nhuộm khéo, một thứ vàng mạ.” (Pautovsky). Trong thơ văn, sự sáng tạo thi vị hóa sự phản ánh để nó trở nên mới mẻ, thu hút, giàu sức sống cũng như sự phản ánh giúp cho sự sáng tạo không chệch hướng, không trở thành những điều vô nghĩa. Nhà thơ phải là “người thư kí trung thành của thời đại” (Balzac) nhưng đồng thời dấu ấn chủ quan của anh phải được khẳng định. Vì vậy với tư cách là một chỉnh thể thẩm mĩ, mỗi bài thơ phải là sự kết hợp hài hòa giữa tính khách quan của chất liệu hiện thực và tính chủ quan của quá trình sáng tạo.
- Kết bài:
“Nhà văn không có phép thần thông để vượt ra ngoài thế giới này” (Hoài Thanh) bởi văn học là kết tinh muối mặn cuộc đời, góp nên trang là “những chữ của đời” (Chế Lan Viên). “Nhưng thế giới trong con mắt nhà văn phải có một hình sắc riêng”. Vì sự sáng tạo là đất đai mang vàng bạc đến cho thơ văn, vì văn học là quá trình phản ánh và sáng tạo đời sống, vì mỗi trang viết in dấu hiện thực cũng đồng thời in dấu “vân tay nghệ thuật” riêng biệt, độc đáo và duy nhất của nhà văn.