qua-kho-tho-3-bai-tho-anh-trang-cam-nhan-su-vo-tinh-cua-con-nguoi-khi-hoan-canh-thay-do

Cảm nhận sự vô tình của con người khi hoàn cảnh thay đổi qua khổ thơ 3 bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Cảm nhận sự vô tình của con người khi hoàn cảnh thay đổi qua khổ thơ 3 bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy

  • Mở bài:

Nguyễn Duy viết bài thơ “Ánh trăng” vào năm 1978 ,tại thành phố Hồ Chí Minh -nơi đô thị của cuộc sống tiện nghi hiện đại, nơi những người từ trận đánh trở về đã để lại sau lưng cuộc chiến gian khổ mà nghĩa tình. Bài thơ là câu chuyện nhỏ được kể theo trình tư thời gian từ quá khứ đến hiện tai với các mốc sự kiện trong cuộc đời con người. Dòng cảm xức của nhà thơ cũng được bộc lộ theo mạch tư sự. Theo dòng tự sự ấy mạch cảm xúc đi từ quá khứ đến hiện tại và lắng kết trong cái “giật mình” cuối bài thơ.

  • Thân bài:

Khổ thơ thứ ba đưa người đọc trở về hiện với những đổi thay trong quan hệ của nhà thơ với vầng trăng:

“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường”

Tác giả đã tạo ra sự đối lập về hoàn cảnh sống của con người trong quá khứ và hiện tại. “Ánh điện cửa gương” là cách nói hoán dụ tượng trưng cho cuộc sống đầy đủ, tiện nghi, khép kín trong những căn phòng hiện đại, xa rời thiên nhiên. Nếu trước đây, con người sống hòa hợp với sông, với đồng, với bể, với rừng, thiên nhiên là người bạn nghĩa tình thì giờ đây họ lại đang sống với những tiện nghi đầy đủ, rực sáng nhưng giả tạo: ánh điện, cửa gương, phòng puyn-đinh. Từ đó, nhà thơ diễn tả sự đổi thay trong tình cảm. Con người đã sớm lãng quên vầng trăng từng một thời là tri kỷ. Cái bạc bẽo vô tình đến với người ta từ từ, kín đáo, khó nhận ra:

“vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường”

Trải qua bao thời gian, không gian, vầng trăng vẫn từng ngày, từng đêm, vầng trăng vẫn “đi qua ngõ”, nhưng con người lại hờ hững, thờ ơ, không còn nhận ra trăng đã từng là người tri kỷ, tình nghĩa một thời. Con người trong cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc, ấm êm dễ vô tình hay cũng có thể là cố tình quên đi quá khứ gian khổ, đau thương. “Vầng trăng tình nghĩa” trở thành “người dưng qua đường” dù nó vẫn tròn đầy, vẫn thủy chung tình nghĩa.

Rõ ràng, khi thay đổi hoàn cảnh, con người có thể dễ dàng quên đi quá khứ, có thể thay đổi về tình cảm. Nói chuyện quên nhớ ấy, nhà thơ đã phản ánh một sự thực trong xã hội thời hiện đại chúng ta. Ngày nay, khi đời sống vật chất tiện nghi lên ngôi, những gì giá trị, là tươi đẹp, là tinh hoa của quá khứ đã dần bị lãng quên, thậm chí là bị hủy hoại không thương tiếc. Con người dẫm đạp lên tình người mà bước tới một cách lạnh lùng, vô cảm. Đó là một thực tại đau lòng. Nếu sự phát triển không đi cùng với bảo tồn và gìn giữ, chắc chắn đến một lúc nào đó, khi những gì gọi là có giá trị chân thực không còn nữa, con người sẽ phải hối tiếc.

Câu chuyện tâm tình được kể rất giản dị, mộc mạc, giọng thơ thì thầm như đang trò chuyện, giãi bày tâm sự, lời thơ trữ tình, sâu lắng. Qua đó tác giả đã thể hiện những cảm xúc hết sức chân thành. Nhịp thơ chậm, những chữ đầu câu thơ không viết hoa diễn tả dòng suy nghĩ miên man của nhà thơ.

  • Kết bài:

Qua khổ thơ 3 bài thơ “Ánh trăng”, nhà thơ muốn khắc họa rõ hơn kí ức về thời gian gắn bó, chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng lớn lao sâu nặng, nghĩa tình, tri kỉ. Chính thứ ánh sáng dung dị đôn hậu đó của trăng đã chiếu tỏ nhiều kỉ niệm thân thương, đánh thức bao tâm tình vốn tưởng chừng ngủ quên trong góc tối tâm hồn người lính. Chất thơ mộc mạc chân thành như vầng trăng hiền hòa, ngôn ngữ hàm súc, giàu tính biểu cảm, đánh động tình cảm nơi người đọc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang