so-phan-nguoi-phu-nu-trong-xa-hoi-phong-kien-qu-hinh-tuong-vu-nuong-va-thuy-kieu-5451-2

Từ cái chết của Vũ Nương trên sông Hoàng Giang đến lần tự vẫn của Thúy Kiều trên sông Tiền Đường, hãy trình bày suy nghĩ về cuộc đời và số phận bi thương người phụ nữ trong xã hội phong kiến

Từ cái chết của Vũ Nương trên sông Hoàng Giang đến lần tự vẫn của Thúy Kiều trên sông Tiền Đường, hãy trình bày suy nghĩ về cuộc đời và số phận bi thương người phụ nữ trong xã hội phong kiến.


  • Mở bài:

Số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đã trở thành đề tài lớn của các nhà văn, nhà thơ. Đặc biệt, trong nền văn học thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII, đề tài này đã được khai thác triệt để, đa diện, giàu tính nhân văn cao cả. Từ cái chết của Vũ Nương trên sông Hoàng Giang (Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ) đến lần tự vẫn của Thúy Kiều trên sông Tiền Đường (Truyện Kiều, Nguyễn Du), đã phơi bày chân thực và cảm động cuộc đời và số phận đầy bi thương của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Tuy hai cuộc đời nhưng có cùng chung một số phận đau thương.

  • Thân bài:

Hình ảnh người phụ nữ bị khinh thường và ngược đãi trong xã hội qua nhân vật Vũ Nương và Thúy Kiều:

Ở nhân vật Vũ Nương:

Nàng là con nhà nghèo khó, vốn đã bị khinh thường. Khi lấy chồng, lại gặp phải người chồng thất học, có tính hay ghen tuông mù quáng, phải phụ thuộc vào chồng hết sức khắt khe. Tuy nàng rất đam đang, tận tụy, khổ nhọc, nhưng không được chồng yêu thương, trân trọng. Chỉ vì lời nói vu vơ của con trẻ, lòng ghen tuông của Trương Sinh dâng cao quá độ khiến chàng mù quáng, có những hành động hồ đồ gây ra cái chết của Vũ Nương. Mọi lời giải thích, phân bày của Vũ Nương đều trở nên vô nghĩa.

Ở nhân vật Thúy Kiều:

Chỉ vì tiền mà bon quan tham nỡ vu oan giá họa làm cho gia đình Thúy Kiều vướng vào vòng lao lí, khiến Kiều phải bán mình chuộc cha và em. Khi rơi vào tay Mã Giám Sinh, Thúy Kiều lập tức trở thành một món hàng. Cuộc thương lượng giữa Mã Giám Sinh và người nhà Thúy Kiều chẳng khác gì một cuộc mua bán. Giá trị của Thúy Kiều bị quy đổi ra tiền, bị chèn ép, hạ giá, bị khinh bỉ tệ hại. Khi bước vào cuộc đời trầm luân, biết bao lần Thúy Kiều bị ngược đãi lừa lọc, trao đổi, sỉ nhục của nhiều hạng người xấu xa, vô sỉ trong xã hội (Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư, Bạc Bà, Bạc Hạnh, Hồ Tôn Hiến)

Dù là Vũ Nương hay Thúy Kiều, ở nhân vật nào ta cũng thấy tiếng nói của họ dường như không được lắng nghe, không được tôn trọng. Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ dường như không có danh phận. Họ bị khinh bỉ, hắt hủi, vùi dập một cách không thương tiếc bởi những luật lệ hà khắc, bất nhân của xã hội phong kiến nam quyền.

Nỗi oan ức và kết cục bi thảm của cuộc đời người phụ nữ trong xã hội cũ:

Ở nhân vật Vũ Nương:

Vũ Nương là người trong sạch, có tấm lòng chung thủy, hiếu nghĩa vẹn toàn. Chưa bao giờ nàng làm phiền lòng ai. Biết tính chồng hay ghen, nàng rất giữ gìn khuôn phép, chẳng khi nào để vợ chồng phải dẫn đến thất hòa. Với mẹ chồng, nàng hiếu nghĩa tận tình. Với hàng xóm, nàng ôn hòa, gắn kết. Vũ Nương là hình mẫu lý tưởng của người phụ nữ đức hạnh và khoan dung.

Tai họa bất ngờ ập đến, khiến nàng không chịu sống đời ô nhục, bởi sự nghi oan của chồng đã tìm đến cái chết. Chưa hẳn là nàng đã chịu đầu hàng số phận nhưng sau bao lời giải thích với chồng vẫn không thể làm thay đổi được điều gì. Nỗi oan khiên vẫn cứ còn đó. Điều hậm hực trong Trương Sinh cứ trào dâng khiến nàng tuyệt vọng. Trắng đen chưa tỏ tường nhưng những lời sỉ nhục của chồng khiến nàng vô cùng thất vọng và mất hết niềm tin. Cái chết của Vũ Nương vừa là minh chứng cho sự trong sạch của nàng vừa giải thoát nàng ra khỏi mọi sự đau khổ, bế tắc.

Ở nhân vật Thúy Kiều:

Kiều là người con gái tài sắc hiếm có trên đời. Dưới ngòi bút của Nguyễn Du, co thể mường tượng Thúy Kiều là một tuyệt thế giai nhân chưa từng nhìn thấy ở trên đời. Vẻ đẹp ấy vượt xa tất cả những vẻ đẹp mà con người đã từng nhìn thấy. Tài năng của nàng cũng thuộc vào hàng thượng đỉnh, hiếm có ở trên đời. Không những thế, nàng lại là người con gái thủy chung, hiếu nghĩa. Với những phẩm chất như thế hứa hẹn một cuộc đời hạnh phúc viên mãn.

Có ngờ đâu, tai họa oan nghiệt trên đời giáng xuống, khiến nàng phải bán mình chuộc cha và em, bắt đầu cuộc đời trầm luân, tuổi nhục suốt mười lăn năm. Trải qua biết bao khổ nhục, chịu nhiều điều tiếng, lưu bạc trong nhân gian để cuối cùng nàng phải tìm đến cái chết trên sông Tiền Đường. Dòng sông thiêng sẽ giúp nàng rửa sạch những vết nhơ mà cuộc đời đã tàn nhẫn tạo ra. Dòng sông thiêng sẽ gìn giữ nàng mãi mãi, ngăn cách nàng với trần thế vốn vô tình và hiểm đọc. Thế nhưng số phận đã không để nàng chết. Nàng tiếp tục sống và tiếp tục gánh chịu nỗi đau trần thế.

Từ cái chết của Vũ Nương trên bến Hoàng Giang đến lần tự vẫn của Thúy Kiều trên sông Tiền Đường đã tố cáo bộ mặt bất nhân, tàn bạo của xã hội phong kiến đã chà đạp lên nhân cách nhân phẩm của người phụ nữ, tước đoạt mọi quyền sống và đẩy họ vào bước đường cùng không lối thoát.

Vũ Nương và Thúy Kiều tuy hai cuộc đời, hai hoàn cảnh, hai thời đại khác nhau nhưng họ có cùng chung một số phận. Trải qua cuộc đời tuổi nhục và tự mình tìm đến cái chết để giải thoát mình ra khỏi cái xã hội bất nhân, đáng sợ ấy.

Vũ Nương chỉ chết ở phần xác, linh hồn nàng vẫn sống ở nơi cung nước. Chi tiết này nói lên rằng xã hội phong kiến không những đầy đọa thể xác con người mà còn đề nén, xua đuổi họ. Tuy có thể trở về bởi những người phụ nữ như nàng đã không thể tìm nơi nương tựa, xã hội đã không còn chỗ dung chứa những người như nàng. Dưới cung nước, nàng đã không còn oan khuất, xem như cũng sẽ có một sự sống bình yêu, tĩnh lặng rồi.

Thúy Kiều tuy đã không chết trên sông Tiền Đường nhưng tâm hồn của nàng từ lâu đã chết. Dù cuối cùng được trở về đoàn viên với gia đình nhưng nàng đã không nhận kết tình xưa với Kim Trọng và chọn cuộc sống âm thầm, từ đó Kiều cũng khi đi ra ngoài. Nàng không còn tha thiết gì với cuộc đời nữa. Sự sống của nàng là để đền báo ơn sâu của cha mẹ đã khổ công sinh dưỡng mà thôi. Nàng sống mà tâm hồn đã khô lạnh rồi.

Dù Vũ Nương hay Thúy Kiều, mỗi nhân vật có một bi kịch riêng, tuy không giống nhau nhưng đều có kết cục thê thảm. Cuộc đời và số phận của học dù là tiếng kêu thảm thiết, là nỗi tuyệt vọng, bế tắc đến tận cùng.

Nguyễn Dữ qua Chuyện người con gái Nam Xương và Nguyễn Du với Thúy Kiều đã thể hiện tấm lòng nhân đạo cao cả đối với con người. Hai tác phẩm là hai bức tranh chân thực về bộ mặt xã hội phong kiến đương thời. Nó phơi bày chân thực bộ mặt xấu xa của xã hội phong kiến đương thời. Nó lên tiếng tố cáo các thế lực  thống trị đã chà đạp lên nhân cách, nhân phẩm, tước đoạt quyền sống của con người, đẩy họ vào bước đừng cùng không lối thoát.Đồng thời, qua đó, cũng thể hiện tấm lòng trân trọng tài năng, nhân cách nhân phẩm, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ trong xã hội.

  • Kết bài:

Bằng tình yêu thương con người vô hạn, Nguyễn Dữ và Nguyễn Du đã viết lên những bài ca đầy xúc động về cuộc đời và số phận bi thảm của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Hai tác phẩm này mãi mãi được con người nhớ cho đến khi nào con người còn nhắc đến tình đời, tình người trên thế gian này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang