»» Nội dung bài viết:
Vẻ đẹp hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng chí (Chính Hữu) và Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật).
- Mở bài:
– Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật là hai thi phẩm xuất sắc viết về đề tài người lính. Hình ảnh người lính nông dân trong những năm chống Pháp và người chiến sĩ lái xe thời đánh Mỹ cứu nước đã được khắc họa chân thực, sinh động. Hai hình ảnh của hai thời kỳ tuy có những nét khác nhau nhưng đều thống nhất ở vẻ đẹp chung của anh bộ đội cụ Hồ yêu nước, dũng cảm, kiên trung, nghĩa tình.
- Thân bài:
1. Hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng chí:
Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu thể hiện người lính nông dân thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với vẻ đẹp giản dị, mộc mạc mà vô cùng cao quý.
– Họ xuất thân từ những miền quê nghèo khó, hết lòng yêu nước, dũng cảm bỏ lại gia đình, quê hương lên đường chiến đấu bảo vệ đất nước.
+ Những người lính xuất thân từ nông dân, ở những miền quê nghèo khó “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá”. Họ “chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung”. Họ đến với cuộc kháng chiến với tinh thần yêu nước thật giản dị: nghe theo tiếng gọi cứu nước mà tự nguyện lên đường. Phía sau họ là bao cảnh ngộ: xa nhà, xa quê hương, phó mặc nhà cửa, ruộng vườn cho vợ con để sống cuộc đời người lính.
+ Lòng yêu quê hương và gia đình thể hiện qua nỗi nhớ “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”, niềm thương “gian nhà không”, qua ý thức về cảnh ngộ “quê hương anh nước mặn đồng chua” và “làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”. Thế nhưng, tình cảm ấy dẫu có lớn lao đến mấy cũng không lớn bằng lòng yêu nước sâu đậm và ý chí chiến đấu, đánh đuổi kẻ thù, giành độc lập cho nước nhà đang cháy bỏng trong họ.
– Họ là những con người dũng cảm, sẵn sàng vượt quan khó khăn, thử thách, chiến thắng nghịch cảnh.
+ Chiến đấu nơi rừng núi xa xôi, trong hoàn cảnh thiếu thốn, khắc nghiệt, người lính vẫn kiên cường bám sát nhiệm vụ.
+ Trải qua những ngày gian lao kháng chiến đã ngời lên phẩm chất anh hùng ở những người nông dân mặc áo lính hiền hậu ấy. Hình ảnh họ lam lũ với “áo rách vai”, “quần có vài mảnh vá”, với “chân không giày”. Đói, rét, gian khổ khắc nghiệt đã khiến người lính phải chịu đựng những cơn sốt rét: “miệng cười buốt giá”, “sốt run người”, ”vầng trán ướt mồ hôi”. Tất cả khắc sâu hình ảnh một người lính kiên cường quả cảm, không bao giờ gục ngã trước hoàn cảnh.
– Ở họ là tình đồng chí, đồng đội keo sơn, thắm thiết.
+ Từ hiện thực cuộc sống gian lao thiếu thốn, họ vun đắp được tình đồng chí keo sơn, gắn bó với lòng yêu thương giữa những con người cùng cảnh ngộ, cùng chung lí tưởng, chung mục đích và ước mơ.
+ Gian lao, thử thách càng khiến tình đồng chí, đồng đội thêm keo sơn, sâu sắc. Chính tình đồng chí thiêng liêng ấy lại giúp người lính có sức mạnh để vượt qua gian lao thử thách.
– Họ còn là người có tâm hồn lạc quan, yêu đời.
+ Dù trong gian khổ, họ vẫn cất cao tiếng hát, mỉm cười trước hiểm nguy.
+ Tâm hồn họ luôn roi gj mở hướng đến thiên nhiên, sẵn sàng đón nhận vẻ đẹp của đất trời.
+ Đứng trên hiện thực khắc nghiệt, họ lạc quan hướng đến tương lai.
→ Hình ảnh người lính Cụ Hồ trong những ngày kháng chiến chống Pháp được Chính Hữu khắc họa trong tình đồng chí cao đẹp, tình cảm mới của thời đại cách mạng. Họ được khắc họa và ngợi ca bằng cảm hứng hiện thực, bằng những chất thơ trong đời thường, được nâng lên thành những hình ảnh biểu tượng nên vừa chân thực, mộc mạc, vừa gợi cảm lung linh.
2. Hình ảnh người lính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
– Xuất thân là những chàng trai thành thị xung phong vào chiến trường, họ mang trong mình phẩm chất hào hoa, lãng mạn.
+ Nếu như những người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp xuất thân từ những người nông dân nghèo khổ, quê hương họ là những nơi “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá” thì những chiến sĩ lái xe Trường Sơn lại là những thanh niên có học vấn, có tri thức, đã được sống trong thời bình, được giác ngộ lí tưởng cách mạng cao cả, họ ra đi trong niềm vui phơi phới của sức trẻ hồn nhiên, yêu đời, yêu đất nước.
– Họ còn mang trong mình nhiệt huyết của thời đại với niềm tin chiến đấu chiến thắng kẻ thù.
+ Hình ảnh người lính lái xe – hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam những năm chống Mỹ phơi phới, dũng cảm, yêu thương được khắc họa qua hình ảnh những chiếc xe không có kính và một giọng điệu thơ ngang tàn, trẻ trung, gần gũi.
+ Những chiếc xe không có kính là hình ảnh để triển khai tứ thơ về tuổi trẻ thời chống Mỹ anh hùng. Đây là một thành công đặc sắc của Phạm Tiến Duật. Qua hình ảnh chiếc xe bị bom giặc tàn phá, nhà thơ làm hiện lên một hiện thực chiến trường ác liệt, dữ dội.
– Họ là những người lính trẻ trung, yêu đời, dũng cảm, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sẵn sàng hi sinh vì đất nước.
+ Chính sự ác liệt của chiến trường lại làm cái tứ, làm nền để nhà thơ ghi lại những khám phá của mình về những người lính, về tinh thần dũng cảm, hiên ngang, lòng yêu đời và sức mạnh tinh thần cao đẹp của lí tưởng sống cháy bỏng trong họ: tư thế thật bình tĩnh, tự tin: “ung dung buồng lái ta ngồi”; tinh thần rất hiên ngang, hào sảng: “nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”. Đó là một cái nhìn cuộc đời chiến đấu thật lãng mạn, bay bổng, trẻ trung: “thấy sao trời và đột ngột cánh chim”.
+ Và độc đáo hơn nữa là tinh thần hóa rủi thành may, biến những thách thức thành gia vị hấp dẫn cho cuộc đối đầu, khiến cho lòng yêu đời được nhận ra và miêu tả thật độc đáo: các câu thơ “ừ thì có bụi”, “ừ thì ướt áo” và thái độ coi nhẹ thiếu thốn gian nguy “gió vào xoa mắt đắng”. Họ đã lấy cái bất biến của lòng dũng cảm, thái độ hiên ngang để thắng cái vạn biến của chiến trường gian khổ và ác liệt.
+ Hai câu kết bài thơ làm sáng ngời tứ thơ “Xe vẫn chạy… trái tim” về tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mỹ: Họ mang trong mình sức mạnh của tình yêu với miền Nam ruột thịt, với lí tưởng độc lập tự do và thống nhất đất nước của thế hệ trẻ với tinh thần thời đại: “Xẻ dọc trường sơn đi cứu nước”.
– Ở họ là tình đồng chí, đồng đội chan hoà, keo sơn, thắm thiết.
+ Nhà thơ bằng ống kính điện ảnh ghi lại được những khoảnh khắc “bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi”, “nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”. Đó là khoảnh khắc người ta trao nhau và nhà thơ nhận ra sức mạnh của tình đồng đội, của sự sẻ chia giữa những con người cùng trong thử thách. Nó rất giống với ý của câu thơ “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” của Chính Hữu, nhưng hồn nhiên hơn, trẻ trung hơn.
+ Sâu đậm hơn, họ xem nhau như người trong gia đình với sức mạnh gắn bó thiêng liêng.
→ Thế hệ trẻ thời kháng chiến chống Mỹ là thế hệ sống rất đẹp, rất anh hùng. Họ ý thức sâu sắc về sứ mệnh lịch sử của mình, trong gian khổ, hy sinh vẫn phơi phối lạc quan. Như lời nhà thơ Tố Hữu, họ là thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Chính vì vậy, mãi mãi các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam vẫn tư hào, khâm phục và biết ơn.
3. So sánh điểm giống và khác nhau về hình ảnh anh bộ đội trong hai bài thơ.
a. Giống nhau:
– Tình yêu nước lớn lao, lý tưởng sống cao đẹp: chiến đấu vì nền độc lập của dân tộc.
– Nghị lực phi thường sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
– Kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu.
– Tình cảm đồng chí, đồng đội sâu nặng.
– Tinh thần lạc quan, yêu đời, hướng tới tương lai.
* Nhận xét: Dù ở hai thời đại khác nhau, người lính trong hai bài thơ đều là những đại diện tiêu biểu cho ý chí chiến đấu, tinh thần xả thân vì đất nước, quyết chiến đấu, hi sinh vì nền độc lập, tự do của nước nhà. Họ là những anh hùng, mang trong mình khát vọng và niềm tin của cả dân tộc.
b. Khác nhau:
– Người lính trong bài thơ “Đồng chí” mang vẻ đẹp bình dị, chân chất, mộc mạc của người lính xuất thân từ nông dân. Họ đến với cách mạng bằng niềm tin và hi vọng có thể tự giải phóng mình ra khỏi kiếp đời nô lẹ, lầm than.
– Người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” luôn trẻ trung, sôi nổi, tinh nghịch với khí thế mới mang tinh thần thời đại. Người lính đi vào cuộc chiến đấu với ý thức giác ngộ lý tưởng cách mạng gắn với độc lập, tự do của tổ quốc gắn với chủ nghĩa xã hội. Họ hầu hết là nhưng chàng trai trẻ tuổi Hà Nội, bỏ lại sau lưng cuộc sống tươi đẹp dấn thân vào chiến trường gian khổ, cùng nhân dân miền Nam chống Mỹ cứu nước. Họ có ý thức sâu sắc về trách nhiệm của thế hệ mình. Họ sống trẻ trung, yêu đời, lạc quan, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng. Hình ảnh của họ được thể hiện trong một thời điểm quyết liệt và khẩn trương hơn. Đó là một thế hệ anh hùng, hiên ngang, mạnh mẽ.
* Nhận xét: Những người lính trong bài thơ “Đồng chí” và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” cho thấy hình ảnh người lính trong hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ có những nét chung. Đó là lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Họ sống lạc quan, có tình đồng chí, đồng đội keo sơn, thắm thiết, thái độ bất chấp mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, một lòng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.
- Kết bài:
Hình ảnh người lính trong hai bài thơ “Đồng chí” và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” vang lên âm hưởng sử thi hào hùng của văn học nước ta trong suốt ba mươi năm kháng chiến trường kì gian khổ. Qua đó, liên hệ giữa trước đây, bây giờ và sau này, những người lính vẫn sẽ mãi là biểu tượng đẹp của dân tộc, là những người con anh hùng của Tổ Quốc.
Tham khảo.
Vẻ đẹp hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật,
- Mở bài
Có thể nói, hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong những năm chống Pháp và người chiến sĩ Giải phóng quân miền Nam thời đánh Mỹ là hình tượng trung tâm của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX. Qua bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (Phạm Tiến Duật), tuy khác nhau ở điểm nhìn nghệ thuật nhưng hình tượng người lính vẫn thống nhất ở phẩm chất anh hùng, tinh thần lạc quan, tin tưởng và ý chí chiến đấu, hi sinh vì tổ quốc.
- Thân bài:
Mở đầu bài thơ “Đồng chí”, Chính Hữu đã nhìn nhận, đã đi sâu vào cả xuất thân của những người lính:
Quê hương anh đất mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Sinh ra ở một đất nước vốn có truyền thống nông nghiệp, họ vốn là những người nông dân mặc áo lính theo bước chân anh hùng của những nghĩa sĩ Cần Giuộc năm xưa. Đất nước bị kẻ thù xâm lược, Tổ quốc và nhân dân đứng dưới một tròng áp bức. Anh và tôi, hai người bạn mới quen, đều xuất thân từ những vùng quê nghèo khó. hai câu thơ vừa như đối nhau, vừa như song hành, thể hiện tình cảm của những người lính.
Từ những vùng quê nghèo khổ ấy, họ tạm biệt người thân, tạm biệt xóm làng, tạm biệt những bãi mía, bờ dâu, những thảm cỏ xanh mướt màu, họ ra đi chiến đấu để tìm lại, giành lại linh hồn cho Tố quốc. Những khó khăn ấy dường như không thể làm cho những người lính chùn bước:
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Họ đến với cách mạng cũng vì lí tưởng muốn dâng hiến cho đời. Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình. Chung một khát vọng, chung một lí tưởng, chung một niềm tin và khi chiến đấu, họ lại kề vai sát cánh chung một chiến hào… Dường như tình đồng đội cũng xuất phát từ những cái chung nhỏ bé ấy. Lời thơ như nhanh hơn, nhịp thơ dồn dập hơn, câu thơ cũng trở nên gần gũi hơn:
Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!…
Một loạt từ ngữ liệt kê với nghệ thuật điệp ngữ tài tình, nhà thơ không chỉ đưa bài thơ lên tận cùng của tình cảm mà sự ngắt nhịp đột ngột, âm điệu hơi trầm và cái âm vang lạ lùng cũng làm cho tình đồng chí đẹp hơn, cao quý hơn. Câu thơ chỉ có hai tiếng nhưng âm điệu lạ lùng đã tạo nên một nốt nhạc trầm ấm, thân thương trong lòng người đọc.
Trong muôn vàn nốt nhạc của tình cảm con người phải chăng tình đồng chí là cái cung bậc cao đẹp nhất, lí tưởng nhất, nhịp thở của bài thơ như nhẹ nhàng hơn, hơi thơ của bài thơ cũng như mảnh mai hơn. Dường như Chính Hữu đã thổi vào linh hồn của bài thơ tình đồng chí keo sơn, gắn bó và một âm vang bất diệt làm cho bài thơ mãi trở thành một phần đẹp nhất trong thơ Chính Hữu.
Người lính lên đường ra trận quyết tâm để lại sau lưng những gì quá giá, thân thuộc nhất:
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay”
Hai chữ “mặc kệ” thể hiện sự quyết tâm dứt khoát ra đi nhưng đó không phải là phó mặc bởi hình ảnh quê hương, ruộng nương thiếu người chăm sóc, ngôi nhà xiêu vẹo trước gió vẫn hiển hiện đã diễn tả tình cảm thiết tha của họ với gia đình. Với người nông dân gian nhà, ruộng vườn là cơ nghiệp cả đời gìn giữ. Để cả cơ nghiệp của mình hoang trống mà ra đi, biết người thân ở lại trống trải nhưng cũng “mặc kệ”: thì đó quả là sự hi sinh lớn lao.
Hình ảnh trong câu thơ “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính” không chỉ gợi về quê hương, về hậu phương của người lính, ý thơ nói về quê hương nhớ người lính mà ta như thấy được nỗi nhớ của người lính dành cho quê hương, đó là nỗi nhớ hai chiều.
Ở ngoài mặt trận ác liệt mà biết gió lay từng gốc cột ngôi nhà mình ở thì thật không còn từ ngữ nào để diễn tả hết tình cảm thiết tha của họ đối với gia đình mình. Thế đó, ai mà không mong muốn được sống yên vui, hạnh phúc trong mái ấm gia đình? Nhưng vì nghĩa lớn, họ ra đi không tiếc đời mình, bỏ lại sau lưng tất cả những gì thân yêu nhất. Cũng như vậy, ở ngoài mặt trận mà biết “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính” chứng tỏ họ đang nhớ quê hương, nhớ người mình thương biết nhường nào! Mối giao cảm đậm đà sâu sắc ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho người lính trên những chặng đường chiến đấu.
Không chỉ thấu hiểu, cảm thông, các anh còn sẻ chia những thiếu thốn, gian lao và niềm vui bên chiến hào chiến đấu.
“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
Đoạn thơ với bút pháp hiện thực, hình ảnh sóng đôi đối xứng “anh – tôi”, “áo anh – quần tôi” tạo được sự gắn kết của những người đồng chí luôn kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ bên nhau.
Sức mạnh của tình đồng đội đã giúp những người lính vượt qua những thử thách ấy. Họ quên mình để động viên nhau, truyền cho nhau hơi ấm. Đó là những nụ cười: “Miệng cười buốt giá”, là “Thương nhau tay nắm ấy bàn tay”. Họ đã quên đi sự giá lạnh của bản thân mà mỉm cười để sưởi ấm cho tâm hồn của những người đồng đội. Đó là những cái nắm tay biết nói của tình yêu thường để truyền cho nhau nghị lực và sức mạnh Trong suốt cuộc kháng chiến trường kì đầy gian lao vất vả ấy, tình cảm đồng chí đã đi vào chiều sâu của sự sống và tâm hồn người chiến sĩ để trở thành những kỉ niệm không bao giờ quên.
Khó khăn là vậy, khắc nghiệt là thế, hiện thực của chiến tranh với những cơn sốt rét rừng đã được rất nhiều nhà thơ miêu tả lại trong những trang viết của mình:
“Nơi thuốc súng trộn vào áo trận
Cơn sốt rừng đi dọc tuổi thanh xuân”
(Nguyễn Đức Mậu)
Ấy vậy mà các chiến sĩ của ta vẫn lạc quan, vẫn tin tưởng, không chùn bước trước bất cứ điều gì. Hình ảnh “miệng cười buốt giá” gợi nụ cười lạc quan bừng lên trong giá lạnh xua tan đi sự khắc nghiệt của chiến trường. Các anh nắm tay nhau để chuyền cho nhau hơi ấm, để động viên nhau vượt qua khó khăn gian khổ. Thật hiếm khi thấy cái bắt tay nào nồng hậu đến vậy! Câu thơ không chỉ nói lên tình cảm gắn bó sâu nặng của những người nh mà còn thể hiện sức mạnh của tình cảm ấy. Bài thơ “Đồng chí không rực rỡ chiến công mà rực rỡ tình đồng đội ấm nồng khiến họ có thể sống và làm nên bao chiến công hiển hách.
Chính Hữu bằng những nét vẻ giản dị mộc mạc đã vẽ lên bức tranh tuyệt đẹp ngay giữa một hoàn cảnh đầy khắc nghiệt: bức tranh người lính đứng gác giữa núi rừng biên giới trong đêm khuya:
“Đêm nay rừng hoang sương muốI
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.”
Câu thơ thứ nhất đã miêu tả rất chân thực hoàn cảnh chiến đấu khắc nghiệt của người lính: “Đêm nay rừng hoang sương muối”. Không gian hùng vĩ hoang vu “rừng hoang sương muối”, thời gian gian khó mùa đông ở Việt Bắc sương muối phủ đầy trời Trên cái nền thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa khắc nghiệt ấy, tình đồng chí được tôi luyện trong thử thách gian lao, trong nhiệm vụ sinh tử. Cũng chính ở cái nơi mà sự sống, cái chết chỉ kề nhau trong tích tắc tình đồng chí càng trở nên thiêng liêng, cao đẹp.
Câu thơ thứ hai đã khắc họa tư thế chiến đấu của những người lính: “Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”. Những người lính sát cánh bên nhau “đứng cạnh bên nhau”– có tình đồng chí, đồng độ Hình ảnh đội bạn chiến đấu đứng cạnh nhau vững chãi làm mờ đi cái gian khổ khắc nghiệt của cuộc chiến tạo nên tự thể thành đồng vách sắt trước quân thủ
Hình ảnh “đầu súng trăng treo” kết thúc bài thơ là điểm nhấn của khổ 3 cũng là điểm sáng của toàn bài. Hình ảnh này vừa có ý nghĩa thực, vừa có ý nghĩa biểu tượng. Về nghĩa thực, như Chính Hữu từng tâm sự, trong đêm phục kích chờ giặc, ông chỉ có những người bạn chiến đấu khẩu súng và vầng trăng. Trời về khuya, có lúc nhìn lên, trăng như treo đầu ngọn súng. Từ thực tế đó, ông đã viết nên hình ảnh “đầu súng mảnh trăng treo”, sau này cắt bớt chữ “mảnh” thành “đầu súng trăng treo”. Về nghĩa biểu tượng, súng là hình ảnh của chiến tranh khói lửa, trăng là hình ảnh của thiên nhiên trong mát, cuộc sống thanh bình. Sự hòa hợp của trăng và súng toát lên vẻ đẹp tâm hồn của người lính và tình đồng chí của họ, vừa nói lên ý nghĩa cao cả của cuộc chiến tranh yêu nước: Người lính cầm súng là để bảo vệ cho độc lập, tự do của đất nước. Trăng và súng là gần và xa, là chiến sĩ và thi sĩ, là hiện thực và lãng mạn Tất cả hòa quyện tạo nên vẻ đẹp của người lính. Chỉ với 3 câu thơ, biểu hiện đẹp nhất của tình đồng chí, đồng đội của cuộc đời người chiến sĩ đã được kết lại.
Ba câu thơ mà nói được rất nhiều điều. Đó là hoàn cảnh chuẩn bị chiến đấu – đặc điểm không gian và thời gian: đêm nay– rừng hoang – sương muối. Đó là tình đồng chí keo sơn trong gian khổ, là tinh thần sẵn sàng vào trận: “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”. Đó là tâm hồn đầy chất thơ của anh Vệ quốc quân và ý nghĩa cao đẹp của cuộc chiến đấu của chúng ta: “đầu súng trăng treo”. Đêm nay cũng như bao đêm khác, các anh phục kích chờ giặc, chuẩn bị cho trận đánh giành thắng lợi cuối cùng trong chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947, một đêm đã đi vào lịch sử khiến người lính không thể nào quên. Các anh phục kích chủ động chờ giặc trong hoàn cảnh đầy khắc nghiệt: “rừng hoang sương muối” “Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”. Các anh chờ giặc tới là chờ giây phút hồi hộp căng thẳng khi ranh giới của sự sống cái chết rất mong manh. Từ “chờ” đã thể hiện được tư thế chủ động của người lính trong đêm phục kích cũng là tư thế chủ động của toàn dân ta sau chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947
Nếu như những người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp xuất thân từ những người nông dân nghèo khổ, quê hương họ là những nơi “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá” thì những chiến sĩ lái xe Trường Sơn trong Bài thơ về tiểu đội xa không kính lại là những thanh niên có học vấn, có tri thức, đã được sống trong thời bình, được giác ngộ lí tưởng cách mạng cao cả, họ ra đi trong niềm vui phơi phới của sức trẻ hồn nhiên, yêu đời, yêu đất nước.
Hình ảnh người lính lái xe – hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam những năm chống Mỹ phơi phới, dũng cảm, yêu thương được khắc họa qua hình ảnh những chiếc xe không có kính và một giọng điệu thơ ngang tàn, trẻ trung, gần gũi.
Những chiếc xe không có kính là hình ảnh để triển khai tứ thơ về tuổi trẻ thời chống Mỹ anh hùng. Đây là một thành công đặc sắc của Phạm Tiến Duật. Qua hình ảnh chiếc xe bị bom giặc tàn phá, nhà thơ làm hiện lên một hiện thực chiến trường ác liệt, dữ dội. Nhưng cũng chính sự ác liệt ấy lại làm cái tứ, làm nền để nhà thơ ghi lại những khám phá của mình về những người lính, về tinh thần dũng cảm, hiên ngang, lòng yêu đời và sức mạnh tinh thần cao đẹp của lí tưởng sống cháy bỏng trong họ”.
Tư thế thật bình tĩnh, tự tin “Ung dung buồng lái ta ngồi”, rất hiên ngang, hào sảng: “Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”. Một cái nhìn cuộc đời chiến đấu thật lãng mạn, bay bổng, trẻ trung: “Thấy sao trời và đột ngột cánh chim”. Và độc đáo hơn nữa là tinh thần hóa rủi thành may, biến những thách thức thành gia vị hấp dẫn cho cuộc đối đầu, khiến cho lòng yêu đời được nhận ra và miêu tả thật độc đáo: các câu thơ “ừ thì có bụi”, “ừ thì ướt áo” và thái độ coi nhẹ thiếu thốn gian nguy “gió vào xoa mắt đắng”. Họ đã lấy cái bất biến của lòng dũng cảm, thái độ hiên ngang để thắng cái vạn biến của chiến trường gian khổ và ác liệt.
Sâu sắc hơn nữa, nhà thơ bằng ống kính điện ảnh ghi lại được những khoảnh khắc “bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi”, “nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”. Đó là khoảnh khắc người ta trao nhau và nhà thơ nhận ra sức mạnh của tình đồng đội, của sự sẻ chia giữa những con người cùng trong thử thách. Nó rất giống với ý của câu thơ “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” của Chính Hữu, nhưng hồn nhiên hơn, trẻ trung hơn.
Hai câu kết bài thơ làm sáng ngời tứ thơ “Xe vẫn chạy… có mọt trái tim” về tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mỹ: Họ mang trong mình sức mạnh của tình yêu với miền Nam, với lí tưởng độc lập tự do và thống nhất đất nước. Trái tim đầy nhiệt thành cách mạng, sẽ chiến thắng những thiếu thốn về vật chất. Trái tim yêu nước đã điều khiển chiếc xe không nguyên vẹn ấy băng về phía trước, nơi miền Nam ruột thịt. Sức mạnh để xe băng mình ra trận chính là sức mạnh của trái tim người lính.
- Kết bài:
Với chất liệu hiện thực độc đáo, bài thơ thể hiện hình ảnh hào hùng của chiếc xe không kính, qua đó khắc họa nổi bật hình ảnh cao quí của người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứa nước. Qua bài thơ, ta càng thấy rõ phẩm chất của người lính Trường Sơn: mộc mạc, giản dị và vĩ đại. Chúng ta càng biết ơn các anh. Thế hệ trẻ Việt Nam nguyện tiếp bước các anh gìn giữ Tổ quốc Việt Nam mãi mãi trường tồn với tinh thần:
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai.
Có thể nói, người lính là kết tinh của những vẻ đẹp rất Việt Nam. Lòng yêu nước, sự dũng cảm, niềm lạc quan yêu đời, tình đồng chí, đồng đội dù trong bất cứ hoàn cảnh nào những nét đẹp ấy vẫn luôn toả sáng.
Xem thêm: