soan-bai-song-xuan-quynh-2

Soạn bài: “Sóng” (Xuân Quỳnh)

SÓNG
  –  Xuân Quỳnh –

I. TÌM HIỂU CHUNG.

1. Tác giả: Xuân Quỳnh

–  Xuân Quỳnh (1942 – 1988) là một trong số nhà thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, là người có cuộc đời bất hạnh, luôn khao khát tình yêu, mái ấm gia đình và tình mẫu tử.

– Đặc điểm thơ Xuân Quỳnh: tiếng nói của người phụ nữ giàu yêu thương, khao khát hạnh phúc đời thường, bình dị; nhiều lo âu, day dứt, trăn trở trong tình yêu.

2. Tác phẩm:

Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được viết tại biển Diêm Điền (Thái Bình) năm 1967, in trong tập “Hoa dọc chiến hào” (1968)

– Đề tài: tình yêu.

– Chủ đề: Mượn hình tượng sóng để diễn tả tình yêu của người phụ nữ, sóng là ẩn dụ cho tâm hồn người phụ nữ đang yêu – một hình ảnh đẹp và xác đáng.

II. Đọc – hiểu văn bản:

1. Sóng và em – những nét tương đồng (khổ 1 → 7):

– Những cung bậc phong phú, trạng thái đối cực đầy nghịch lí (khổ 1,2): trạng thái tồn tại của sóng hay trạng thái tâm lí của người con gái đang yêu luôn đồng hiện được thể hiện qua nghệ thuật liệt kê, sử dụng các tính từ, từ nối đặc sắc (Dữ dội và diệu êm / Ồn ào và lặng lẽ); là niềm bồi hồi, thao thức trong tim người con gái khi yêu và những khát vọng vươn xa, thoát khỏi những gì nhỏ hẹp, chật chội, tầm thường, (Sông…/ Sóng tìm ra tận bể/ Ôi con sóng ngày xưa/ Nỗi khát vọng tình yêu/ Bồi hồi trong ngực trẻ?)

– Những bí ẩn kì diệu (khổ 3,4): là những băn khoăn, trăn trở truy tìm cội nguồn của tình yêu (Trước muôn trùng sóng bể/ Em nghĩ về anh em/ Em nghĩ về biển lớn…); là những câu hỏi muôn đời không lời đáp. Âu đó là những bí ẩn kì diệu của tình yêu để nhân loại mãi tìm kiếm và mãi mãi phát hiện về nhau (Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đau/ Em cùng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau).

– Nỗi nhớ da diết (khổ 5): nỗi nhớ bờ của con sóng thật da diết, thường trực qua nghệ thuật điệp từ ngữ (con sóng), sử dụng từ ngữ chỉ vị trí và không gian (dưới lòng sâu/ trên mặt nước), thời gian (ngày đêm không ngủ được); nỗi nhớ người yêu của người con gái mãnh liệt, cồn cào, triền miên không dứt, trong ý thức và cả trong tiềm thức (… Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức). Chính nỗi nhớ là thước đo độ sâu đậm của tình yêu.

–  Lòng thủy chung  son sắt (khổ 6,7): người con gái định hướng trong tình yêu đẫu mất phương hướng trong không gian (Dẫu xuôi về phương bắc/ Dẫu ngược về phương nam/ Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương); là niềm tin bất diệt, là sự kiên định vượt qua mọi trở lực trong tình yêu (như con sóng ngoài đại dương Con nào chẳng tới bờ/ Dù muôn vời cách trở?)

2. Những suy tư, lo âu, trăn trở trước cuộc đời và khát vọng tình yêu (Khổ 8, 9)

– Thể hiện những suy tư, lo âu, trăn trở trước cuộc đời bằng việc đặt cái hữu hạn trong cái vô hạn để thấm thía được rằng cuộc đời ngắn ngủi, hạnh phúc mỏng manh ( Cuộc đời dài/ Năm tháng đi qua, biển rộng/ mây bay)

– Khát vọng tình yêu bất tử, muôn đời được thể hiện qua câu hỏi tu từ (Làm sao…?); là nỗi khao khát cháy bỏng được tồn tại mãnh liệt với tình yêu qua hình ảnh của con sóng vỗ bờ ngàn năm (Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ).

→ Hình tượng sóng ẩn dụ cho tâm hồn người con gái đang yêu cho thấy tình yêu chân thành, tha thiết, đắm say của Xuân Quỳnh – một Xuân Quỳnh vừa tinh tế, sâu sắc, vừa táo bạo mạnh mẽ, say đắm. Chính điều này làm nên vẻ đẹp hài hòa của một tình yêu vừa truyền thống vừa hiện đại, tạo nên sức hấp dẫn cho bài thơ.

3. Nghệ thuật:

– Thể thơ năm chữ truyền thống; cách ngắt nhịp theo vần độc đáo, giàu sức liên tưởng.

– Xây dựng hình tượng ẩn dụ, giọng thơ tha thiết.

4. Ý nghĩa văn bản:

Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu hiện lên qua hình tượng sóng: tình yêu thiết tha, nồng nàn, đầy khát vọng và sắt son chung thủy, vượt lên mọi giới hạn của đời người.

III. BÀI TẬP VẬN DỤNG.

1. Bài tập 1:

Cảm nhận của em về hình tượng sóng qua bài thơ.

2. Bài tập 2:

Cảm nhận anh/chị về 2 khổ thơ sau:

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Ðể ngàn năm còn vỗ.

3. Bài tập 3:

Trong hai khổ thơ đầu của bài thơ “Sóng”, nhân vật trữ tình soi vào sóng để tự nhận thức về tình yêu:

Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ

Đến hai khổ thơ cuối, tình yêu tan vào sóng để dâng hiến và bất tử:

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ

Cảm nhận của em về vẻ đẹp tình yêu trong các khổ thơ trên. Từ đó, rút ra nhận xét về sự vận động của hình tượng sóng và em.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang