Sự đồng điệu về tâm hồn giữa cái tôi trữ tình (Thanh Thảo) và đối tượng trữ tình (Lorca) trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” của Thanh Thảo.
- Mở bài:
Thanh Thảo là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn học Việt Nam sau chiến tranh. Thơ ông là tiếng nói của người trí thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại, luôn cảm nhận cuộc sống ở bề sâu, dựa trên sự “nghiền ngẫm hiện thực”. “Đàn ghi ta của Lorca” là tác phẩm xuất sắc của Thanh Thảo. Ở bài thơ này, Thanh Thảo khước từ lối biểu đạt dễ dãi; đào sâu vào cái tôi nội cảm, tìm kiếm những cách biểu đạt mới qua hình thức câu thơ tự do, giải phóng mọi ràng buộc nhằm mở đường cho một cơ chế liên tưởng phóng khoáng, xoá những khuôn sáo bằng những nhịp điệu bất thường, đem đến cho thơ một mĩ cảm hiện đại bằng hệ thống hình ảnh và ngôn từ mới mẻ. Giữa cái tôi trữ tình và đối tượng trữ tình trong bài thơ có sự đồng điệu kì lạ, đem đến cho người đọc những suy nghiệm sâu sắc.
- Thân bài:
“Đàn ghi ta của Lorca” được sáng tác theo lối thơ tượng trưng, siêu thực. “Siêu thực” là kiểu tư duy thơ giàu suy tư, mãnh liệt, phóng túng trong xúc cảm và nhuốm màu sắc tượng trưng siêu thực. “Tượng trưng” là tìm vào trạng thái tâm hồn với những linh cảm được khơi dậy từ vô thức, cho rằng hiện tượng trong vũ trụ tồn tại như những dấu hiệu tượng trưng cho bản chất huyền bí của tạo vật mà chỉ riêng nhà thơ mới có những thiên bẩm kì diệu để thâm nhập và biểu đạt được những hình ảnh tượng trưng ấy. Thơ là một thứ “siêu cảm giác”, không thể giải thích được. Không cần có hình tượng rõ nét, thơ được quan niệm như một bản hoà âm hoàn hảo. Dường như có nét tương đồng giữa sinh sôi của tạo hoá với sự sáng tạo thơ ca. Siêu thực hướng tới một hiện thực cao hơn thực tại. Thế giới siêu thực chỉ có th ểcảm thấy trong giấc mơ, trong tiềm thức, lúc đãng trí, thần kinh suy nhược, rối loạn. Khám phá thế giới ấy, nghệ sĩ sẽ phát hiện ra những điều sâu kín mà thiêng liêng, bí ẩn mà chính xác trong cuộc sống con người. Đề cao yếu tố tâm linh và sự ngẫu hứng, sáng tác thường được cấu thành bởi những dòng liên tưởng tiềm thức rời rạc, không thể khắc hoạ được những bức tranh thực tại toàn vẹn.
Thơ Thanh Thảo bên cạnh những vần thơ giản dị cất lên từ những cảm xúc chân thành của lòng mình còn là những vần thơ mang tính khám phá với những suy tư trăn trở về con người, về cuộc đời. Theo tác giả hành trình thơ chính là hành trình đi tìm “chất thật” trong mỗi con người
“Ta đã ném thơ mình vào thác xiết
Đã trộn trong ta hàng nghìn số phận
Như bột nhào như vôi vữa
Mong một ngày hiện rõ
Chất thật mỗi con người”.
(Đêm trên cát viết)
Đọc thơ Thanh Thảo khó tìm thấy một câu thơ ám ảnh, xuất thần mà cái hay toát lên từ cảm xúc giàu chất thơ của một người nghệ sĩ, từ cả bài thơ chứ không phải là một câu thơ riêng lẻ. Cái hay của thơ Thanh Thảo vừa lạ vừa quen. Lạ vì lối nhìn mang tính phát hiện và cách diễn tả độc đáo của riêng nhà thơ. Quen vì cảm nghĩ của nhà thơ gần gũi với cảm nghĩ của ta, dường như nhà thơ nói hộ ta những điều sâu kín trong tâm hồn mà ta không diễn tả được. Vì vậy, dễ hiểu vì sao Thanh thảo tìm đến lối thơ tượng trưng, siêu thực để gửi gắm cái “tôi” giàu nội cảm của mình.
“Đàn ghi ta của Lorca” không chỉ là bức tranh văn hóa đa sắc màu của thế giới hình tượng, hình ảnh thơ mà còn là bản hòa tấu tuyệt vời của hai tâm hồn đồng điệu. Ta bắt gặp ở đây, trong con người của hai nghệ sĩ lớn chất lãng mạn của tâm hồn, nỗi lo âu đầy ám ảnh, dự cảm về nghệ thuật và số phận của người nghệ sĩ, vượt lên trên tất cả là khát vọng cách tân nghệ thuật trên hành trình sáng tạo.
Lorca là linh hồn thơ tự do của nhân dân Tây Ban Nha và của cả nhân loại. Khát vọng “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta” là khát vọng chân chính về sự xả thân cho nghệ thuật, cho tự do tuyệt đối, vĩnh hằng. Có thể nói, Lorca là người nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn với tình yêu quê hương xứ sở sâu nặng. Hình ảnh một người nghệ sĩ Lorca lãng mạn của xứ sở Tây Ban Cầm đi vào thơ Thanh Thảo như một “kỵ sĩ văn chương đơn độc”, một “ca sĩ dân gian tự do”:
“Đi lang thang về miền đơn độc
Với vầng trăng chếnh choáng
Trên yên ngựa mỏi mòn”.
Không còn là Lorca hào hùng như dũng sĩ đấu bò tót mà thay vào đó là một Lorca đơn độc, mệt mỏi. Chàng hiện ra như một “kỵ sĩ” lang thang trên sa mạc cô đơn. Dường như giữa cuộc chiến đấu với nền chính trị độc tài và một nền nghệ thuật già nua, bảo thủ Lorca đã không có được những cộng sự đắc lực, Lorca đi về miền đơn độc là hình ảnh về sự bất lực của người nghệ sĩ giàu khát vọng nhưng cô đơn và lẻ loi. Vầng trăng “chếnh choáng” hay khát vọng tiến bộ của Lorca phải “chếnh choáng” trước sức mạnh của thứ nghệ thuật già nua, lạc hậu hay cũng chính là Lorca đang “chếnh choáng” trước đòn thù của các thế lực phản động…. Âm điệu câu thơ càng lúc càng trùng xuống cùng với hình ảnh “Lorca trên yên ngựa mỏi mòn”. Người kĩ sĩ văn chương đã kiệt sức trong một cuộc chiến không cân sức.
Lorca đã nỗ lực và kiên trì trong cuộc đấu tranh cho những giá trị nhân văn, tiến bộ trong cuộc đời và nghệ thuật. Dư âm của nỗi buồn bất lực, của những nỗ lực mỏi mòn trong hình ảnh người “kỵ sĩ” văn chương đơn độc lan truyền xuống những dòng thơ đầu của khúc bi ca thứ hai:
“Tây Ban Nha
Hát nghêu ngao”.
Một lần nữa, chữ “Tây Ban Nha” lại xuất hiện. Vẫn là cách tạo bối cảnh, phông nền nhưng lần này không phải là khung cảnh của đấu trường bò tót nổi tiếng mà là hình ảnh đậm màu sắc dân gian về những người nghệ sĩ hát rong. Lorca là một nghệ sĩ của đất nước Tây Ban cầm. Trong bài thơ này hình ảnh “Tây Ban Nha, hát nghêu ngao” là một hoán dụ nghệ thuật tượng trưng cho Lorca – người nghệ sĩ dân gian tự do, đang “nghêu ngao” hát bài ca của mình như không cần biết đến những gì diễn ra xung quanh. Chất nghệ sĩ của Lorca, sự đồng điệu của Thanh Thảo khiến cho giọng thơ khắc khoải, ám ảnh khôn nguôi về sự “đơn độc”, “mỏi mòn” của người nghệ sĩ trong cuộc chiến đấu bất thành với những thế lực phản động trong chính trị và nghệ thuật.
Văn hóa Tây Ban Nha được nhân loại biết đến với những phạm vi ngỡ như có phần tương phản nhau. Đó là đàn ghi ta, điệu nhảy Flamenco và đấu bò. Những biểu tượng này vừa sôi động, hào hùng vừa đắm đuối mê say mang trong nó cả cuộc sống cuồng nhiệt lẫn bóng dáng tử thần đã hình thành nên một phong cách Tây Ban Nha đặc thù. Khi sáng tạo thiên tình ca Siêu thực, Thanh Thảo đã nắm chắc những nét văn hóa đã trở thành biểu tượng không thể tách rời trong đời sống Tây Ban Nha đó. Để trên cái nền rộng, nhà thơ dựng xây vũ điệu bi hùng của cái chết, sự sống và đương nhiên là cả sự bất tử của một con người, một dân tộc, một cộng đồng những ai yêu cái đẹp, yêu cuộc sống hòa bình và cả sự bất tử cho con người, nghệ thuật mà nhân loại dày công vun đắp.
Viết về sự sống và cái chết trong khoảnh khắc thì không có biểu tượng nào hơn chuyện tấm áo choàng của đấu sĩ đấu bò. Từ một hành động được xem là biểu tượng của lòng dũng cảm, lòng can đảm, hành động đấu bò được nâng đến mức nghệ thuật, trở thành “đạo” của người Tây Ban Nha. Ở đó, mỗi cú lượn vòng của chú bò kiêu hùng, một cú khẽ lắc người của đấu sĩ để tránh cú húc chí mạng từ những con bò đang say máu giết chóc… đều được người xem chiêm ngưỡng như những vũ điệu nghệ thuật phi phàm, vũ điệu của thần chết, vũ điệu dường như chỉ được gặp trong những giấc mơ.
Lorca và Thanh Thảo không chỉ là những người nghệ sĩ bẩm sinh với tâm hồn lãng mạn mà còn là “dũng sĩ” giàu khát vọng đấu tranh và cách tân nghệ thuật. Như chúng ta đã biết, Lorca trước khi là một nghệ sĩ là một công dân ưu tú, một chiến sĩ dũng cảm đấu tranh cho nền tự do chống lại chế độ độc tài phát xít. Thanh Thảo – một chiến sỹ giải phóng của quân đội nhân dân Việt Nam, nhà thơ – chiến sỹ đã có đồng điệu sâu xa với tâm tư và khát vọng của Lorca:
“bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ”.
Câu thơ đưa người đọc vào một không gian văn hóa đặc trưng của xứ sở đấu bò tót, dựng lên một bối cảnh để trên đó hiện lên hình ảnh người nghệ sĩ Lorca. Câu thơ là mạch cảm nghiệm của Thanh Thảo về cuộc đấu tranh của Lorca – một người chiến sĩ đấu tranh cho khát vọng dân chủ với nền chính trị độc tài, giữa khát vọng cách tân nghệ thuật trong lòng người nghệ sĩ tài danh với nền nghệ thuật già nua. Trong tư cách nào, nhà thơ hay nhạc sĩ, kịch tác gia hay nhà hoạt động sân khấu ông đều đòi hỏi những người làm nghệ thuật “phải cách tân, phải thể hiện được những tư tưởng nghệ thuật nhân đạo và tiến bộ”.
Những chi tiết ấy về con người Lorca không chỉ gây ấn tượng với nhân dân Tây Ban Nha mà còn âm vang khắp thế giới cho đến nhiều năm sau. Với Thanh Thảo, điều đó đã thăng hoa trong hình ảnh “Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt” để rồi trong chiều sâu thi tứ của tác phẩm, một biểu tượng về những võ sĩ đấu bò tót kiêu hùng đã trượt nghĩa sang vẻ đẹp hào hùng, mạnh mẽ của người công dân, nghệ sĩ Lorca trong cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ cho những giá trị nhân văn của cuộc sống.
Thanh Thảo không chỉ am hiểu văn hóa Tây Ban Nha mà còn gắn kết nền văn hóa phương Tây xa xôi đó với văn hóa phương Đông. Nếu bài thơ là lời ai điếu nghẹn ngào trước cái chết bi thương của Lorca thì thông qua điệu lòng ấy chúng ta sẽ bắt gặp được những tiếng nói quen thuộc, đầy sẻ chia trước sự ra đi đó. Tứ thơ dịch chuyển từ “áo choàng bê bết đỏ” (văn hóa Tây Ban Nha) đến “đường chỉ tay đã đứt” (cả phương Đông lẫn phương Tây đều tin vào dấu hiệu thần bí này) và sau cùng là “dòng sông rộng”, “sang ngang” (gợi triết lí nhà Phật: sang sông là giải thoát khỏi bến mê, là sự siêu thoát vĩnh hằng)…
Sự đồng điệu của hai nghệ sĩ ở hai miền trái đất cộng hưởng trong khát vọng cách tân nghệ thuật, đọc thơ Thanh Thảo người đọc dễ nhận ra tiếng nói của người trí thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại. Tuy nhiên ông muốn cuộc sống phải được cảm nhận và thể hiện ở bề sâu nên luôn khước từ lối biểu đạt dễ dãi. Thanh thảo được coi là một trong số không nhiều cây bút luôn nỗ lực cách tân thơ Việt với xu hướng đào sâu vào cái tôi nội cảm, tìm kiếm những cách biểu đạt mới qua hình thức câu thơ tự do, xóa bỏ mọi ràng buộc, khuôn sáo bằng nhịp điệu bất thường để mở đường cho một cơ chế liên tưởng phóng khoáng nhằm đem đến cho thơ một mĩ cảm hiện đại với hệ thống thi ảnh và ngôn từ mới mẻ. Ở phương diện này có thể coi Đàn ghi ta của Lorca là một khúc tri âm
“Không ai chôn cất tiếng đàn
Tiếng đàn như cỏ mọc hoang
Giọt nước mắt vầng trăng
Long lanh trong đáy giếng”.
Tiếng đàn là biểu tượng nghệ thuật. Gắn với di chúc của Lorca “khi tôi chết hãy chon tôi với cây đàn”. “Không ai chôn cất tiếng đàn” có nghĩa là không ai dám “chôn” nghệ thuật của Lorca , không ai dám giết Lorca để đi tới. Kì vọng của người nghệ sỹ giàu khát vọng sáng tạo đã chuyển thành nỗi thất vọng bởi dường như không ai thực sự hiểu Lorca, hiểu những suy nghĩ sâu sắc của người nghệ sĩ thiên tài gửi cho hậu thế. Phải chăng vì quá ngưỡng mộ Lorca mà người ta không biết vượt qua Lorca? Nếu đúng như thế thì ở thế giới bên kia hẳn là Lorca đang rất buồn vì “Cái chết thực sự của một nhà cách tân là khi những khát vọng của anh ta không ai tiếp tục. Nhưng cái chết đau đớn hơn của một nhà cách tân là khi tên tuổi và sự nghiệp của anh ta được đưa lên “bệ thờ” và trở thành bức tường kiên cố cản trở sự đổi mới văn chương của những kẻ đến sau” (Nguyễn Phượng)
Tiếp nối sự “đổ vỡ” là sự “trống vắng” “tiếng đàn như cỏ mọc hoang”. Cỏ mọc hoang là cỏ dại. Cỏ mọc tự nhiên, tự phát, không có ai chăm sóc, cắt tỉa. Phải chăng biểu tượng cho nền nghệ thuật hậu Lorca thiếu vắng kẻ dẫn đường, không có người định hướng. Nền nghệ thuật giàu sức sáng tạo mà cả đời Lorca đấu tranh và vun đắp không được nghệ sĩ nào tiếp nối. Ý thơ cho thấy sự xót tiếc của tác giả không chỉ đối với bản thân Lorca mà còn cả với nền nghệ thuật Tây Ban Nha. Những đổ vỡ và trống vắng như thế càng gợi lên sự xót xa, tiếc thương của mọi người thậm chí của thiên nhiên trước cái chết của Lorca
“Giọt nước mắt vầng trăng
Long lanh trong đáy giếng”.
Vầng trăng là hình ảnh thiên nhiên đẹp thơ mộng vừa là hình ảnh tượng trưng cho nghệ thuật. Giọt nước mắt vừa có thể là của Lorca vừa có thể của những người yêu mến người nghệ sĩ đang khóc cho ông?Hay là sự xúc động của đất trời trước sự ra đi của một nhân cách cao đẹp? Có lẽ là tất cả…Hai câu thơ day dứt một nỗi buồn nhưng là một nối buồn trong sáng và rất đẹp vì nó xuất phát từ tâm hồn của những con người luôn khắc khoải những giá trị nghệ thuật đích thực và luôn tràn đầy khát vọng sáng tạo không bao giờ ngừng nghỉ.
Mô típ mộng du lại trở về trong thơ Thanh Thảo: chàng đi như người mộng du để diễn tả phong thái đi của thi nhân chiến sĩ bước đến cái chết mà đâu hề bận tâm. Trong thơ Lorca, mộng du ấy là mộng du về cái đẹp, trong thơ Thanh Thảo tuy đang bước đến chỗ chết nhưng Lorca cũng vẫn mộng du về cái đẹp. Tâm hồn nghệ sĩ lớn thể hiện ở đây. Lorca có thể chết nhưng cái đẹp trong ông, cái đẹp ông tôn thờ sẽ còn mãi. Tư thế mộng du đó là tư thế thoát tục, tư thế của sự hiến dâng tận cùng mà không một thế lực phi nhân nào có thể ngăn cản. Đương nhiên Lorca cũng là nhà Siêu thực. Khi ông bắt đầu làm thơ, chủ nghĩa Siêu thực tràn vào Tây Ban Nha mạnh đến mức đã thu hút hầu hết các nghệ sĩ trẻ tham gia cải cách thơ. Tình hình đó khiến nền thi ca quốc nội đứng trước nguy cơ bị phá sản. Nhiều nhân sĩ Tây Ban Nha yêu nước đã kêu gọi các nghệ sĩ đừng “sùng ngoại” thái quá mà phải biết giữ gìn bản sắc thi ca dân tộc. Nhờ đó, đã xuất hiện nhóm nghệ sĩ tân tiến kết hợp những cách tân của Siêu thực với nguồn mạch thi ca dân tộc, với các làn điệu dân ca. Lorca là một trong số đó.
Con đường Lorca đi, ở Thanh Thảo cũng đâu khác. Những dấu ấn văn hóa, tinh thần Việt vẫn luôn hiện diện trong dáng vẻ Siêu thực của Thanh Thảo. Vậy nên bài thơ viết về Lorca của ông đã đạt đến mức nhuần nhị của một áng thơ đậm hương vị Siêu thực Việt. Qua đó, người đọc có thể nhận thấy cả Siêu thực của Breton, Siêu thực của Lorca lẫn Siêu thực của Thanh Thảo. Đây là đóng góp rất đáng trân trọng của Thanh Thảo cho nền thơ hậu hiện đại Việt Nam.
Đặc điểm dễ nhận thấy trong thơ Lorca là tính nhạc rất cao với những câu những đoạn điệp. Bài thơ của Lorca như được cấu trúc theo kiểu vòng tròn xoắn ốc, cứ lặp và vươn lên mãi. Tiêu biểu nhất là bài “Ghi nhớ”. Lorca xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Đặc biệt rất siêu thực là khi ngỏ ý có thể được mai táng trong chiếc chong chóng. Ắt hẳn Thanh Thảo lấy cảm hứng kiêu hùng, lãng mạn từ bài thơ này để sáng tác nên Đàn ghi ta của Lorca. Không chỉ gắn cuộc đời mình với cây đàn, chính Lorca còn viết nhiều bài thơ về đàn ghi ta. Vẫn có sự liên hệ nào đó giữa tiếng “ghi ta khóc” và “giọt nước mắt vầng trăng” của Thanh Thảo. Dẫu có đọc nhiều hay đọc ít Lorca thì Thanh Thảo vẫn cứ là người rất thấu hiểu Lorca và cũng là người đã xâm nhập được vào hồn cốt thi ca của thi nhân bậc thầy này.
Giống nhiều nghệ sĩ thiên tài, Lorca cũng làm nhiều bài thơ về cái chết. Có lẽ trong Lorca vẫn luôn thường trực dự cảm về cái chết bất thường của bản thân? Cái chết trong thơ Lorca không chỉ nói về sự không còn của một sinh thể mà còn là sự mất mát của cái đẹp, nỗi tiếc nuối về sự hữu hạn của kiếp người.
Thi pháp liền kề, đối ngẫu và sắp đặt ngẫu nhiên ở đây rất giống với cách làm trong thơ Thanh Thảo. Ngay cả động tác ném quả chanh vào gió vẫn gợi trong ta hành động “ném lá bùa vào xoáy nước” của Lorca trong thơ Thanh Thảo. Thanh Thảo viết về Lorca đồng thời cũng học ở Lorca cách xử lí hình tượng, cấu trúc thơ Siêu thực. Cả hai đều vĩ đại ở cái cách biến những kĩ thuật ngoại lai thành thứ vốn quý, thứ vàng mười cho kĩ thuật thơ ca dân tộc mình. Đọc thơ Thanh Thảo viết về Lorca, chúng ta đâu chỉ xúc động trước hình tượng nghệ sĩ chân chính xả thân cho lí tưởng cao đẹp, mà còn biết được nhiều điều về thơ Lorca và sau đó là chính phong cách thơ Thanh Thảo, phong cách thơ Siêu thực và cả cái cách nhà thơ đối thoại với những cái, những cách thức không thuộc về Siêu thực trong thơ.
Thơ Thanh Thảo có cái sắc lẹm của lí trí nhòe đi để nhường chỗ cho cảm xúc đau xót, tái tê của nhà thơ Thanh Thảo trước cái chết thảm khốc của một thi tài mãnh liệt. Dĩ nhiên, ý nguyện của Lorca, một ý nguyện thể hiện chất nghệ sĩ bẩm sinh hoàn hảo của nhà thơ ,nói lên sự gắn bó vô cùng sâu nặng của ông với nguồn mạch dân ca xứ sở- đã không thực hiện được. Nhưng nghĩ về điều đó, những liên tưởng dồn tới và ta bỗng vỡ ra một chân lí: không ai chôn cất tiếng đàn và dù muốn chôn cũng không được! Đây là tiếng đàn, một giá trị tinh thần chứ không phải cây đàn vật thể. Tiếng đàn ấy trường cửu cùng tự nhiên và hơn thế bản thân nó chính là tự nhiên. Nó vẫn không ngừng vươn lên, lan tỏa, ngay khi người nghệ sĩ sáng tạo ra nó đã chết. Dù thật sự thấm thía chân lí nói trên, tác giả vẫn không ngăn nổi lòng mình khi viết ra những câu thơ đau xót hết mực, thấm đượm cảm giác xa vắng, bơ vơ, côi cút như cảm giác của ta khi thấy “cỏ mọc hoang”. Đang ngao ngán hát bài ca vắng người giữa mang mang thiên địa.
- Kết bài:
Thanh Thảo trong “Đàn ghi ta của Lorca” muốn thể hiện mối đồng cảm sâu sắc đối với Lorca – cây đàn thơ lạ lùng trong nền thi ca nhân loại ở nửa đầu của thế kỉ XX đầy bi kịch. Từ câu “đường chỉ tay đã đứt” đến cuối bài ta tưởng như không có gì chung giữa đường chỉ tay, lá bùa, xoáy nước và cả lặng yên nữa. Vậy mà nhờ được tắm trong một dung môi cảm xúc có cường độ mạnh cùng sự suy tư có chiều sâu triết học, tất cả trở nên hòa quyện, ăn ý với nhau lạ lùng để cùng cất tiếng khẳng định ý nghĩa của những cuộc đời dâng hiến hoàn toàn cho nghệ thuật cũng là cho một nhu cầu vĩnh cửu của loài người. Là sản phẩm của những cuộc đời như thế, thơ ca làm sao có thể chết? Nó tồn tại như là hơi thở xao xuyến của đất trời. Nó gieo niềm tin và hi vọng. Nó khơi dậy khát khao hướng về cái đẹp. Thanh Thảo đã phục sinh thành công thời khắc bi tráng của Lorca, dựng tượng Lorca trong lòng bạn đọc toàn thế giới. Nó cũng chứng tỏ Thanh Thảo rất hiểu Lorca, xứng đáng là một ‘tri âm”, “tri kỉ” của người nghệ sĩ tài danh này.