Suy nghĩ của ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa về vai trò của nghệ thuật đối với cuộc sống
(Đề thi học sinh giỏi văn cấp thành phố – Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2015 – 2016)
* Gợi ý làm bài:
* Giải thích.
Từ suy nghĩ của nhân vật người hoạ sĩ, học sinh có thể rút ra một trong hai nội dung sau:
+ Cuộc đời đa chiều, đa diện, vô cùng phong phú, phức tạp (cuộc hành trình vĩ đại), vì thế nghệ thuật không dễ gì phản ánh được tất cả mọi phương diện, khía cạnh của cuộc đời (sự bất lực của nghệ thuật).
(+ Nghệ thuật cũng có nhiều hạn chế trong việc tác động đến con người và cuộc sống.)
* Bày tỏ suy nghĩ của bản thân:
+ Ý kiến của người hoạ sĩ khi nói về giới hạn của nghệ thuật là đúng. Là một hình thái ý thức xã hội, một sản phẩm thẩm mĩ độc đáo nảy sinh trong quá trình sáng tạo theo quy luật cái đẹp, nhiệm vụ của nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng là phản ánh đời sống. Tuy nhiên, thực chất của việc phản ánh hiện thực là phản ánh cách nghĩ của nhà văn về hiện thực.
+ Mặt khác, cuộc sống luôn biến đổi không ngừng, “sự thật hôm nay không thật đến ngày mai” (Xuân Diệu), mọi biểu hiện của cuộc sống là vô cùng đa dạng, khó có thể nắm bắt. Do đó chẳng dễ gì để nghệ thuật thể hiện hết mọi góc, mọi mảng, mọi màu, mọi vẻ của đời sống.
(+ Cũng vậy, do phụ thuộc vào người đọc, nghệ thuật rất khó tác động đến đời sống.)
+ Tuy nhiên với tài năng sáng tạo nghệ thuật và tâm huyết đối với cuộc đời, các nghệ sĩ vẫn không ngừng lao tâm khổ tứ để sáng tạo nên những tác phẩm vừa miêu tả sâu sắc hiện thực vừa thể hiện rõ nét tư tưởng, tình cảm của người sáng tác. cần thấy rằng nghệ thuật tuy không tái hiện được tất cả những thứ hiện diện trong đời sống nhưng nghệ thuật vẫn khắc hoạ được bản chất của cuộc đời với những nét cốt lõi, đáng chú ý nhất.
(+ Cũng thế, qua con đường tác động đến tình cảm con người, qua bạn đọc tích cực, nghệ thuật cũng có những tác động một cách hiệu quả đến cuộc sống.)
Phân tích một số tác phẩm nghệ thuật (nói chung) và văn học (nói riêng) để đối thoại với nhân vật người hoạ sĩ về mối quan hệ giữa nghệ thuật với hiện thực cuộc sống. Cần thấy được nghệ thuật (nói chung) và văn học (nói riêng) đã giúp ta thấy được hiện thực xã hội lẫn hiện thực tâm trạng của con người. Ví dụ: Truyện Kiều cho thấy sự thối nát của xã hội phong kiến, bên cạnh đó là bi kịch và vẻ đẹp tâm hồn của nàng Kiều, Lặng lẽ Sa Pa vẽ ra không khí hăng say xây dựng đất nước và những tình cảm đẹp của con người với quê hương, với người xung quanh,…
* Đánh giá, nhận xét:
+ Nhận định của nhân vật người hoạ sĩ cho thấy ý thức về những giới hạn của nghệ thuật trong việc phản ánh cuộc đời. Thế nên, mỗi nghệ sĩ phải không ngừng cố gắng rèn ngòi bút, luyện tài năng để rút ngắn những giới hạn ấy.
+ Nghệ thuật phản ánh cuộc sống chứ không phải chạy theo cuộc sống. Người nghệ sĩ nên chú ý đến chiều sâu của hiện thực được phản ánh hơn là bề rộng của hiện thực được phản ánh