“Quay mặt về hướng mặt trời, bóng tối sẽ ở sau lưng ta”
Cuộc sống ngày càng tiến bộ, công việc ngày càng nâng cao, đòi hỏi con người phải chạy theo bước tiến để hòa nhập với môi trường. Chắc hẳn sẽ có lúc bất chợt nào đó, chúng ta mải vì guồng xoay cuộc sống mà phạm phải sai lầm. Điều mong đợi nhất chính là nhận được sự tha thứ. Đúng thế! Tha thứ có thể coi là yếu tố tạo nên một cuộc sống nhẹ nhàng, an yên.
Tha thứ là bỏ qua lỗi lầm, không trách cứ người có lỗi, không giữ lại khó chịu trong mình. Nghe qua, tưởng chừng như rất dễ nhưng lại là việc vô cùng khó khăn. Đó là cả một quá trình tôi rèn, trau chuốt bản thân và suy nghĩ, còn có cả nhẫn nhịn. Tha thứ không phải là “mỉm cười cho qua” như người đời thường nghĩ, mà chính là mỉm cười một cách thật tâm – cho những cay rứt trôi đi, buông bỏ giận hờn, căm ghét, cho qua cả suy nghĩ và hành động, trong lòng không còn vướng bận chuyện gì. Khi “lĩnh hội” được điều thiết yếu này, bạn sẽ thấy tha thứ không đơn thuần là thái độ mà chính là món quà – một món quà bạn trao tặng người khác và cho cả bản thân mình.
Trong đời sống hằng ngày, lỗi lầm vẫn tiếp diễn lỗi lầm. Bạn đến trường trễ, có mặt tại buổi họp không đúng giờ gây phiền hà bao người, hoàn trả đồ dùng không đúng thời hạn, làm hư hỏng một cái gì đó,… chính là lúc bạn cần nhận lỗi và xin lỗi. Không phải khi chạm tới tai hại ngút trời mới cần sự tha thứ. Mà đơn giản chỉ là điều sai trái hằng ngày. Vậy bạn có từng đặt câu hỏi rằng: “Tại sao mình phải tha thứ, bỏ qua lỗi lầm?” chưa?
Hãy tự ngẫm lại xem, bạn đã trải qua bao nhiêu lần mắc sai rồi? Chắc hẳn bạn từng đã mắc lỗi, từng phạm sai lầm. Hơn ai hết, bạn hiểu rõ cảm giác tội lỗi, muốn nhận được sự tha thứ là như thế nào. Sinh ra là con người, Thượng Đế không cho chúng ta cơ hội lấy từ “hoàn hảo” để miêu tả về ai đó. Tha thứ, không chỉ cho người khác, mà còn cho chính mình.
Bạn biết không? Khi bạn cho đi lòng vị tha, bạn sẽ nhận lại còn hơn thế nữa. Cũng như việc bạn thảo luận nhóm, bỏ ra một, nhưng bạn nhận lại được công sức và ý tưởng của cả nhóm.
Tôi đọc một câu chuyện như này: Ông là một họa sĩ, mải mê thả hồn vào bức tranh, không hay biết màu mực của ông đã vấy lên chiếc đầm của vị khách đến xem tranh. Đến khi vết mực vô tình đó làm ông hốt hoảng nhận ra thì mọi sự đã rồi. Bằng tất cả chân thành, ông lập tức xin lỗi. Điều lạ lùng là vị khách không hề lớn tiếng đòi đền bù, mà chỉ tỏ tiếc nuối đối với bộ váy trắng tinh kia.
Một người thản nhiên với lỗi lầm của người khác. Một người luống cuống áy náy xin lỗi. Sự trái nghịch này đã tạo nên một bức tranh vô cùng đẹp. Ai đó đã từng nói: “Một điều luôn luôn nên làm là hãy tha thứ cho nhau. Một đức tính luôn luôn nên có là hãy chân thành nhận lỗi”.
Biết tha thứ cho lỗi lầm của người khác rất khó, biết nhận lỗi khi gây ra lỗi lầm còn khó hơn. Tuy nhiên, điều này được hai nhân vật trong câu chuyện chứng minh ngược lại. Người họa sĩ tỏ ý muốn giữ lại chiếc đầm vấy mực ấy để chuộc lỗi, người khách đồng ý. Vài ngày sau quay lại, bà ta vô cùng ngạc nhiên với quà chuộc lỗi của ông – một bức tranh tuyệt đẹp che lấp đi vết bẩn hôm nào. Bạn thấy không? Tha thứ chỉ trong giây phút, nhưng những gì bạn nhận được sẽ theo tâm hồn bạn mãi mãi.
Bạn có tin tha thứ có thể cảm hóa được thú dữ trong con người không? Chúng ta là con người, một loài vật với hai phần trái ngược: con và người. “Con” luôn nằm sâu thẳm trong chúng ta. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, nó sẽ vùng dậy và chiếm hết đi phần “người”. Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn.
Đồng nghĩa với việc bạn lâm vào tù túng, vào “ngõ cụt”, vào “bước đường cùng” thì bạn có thể làm những việc mà chính bạn trước đây không dám nghĩ tới. Có lần, tôi được một người chị chia sẻ cho đoạn băng ghi hình ở đồn cảnh sát bên đất nước Thái. Trước mặt người cảnh sát là một người đàn ông đang cầm con dao chỉ lơ quơ trong vô định. Hình như ông ta đang đối mặt với thử thách của số phận, và hơn ai hết, ông ta hiểu rõ bất lực là như thế nào.
Người cảnh sát không ra lệnh bao vây, bắt giữ hay khống chế, anh chỉ đứng nói chuyện – như một người bạn. Thái độ của anh là đồng cảm, không phải thương hại hay khinh thường, điều đó là người khác cảm thấy dễ chịu, điển hình là người đàn ông đang cầm dao kia. Sau, người cảnh sát từ từ tiến lại, người đàn ông kia đồng thời hạ dao xuống, cảnh sát dừng lại và dang rộng vòng tay, con dao kia được đặt xuống đất, chủ nhân của nó chậm rãi tiến tới sự cảm thông và chia sẻ ông đáng nhận được.
Ông trước đây là một họa sĩ, không bán được tranh nên ông đành từ bỏ đam mê để duy trì cuộc sống, ông xin làm bảo vệ nhưng nhà chủ không trả lương. Nhiều lần nhẫn nhịn và tìm sự trợ giúp không thành, trong cơn rối trí ông đã hành động như vậy. Chính sự cảm thông và tha thứ của anh cảnh sát đã cảm hóa và cứu ông ra khỏi những bế tắc ấy. Vậy mới thấy, tha thứ chính là món quà hữu hiệu bậc nhất trần đời này.
Thế nhưng trong cuộc sống ngày nay, ít ai có thể bỏ qua tất cả “cái gai” trong lòng mình. Họ sẵn sàng quên đi những điểm tốt và giữ lại vài điều xấu xa. Thật ra, làm như vậy chỉ khổ cho họ. Tha thứ là bước tiến của thành công. Nếu trên đường đời, họ cứ ôm mãi lỗi lầm của người khác thì chính họ đang tạo gánh năng cho bản thân, “tích tiểu thành đại” đến một ngày nào đó ắt sẽ thất bại.
Hãy tha thứ cho những người đã làm bạn tổn thương. Có thể điều đó sẽ rất khó khăn nhưng có thể làm được nếu bạn có đủ quyết tâm. Muốn tha thứ, điều đầu tiên là bạn phải trải rộng tâm hồn. Giá của tha thứ kèm theo nụ cười hẳn sẽ rẻ hơn giá của một cây kem. Nhưng vị ngọt cây kem mang lại không thể sánh bằng ngọt ngào mang tên tha thứ. Cuộc sống của bạn như thế nào là phụ thuộc vào cách bạn nhìn nhận nó.
Lòng vị tha là yếu tố của một cuộc sống thanh bình, an yên. Tha thứ không chỉ để bỏ qua lỗi lầm, mà còn để trôi đi những suy nghĩ tiêu cực đang ngày đêm bủa vây ta. Tha thứ là món quà ý nghĩa. Nhưng dường như tôi đã nhiều lần vô tình bỏ lỡ món quà ấy. Đó là việc khó khăn, bởi nó đòi hỏi một quá trình, một chặng đường rèn luyện. Hãy mở rộng lòng mình, cảm nhận và sẻ chia yêu thương để mang đến món quà vô giá cho những người xung quanh ta.