Nghị luận: “Tinh thần khoa học phải đi đôi với dũng khí”
- Mở bài:
Đường đời vốn nhiều khó khăn, trắc trở và nguy hiểm. Con đường khoa học cũng vậy, đầy chông gai thử thách. Muốn trở thành một nhà khoa học chân chính có nhiều công trình khoa học, nhiều cống hiến thì cần phải có nhiều phẩm chất, nhiều điều kiện và một trong những phẩm chất, điều kiện ấy là tinh thần khoa học và dũng khí. Đúng như có ý kiến đã cho rằng: “Tinh thần khoa học phải đi đôi với dũng khí”.
- Thân bài:
Người làm công tác khoa học nhân văn hay công tác khoa học tự nhiên, trước hết phải có tinh thần khoa học. Thế nào là tinh thần khoa học? Tinh thần khoa học là óc nghiên cứu, là tinh thần tìm tòi sáng tạo, phát minh. Tinh thần khoa học đề cao chân lí, coi trọng thực tiễn, đúc rút lí luận, đi từ những cái cụ thể nhất đến những vấn đề trừu tượng để tìm ra những sáng kiến, những phát minh khoa học, đem lại lợi ích cho con người, thúc đẩy tiến bộ xã hội và nền văn minh nhân loại.
Tinh thần khoa học không hướng tới danh lợi tầm thường. Cán bộ khoa học chân chính đem trí tuệ, khoa học phục vụ lợi ích của dân tộc, của đất nước và nhân loại làm lí tưởng. Tất cả vì hạnh phúc con người. Tinh thần khoa học ấy là thái độ trung thực, tinh thần khiêm tốn, là sự say mê nghiên cứu, tìm tòi, phát minh. Nói rằng nhà bác học cũng phải học là vậy.
Tinh thần khoa học phải đi đôi với dũng khí, tức là tinh thần dũng cảm. Dám nghĩ, dám làm, không đi theo con đường mòn, trái lại, dám xông vào những lĩnh vực mới mẻ đầy khó khăn nguy hiểm, chiến thắng mọi trở lực trên con dường nghiên cứu, hướng tới những phát minh, những công trình. Không nản lòng, nản chí mà say mê bền bỉ, nhẫn nại tìm ra phương pháp đúng đắn… ấy là dũng khí, là tinh thần khoa học. Có nhiều nhà khoa học hiến dâng cả cuộc đời cho khoa học, cam chịu mọi sự thiếu thốn vật chất. Tinh thần khoa học luôn luôn gắn bó với dũng khí khoa học, hỗ trợ nhau, bổ sung cho nhau. Thiếu một trong hai nhân tố ấy thì sẽ không có công trình khoa học, không có phát minh sáng kiến, không thể trở thành nhà khoa học chân chính.
Mọi thành tựu khoa học đâu dễ một sớm một chiều mà gặt hái được? Nhà hàng hải vĩ đại Ma-gien-lăng (1480- 1521) phải mất 3 năm kém 12 ngày, với hàng trăm sĩ quan, thủy thủ bỏ mạng trên đại dương mênh mông mới phát kiến ra con đường hàng hải vòng quanh thế giới. Nhà bác học Brunô (1548-1600) dũng cảm bước lên giàn hỏa thiêu của Nhà thờ trung cổ với niềm tin khoa học là trái đất và cả mặt trời đều chuyển động xung quanh trục của nó.
Tên tuổi của Niutơn, Đácuyn, Nôben, Êđixơn về các lĩnh học vật lí, toán học, sinh học, thuốc nổ, về điện,… là những phát minh thúc đẩy văn minh nhân loại vì hạnh phúc của loài người. Pasteur, nhà bác học vĩ đại đã vượt qua mọi khó khăn để chế ra vắc xin chữa bệnh chó dại cứu sống bao người. Năm 70 tuổi, ông nhắn gởi thanh niên gần xa những lời tâm huyết: Các bạn trẻ, các bạn hãy sống trong sự thanh bình của các phòng thí nghiệm, các thư viện. Lúc đầu các bạn hãy tự hỏi: “Ta đã làm gì để trau dồi học vấn của ta ? ”. Khi trưởng thành, các bạn lại hỏi: “Ta đã làm gì cho Tổ quốc ta?” Tinh thần khoa học phải đi đôi với dũng khí là vậy!
Ở nước ta hiện nay, khoa học kỹ thuật phát triển chưa cao. Trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần nhiều tài năng trẻ, nhiều công trình khoa học để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, chiến thắng nghèo nàn lạc hậu. Cải tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long, lai tạo giống lúa mới, trồng cây rừng… là những đề tài khoa học cấp quốc gia vô cùng cấp thiết cần tinh thần khoa học và dũng khí. Trước đây, những nhà khoa học như Tôn Thất Tùng, Lương Định Của,… đã cống hiến cả cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân. Nhân dân ta mãi mãi biết ơn và tự hào về người thầy thuốc mổ tim tài ba, về nhà nông học lai tạo được nhiều giống lúa có năng suất cao, v.v…
Nhân dân ta cần cù, giàu lòng yêu nước, rất hiếu học. Đó là những điều kiện thuận lợi để đất nước ta hình thành một đội ngũ cán bộ khoa học có thực tài và đông đảo để hiện đại hóa và công nghiệp hóa đất nước. Khó khăn lớn nhất của ta hiện nay là còn thiếu những phòng thí nghiệm hiện đại, những trang bị khoa học kĩ thuật tối tam. Các cán bộ khoa học của ta còn phải làm việc trong điều kiện khó khăn thiếu thốn. Hiện tượng chảy máu chất xám là một sự thật chưa dễ khắc phục được.
Tinh thần khoa học và dũng khí là hai nhân tố quan trọng cần phải có của một người làm công tác khoa học. Muốn xây dựng một sự nghiệp khoa học cẩn có trí tuệ, sự thông minh hơn người, cần có thực tài. Cán bộ khoa học hiện đại phải được đào tạo có bài bản, đào tạo có chiều sâu, đào tạo ở những trung tâm khoa học lớn dưới sự giảng dạy và dìu dắt của những nhà bác học, những giáo sư tầm cỡ. Khoa học, kĩ thuật hiện đại phát triển với tốc độ phi thường, kì diệu.
Số nhà khoa học được nhận giải thưởng Nobel mỗi năm một nhiều. Sáng chế phát minh của những nhà khoa học thiên tài đã thúc đẩy văn minh nhân loại về tin học, về sinh học, về công nghệ, về du hành vũ trụ,… làm thay đổi bộ mặt quốc gia, làm cho khoảng cách mênh mông giữa các vùng địa lí, giữa các châu lục trở nên “gần gũi”. Cán bộ khoa học trong thời hiện đại phải biết sử dụng thành thạo 2, 3 ngoại ngữ, có thế mới có thể nghiên cứu chuyên sâu. Nước ta hiện nay còn thiếu phòng thí nghiệm hiện đại, thư viện hiện đại để các nhà khoa học trẻ có điều kiện tự học, phát triển tài năng. Hiện tượng phó tiến sĩ “rởm”, tiến sĩ “rởm”, giáo sư “rởm” mà các báo chí nói đến lâu nay là một sự thật đáng buồn, cần được khắc phục.
Tóm lại, khoa học là một lĩnh vực kì diệu của con người đưa nhân loại tiến bước trên con đường văn minh. Ánh sáng khoa học đã và đang chiếu rọi khắp mọi chân trời, mọi quốc gia. Nhờ khoa học mà con người được sống trong văn minh, hạnh phúc. Khoa học và nhà khoa học phải vì con người,hướng tới đất nước và nhân dân. Muốn làm chủ khoa học, thế hệ trẻ Việt Nam phải say mê học tập, nghiên cứu, phải có tinh thần khoa học và dũng khí. Ớ đời mọi việc đều khó. Con đường khoa học vô cùng rộng lớn, đầy gian nan thử thách và vô cùng vinh quang. Ý kiến “Tinh thần khoa học phải đi đôi với dũng khí” là một ý kiến sâu sắc, xác đáng đôi với mỗi chúng ta trên đường học tập và nghiên cứu khoa học.
- Kết bài:
Xã hội tồn tại nhờ niềm tin, và phát triển nhờ khoa học. Khoa học là một cuộc thử nghiệm mạo hiểm và nhiều rủi ro để đi đến khẳng định cuối cùng. Nếu con người không biết chinh phục nỗi sợ hãi hàng ngày nghĩa là vẫn chưa học được bí mật của cuộc sống, nghĩa là không có dũng khí để làm khoa học. Không có gì là chắc chắn kể cả những điều chắc chắn nhất. Bởi thế, mỗi nhà khoa học đều là một tấm gương vĩ đại về tinh thần mạo hiểm và dức hi sinh vì sự tiến bộ của loài người.
- Nghị luận: “Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình”
- Nghị luận: “Nên nhớ, loài vi trùng tự thỏa hiệp có thể ăn sâu vào cốt tủy, khiến cả đời con không đứng thẳng lên được” (Khẳng định bản thân – Lưu Dung)