Nghị luận: Nên nhớ, loài vi trùng tự thỏa hiệp có thể ăn sâu vào cốt tủy, khiến cả đời con không đứng thẳng lên được. (Khẳng định bản thân – Lưu Dung)

nghi-luan-nen-nho-loai-vi-trung-tu-thoa-hiep-co-the-an-sau-vao-cot-tuy

Trong cuốn sách Khẳng định bản thân, tác giả Lưu Dung (Trung Quốc) đã căn dặn con mình: “Nên nhớ, loài vi trùng tự thỏa hiệp có thể ăn sâu vào cốt tủy, khiến cả đời con không đứng thẳng lên được”. (Khẳng định bản thân – Lưu Dung, NXB Văn hóa dân tộc. 2008)

Lời căn dặn trên gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì?


1. Giải thích:

– Tự thỏa hiệp: Thái độ và hành động chấp nhận hoàn cảnh, thực tế trước mắt; bỏ qua mục đích, dự định mình đã vạch ra trước đó.

– Cách nói hình ảnh loài vi trùng tự thỏa hiệp có thể ăn sâu vào cốt tủy, khiến cả đời con không đứng thẳng lên được gợi tả sự nguy hại của việc con người tự thỏa hiệp với mình trong cuộc sống. Giống như loài vi trùng gây bệnh, tâm lí tự thỏa hiệp có thể ăn sâu và hủy hoại cuộc đời của mỗi con người, khiến người ta không thể sống một cuộc đời như mong đợi.

⇒ Lời căn dặn của người cha với con cũng là một bài học đạo đức sâu sắc, có tác dụng cảnh tỉnh con người trước nguy cơ tự thỏa hiệp để biện hộ cho sự hèn nhát, thiếu bản lĩnh, ý chí mình khi không thực hiện được một việc nào đó.

2. Bình luận:

Tự thỏa hiệp là loài vi trùng nguy hiểm có thể ăn sâu vào cốt tủy và khiến con người ta không đứng thẳng lên được là vì:

– Trong mỗi con người đều có hai phần Con và Người, bản năng và lí trí…Không ít trường hợp tiếng nói của bản năng với nhu cầu hưởng thụ, tâm lí ngại khó ngại khổ, tự thoả mãn đã lấn át lí trí, khiến con người gục ngã trên hành trình thực hiện lí tưởng. Tâm lí tự thỏa hiệp xuất hiện có thể vỗ về người ta quên đi thực tại, biện hộ cho thất bại của bản thân mình.

– Tự thỏa hiệp là vi trùng nguy hiểm vì những biểu hiện của nó hầu như không gây nguy hại gì ngay tức khắc nhưng lại dần ăn sâu, hủy hoại con người, dần tạo thành những thói quen khó bỏ, những tính xấu khó chữa, biến con người thành nhu nhược, lười biếng, sống không lí tưởng.

3. Mở rộng, nâng cao vấn đề:

– Cần phân biệt tự thỏa hiệp với sự tỉnh táo chấp nhận thực tế để sửa đổi, tránh bảo thủ máy móc.

– Cần phê phán những người, những biểu hiện hèn nhát, tự ru mình, thỏa hiệp với hoàn cảnh trước mắt.

4. Bài học và liên hệ bản thân.

– Mỗi người cần nâng cao ý thức, đề cao tính kỉ luật tự giác, không cho phép mình thối chí, tự thoả hiệp bằng lòng với bản thân.

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Nghị luận: “Sự thỏa hiệp là một cái ô tốt nhưng cũng là một mái nhà tồi” (Lowei) - Theki.vn
  2. Nghị luận: Tinh thần khoa học phải đi đôi với dũng khí - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.