Suy nghĩ về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê

Suy nghĩ về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê.

  • Mở bài:

Viết về những nẻo đường Trường Sơn và hình ảnh người thanh niên xung phong trong những năm đánh Mĩ, không chỉ có những bài thơ, bài ca ca ngợi những chiến sĩ lái xe hay những cô gái mở đường trong trang thơ của Lâm Thị Mĩ Dạ mà còn có những câu chuyện đầy cảm phục viết về những cô gái thanh niên xung phong, những cô trinh sát mặt đường, những cô chuyên phá bom nổ chậm mở đường cho xe qua. Những cô gái trẻ ấy một lần nữa được Lê Minh Khuê kể lại và khắc hoạ đậm nét trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”. Ba cô gái trẻ là những ngôi sao xa xôi trên cao điểm Trường Sơn. Nổi bậc lên trong ba nữ thanh niên trẻ tuổi kiên cường là nhận vật Phương Định, một cô gái trẻ đất Hà Thành.

  • Thân bài:

Trong kháng chiến chống Mĩ, con đường Trường Sơn đã thành biểu tượng anh hùng của cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do. Dưới mưa bom bão đạn của quân thù, con đường vẫn vươn dài về phía trước, chở trên mình bao đoàn quân, bao đoàn xe rầm rập tiến về Nam. Để cho đường Trường Sơn luôn thông suốt, hàng vạn thanh niên xung phong đã ngày đêm bám đường san lấp hố bom, phá bom nổ chậm. Phương Định, nhân vật kể chuyện trong tác phẩm cũng là nhân vật chính để lại nhiều ấn tượng đẹp và tình cảm sâu sắc trong lòng người đọc.

Phương Định là nữ sinh của thủ đô thanh lịch “cái thời áo trắng ngây thơ, hồn nhiên và vô tư lự của cô thật vui sướng!”. Cơn mưa đá ngắn ngủi đột ngột xuất hiện ở cuối truyện, ngay sau trận phả bom đầy nguy hiểm, làm nổ tung trong cô bao nhiêu niềm vui thơ trẻ: Cô nhớ về mẹ, cái cửa sổ căn nhà, những ngôi sao to trên bầu trời thành phố…

Cũng như bao cô gái trẻ khác, Phương Định có nhiều mơ mộng, và cô đặc biệt thích ca hát. Hồi ở nhà, cô hát say mê, có lúc hát ầm ĩ đến nỗi làm ông hàng xóm mất ngủ. Có lần hát say sưa đến nỗi suýt ngã lăn nhào từ cửa sổ gác hai xuống đất. Cô đem lòng say mê ca hát đó vào chiến trường Trường Sơn ác liệt. Cô thích hát những hành khúc bộ đội, những bài dân ca quan họ…  Giọng hát của Phương Định chắc là hay lắm. Chị Thao tổ trưởng vẫn hay yêu cầu cô hát. Định còn có tài bịa ra lời bài hát nữa. Chị Thao đã ghi vào vở cả những lời hát cô bịa ra đấy. Phương Định hiện ra trước mắt ta là một cô gái trẻ trung, thông minh, tinh nghịch, nhiều mơ mộng. Cô gái ấy mới đáng yêu làm sao!

Phương Định còn là một cô gái xinh xắn, dễ thương, với ngoại hình biết bao người mơ ước. Cô không được nói nhiều lắm về ngoại hình của mình nhưng chỉ mấy nét này giúp ta hiểu vì sao cô được các anh pháo thủ và lái xe thăm hỏi và gửi thư. Cô tự nghĩ về mình: “Tôi là một cô gái khá, hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn, còn đôi mắt thì các anh lái xe bảo có cái nhìn sao mà xa xăm”. Một cô gái đẹp! Cô cũng tự biết mình xinh đẹp và được nhiều chàng trai chấm. Trong suy nghĩ, cô khá tự tin về điều này nên đôi khi tưởng như là kiêu kì. Nhưng thực sự đó chỉ là ý thức đúng đắn về bản thân.

Phương Định là một cô gái quả cảm, sẵn sàng chiến đấu và hi sinh vì tổ quốc. Cô sinh ra và lớn lên tại thành phố thủ đô. Chiến trường cần, cũng như bao thanh niên khác, cô lên đường vào Trường Sơn: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, Cô kể về công việc của tổ mình: “Việc của chúng tôi là ngồi đây. Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Trên cao điểm trống trơn, cô và các bạn phải chạy giữa ban ngày, phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch. Từng phút, từng giây phải đối diện với cái chết mà “thần chết là một tay thích đùa”.

Cô luôn sống trong không khí ác liệt của chiến trường “đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần, thần kinh căng như chão, tim dập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà không biết rằng xung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thê nổ bây giờ, có thể nổ chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ…” Giản dị lắm mà cũng anh hùng lắm thay, cái cô tiểu thư Hà Nội ấy! Chiến tranh và đạn bom gịặc Mĩ đã làm cô lớn lên, trở thành dũng sĩ mạnh mẽ mà cô không hề biết. Thật đáng khâm phục!

Thần chết do kẻ thù ném xuống đang nằm chờ chực ở mọi nơi chờ phút ra tay. Cô và các bạn phải ra tay trước nó, phai tiêu diệt nó. Cô phải nhanh hơn, mạnh hơn nó, không dược phép chậm trễ một giây! Cô nghĩ: “Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một chút! vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành. Hoặc là nóng từ bên trong quả bom. Hoặc là mặt trời nung nóng…”.

Thật đáng sợ cái công việc chọc giận thần chết đó! Ai dám chắc rằng nó sẽ không nổ ngay bây giờ, lúc Phương Định đang hí húi đào đào bới bới khoả đất rồi chạy lại chỗ ẩn lấp của mình: “liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai…”. Cái công việc khủng khiếp bóp nghẹt trái tim ấy không chỉ đến một lần trong đời mà đang hằng ngày: “Quen rồi. Một ngày tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần. Tôi có nghĩ đến cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể ”. Cảm xúc và suy nghĩ chân thật của cô đã truyền sang cho người đọc nỗi niềm đồng cảm yêu mến và sự kính phục. Một cô nữ sinh nhỏ bé, hồn nhiên, giàu mơ mộng và nhạy cảm mà cũng thật dũng cảm, gan dạ, anh hùng. Thật xứng đáng với những kỳ tích đã khắc ghi trên những tuyến đường Trường Sơn bi tráng.

Khép lại trang sách, hình ảnh những cô thanh niên xung phong, đặc biệt là nhân vật Phương Định vẫn in đậm trong ta. Họ chính là tiêu biểu cho thế hệ trẻ ở Trường Sơn những năm đánh Mỹ: kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh bản thân vì đồng đội, vì non sông đất nước để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ta yêu mến và tự hào về những cô gái quả cảm, về một Phương Định hồn nhiên, trong sáng, tự tin và yêu đời, yêu đồng đội, tự hào về những chiến sĩ, những thanh niên xung phong, những người đã đổ máu, hy sinh thân mình vì độc lập tự do của Tổ quốc. Từ đó, ta cần học tập tinh thần xung phong đi dầu trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.

  • Kết bài:

Qua nhân vật Phương Định và các cô thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê đã có cái nhìn thật đẹp, thật lãng mạn về cuộc sống chiến tranh, về con người trong chiến tranh. Chiến tranh là đau thương mất mát song chiến tranh không thể hủy diệt được vẻ đẹp tâm hồn rất tươi xanh của tuổi trẻ, của con người. Chính từ những nơi gian lao, quyết liệt ta lại thấy ngời sáng vẻ đẹp của tuổi trẻ, của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam.

Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê là vẻ đẹp tâm hồn của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, vừa có những nét chung của thế hệ anh hùng, vừa mang những nét riêng đầy nữ tính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang