suy-nghi-ve-y-nghia-cua-long-biet-on

Suy nghĩ về ý nghĩa của lòng biết ơn qua câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Suy nghĩ về ý nghĩa của lòng biết ơn qua câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

  • Mở bài:

– Con người phải biết ơn những người đã tạo ra thành quả cho mình hưởng thụ, những người đã giúp đỡ mình trong cuộc sống. Đây là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

– Chính vì vậy mà ông cha ta đã nhắc nhở con cháu phải luôn sống theo đạo lí: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

  • Thân bài:

1. Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”:

– Nghĩa đen: Khi ăn những trái cây chín ngọt, ta phải nhớ ơn những người làm vườn đã khó nhọc trồng cây cho ta hái trái.

– Nghĩa bóng: Khi thừa hưởng một thành quả gì ta phải luôn trân trọng và biết ơn những người đã tạo ra thành quả đó.

– Ý nghĩa: Qua câu tục ngữ, người xưa muốn khuyên chúng ta phải biết ơn những người đã giúp đỡ mình, những người đã tạo ra thành quả cho mình hưởng thụ, từ đó không ngừng lao động tạo ra những thành qua cho muôn đời sau.

2. Những biểu hiện của lòng biết ơn.

– Lòng biết ơn trở thành truyền thống văn hóa ăn sâu trong nhận thức của mỗi người dân Việt Nam. Truyền thống cao đẹp ấy đã biến thành hành động cụ thể, đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống hiện nay.

– Là người Việt thì “Dù ai đi ngược về xuôi” cũng luôn “Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba”. Nó nhắc chúng ta tưởng nhớ và biết ơn các vị vua Hùng đã có công dựng nước. Và hằng năm cộng đồng người Việt đã tổ chức kỉ niệm ngày giỗ Hùng Vương vô cùng long trọng.

– Gia đình Việt còn có tục thờ cúng tổ tiên. Trong nhà bàn thờ tổ tiên luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Người ta luôn nhắc nhau: phải biết kính trọng và biết ơn ông bà cha mẹ.

– Không chỉ tri ân tổ tiên, dân tộc Việt Nam còn rất sùng bái và tự hào về các vị anh hùng có công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Nhân dân đã lập đền thờ Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hồ Chí Minh,… Và hằng năm còn lấy ngày 27/7 làm ngày kỉ niệm, tưởng nhớ công lao những người xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhà nước ta có chính sách đền ơn đáp nghĩa các gia đình có công với cách mạng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng.

– Ngoài các lễ hội, chúng ta còn có ngày 20/11 để tỏ lòng biết ơn các thầy cô giáo đã dạy dỗ chăm lo biết bao thế hệ, ngày thầy thuốc Việt Nam (27/7) để ghi nhớ công ơn của các bậc “lương y từ mẫu” hết lòng cứu chữa bệnh nhân.

3.  Tại sao sống phải có lòng biết ơn?

– Biết ơn là sự ghi nhớ và trân trọng những gì mình nhận được từ người khác. Lòng biết ơn là sự thể hiện sự biết ơn của mình đối với những thành quả lao động do cha ông để lại. Lòng biết ơn là cơ sở khẳng định phẩm chất con người.

– Những thành quả không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của quá trình lao động khó nhọc, vất vả của con người: người nông dân phải một nắng hai sương mới làm ra hạt gạo, cha mẹ phải chân lấm tay bùn, phải giải nắng dầm sương, phải bươn chải ngược xuôi mới nuôi ta khôn lớn, thầy cô phải tận tụy hết lòng mới dạy dỗ ta nên người,…

– Vì lòng biết ơn là truyền thống lâu đời và quý báu của dân tộc. Đó là tình cảm cần thiết của con người chân chính.

4. Phê phán:

– Vậy mà trong xã hội ngày nay không thiếu những kẻ vong ơn bội nghĩa, ăn cháo đá bát, qua cầu rút ván.

– Đó là những kẻ quên ơn cha mẹ, đối xử với cha mẹ như người dưng, đó là những kẻ vì tiền tài danh vọng mà quên đi nhưng người đã giúp đỡ mình thuở cơ hàn,…

– Đó là những người đã sống một đời hưởng thụ, không biết học tập, lao động để cống hiến cho Tổ quốc, xứng đáng với máu xương của cha anh,…

5. Ta phải làm gì để thể hiện lòng biết ơn?

– Luôn ghi nhớ công ơn của người khác. Trân trọng những thành quả lao động do cha ông để lại.

– Lễ phép, yêu thương, kính trọng ông bà , cha mẹ, thầy cô. Có thái độ kính trọng, nhớ ơn những vị anh hùng dân tộc.

– Ghi nhớ trong tâm tất cả những ai đã giúp đỡ mình dù chỉ là việc nhỏ bé nhất. Luôn mong muốn đền áp công ơn của những người đã giúp đỡ mình.

– Hãy biết giúp đỡ người khác và xem đây như là một cách để mình báo đáp công ơn người khác.

– Là học sinh chúng ta phải biết ơn ông bà cha mẹ, thầy cô giáo. Phấn đấu học tập và rèn luyện mình để không phụ lòng người khác đã kì vọng, mong đợi.

  • Kết bài:

– Câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã cho ta bài học quý về đạo làm người.

– Truyền thống đạo lí biết ơn luôn là truyền thống tốt đẹp đáng giữ gìn và phát huy của dân tộc.

– Bài học bản thân: Kế thừa thành quả lao động của các thế hệ đi trước, nhận lãnh các giá trị do người khác là bản chất của xã hội. Vì thế, ta phải sống có lòng biết ơn. Sống có lòng biết ơn thể hiện lối sống văn hóa, tình nghĩa, đoàn kết, gắn bó của con người Việt Nam.

Suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang