»» Nội dung bài viết:
Tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ.
I, Tiểu sử.
– Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Da sinh năm 1949, mất năm 2023, quê ở tỉnh Quảng Bình. Bà làm việc tại Ty văn hoá Quảng Bình.
– Từ đầu những năm 70, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ xuất hiện trên thị đàn Việt Nam với những biên độ cảm xúc mở rộng hơn, với nhiều tứ thơ mạnh mẽ, mang âm hưởng cuộc chiến đấu lớn lao của dân tộc.
– Năm 1978 đến 1983, bà học Trường viết văn Nguyễn Du. Sau đó bà làm phóng viên, biên tập viên tạp chí Sông Hương (của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên – Huế).
– Bà từng là Ủy viên BCH Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên – Huế, Ủy viên BCH Hội nhà văn Việt Nam khóa III, Ủy viên Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam khóa V.
– Bà có chồng là Hoàng Phủ Ngọc Tường, cũng là một nhà văn, nhà thơ xuất sắc của nền văn học Việt Nam.
– Tháng 7/2023, bà qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng mất 18 ngày sau khi bà ra đi.
II. Phong cách nghệ thuật.
– Thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ có giọng hồn nhiên, nhân hậu, vui tươi. Có lẽ vì thế mà các nhân vật trong các truyện viết cho thiếu nhi thường là những em bé ở lứa tuổi non tươi, hay nghịch ngợm và rất hồn nhiên. Dường như Lâm Thị Mỹ Dạ sinh ra là để làm thơ. Nói là hồn nhiên, nhưng khi cần, thơ của bà cũng nồng nàn bằng cái vẻ rất nữ tính, thể hiện niềm khát khao được vươn tới cái đẹp nhân ái, bao dung.
– Thơ của bà giàu ý tứ. Tứ thơ bao giờ cũng là bất ngờ. Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là tiếng nói đồng cảm đầy khẩn thiết của bao nhiêu số phận, trong đó, hướng về chung quanh trong sự khai thác cạn kiệt chính mình là cái nhìn nhân ái, là thi pháp tự suy đã qua chiêm nghiệm và thay đổi ngôn từ thi ca.
– Thơ của bà kết hợp được chất thực cuộc sống và ngôn ngữ đa dạng, tạo ra những dồn ép, biến ảo, chồng chéo về hình ảnh, đối tượng như huyền thoại, cổ tích nhưng không hề có dấu vết của sự làm dáng.
– Phạm Phú Phong nhận định về nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, một cái tên rất yêu kiều mà gần gũi đời thường thế này: “Người đọc có thể nhận ra đằng sau câu chữ ân sâu bên dưới những chi tiết bình thường dường như chỉ dùng để mô tả, là hình tượng tác giả đây ước mơ, khát vọng đến cháy bỏng trước cuộc đời không thiếu những eo seo, nhiều nhượng và bất trắc. Chính điều ấy đã nâng tầm, đưa Lâm Thị Mỹ Dạ xếp vào hàng những nhà thơ nữ tiêu biểu của thi ca Việt Nam hiện đại”.
– Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Hồ Thế Hà đã viết: “Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ giàu ý tứ. Tứ thơ bao giờ cũng là bất ngờ. Hình như không tạo được tứ lạ thì bài thơ vẫn còn trong dự tưởng”.
– Nhà thơ Ngô Văn Phú cũng nhận định: “Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ hay ở những chỗ bất thần, ngơ ngác và những rung cảm đầy nữ tính”. Những bài thơ Truyện cổ nước mình, Khoảng trời – hố bom của bà được giảng dạy trong chương trình tiếng Việt, văn học phổ thông của Việt Nam.
– Lâm Thị Mỹ Dạ từng nói: “Người ta có thể làm thơ khi vẫn còn một tấm lòng, một trái tim rung động trước cuộc sống”. Bởi vậy, đọc thơ củaLâm Thị Mỹ Dạ người yêu thơ thấy được sự nhẹ nhàng, đằm thắm, trong trẻo, thể hiện một tâm hồn tinh tế, một trái tim giàu yêu thương.
– Thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ được nhiều bạn trẻ chép vào số và đọc thuộc lòng.
III. Tác phẩm chính.
Các tập thơ đặc sắc của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ:
- Khoảng trời – hố bom (thơ, 1972)
- Trái tim sinh nở (thơ, 1974)
- Chuyện cổ nước mình (thơ ,1978)
- Bài thơ không năm tháng (thơ, 1983)
- Danh ca của đất (truyện thiếu nhi, 1984)
- Nai con và dòng suối (truyện thiếu nhi, 1987)
- Phần thưởng muôn đời (truyện thiếu nhi, 1987)
- Hái tuổi em đầy tay (thơ, 1989)
- Nhạc sĩ Phượng Hoàng (truyện thiếu nhi, 1989)
- Mẹ và con (thơ, 1994)
- Đề tặng một giấc mơ (thơ, 1998)
- Cốm non (thơ, 2005)
- Tuyển tập thơ và truyện thiếu nhi (2006)
- Hồn đầy hoa cúc dại (thơ, 2007)