tac-gia-to-hoai

Tác giả Tô Hoài

Tác giả Tô Hoài.

1. Tiểu sử.

– Tô Hoài (1920 – 2014) tên khai sinh là Nguyễn Sen, là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX.

– Ông sinh ra tại quê nội ở thôn Cát Động, Thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ trong một gia đình thợ thủ công. Tuy nhiên, ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam).

– Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.

– Bước vào tuổi thanh niên, ông đã phải làm nhiều công việc để kiếm sống như dạy trẻ, bán hàng, kế toán hiệu buôn,… nhưng có những lúc thất nghiệp

– Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc.

– Trong chiến tranh Đông Dương, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành tựu quan trọng như Truyện Tây Bắc.

– Ông mất ngày 6 tháng 7 năm 2014 tại Hà Nội, hưởng thọ 94 tuổi.

2. Sự nghiệp văn học.

a. Tác phẩm chính:

Sau hơn sáu mươi năm lao động nghệ thuật, ông đã có gần 200 đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau: Dế Mèn phiêu lưu kí (truyện, 1941); O chuột (tập truyện, 1942); Truyện Tây Bắc (tập truyện, 1953); Miền Tây (tiểu thuyết, 1967); Ba người khác (tiểu thuyết, 2006),…

b. Thành tựu:

– Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình Tô Hoài đã nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá:

+ Giải nhất Tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam 1956 (Truyện Tây Bắc);

+ Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội 1970 (tiểu thuyết Quê nhà);

+ Giải thưởng của Hội Nhà văn Á – Phi năm 1970 (tiểu thuyết Miền Tây);

+ Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật (đợt 1 – 1996).

+ Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội 2010.

3. Phong cách nghệ thuật.

– Sở trường của Tô Hoài là truyện phong tục và hồi kí.

– Là một người có vốn sống phong phú, những câu chữ Tô Hoài dẫn dắt vào tác phẩm luôn đem đến cho người đọc nhiều cảm nhận sâu sắc về cuộc đời, về con người.

– Lối viết của Tô Hoài đậm đà màu sắc dân tộc, được thể hiện qua cách đặt tên cho tác phẩm, cách kể chuyện, dẫn truyện, đề tài thường đi vào khám phá và thể hiện truyền thống nhân nghĩa của con người Việt Nam như: trọng nghĩa khinh tài, khí tiết, thủy chung. Ông thường khai thác đề tài lịch sử  để ngợi ca phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam.

– Tô Hoài hấp dẫn người đọc bởi lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động của người từng trải, vốn từ vựng giàu có, nhiều khi rất bình dân và thông tục, nhưng nhờ cách sử dụng đắc địa và tài ba nên có sức lôi cuốn, lay động người đọc.

– Trước cách mạng tháng 8, ngòi bút của ông chủ yếu hướng về người nông dân nghèo và loài vật, sau cách mạng tháng 8 Tô Hoài có hướng đi mới đó là hướng đến vùng nông thôn rộng lớn đặc biệt là vùng núi Tây Bắc.

4. Đánh giá về nhà văn tô Hoài.

“Không chỉ hấp dẫn người đọc ở nguồn tư liệu tươi rói về đời sống văn nghệ một thời mà còn ở giọng kể và cách tạo không khí truyện kể trong tác phẩm Tô Hoài. Dù ở thể loại nào, hồi ký hay tiểu thuyết, người kể chuyện trần thuật ở ngôi thứ nhất xuyên suốt 3 tác phẩm Cát bụi chân ai, Chiều chiều và Ba người khác, vẫn là nhân vật giàu trải nghiệm, luôn chuyển dẫn từ quá khứ đến hiện tại nhờ hồi tưởng và liên tưởng, với giọng kể hóm hỉnh thể hiện cái nhìn bình thản và an nhiên trước mọi biến cố… Sự linh hoạt của ngòi bút và phong cách văn xuôi hấp dẫn của Tô Hoài có lẽ bắt nguồn từ chính quan niệm của ông: Cuộc đời như là văn chương” – Nhà phê bình văn học Đỗ Hải Ninh.

“Tô Hoài như một từ điển sống, một pho sách sống. Ông như cuốn Bách khoa Toàn thư mà không Viện sĩ nào, không Học giả nào có thể sánh được. Tôi đã có dịp tò mò hỏi ông về Hà Nội và rất ngạc nhiên. Tôi không ngờ ông hiểu Hà Nội sâu sắc đến thế. Tôi gọi ông là Nhà Hà Nội học, dù ông không nghiên cứu” - Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

– Với sự cần mẫn, bền bỉ, dẻo dai, không ngừng học hỏi, tích lũy, tự vượt mình để sáng tạo đó chính là điều làm nên bản lĩnh và tài năng nghệ thuật của Tô Hoài. Với những thành tựu to lớn đã đạt được sau hơn nửa thế kỉ sáng tạo nghệ thuật, Tô Hoài xứng đáng là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, là tấm gương lao động nghệ thuật cho văn nghệ sĩ noi theo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang