Tài năng miêu tả người bậc thầy của Nguyễn Du qua đoạn trích Chị em Thúy Kiều (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)
- Mở bài:
Nguyễn Du không những có tài đi sâu vào đời sống nội tâm của nhân vật mà miêu tả vẻ bề ngoài, ngòi bút của ông cũng đạt đến trình độ xuất chúng. Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” là một minh chứng rõ ràng cho tài năng bậc thầy ấy.
- Thân bài:
Trong đoạn trích này, Nguyễn Du đã tạo ra một bố cục hoàn chỉnh, chặt chẽ, đầy dụng ý: 4 câu đầu tả chung vẻ đẹp của 2 chị em, 16 câu tiếp tả vẻ đẹp từng người, 4 câu cuối ca ngợi đức hạnh của chị em Kiều
Bốn câu đầu tác giả giới thiệu về hai chị em:
“Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.”
Với nghệ thuật ước lệ tượng trưng, từ ngữ có tính tuyệt đối “mười phân vẹn mười” tác giả cho ta thấy cả hai chị em Kiều đều xinh đẹp, hoàn mĩ.
Bốn câu thơ tiếp theo Nguyễn Du dành để tả Thúy Vân:
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười, ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.”
Những hình ảnh đẹp mang tính ước lệ của văn học cổ đã vẽ lên trước mắt người đọc một nàng Thúy Vân đẹp nền nã, phúc hậu, đoan trang. Sắc đẹp ấy khiến thiên nhiên cũng phải “thua”, “nhường” không dám sánh vai. Phải chăng đó là dấu hiệu báo trước cuộc đời Thúy Vân bình lặng, may mắn, viên mãn?
Thúy Kiều là chị nhưng Nguyễn Du tả Thúy Vân trước. Đây chính là nghệ thuật đòn bẩy để làm nổi bật nhân vật chính mà ông yêu mến:
“Kiều càng sắc sảo, mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn”
Thúy Vân đã đẹp rồi nhưng Thúy Kiều còn đẹp hơn và tác giả hé mở một điều thú vị: tài năng của Kiều. Chúng ta hãy cùng xem Nguyễn Du “vẽ” Thúy Kiều:
“Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm. liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước, nghiêng thành”
Ba câu thơ như ba nét bút tài hoa của người họa sĩ, Nguyễn Du đã tái hiện trước mắt chúng ta một trang “tuyệt thế giai nhân”. Điển cố “nghiêng nước, nghiêng thành” gợi cho ta nhớ đến nàng Tây Thi – mỹ nhân thời cổ đại Trung Hoa với nhan sắc tuyệt trần, ẩn chứa một sức mạnh ghê gớm thần kì. Vẻ đẹp sắc sảo diễm lệ, chỉ có một trên đời của Kiều khiến thiên nhiên cũng phải ghen tị, giận hờn. Phải chăng đó là điềm báo cuộc đời nàng sẽ nhiều truân chuyên, lận đận?
Không những thế Kiều còn có tài. Chúng ta hãy nghe Nguyễn Du ca ngợi tài năng của Kiều:
“Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương lầu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương
Khúc nhà tay lựa nên chương
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”
Nguyễn Du đã sử dụng hàng loạt từ ngữ có tính tuyệt đối “vốn sẵn”, “đủ mùi”, “lầu bậc,ăn đứt” để khẳng định tài năng toàn diện của Kiều, mà tài nào cũng đạt đến mức tuyệt đỉnh, xuất chúng. Nhất là tài chơi đàn của Kiều đã trở thành “nghề riêng” không ai sánh nổi.
Bốn câu cuối như những nét vẽ cuối cùng để Nguyễn Du hoàn thiện bức chân dung chị em Thúy Kiều. Hai nàng không chỉ có nhan sắc “chim sa cá lặn” mà còn rất đức hạnh, đoan trang.
“Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.”
- Kết bài:
Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” có thể coi là một bài thơ hoàn chỉnh, một bức tranh kiệt tác bằng ngôn ngữ mà Nguyễn Du đã vẽ lên bằng tất cả tâm huyết và tình yêu thương với nhân vật của mình. Đây là một biểu hiện của tinh thần nhân đạo, nhân văn cao cả. Chính điều đó chứ không phải điều gì khác đã làm khiến tên tuổi Nguyễn Du mãi mãi lưu danh cùng hậu thế.
Bài văn tham khảo:
Bút pháp miêu tả người điêu luyện của Nguyễn Du trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều.
- Mở bài:
Đoạn trích “Chị em Thuý Kiều” nằm ở phần đầu của Truyện Kiều. Trong đoạn trích này, Nguyễn Du tập trung miêu tả hai chân dung tuyệt mỹ của chị em Thuý Kiều. Đằng sau những nét bút miêu tả tinh tế và độc đáo, người đọc có thể nhận thấy tấm lòng ưu ái, trân trọng đặc biệt của Nguyễn Du đối với nhân vật của mình. Qua ngòi bút của Nguyễn Du, hai chị em Thuý Kiều đều xinh đẹp, nhưng “mỗi người (tài tình) mỗi vẻ” với dự báo trước số phận, tính cách, cuộc đời của mỗi nhân vật, đặc biệt là Thuý Kiều, nhân vật của truyện.
Mở đầu đoạn trích, Nguyễn Du giới thiệu vẻ đẹp chung về hai chị em với bốn câu thơ:
“Đầu lòng hai ả tố nga
Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”
Cả hai chị em đều có vẻ đẹp hoàn mỹ, từ hình thức bên ngoài “mai cốt cách” đến vẻ đẹp bên trong tâm hồn “tuyết tinh thần”. Vẻ đẹp của Thuý Vân được miêu tả ở bốn câu thơ tiếp:
“Vân xen trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”
Vẻ đẹp của Thuý Vân được Nguyễn Du miêu tả một cách toàn vẹn từ khuôn mặt, nét ngài, màu da, mái tóc đến tiếng nói, nụ cười và cốt cách. Thuý Vân hiện ra qua những hình ảnh, những tính chất ước lệ của văn học cổ trung đại. Nguyễn Du tập trung tô đậm vẻ đẹp phúc hậu, đoan trang của Thuý Vân.
Vẫn là cách thức quen thuộc của văn học cổ, lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm chuẩn mực cho vẻ đẹp con người, nhưng bức chân dung của Thuý Vân, qua nét vẻ thân tình của Nguyễn du bổng rở nên sống động là nhờ đã chứa đựng trong đó quan niệm về tài sá của chính nhà thơ. Gương mặt xinh đẹp đầy đặn, vẻ đẹp đoan trang phúc hậu của Thuý Vân – một vẻ đẹp và thiên nhiên sẵn lòng nhường nhịn “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” – như dự báo trước một cuộc đời, một số phận êm đềm, tròn trịa, bình yên của nàng.
Quả thật, với những từ ngữ trau chuốt, những hình ảnh ước lệ tượng trưng vẻ đẹp và giàu sức gợi tả, được lọc qua tâm hồn mẫn cảm, tinh tế, Nguyễn Du đã khắc hoạ khá sống động vẻ đẹp đài các, đoan trang viên mãn, mơn mởn sức sống của Thuý Vân, biểu hiện một tâm hồn vô tư, dự báo trước một cuộc đời yên ổn, vinh hoa, phú quý sẽ mỉm cười, vui vẻ rước đón nàng.
Song, việc miêu tả vẻ đẹp của Thuý Vân, không phải là chủ đích nghệ thuật của tác giả. Đó thực chất chỉ là việc tạo tiền đề, tao ra một điểm tựa nghệ thuật “tả khách hình chủ” để làm nổi bật hơn tài sắc của Thuý Kiều, nhân vật trung tâm của tác phẩm.
Khác với Thuý Vân, Thúy Kiều có một vẻ đẹp “sắc sảo mặn mà”, cả tài lẫn sắc đạt tới mức tuyệt vời.Cũng những từ ngữ, hình ảnh ước lệ tượng trưng, qua ngòi bút miêu tả tài hoa của Nguyễn Du, hình ảnh nàng Kiều hiện lên lộng lẫy, sắc nước hương trời đến hoa phải “ghen”, liễu phải “hờn”:
“Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc vẫn là phần hơn.
Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.”
Đôi mắt đẹp của nàng trong như nước mùa thu, lông mày xin xắn, tươi non như sắc núi mùa xuân “làn thu thuỷ, nét xuân sơn”. Nếu như vẻ đẹp của Thuý Vân trời xanh còn có thể nhường nhịn, thì trước sắc đẹp của Thuý Kiều, thiên nhiên tạo hoá cũng trở nên đố kị ghen ghét bởi đó là một vẻ dẹp toàn bích, hoàn hảo tuyệt đối, có một không hai trên cõi đời này. Vẻ đẹp ấy có thể khiến cho nước xiêu, thành đổ, giang sơn đổi dời:
“Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai.
Thiên nhiên đố kị, ghen ghét với nàng. Hồng nhan bạc mệnh, cái sắc đẹp “sắc sảo mặn mà” khiến thiên nhiên cũng phải đố kị, ghen ghét ấy đã dự báo trước một cuộc đời đầy sóng gió sẽ ập đến với nàng. Nguyễn Du đã không tiếc lời ca ngợi sắc đẹp và tài nghệ của nàng Kiều. Khác hẳn Thuý Vân, Thúy Kiều thông minh, đa tài, đa cảm, một con người nhất mực tài hoa: Tài thơ, tài hoạ, tài đàn của Thúy Kiều đạt tới mức tuyệt diệu:
“Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm.
Cung, thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên “Bạc mệnh” lại càng não nhân”
Cả diện mạo bên ngoài và diên mạo tâm hồn cũng hé mở dần tính cách số phận của nàng Kiều. Rõ ràng, Nguyễn Du khi miêu tả sắc đẹp của nàng Kiều đã gửi gắm quan niệm “Tài hoa bạc mệnh” vào đấy – dự báo trước cuộc đời, số phận long đong, lận đận, đầy bất hạnh của nàng.
Sử dụng bút pháp miêu tả ước lệ, tượng trưng của văn học cổ điển, với ngòi bút tài hoa, chắt lọc, trau chuốt ngôn từ, Nguyễn Du đã khắc hoạ thật sinh động hai bức chân dung Thúy Vân và Thúy Kiều, mỗi người một vẻ đẹp riêng, toát lên từ tính cách, từng số phận riêng, không lẫn vào nhau, không thể phai nhạt trong tâm hồn người đọc. Đây là thành công trong bút pháp nghệ thuật miêu tả người của Nguyễn Du. Đã hơn hai thế kỉ rồi, với truyện Kiều và nghệ thuật tả người đặc sắc, tinh tế của Nguyễn Du, đã là bậc thầy làm rung động và sự cảm phục, trân trọng của bao thế hệ đối với đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.