than-phan-nguoi-phu-nu-trong-xa-hoi-phong-kien-qua-nhan-vat-vu-nuong-trong-chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong-cua-nguyen-du

Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ

Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ

  • Mở bài:

Nguyễn Dữ là một hiền nho, tuy là người tài năng nhưng ông sống ẩn dật, lánh đời. Ông thường lang thang khắp đó đây, sưu tầm và ghi chép những câu chuyện truyền tụng trong nhân gian. Chuyện người con gái Nam Xương là thiên truyện thứ 16, trích trong tác phẩm Truyền kỳ mạn lục, một bộ truyện trứ danh đương thời của Nguyễn Dữ. Thông qua cuộc đời và số phận bi thảm của nhân vật Vũ Nương, tác phẩm đã phản ánh sâu sắc thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Đó là một xã hội tàn bạo, bất nhân, đẩy người phụ nữ vào bước đường cùng không lối thoát.

  • Thân bài:

“Chuyện người con gái Nam Xương” kể về cuộc đời và số phận đầy oan khuất, bất hạnh của người thiếu phụ tên là Vũ Thị Thiết, thường gọi là Vũ Nương. Vũ Nương vốn là người con gái thùy mị, nết na, tư dung lại muôn phần xinh đẹp. Cảm vì những phẩm đức ấy, Trương Sinh – một chàng trai con nhà khá giả – đã xin mẹ trăm lạng vàng cưới nàng về làm vợ. Biết tính chồng hay nghi ngờ, Vũ Nương hết mực giữ gìn khuôn phép. Chưa bao giờ nàng để sảy ra điều tiếng hay vợ chồng dẫn đến thất hòa.

Hạnh phúc chưa được bao lâu thì năm ấy giặc Chiêm quấy rối biên cương. Trương Sinh dù là con một nhưng cũng phải đầu quân đi lính. Trương Sinh đi chưa được bao lâu thì nàng hạ sinh con nhỏ và đặt tên là Đản. Nàng một mình ở nhà chăm con nhỏ, phụng dưỡng mẹ già. Với con, nàng hết mực chu đáo. Với mẹ chồng, nàng hết lòng phụng dưỡng, chăm lo. Đến khi mẹ mất, nàng cũng lo ma chay tươm tất như mẹ đẻ. Lòng hiếu thuận của nàng khiến cho ai cũng mến phục. Đêm đêm, cảnh nhà cô quạnh, đứa bé hay khóc. Để dỗ con, nàng thường chỉ lên cái bóng của mình trên vách và nói đùa đó là cha. Đứa bé nghe thế tưởng thật không khóc nữa. Hai năm sau, giặc dữ đầu hàng, Trương Sinh trở về. Biết tin mẹ đã mất, chàng vô cùng đau buồn.

Bởi tin lời nói ngây thơ của con trẻ, Trương Sinh nghi ngờ vợ ở nhà có gian tình nên hết lời mắng nhiếc, sỉ nhục và đánh đập vợ tàn tệ. Vũ Nương dù hết lời phân trần, giải bày cũng không khiến Trương Sinh hết giận. Làng xóm cũng can ngăn nhưng trương Sinh không nghe. Quá tuyệt vọng, Vũ Nương đã trầm mình trên bến sông Hoàng Giang. Nàng lấy cái chết để minh chứng mình trong sạch, linh hồn còn mang nhiều oan khuất.

Linh Phi – vợ của vua Thủy Tề dưới thủy cung thương nàng oan khuất nên đã cứu giúp và đưa nàng về sống nơi thủy cung. Nhờ có Phan Lang, một ngư dân được Linh Phi cứu sống, kể lại sự tình, Trương Sinh nghe lời dặn dò lập đàn giải oan cho vợ. Vũ Nương trở về trên bến sông nhưng nàng quyết định sống ở thủy cung chứ không về trần gian gian.

Câu chuyện có yếu tố hoang đường nhưng đã phản ánh chân thực bộ mặt xã hội phong kiến đương thời. Đồng thời, truyện còn đề cao phẩm hạnh của người phụ nữ. Đó là tiếng kêu oan thê thiết, đòi quyền sống của con người trong xã hội nam quyền bất công, thối nát.

Ở nhân vật Vũ Nương, hội tụ khá đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Đó là một người phụ nữ không những đẹp người mà còn đẹp nết. Nàng vô cùng đảm đang, tháo vát, hiếu thuận, lại hết mực thủy chung, son sắt.

Vũ Nương là một người vợ đảm đang, cần mẫn, biết giữ mình trong khuôn phép, thủy chung, son sắt, đậm tình, đậm nghĩa, trước sau nàng một lòng giữ vẹn tình nghĩa vợ chồng. Khi về làm vợ trương Sinh, biết chồng hay gen tuông, nàng luôn giữ cho quan hệ vợ chồng. Không để lúc nào gia đình phải thất hòa. Khi chồng đi lính, nàng lựa lời đưa tiễn, không ham gì công danh quyền quý. Nàng chỉ mong chồng được bình an trở về. Qua lời tiễn biệt chồng ra trận, ta thấy rõ tình yêu thương chồng và niềm mơ ước khao khát hạnh phúc: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngay ve mang theo hai chữ bình yên là đủ rồi”. Nàng luôn giữ sự thủy chung. “Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết”, nàng hết lòng trung trinh, thay chồng làm tròn bổn phận. Thế nhưng, cuộc đời vốn đầy oan nghiệt. Ông trời thường làm khó kẻ hiền lương. Khi Trương sinh trở về, bởi nghe lời nói ngây thơ của con trẻ đã nghi ngờ vợ không đoan chính và sỉ nhục, đánh đập nàng. Vũ Nương không hiểu chuyện gì đang sảy ra. Nàng cố gắng phân minh để hàn gắn hạnh phúc. Nhưng mọi cố gắng không thể nào giải được mối oan tình.

Vũ Nương còn là một người con dâu chu toàn, hiếu thảo. Nàng tận tình chăm sóc mẹ chồng, thuốc thang cho mẹ khi ốm đau. Tấm lòng hiếu nghĩa ấy khiến mẹ Trương Sinh muôn phần cảm động. Không những phụng dưỡng mẹ khi còn tại thế, khi mẹ mất, Vũ Nương sốt sắng lo ma chay tế lễ mẹ như mẹ ruột của mình. nghĩa cử của nàng khiến cho xóm giềng không ngớt lời ca ngợi. Sự đảm đang, hiếu nghĩa ấy cũng biểu hiện “tấm lòng son” của mình đối với Trương Sinh. Đạo làm con, làm vợ, làm mẹ, tất cả đều được Vũ Nương thực hiện trọn vẹn.

Vũ Nương là một người phụ nữ bất hạnh, chịu nhiều khổ đau, phải lấy cái chết để chứng minh mình trong sạch trước nỗi hoài nghi của chồng. Đó cũng là hành động của con người khi rơi vào tuyệt vọng. Nàng quyết giữ gìn nhân phẩm, không chịu bị sỉ nhục. Cái chết của Vũ Nương và câu cái bóng trên tường được giải bày khiến cho Trương Sinh ra hiểu ra sự tình; chàng hối lỗi đã nghi ngờ và đối sử thô bạo với nàng nhưng đã quá muộn.

Bi kịch cuộc đời Vũ Nương là bi kịch gia đình trong xã hội phong kiến nhưng nguyên nhân sâu xa là do chiến tranh gây nên. Cái chết của Vũ Nương là lời tố cáo mạnh mẽ xã hội phong kiến đối bất công, tàn bạo đối với người phụ nữ, đã đẩy họ vào bước đường cùng không lối thoát. Họ luôn luôn bị ràng buộc trong giáo điều phong kiến và tư tưởng trọng nam khinh nữ đầy nghiệt ngã. Vì thế họ không nói lên được tiếng nói đòi quyền sống, quyền lợi cho mình. Họ phải chịu bao cảnh bất công trong chế độ nam quyền.

Vũ Nương vốn là người vợ hiền, dâu thảo đáng quý. Trong cuộc sống vợ chồng, Vũ Nương rất ý tứ khôn khéo để giữ gìn hạnh phúc. Khi chồng đi lính nàng khắc khoải nhớ mong, lo lắng cho chồng. Nàng một lòng vẹn tiết, một dạ thủy chung, thay chồng phụng dưỡng mẹ già, làm tròn đạo con dâu. Còn với con thì nàng hết dạ thương con, vì không muốn con thiếu tình cha nên thường chỉ bóng mình trên vách khi đêm xuống và bảo đó là cha Đản. Không ngờ nàng đã vô tình đẩy mình vào bi kịch thương tâm.

Với những phẩm chất tốt đẹp ấy, đáng lý nàng phải được hưởng hạnh phúc. Nhưng vì chiến tranh chia cắt. Hơn nữa quan niệm khắc nghiệt của lễ giáo phong kiến đối với thân phận người phụ nữ xã hội cũ nàng đã không thể nhận được hạnh phúc mà lẽ ra nàng xứng đáng có được.

Vũ Nương rơi vào bi kịch gia đình. Nàng muốn phân trần để chồng hiểu hầu bảo vệ hạnh phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ. Thế nhưng, Trương Sinh vốn “con nhà hào phú” lại thất học, đa nghi thêm tính cả ghen nên đã bỏ ngoài tai mọi lời bày tỏ của vợ, mọi lời biện bà con hàng xóm, họ hàng. Vũ Nương đau đớn thất vọng cho số phận hẩm hiu chồng con ruồng rẫy, phải chịu điều tiếng nhuốc nhơ. Cái chết oan uổng của Vũ Nương trên bến sông Hoàng Giang là tiếng kêu uất ức, là tiếng thét đời quyền sống của con người.

Dù Vũ Nương không làm mồi cho tôm cá, nàng được các tiên cá cứu về cung nước nhưng hạnh phúc của nàng ở trần gian đã tan vỡ “trâm gãy bình tan”. Vũ Nương ở thủy cung với Linh Phi nhưng quyền làm mẹ làm vợ của nàng không còn nữa. Đó là nỗi đau lớn nhất của người phụ nữ.

Tuy rơi vào cảnh bất hạnh thương tâm, người phụ nữ xưa kia vẫn luôn khao khát khẳng định phẩm chất của mình. Mặc dù chết oan uổng nhưng Vũ Nương vẫn luôn muốn mình được giải oan. Nguyễn Dữ đã hiểu và thông cảm cho thân phận họ nên tác giả đã tạo nên yếu tố hoang đường kỳ ảo ở cuối truyện.

Như vậy Nguyễn Dữ đã tạo ra yếu tố thần kỳ để nâng thêm giá trị tư tưởng cho tác phẩm. Các yếu tố hoang đường này được tác giả đưa vào xen kẽ với địa danh thực tế về địa danh lịch sử từ sự kiện đến nhân vật làm cho thế giới huyền ảo mơ hồ trở nên gần gũi thực tế.

Tóm lại, hình tượng nhân vật Vũ Nương cũng là một hình ảnh tiêu biểu cho thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa kia. Họ là những người mẹ tận tụy, đảm đang, người con hiếu thuận, người vợ chung thủy son sắc. Nhưng họ có số phận nhỏ nhoi, đầy bi kịch thương tâm trong xã hội cũ.

Câu chuyên có thể khép lại khi Trương Sinh hiểu thấu được mọi việc. Nhưng tác giả thêm phần Vũ Nương dưới thủy cung nhầm làm tô đậm thêm tính cách và tâm hồn của nàng. Tuy khao khát hạnh phúc, thương yêu chồng con, thiết tha với cuộc sống trần thế nhưng khi chồng lập đàn giải oan thì nàng vẫn từ chối cuộc sống nơi trần gian vì xã hội đó thiếu cái ân đức không có chỗ cho người con gái lương thiện dung thân. Thế nên cho dù đã nghe tiếng chồng gọi – người chồng vẫn chưa cạn tình, nàng chỉ đa tạ và trở về cuộc sống ở thủy cung.

Cùng với Vũ Nương, Thúy Kiều, Kiều Nguyệt Nga, người phụ nữ trong bài Bánh trôi nước luôn có số phận khổ đau, bất hạnh nhưng luôn toát lên phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Tác phẩm có sự kết hợp phương thức tự sự, trữ tình, giữa ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả, giữa văn xuôi và văn biển ngẫu, lời văn cô đọng xúc tích. Lời lẽ Vũ Nương nhiều lần nói trong tác phẩm: khi bi oán, khi thiết tha, tạo sự xúc đọng cho người đọc. Cách dẫn dắt tình tiết câu chuyện hợp lý, tăng cường tính bi kịch làm câu chuyện hấp dẫn, sinh động. Cách thắt nút, mở nút bất ngờ gây được sức thu hút mãnh liệt, đầy thú vị cho người đọc. Yếu tố kỳ ảo là những yếu tố không thể thiếu của truyền kỳ làm câu chuyện thêm hấp dẫn. Đây là sự sáng tạo trong xây dựng cốt truyện độc đáo của Nguyễn Dữ.

Cách thức đưa yếu tố thực (địa danh,thời điểm lịch sử, sự kiện lịch sử, tình cảnh của nhà Vũ Nương) đan xen yếu tố kỳ ảo đã làm thế giới kỳ ảo lung linh gần cuộc đời thực, tăng độ tin cậy, người đọc không thấy ngỡ ngàng.

Tác phẩm không chỉ thành công về mặt nghệ thuật mà còn mang giá trị, ý nghĩa sâu sắc. Đó là một chiếc gương phản ánh chân thực hiện thực xã hội phong kiến đương thời với nhiều sự bất công (trọng nam khinh nữ, phân hóa giàu nghèo, chiến tranh phi nghĩa,…).; khắc họa rõ nét bức tranh về cuộc đời và số phận bi thảm của người phụ nữ thời trong xã hội phong kiến.

Tác phẩm thể hiện sự trân trọng của nhà văn đối với những ước mơ chính đáng, khát vọng cao đẹp như: khát vọng được hạnh phúc, ước mơ về sự công bằng trong xã hội,… và bày tỏ niềm xót thương, cảm thông sâu sắc của tác giả đối với số phận của người phụ nữ thông qua nhân vật Vũ Nương.

Tác phẩm còn là bản cáo trạng lên án, phê phán, tố cáo xã hội phong kiến đã chà đạp lên quyền sống của con người và mạnh mẽ khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ thông qua nhân vật Vũ Nương.

  • Kết bài:

Hơn 400 năm qua, câu chuyện về người con gái Nam Xương vẫn còn làm rung động và nhận được sự đồng cảm sắc của người đời. Yếu tố là nên giá trị của bản “thiên cổ kì bút” này chưa hẳn ở  sự ly kì, hấp dẫn của câu chuyện mà chính là tấm lòng trân trọng của nhà văn đã dành cho những người phụ nữ bất hạnh và khổ đau trong đời sống đương thời.


Bài tham khảo:

Cảm nhận cuộc đời éo le, bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vạt Vũ Nương.

  • Mở bài:

Nguyễn Dữ là một nhà nho sống vào thế kỉ XVI, nổi tiếng với tập văn xuôi viết bằng chữ Hán: Truyền kì mạn lục. Trong tác phẩm này, nhà văn tập trung phản ánh hiện thực của xã hội thời phong kiến Việt Nam thời bấy giờ đầy bất công, đen tối, chiến tranh liên miên, gây đau khổ cho dân lành. Đồng thời ông cũng cất lên tiếng thở dài ngao ngán, đông cảm xót thương cho cuộc đời éo le, bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Tiêu biểu là tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” với nhân vật Vũ Nương, một người phụ nữa nết na, hiền lành, đức hạnh nhưng cuộc đời lại chịu nhiều oan khuất, đắng cay, tủi nhục.

  • Thân bài:

Trong kiệt tác Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du cũng đã từng kêu lên:

Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Sống trong xã hộ phong kiến ngày xưa, cuộc đời người phụ nữ thời long đong, lận đận, gặp nhiều cảnh ngộ đắng cay. Cho nên không biết bao nhiêu nhà thơ đã cất lên tiếng thở dài ngao ngán đồng cảm xót thương cho cuộc đời éo le, bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội cũ.  Với Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ, một nhà văn tài hoa, mang trong mình trái tim nhân đạo bao la rộng lớn cũng đã góp một tiếng nói bênh vực người phụ nữ.

Câu chuyện xoay quanh cuộc đời khổ đau và số phận bi thảm của nhân vật Vũ Nương. Vũ Nương một người phụ nữ nết na, hiền lành, đức hạnh nhưng cuộc đời lại chịu nhiều oan khuất, đắng cay, tủi nhục.

Vũ Nương là người con gái đức hạnh, thủy chung với chồng, tận tụy với con và hiếu thuận với cha mẹ. Đức hạnh của nàng không những được hàng xóm ghi nhận mà còn khiến cho thần linh phải cảm động.

Trương Sinh mến vì dung hạnh, vậy nên không tiếc bạc tiền, xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới nàng về làm vợ. Biết chồng “có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức” nên “nàng cũng giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến bất hòa”.

Khi chiến tranh xảy ra, Trương Sinh dù là con một những vẫn bị bắt đi lính. Khi tiễn chồng, nàng ân cần dặn dò chồng. Nàng không mong chồng “đeo được ấn phong hầu, áo gấm trở về quê cũ” cho cha mẹ rỡ ràng, bản thân mình thì được sống trong cảnh giàu sang, phú quý mà chỉ mong ngày về “mang theo được hai chữ bình yên” để vợ chồng sớm được sum vầy, vui hưởng hạnh phúc. Lời dặn dò chân thành, tha thiết thể hiện tấm long yêu thương chồng của Vũ Nương. Đối với nàng, mạng sống của chồng mới là quan trong còn như chuyện công danh phú quý nàng đâu màng nghĩ tới.

Rồi trong những ngày chồng đi vắng, nàng luôn sống trong nỗi cô đơn, mòn mỏi đợi chờ, ngày đêm thương nhớ chồng: “Mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn mây che kín núi thì nổi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được”, lòng xót xa quặn thắt, “thổn thức tâm tình thương người đất thú” phải vất vả nơi biên ải xa xôi. Chiến tranh dai dẳng triền miên, dẫu nàng có nhớ có thương, thư tín ngàn hàng thì cũng không dễ gì đến được tay chàng.

Khi chồng ra đi, nàng ở nhà làm tròn bổn phận vợ hiền dâu thảo, sớm tối phụng dưỡng mẹ chồng, một mình nuôi dạy con thơ đúng như lời Đặng trần Côn đã từng miêu tả trong “Chinh phụ ngân khúc”:

“Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân”

Gánh nặng gia đình đè lên vai nhỏ bé. Dù trăm bề vất vả nhưng nàng không một lời than vãn. Mẹ chồng ốm đau bệnh hoạn nàng “hết sức thuốc thang, lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào, khuôn khéo khuyên lơn”. Đến khi người mất “phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ của mình”. Chính mẹ chồng nàng lúc sinh thời cũng ghi nhận tấm lòng thơm thảo hiếu kính ấy mà bảo rằng: “Sau này trời xét long lành ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ”.

Là người phụ nữ nết na đức hạnh, đảm đang, tháo vát, thương chồng thương con, thủy chung son sắt khiến cho người ta phả đem lòng kính phục. Thế nhưng tiếc thay người con gái nết na, hiền lành, đức hạnh ấy không được hưởng một cuộc ống êm đềm, hạnh phúc mà phải gánh lấy số phận bi thảm:

Khi Trương Sinh trở về, vợ chồng chưa vui câu sum họp, hưởng trọn ái ân cho bõ những ngày tháng xa cách thì bỗng đâu tai họa bất ngờ ập tới. Chỉ vì một phút nông nổi, hồ đồ, tin lời trẻ con, chưa tra rõ thực hư mà Trương Sinh đã một mực nghi ngờ, vu oan cho vợ mình ở nhà thất tiết khiến cho hạnh phúc gia đình tan vỡ.

Lời nói vu vơ của bé Đản làm dấy lên nỗi hoài nghi của trương Sinh bấy lâu: “trước đây thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả” đã làm máu ghen tuông trong lòng chàng liền bộc phát, bản tính đa nghi hồ đồ. Trương Sinh chẳng thèm nghĩ đến chuyện hỏi han vợ cho tường tận mọi lẽ mà cứ “đinh ninh là vợ hư”, coi thường đạo nghĩa vợ chồng, nỡ sinh lòng phản trắc, dan díu tư tình với người khác trong những ngày mình đi vắng.

Vậy nên vừa “về đến nhà, chàng đã la um lên cho hả giận”. Chỉ thương cho Vũ Nương bỗng dưng phải chịu hàm oan, bị chồng coi thường khinh rẻ. Muốn níu giữ hạnh phúc gia đình và để cho chồng hiểu rõ lòng mình, nàng hết lời phân trần, biện bạch: nào là “cách biệt ba năm, giữ gìn một tiết”, chàng biền biệt nơi biên ải xa xôi, nàng ở nhà làm tròn bổn phận vợ hiền dâu thảo. Chàng đi rồi nàng đâu thiết gì đến việc “điểm phấn tô son” làm đẹp bản thân mình; những “nơi liễu ngõ tường hoa” ong bướm trai gái dập dìu, cũng “chưa từng bén gót”. Suốt ngày chỉ thui thủi trong nhà giữ gìn tiết hạnh thì làm sao “có chuyện mất nết hư thân như chàng đã nói”.

Lời lẽ phân trần rất mực đoan chính, hợp tình hợp lí. Lại thêm có mọi người xung quanh chứng giám. Chỉ tiếc rằng Trương sinh vì quá đa nghi, nông nổi, hồ đồ và ích kỉ nên không thấu được nỗi oan tình của vợ. Trương Sinh đã tàn nhẫn mắng nhiếc, đánh đập, xua đuổi nàng ra khỏi nhà mà không hề nghĩ đến nghĩa vợ chồng. Nghĩ rằng hạnh phúc gia đình đã tan vỡ, không thể nào cứu vãn được nữa nên nàng chỉ biết ngậm ngùi chua xót than thở, tiếc cho mối lương duyên giờ đây như “bình rơi, trâm gãy, mưa tạnh, mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió,… đâu còn có thể lại lên núi vọng phu kia nữa”.

Rồi trong cơn đau đớn, tuyệt vọng, Vũ Nương quyết định trầm mình nơi bến sông Hoàng giang, quyết dùng cái chết để rửa sạch nỗi oan tình, chứng tỏ lòng dạ ngay thẳng. Trước khi chết nàng ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ”.

Quả là lời lẽ bi ai thống thiết, đau đớn như đứt từng khúc ruột khiến ta đọc xong cũng cảm thấy xót xa thương cảm cho người con gái nết na đức hạnh mà không được hưởng cuộc sống bình yên hạnh phúc. Suốt đời nàng phải chịu nỗi hàm oan, tiếng nhơ không rửa, hạnh phúc tuổi xuân phút chốc bị chôn vùi, tấm thân ngà ngọc phải chìm sâu nơi biển cả. Than ôi, cái giá của ba năm thủ tiết chờ chồng, vất vả phụng dưỡng mẹ già nuôi dạy con thơ, sống cô đơn mòn mỏi đợi chờ chính là người bị người chồng đầu ấp tay gối lớn tiếng vu oan, đánh đập, đuổi xua, đẩy mình đến bước đường cùng, phải tìm đến cái chết oan nghiệt.

Dù sau này, Trương sinh có hiểu ra sự tình, Vũ Nương được trở về trần gian. Nhưng nàng trở về là để nói rõ oan tình và từ biệt vĩnh viễn chốn dương gian. Cái dương gian lạnh lẽo tình người ấy đã không còn chỗ để người tốn đẹp và thẳng ngay như nàng dung thân nữa rồi.Quả là thật cay đắng, tủi nhục và cũng thật bất công biết bao nhiêu!

Cuộc đời và số phận thảm khố của Vũ Nương đã khiến cho bao người cảm động. Vua Lê Thánh Tông lúc đi ngang qua miếu thờ Vũ thị, nhớ lại chuyện xưa, xót thương người bạc mệnh mà khéo trách Trương Sinh rằng:

“Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương
Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ
Cung nước chi cho lụy đến nàng
Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt
Giải oan chẳng lọ mấy đàn tràng
Qua đây bàn bạc mà chơi vậy
Khá trách chàng Trương khéo phụ phàng.”

(Lại viếng Vũ thị)

Có thể nói, cuộc đời và số phận bi thảm của nàng Vũ Nương cũng là cuộc đời và số phận bi thảm của biết bao người phụ nữ trong xã hội phong kiến đương thời. Một xã hội trọng nam khinh  nữ đầy rẫy bất công thối nát. Trong xã hội ấy người phụ nữ càng tài sắc, nết na đức hạnh thì càng phải chịu nhiều khổ đau oan trái, bị oan mà không thể nói lời phân trần giải oan. Số phận của họ hoàn toàn do người khác định đoạt.

Khi người chồng đã lớn tiếng phán xét họ là người đàn bà thất tiết, họ chỉ có ba lựa chọn. Hoặc là rời bỏ xứ sở mà đi xa, suốt đời mang tiếng nhuốc nhơ. Hoặc nương nhờ nơi chốn từ bi, sống cho qua ngày đoạn tháng (Thị Kính). Hoặc dùng cái chết của mình chứng minh tấm lòng trong sạch thủy chung (Vũ Nương). Con đường nào cũng đưa người phụ nữ tới cảnh đoạn trường, đau khổ. Sống trong xã hội đó quyền sống, quyền hạnh phúc của người phụ nữ bị chà đạp, vùi dập không thương tiếc.

  • Kết bài:

Qua Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ đã mạnh mẽ tố cáo những hủ tục xã hội khắt khe và nói lên số phận bất hạnh, bi thảm của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đương thời đồng thời thể hiện sự trân trọng của ông đối với những phẩm chất cao đẹp của họ.

Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang