Cảm nhận hồn thơ Vũ Đình Liên qua bài thơ “Ông đồ”.
- Mở bài:
Đến với thơ mới ngay từ buổi ban đầu và có tên trong quyển Thi nhân Việt Nam nhưng Vũ Đình Liên lúc bấy giờ chưa xuất bản tập thơ nào. Tuy không viết nhiều nhưng những bài thơ của Vũ Đình Liên đã làm nên cái hồn riêng của nhà thơ, vừa phản phất hào khí xa xưa vừa thấm đẫm cái u buồn của trần thế. Hồn thơ ấy thể hiện rõ nét trong bài thơ “Ông đồ”, một kiệt tác của Vũ Đình Liên.
- Thân bài:
Từ đầu thế kỉ XX, nền văn Hán học và chữ Nho ngày càng suy vi trong đời sống văn hóa Việt Nam, khi mà Tây học du nhập vào Việt Nam, có lẽ vì đó mà hình ảnh những ông đồ đã bị xã hội bỏ quên và dần vắng bóng. Vũ Đình Liên đã viết bài thơ “Ông đồ” thể hiện niềm ngậm ngùi, day dứt về cảnh cũ, người xưa. Tác phẩm khắc họa thành công hình cảnh đáng thương của ông đồ thời vắng bóng, đồng thời gửi gắm niềm thương cảm chân thành của nhà thơ trước một lớp người dần đi vào quá khứ, khơi gợi được niềm xúc động tự vấn của nhiều độc giả.
Bài thơ lấy hình tượng trung tâm là ông đồ già – một hình ảnh của nền Nho học.
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua “
Bối cảnh là ngày tết rộn ràng hoa nở, nhịp nhàng chân qua. Sự thịnh thế của Hán học, các nhà Nho khẳng định vị trí của mình trong lòng người, đó là những con người được ngưỡng mộ vì tài năng, học vấn.
Trong bức tranh tươi xanh ấy, ông đồ bày mực tàu giấy đỏ, dậm chân thảo những nét chữ tài tình trước sự ngưỡng mộ “tấm tắc ngợi khen tài” của bao người:
“Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”
Hình ảnh ông đồ cô đọng lại thành cái chất say sưa của ngày tết, thành cái hồn thanh cao của dân tộc, là tinh anh của đất trời hội tụ. Hình ảnh ông đồ góp phần không nhỏ trong việc gợi không khí náo nhiệt truyền thống, nét văn hóa không thể bỏ qua của mùa xuân trong tâm thức cổ truyền của dân tộc.
Thế nhưng, sự đời có ai ngờ được, nay huy hoàng, mai tàn tạ. Mùa xuân năm sau, cảnh sắc không có gì thay đổi, chỉ có ông đồ thì lẻ loi, lạc lõng, bơ vơ giữa dòng chảy khắc nghiệt của cuộc đời.
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…
Từ “nhưng” tạo bước ngoặt trong cảm xúc người đọc, sự suy vi ngày càng rõ nét, người ta có thể cảm nhận một cách rõ ràng, day dứt nhất. Hình ảnh nhân hoá, giấy bẽ bàng sầu tủi, mực buồn đọng trong nghiên hay chính tâm tình của người nghệ sĩ buồn đọng, không thể tan biến được. Đây là những câu thơ đặc sắc nhất của bài thơ. Lá vàng rơi gợi sự cô đơn, tàn tạ, buồn bã, mưa bụi bay gợi sự ảm đạm, lạnh lẽo. Tâm trạng con người u buồn, cô đơn, tủi phận:
“Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay“.
Phải chăng cái quy luật “Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi” đã ứng lên cuộc đời ông chăng? Tạo vật khi xưa chan hòa, quấn quýt mà nay ngơ ngác quá chừng. Nỗi buồn tủi thấm đẫm lên cả những vật vô tri vô giác. Ông đồ “vẫn ngồi đấy” chứng kiến và nếm trải tấn bi kịch của cả một thế hệ. Đó là sự tàn tạ, suy sụp hoàn toàn của nền Nho học. Hình ảnh “lá vàng” lìa cành và “mưa bụi bay” trong trời đất mênh mang là những ẩn dụ độc đáo cho sự tàn tạ, sụp đổ sảy ra sau đó.
Đến khổ thơ cuối cùng thì nó hoàn toàn sụp đổ. Một bức tường thành ngàn năm lừng lẫy lại rụi xuống âm thầm, nhẹ nhàng như chưa từng có:
“Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa”.
Mùa xuân với hoa đào nở. Thời gian vẫn cứ xoay theo sự tuần hoàn lạnh lừng, nghiệt ngã. Từ “không” phủ nhận sự có mặt của một người đã từng trở thành niềm ngưỡng vọng. Thế là ông không đến nữa. Thế là ông đã lui về với góc riêng ông, ở đó ông mới có thể tìm thấy sự đồng điệu với những con chữ mang hồn thiêng dân tộc. Đâu phải ông viết chữ vì tiền mà còn vì cái tình yêu chữ thiết tha của biết bao con người. Thế nhưng, họ đã lãng quên ông, lãng quên nét chữ “như phượng múa rồng bay”, lãng quên đạo học nước nhà. Câu hỏi đặt ra dường như không phải để tìm một câu trả lời, đó như một niềm than thân, thương phận mình. Câu hỏi tu từ nhằm bộc lộ niềm tiếc thương, day dứt hết sức chân thành của tác giả trước sự suy vi của Nho học đương thời.
- Kết bài:
Có thể nói, bài thơ Ông đồ biểu lộ rõ ràng và đầy đủ nhất hồn thơ Vũ Đình Liên. Nói chuyện ông đồ cũng là nói chuyện của chính mình. Vũ Đình Liên cũng cảm thấy lạc lõng cô đơn trước thời Tây học khi mà những người nặng lòng với Nho học như ông còn mang trong mình cái đạo, cái tâm, cái hồn của quá khứ.