Thuyết minh Di tích lịch sử Đền Hai Bà Trưng (Mê Linh – Hà Nội)

di-tich-lich-su-den-hai-ba-trung

Di tích lịch sử Đền Hai Bà Trưng (Mê Linh – Hà Nội).

  • Mở bài:

Đền Hai Bà Trưng còn gọi là đền Hạ Lôi, thuộc thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Đền thờ hai vị liệt nữ – anh hùng dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị – những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán vào năm 40 – 43 (sau Công nguyên), giành lại nền độc lập, tự chủ dân tộc.

  • Thân bài:

Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi (sinh vào ngày mồng một tháng tám năm Giáp Tuất, năm 14 sau công nguyên), là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh (người đứng đầu bộ lạc huyện Mê Linh, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay) thuộc dòng dõi Hùng Vương. Khi Thi Sách (chồng Trưng Trắc) bị quân Đông Hán giết hại, Trưng Trắc căm giận quân giặc bạo ngược, vì nợ nước nay lại thêm mối thù nhà, bà đã cùng với em là Nhị phát động trong toàn quận Giao Chỉ, tập hợp các Lạc hầu, Lạc tướng, kêu gọi quân sĩ và nhân dân nổi lên cùng đánh giặc cứu nước.Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng giành thắng lợi hoàn toàn. Một thời gian sau, nhà Đông Hán cho quân dẹp loạn, Hai Bà Trưng hy sinh ở Cẩm Khê. Cuộc kháng chiến sau đó cũng bị dập tắt.

Theo tài liệu của ban quản lý Khu di tích, ngay sau khi Hai Bà tuẫn tiết trên sông Hát (năm 43 sau Công nguyên), để tỏ lòng biết ơn công đức của Hai Bà Trưng, nhân dân Mê Linh đã lập đền thờ trên chính nơi Hai Bà Trưng sinh ra, lớn lên, phất cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng Vương và định đô. Đền ngự trên một khu đất cao, rộng, thoáng giữa cánh đồng, nhìn ra đê sông Hồng. Ban đầu ngôi đền được dựng bằng tre, lá đơn sơ. Đến triều Đinh (968-980), đền được xây lại bằng gạch và lợp ngói. Đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Năm 1881-1889, đền được trùng tu lớn và đổi hướng lại ban đầu như hướng ngày nay.

Đền thờ được xây dựng ở vị trí đắc địa, chính nơi Hai Bà sinh ra, lớn lên, tế cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng Vương và định đô ngay từ những tháng năm đầu sau Công nguyên năm 40-43. Đền nằm trên một khu đất cao, rộng, nhìn ra đê sông Hồng, với diện tích 129.824.0m2, được chia thành 2 khu: nội vi và ngoại vi.

Khu nội vi với diện tích hơn 4ha dành cho phần lễ gồm có 5 ngôi Đền thờ cùng các di tích và công trình cảnh quan phù trợ. Ngôi đền chính tam tòa chính điện ở giữa thờ Hai Bà Trưng; ở bên tả là đền thờ ông Thi Sách chồng bà Trưng Trắc và thân phụ mẫu ông Thi Sách và đền thờ các Nam tướng tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; ở bên hữu là đền thờ thân phụ mẫu, sư phụ mẫu của Hai Bà Trưng và đền thờ các Nữ tướng tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

– Đền thờ Hai Bà Trưng: Tòa tiền tế gồm 7 gian, 2 dĩ, xây theo kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, hai đầu đắp hình con đấu, đầu hai bờ dải đắp hình phượng vũ. Phía trước tiền tế có đôi voi đá trong tư thế quỳ chầu vào nhau. Hai cổng nhỏ với mái làm theo kiểu “chồng diêm”, mái uốn cong. Nối hai cổng nhỏ là hai bức “cánh phong”, phía trước có cột trụ biểu, đỉnh trụ hình trái giành, các ô lồng đèn đắp nổi tứ linh

– Nhà trung tế: gồm 5 gian, 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp hình hoa chanh, chính giữa đắp hổ phù, hai mái kiểu chồng diêm… phía trước trung tế có lư hương đá… Nối với gian giữa trung tế là hậu cung – một nếp nhà ba gian, một dĩ, được xây dọc, hợp với trung tế tạo thành một kiến trúc tổng thể dạng chữ Đinh. Bộ khung đỡ mái hậu cung gồm bốn bộ vì mang kết cấu “thượng giá chiêng hạ chồng rường” và “thượng giá chiêng hạ cốn”. Các hàng cột có đường kính 35cm, trên cốn nách chạm hình chữ Thọ, hoa lá.

– Đền thờ thân phụ, thân mẫu Hai Bà Trưng: Có mặt bằng dạng chữ Đinh, gồm tiền tế và hậu cung. Tiền tế gồm nhà 5 gian, xây theo kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, bờ dải kiểu bờ đinh. Hậu cung gồm 1 gian, 2 dĩ.

– Đền thờ các Nữ tướng thời Hai Bà Trưng: Có mặt bằng dạng chữ Nhất, gồm 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc. Hai gian bên trổ cửa hình chữ Thọ để lấy ánh sáng cho di tích. Hệ khung đỡ mái gồm 6 bộ vì được kết cấu theo dạng “thượng giá chiêng, trung kẻ truyền, hạ bẩy hiên, hậu gối tường”. Chính giữa ban thờ xây bệ cao bài trí ngai và bài vị, phía trước bài trí hương án.

– Đền thờ các tướng Nam thời Hai Bà Trưng: Quay hướng Đông Bắc, có mặt bằng kiến trúc dạng chữ Nhất, gồm 5 gian, tường hồi bít đốc, với 6 bộ vì được kết cấu theo dạng “thượng giá chiêng, trung kẻ truyền, hạ bẩy hiên, hậu gối tường”. Chính giữa ban thờ xây bệ cao bài trí khám thờ và bài vị.

Khu ngoại vi có diện tích hơn 8ha tiếp giáp đường kéo quân trước cửa Đền đến đê tả sông Hồng dành cho phần hội gồm có: Sân hội, bảo tàng, hồ nước, khuôn viên cây xanh, đường dạo…

Cổng đền: được xây 2 tầng, tầng dưới tạo 3 cửa vòm cuốn, tầng trên xây kiểu chồng diêm, với 2 tầng 8 mái. Bờ nóc đắp hình đôi rồng chầu mặt trời, phần cổ diêm trang trí hình hoa 4 cánh, các góc đao đắp hình lá hỏa, góc cột đắp hình hoa cúc dây, thân cột hình hoa lá.

Nhà khách: gồm 7 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc.

Nghi môn ngoại: xây kiểu cột đồng trụ hay còn gọi là tứ trụ. Đỉnh trụ trang trí tứ phượng theo kiểu lá lật, các ô lồng đèn phía dưới trang trí tứ linh. Hệ thống tứ trụ phân cách thành một cổng chính và hai cổng phụ.

Nghi môn nội: gồm một gian, hai dĩ, với bờ nóc, bờ dải đắp hình hoa chanh, hai bên đầu hồi đắp hai đầu rồng, phần khúc nguỷnh đắp hai con nghê gắn sứ trong tư thế chầu vào nhau, bốn góc đao uốn cong, bộ vì đỡ mái làm kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền”.

Gác chuông, gác trống: gác trống – gác chiêng đều được làm theo kiểu bốn mái uốn cong, bờ dải đắp hình hoa chanh, hai bên đầu hồi đắp hình hổ phù, tầng trên mở bốn cánh cửa quay về bốn hướng…

Đền Hai Bà Trưng còn là nơi lưu giữ nhiều di vật quý, đa dạng, phong phú về cả chủng loại và chất liệu như: gỗ, đá, đồng, sứ, giấy,… trong đó di vật gỗ chiếm đa số. Các di vật có niên đại tập trung vào triều Nguyễn như hoành phi, hương án, đại tự, câu đối, khám, kiệu, tượng thờ…được chạm khắc công phu, tinh xảo, với các đề tài trang trí: rồng mây, hoa lá, văn triện, hổ phù… Đây là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện bàn tay tài hoa, khéo léo và tinh tế của ông cha ta trong nghệ thuật tạo tác, phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội và những ước vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đền Hai Bà Trưng là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân địa phương, qua đó những giá trị văn hóa phi vật thể đã được kết tinh và biểu hiện ở lễ hội và các trò diễn dân gian. Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức hang năm, từ ngày 4 đến ngày mồng 10 tháng Giêng (Âm lịch). Trong đó, chính hội là ngày mồng 6, tương truyền, đây là ngày Hai Bà Trưng mở tiệc khao quân, cho nên sau này dân làng mở hội để kỷ niệm sự kiện đó, nhằm ôn lại truyền thống hào hung của các bậc tiền nhân trong buổi đầu dựng nước và giữ nước. Cứ năm năm một lần, nhân dân trong làng lại tổ chức rước kiệu Hai Bà Trưng, kiệu Thành hoàng làng Hạ Lôi.

  • Kết bài:

Di tích Đền Hai Bà Trưng chứa đựng những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, kiến trúc,…. Đây là nơi gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tự hào dân tộc, sự cố kết cộng đồng… của cư dân Hạ Lôi. Năm 1993, di tích đã được Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Thuyết minh di tích chùa Một Cột ở Hà Nội

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.