Thuyết minh di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám
- Mở bài:
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía nam Kinh thành Thăng Long. Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xếp vào hạng di tích quốc gia đặc biệt, cần được bảo tồn, gìn giữ.
- Thân bài:
Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xây dựng ở hai thời kì. Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 dưới đời Lý Thánh Tông. Đại Việt sử ký toàn cò ghi chép: “Mùa thu tháng 8, dựng Văn Miếu, đắp tượng, Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học”. Như vậy, ngoài chức năng thờ các bậc tiên thánh, tiên sư của đạo Nho, Văn Miếu còn mang chức năng của một trường học hoàng gia.
Do nhu cầu mở rộng, năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu. Có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý (nên gọi tên là quốc tử.
Trải qua thời gian với nhiều biến cố lịch sử, Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhiều lần bị phá hoại hư hỏng nặng nề. Nhân dân ta cũng nhiều lần phục dựng, trùng tu gìn giữ cho đến ngày nay. Tuy vậy, Văn Miếu – Quốc Tử Giám chỉ còn là sự mô phỏng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám xưa kia.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm trong lòng thủ đô Hà Nội. Quần thể kiến trúc này nằm trên diện tích 54331m² bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu và vườn Giám mà kiến trúc chủ thể là Văn Miếu nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám – trường học ca.
Hồ Văn nằm ở phía trước Văn Miếu và bị ngăn cách với nội tự bởi phố Quốc Tử Giám. Vườn Giám chạy dọc bờ tường bên phía Tây của khu nội tự. Ngoài ra còn có Tiền án là khoảng không gian mở ra phía trước tạo cho Văn Miếu dáng vẻ bề thế, uy nghiêm. Khu này được bắt đầu bằng tứ trụ (nghi môn) và hai bia Hạ mã hai bên.
Xung quanh quần thể di tích có tường gạch vồ bao quanh, phía trong chia thành 5 lớp không gian với các kiến trúc khác nhau. Mỗi lớp không gian đó được giới hạn bởi các tường gạch có 3 cửa để thông với nhau.
Từ ngoài vào trong có các cổng lần lượt là: cổng Văn Miếu, Đại Trung, Đại Thành và cổng Thái Học. Trước cổng có một hồ nước trong xanh, quanh bờ cây cối râm mát, một gò đất nổi giữa hồ trên có một kiến trúc nhỏ đẹp lẩn dưới cành lá sum suê, cảnh này mở đầu cho một khu kiến trúc sẽ trở thành một tấm gương soi, nhân đôi vẻ đẹp cảnh trí.
Khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám bao gồm khu vườn bia Tiến sĩ và Khuê Văn Các là hai khu vực quan trọng nhất. Vườn bia tiến sĩ được tiếp nối bởi gác Khuê Văn với 2 cổng nhỏ Súc Văn và Bí Văn
Khuê Văn Các (nghĩa là “gác vẻ đẹp của sao Khuê”) là một lầu vuông tám mái, bao gồm bốn mái thượng và bốn mái hạ, cao gần chín thước. Gác dựng trên một nền vuông cao cân xứng có lát gạch Bát Tràng mỗi bề có chiều dài là 6,8 mét. Tầng dưới là 4 trụ gạch vuông, mỗi cạnh của trụ có chiều dài một mét và trên các mặt trụ đều có chạm trổ các hoa văn rất tinh vi và sắc sảo. Tầng trên là kiến trúc gỗ sơn son thếp vàng trừ mái lợp và những phần trang trí góc mái hoặc trên bờ nóc là bằng chất liệu đất nung hoặc vôi cát có độ bền cao. Sàn gỗ có chừa 2 khoảng trống để bắc thang lên gác. Bốn cạnh sàn có diềm gỗ chạm trổ tinh vi.
Đi qua Khuê Văn Các là vào khu vườn bia Tiến sĩ. Chính giữa khu thứ ba và một chiếc giếng vuông có tên gọi là Thiên Quang. Vườn bia gồm có 2 hàng bia đá ở 2 bên với 82 tấm bia Tiến sĩ hình con rùa bằng đá xanh, mỗi bên 41 tấm, mặt bia đều quay về phía giếng, dùng để vinh danh và khích lệ những người đỗ đạt. Phía sau khu chính Văn Miếu – Quốc Tử Gián là đền Khải Thánh, là nơi thờ cha mẹ Khổng Tử.
Khác với những miếu thờ Khổng Tử khác ở Trung Hoa, Văn Miếu – Quốc Tử Giám của nước ta còn là noi tổ chức học tập, nơi đào tạo ra những hiền tài cho đất nước. Văn Miếu – Quốc Tử Giám không những có ý nghĩa về mặt giáo dục mà còn là nơi lưu giữ khổng lồ biết bao giá trị to lớn khác về kiến trúc, văn hóa, lịch sử, nhân học, địa lý, triết học, tư tưởng, mỹ thuật, điêu khắc, … của Việt Nam và cả thế giới.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn phản chiếu về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài của dân tộc ta trong lịch sử ngàn năm văn hiến. Chính vì thế, hiện nay di tích không chỉ được xứng đáng tầm Quốc gia mà còn là được Unesco vinh danh cũng như là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm.
- Kết bài:
Những di tích lịch sử văn hóa như Văn Miếu – Quốc Tử Giám có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần dân tộc. Không những nó là niềm tự hào lớn lao về lịch sử hào hùng, hiếu học, cần cù lao động của nhân dân mà còn là chứng nhân lịch sử, cùng nhân dân trải qua biết bao đau thương. Có thể nói, Văn Miếu – Quốc tử Giám đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn và đời sống dân tộc hôm nay và mãi đến mai sau.
- Thuyết minh di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi
- Thuyết minh di tích chùa Một Cột ở Hà Nội
- Thuyết minh di tích chùa Dâu tỉnh Bắc Ninh
- Thuyết minh di tích Chùa Phật Tích tỉnh Bắc Ninh
- Thuyết minh về nhà thờ Đức Bà Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh