Thuyết minh di tích văn bia Quế Lâm ngự chế ở hang Thẩm Ké tỉnh Sơn La

Thuyết minh di tích văn bia “Quế Lâm ngự chế” tỉnh Sơn La

  • Mở bài:

Ngay tại trung tâm thành phố Sơn La có một di tích lịch sử – văn hóa, đó là văn bia “Quế Lâm Ngự Chế”, bút tích của một bậc hùng tài, đại lược – Vua Lê Thái Tông.

  • Thân bài:

Nguồn gốc di tích văn bia Quế Lâm Ngự Chế:

Di tích lịch sử văn bia Quế Lâm Ngự Chế tại thành phố Sơn La được phát hiện vào năm 1965. Nơi đây là minh chứng cho một thời lịch sử của vị vua trẻ văn võ toàn tài Lê Thái Tông đã cùng quân sĩ đi chinh phạt quân phiến loạn của vùng biên cương phía Tây của Tổ quốc, giữ bình yên cho bờ cõi nước nhà.

Năm 1440, sau khi nhà Vua cùng các quân sĩ đi chinh phạt quân phiến loạn vùng Tây Bắc và nghỉ chân tại tại động La (địa phương gọi là Thẩm Ké) cảm xúc trước cảnh đẹp và khung cảnh bình yên nơi đây nhà Vua đã viết một bài thơ “Quế Lâm Ngự Chế” được khắc trên vách đá thẳng đứng trên cửa động. Bài thơ có 140 chữ Hán tạm dịch như sau:

“Nghĩ đến người xa đêm khổ tâm
Thổ tù sao lại dám quên thân?
Thế gian đã có anh hùng chúa
Thiên hạ ai tha kẻ nghịch thân
Đường xá khó khăn đừng cậy hiểm
Hang cùng đã ấm áp hơi xuân
Yên được dân lành nhơ nhớp hết
Dân xa được hưởng tấm lòng nhân”

Cảnh quan di tích văn bia Quế Lâm Ngự Chế:

Trải qua hơn 500 năm dãi dầu mưa nắng và biến thiên của lịch sử bài thơ vẫn còn rõ nét, vách đá quay hướng Đông hàng ngày được đón những tia nắng ban mai của ngày mới, văn bia nằm giữa dòng nước chảy nên tuy có bị bào mòn nhưng mặt bia trắng sạch, rõ nét, không hề rêu phong.

Từ cửa hang tới văn bia cao khoảng 5m, văn bia có chiều cao 0,8m, rộng 1,2m được khắc nét nhỏ, sâu theo kiểu chữ chân, văn bia không trang trí hoa văn, chỉ có hai vạch khắc chìm chạy xung quanh bài thơ.

Hang bia nhô ra từ một dãy núi gồm có 2 ngọn đó là: Pu Luông (Núi rồng) là đỉnh cao nhất của thị xã, Pu Luông giống hình dáng của một con rồng đang chầu, đầu vươn cao, tay vuốt dâu, thân uốn thành 5 khúc, nối tiếp đuôi rồng là ngọn Pu Cang (Núi Cằm) 2 ngọn núi chạy dài tạo thành bức tường vững chắc che chắn cho sự bình yên của mảnh đất này.

Cửa hang ở dưới chân văn bia, xuống 10 bậc đá là tới hang. Tại đây khí hậu mát mẻ, hang thoáng rộng và rất đẹp. Ngay cửa hang là một ao sâu được tạo bởi những vỉa đá, giữa ao là một khối đá hình con các sấu đang vươn lên đớp mồi, trên bờ ao là một chú khỉ đang đùa nghịch và một chú ếch đang trầm tư suy nghĩ.

Quang cảnh trong hang huyền bí như những bức tranh thiên nhiên, lúc thì những dòng suối thạch nhũ chạy dài như hình thù một khóm cây trúc, lúc thì một khóm đá chen chúc tạo thành một đám mây trên thành hang. Tất cả hòa quyện tạo nên một Thẳm Ké hoang sơ và lạ lùng nhưng không kém quyến rũ.

Trần hang là những nhũ đá rủ xuống tạo thành những dàn đèn lấp lánh, nhìn sang tay trái là những vỉa đá vôi tạo thành những nhũ đá liền nhau giống như 1 đoàn quân trùng điệp. Bên phải là đụn thóc khổng lồ được tạo bởi những nhũ đá như những bó lúa vàng xếp tầng tầng lớp lớp thể hiện sự no ấm của muôn dân. Men theo tay phải của cây thóc lên cao khoảng vài bước là những giếng trời và bồn nước được tạo bởi những nhũ đá uốn cong mềm mại vào mùa mưa những bồn nước này đầy ắp, trong suốt làm cho du khách sẽ liên tưởng tới nơi tắm của các tiên nữ.

Trên đỉnh cây thóc là một khối đá hình quả chuông treo lơ lửng, khi gõ sẽ phát ra âm thanh trầm ấm. Dưới chân của những đụm thóc là những thửa ruộng bậc thang, phù xa mầu mỡ. Cạnh đụn thóc là một cối đá nối từ trần hang xuống tận nền hang gọi là cây vàng, cây bạc, phía trước là đôi nhũ đá trông như đôi bầu sữa mẹ nhỏ nước tí tách suốt ngày đêm.

Vào tới giữa hang, rẽ hai bên phải trái đều có 2 ngách hang sâu khoảng 3m thẳng cửa hang vào trong cùng là vách đá dựng đứng, có vài bậc đá gọi là đường lên “thiên đàng”, trần hang là hình ảnh của các nàng tiên đang bay lượn. Cảnh đẹp trong hang như quy tụ được vạn vật trên mảnh đất này, nó càng được trau chuốt, kỳ ảo hơn khi tia nắng ban mai chiếu vào làm cho các nhũ đá lấp lánh, sinh động.

Để ghi nhớ công đức của Vua Lê Thái Tông và để di tích mãi mãi trang nghiêm, tỏa sáng trong lòng các thế hệ nối tiếp, đáp ứng một phần tín ngưỡng lành mạnh, nguyện vọng của đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đền thờ vua Lê Thánh Tông đã được xây dựng. Đền được xây dựng theo hướng Nam Chếch Đông, xây theo thế “Tiền giang hậu trẩm” lưng tựa vào núi Cằm tạo sự vững chắc thế uy nghiêm cho ngôi đền, trước mặt là dòng Nậm La hiền hòa. Đền xây hướng Nam đón được những cơn gió mát mẻ mùa hè, song lại tránh được những đợt gió bấc của mùa đông, đồng thời chếch một chút Đông nên đón được những tia nắng ban mai, thứ ánh sáng thuần khiết của nguồn năng lượng vũ trụ, đó là dương khí của đất trời.

Ý nghĩa của di tích đối với lịch sử, văn hóa của dân tộc và du lịch của địa phương:

Trong tất cả các tài liệu lịch sử và văn học của nước ta từ trước tới nay, chưa có một tác phẩm nào viết lại nộ dung của bài thơ này, bài thơ cho ta biết rõ được niên đại lịch sử và lý do Vua Lê Thái Tông lên vùng đất Sơn La. Việc phát hiện ra văn bia không những có ý nghĩa sâu sắc về mặt lịch sử mà còn có giá trị về văn học.

Ngoài ý nghĩa về mặt lịch sử, di tích còn là một thắng cảnh đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Cảnh quan kì vĩ, sơn thủy hữu tình, lại ở nơi thanh vắng, yên tĩnh, di tích văn bia Quế Lâm Ngự Chế luôn là địa điểm tìm đến của biết bao du khách gần xa càng muốn đực chiêm ngưỡng văn bia, tưởng nhớ công đức của cha ông, tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất và nhân đạo của dân tộc ta.

  • Kết bài:

Đến “Quế Lâm Ngự Chế” và “Quế Lâm Linh Tự”, được ngắm bức tranh sơn thủy hữu tình của Châu Mường La xưa và sự sầm uất khang trang của thị xã Sơn La hôm nay, ta thấy dâng trào một cảm xúc yêu nước và ghi nhớ công ơn lập nước và giữ nước của cha ông xưa. Thắp một nén nhanh tưởng nhớ công đức của nhà vua và quân sỹ của ông, du khách sẽ cảm thấy thanh thản trước bức tranh thiên nhiên muôn màu sắc, gửi gắm một chút lòng mình vào chốn linh thiêng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang