Thuyết minh về di tích cột cờ Lũng Cú tỉnh Hà Giang.
Hà Giang nổi tiếng với các di sản gắn liền với lịch sử giữ nước của dân tộc. Trong đó, phải kể đến di tích cột cờ Lũng Cú, một trong những cột cờ thiêng liêng bậc nhất của nước ta. Có thể khẳng định rằng di tích này đã tồn tại cùng với sự hình thành dải đất thiêng liêng hình chữ S của Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc trong công cuộc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ.
Cột cờ Lũng Cú là một cột cờ quốc gia nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) có độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi Đài vọng cảnh cực Bắc Việt Nam,cách cực Bắc Việt Nam khoảng 3,3 km theo đường thẳng. Từ trên đỉnh cột cờ nhìn xuống đất có 02 ao nước hai bên núi quanh năm không bao giờ cạn nước được gọi là mắt rồng, là nguồn nước cho người dân tộc hai bản sử dụng.
Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh Lũng Cú có độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển. Đây là một điểm nhỏ trên đoạn đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Nếu mô phỏng một cách tương đối hình dạng đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc thành chóp nón thì hai điểm thấp nhất theo vĩ độ là A pa Chải, Điện Biên và Sa Vĩ, Móng Cái, còn Lũng Cú là đỉnh của chóp nón này cũng là điểm cao nhất của cực Bắc Việt Nam.
Theo ghi chép, cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt. Lúc ban đầu, công trình chỉ làm bằng cây sa mộc dựng trên nền đất. Sau này, vào năm 1887, khi thực dân Pháp đã thôn tính hoàn toàn nước ta, cột đã được xây dựng lại. Từ đó đến nay, công trình đã được nhiều lần trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian và có diện mạo như ngày nay.
Theo thiết kế cột cờ mới được xây dựng với chiều cao 33,15m (hơn cột cờ cũ 10m) trong đó phần chân cột cao 20,25m, đường kính ngoài thân cột rộng 3,8m. Kiểu dáng bát giác của cột cờ khá gần với kiểu cột cờ Hà Nội. Chân, bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn mặt của trống đồng Đông Sơn và những họa tiết minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con người, tập quán của các dân tộc ở Hà Giang. Thân cột cờ có cầu thang thang xoắn ốc 140 bậc có lối đi hẹp và ánh sáng vừa đủ sẽ dẫn lối đi bộ đi lên đỉnh. Vào thời điểm khánh thành, cột cờ được làm bằng nguyên một thân cây gỗ pơ mu cao gần 13m. Lá cờ tung bay trên đỉnh cũng tương tự như những lá cờ sử dụng trước đó, có diện tích 54m vuông.
Đường lên đỉnh núi có cột cờ cũng được xây dựng lại với 839 bậc đá lên theo lối cũ và đồng thời xây một lối đi mới cũng có số lượng bậc là 839 đi xuống. Dưới chân cột là nhà lưu niệm trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục, sản phẩm văn hóa của các dân tộc Hà Giang.
Cách cột cờ khoảng 330m là đồn biên phòng Lũng Cú nằm ngay dưới chân núi. Đơn vị có nhiệm vụ chính bảo vệ 25,5 km đường biên giới Lũng Cú giáp Trung Quốc. Tương truyền tại địa điểm dựng đồn biên phòng này, từ thời Tây Sơn sau khi đại thắng quân xâm lược phương Bắc, hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn và cứ mỗi canh giờ trống lại được gióng lên ba hồi vang xa như để khẳng định chủ quyền đất nước. Chính vì thế, Lũng Cú khi đọc chệch âm sang âm tiếng H’Mông là Long Cổ, tức trống của vua, và người H’Mông tại nơi đây hầu như đều biết đánh trống đồng. Rất có thể cũng vì một trong những lý do nói trên mà nhà nước Việt Nam khi xây dựng cột cờ đã đặt phù điêu trống đồng Đông Sơn dưới chân cột.
Để lá cờ đỏ sao vàng luôn tung bay trên đỉnh núi Rồng là biết bao giọt mồ hôi, sự mưu trí, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ biên phòng và người dân nơi đây. Lá cờ ấy luôn gắn bó với cuộc sống, sinh hoạt của quân và dân nơi đây, góp phần mang lại bình yên, bảo vệ vững chắc bờ cõi mà cha ông bao đời gây dựng, giữ gìn.