Thuyết minh về di tích chùa Sùng Khánh tỉnh Hà Giang
- Mở bài:
Là một tỉnh thuộc vùng núi phía Tây Bắc, Hà Giang là nơi án ngữ quan trọng vùng địa đầu tổ quốc. Trải qua không biết bao nhiêu biến cố, Hà Giang vẫn còn lưu giữ trong mình biết bao dấu tích của lịch sử. Chùa Sùng Khánh là một trong những di tích lịch sử, văn hóa quan trọng bậc nhất tỉnh Hà Giang, được nhiều người biết đến.
- Thân bài:
Chùa Sùng Khánh hay còn gọi là chùa làng Nùng thuộc địa phận thôn Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Nguyên chùa do chú của viên Phụ Đạo (tù trưởng) Nguyễn Ẩn dựng lên từ tháng Giêng năm 1356 (thời Thiệu Phong), đến tháng Tư thì hoàn thành.
Chùa Sùng Khánh gắn liền với lịch sử, hệ tư tưởng Phật giáo – Lý – Trần thế kỷ 14 ở miền biên cương. Chùa được xây dựng trên một địa thế đẹp, sau lưng chùa là núi, trước mặt là đồng ruộng và dòng suối. Kiến trúc chùa được thiết kế theo hình chữ “Nhất”, chỉ có một gian chánh điện với diện tích 26m2, cao 4,3m. Trước đây, ngôi chùa được làm từ gỗ và lợp mái lá. Nhưng qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, ngôi chùa bao lần bị đổ nát. Sau này, chùa được phục dựng lại như ngày nay.
Chùa có một cửa chính và hai cửa phụ hai bên, vách gạch, lợp ngói và có tường bao. Cửa chính đi vào là nơi thờ phật được xây dựng bệ để đặt một số đồ thờ. Trong chùa Sùng Khánh hiện không có tượng Phật mà chỉ có một ban thờ ở gian giữa, 2 gian bên dựng 2 bia đá; 1 bia thời Trần, 1 bia thời Lê và treo một quả chuông đồng lớn thời Lê. Trên bệ thờ có treo một bức tranh hình phật bà Quan Âm thay cho tượng phật.
Phía bên trái bệ thờ là tấm bia đá nơi ghi công lao của những người đã góp công xây dựng ngôi chùa Sùng Khánh này. Bia đá được chạm trổ tinh tế, mềm mại, hình khối cân đối và vững chãi. Toàn bộ bia toát lên dáng vẻ vững vàng, bền chắc về hình khối, văn bia chạm khắc sắc sảo nét chữ chân phương, đường nét trang trí tinh xảo, mềm mại và mang những đặc trưng chung của nghệ thuật điêu khắc, trang trí thời Trần.
Ngoài bia đá, chùa Sùng Khánh còn có treo một quả chuông đúc vào năm trùng tu chùa, thời hậu Lê (1705), chuông được treo bên phải của bệ thờ. Chuông có chiều cao 0,90m, viền miệng chuông được chạm khắc rất nhiều hoa văn tinh xảo. Nghệ thuật khắc trên đá, trên chuông đồng và kỹ thuật đúc chuông là một bằng chứng lịch sử phát triển thời Trần và Lê ở tận vùng biên cương Hà Giang. Bài minh trên quả chuông đến nay vẫn còn nguyên giá trị nhân văn, nhắc nhở đồng bào các dân tộc đoàn kết, chăm lo sản xuất, giữ vững bờ cõi…
- Kết bài:
Những di sản còn lưu giữ tại chùa Sùng Khánh là chứng cớ nói lên ảnh hưởng của Phật giáo thời Trần thời bấy giờ tại vùng biên viễn, biểu hiện lớn mạnh của chính quyền trung ương thời Trần đã quản lý chặt chẽ và bảo vê vững chắc mọi miền biên cương của đất nước.