Thuyết minh về di tích Phu Văn Lâu tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Mở bài:
Kinh thành Huế đã từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Trong đó, Phú Văn Lâu
- Thân bài:
Từ Kỳ đài cố đô Huế nhìn ra sông Hương có hai công trình kiến trúc tô điểm cho bộ mặt của Kinh thành Huế. Một trong hai công trình trên trục chính của Hoàng thành Huế là Phu Văn lâu (cái lầu trưng bày văn thư của triều đình).
Phu Văn lâu được xây dựng vào năm thi 1819 dưới thời vua Gia Long, dùng làm nơi niêm yết những chỉ dụ quan trọng của nhà vua và triều đình, hoặc kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức. Năm 1829, vua Minh Mạng dùng nơi đây làm địa điểm tổ chức cuộc đấu giữa voi và hổ. Năm 1830, nhà vua lại tổ chức cuộc vui chơi yến tiệc suốt 3 ngày để mừng sinh nhật của mình.
Theo một số sử sách của quốc sử quán triều Nguyễn thì vào đầu thời Gia Long, khi chưa có tòa nhà như ta đang thấy hiện nay triều đình đã cho xây dựng ở vị trí ấy một ngôi nhà nhỏ gọi là Bảng Đình. Đến tháng 6 năm Gia Long thứ 18 (tháng 7-1819), triều đình cho giải tỏa Bảng Đình ấy đi và xây dựng vào đó tòa nhà hai tầng được đặt tên là Phu Văn Lâu.
Tòa nhà kiến trúc 2 tầng xây trên một cái nền hình vuông mỗi cạnh 12,24m, mặt quy về hướng nam. Mặt đất của đoạn thành giai này hơi xuôi về phía trước, nên nền cao đến 1,22m ở mặt tiền, còn ở mặt hậu thì nền chỉ cao 1,07m. Mặt nền lát đá cẩm thạch, quanh sân lát gạch Bát Tràng, nhưng nay sân đã thay thế bằng gạch ca-rô đúc bằng xi-măng. Tòa nhà chia làm hai tầng, gồm hai bộ mái chồng lên nhau, dưới lớn trên nhỏ. Mái ngày xưa lợp ngói ống tráng men vàng (hoàng lưu ly) là loại ngói được dùng để lợp cho tất cả các cung điện nằm ở trục chính của Kinh thành.
Tòa nhà có 16 cột gỗ tròn sơn màu đỏ đậm. Bốn cột chính ở giữa chạy liên tục từ trên nền đến nóc tầng trên, cao khoảng 8 mét. Cột gỗ lim, chu vi trung bình 10,7m, 12 cột quần ở chung quanh cao khoảng 3m, có tiết diện nhỏ hơn, chu vi từ 0,95m đến 1m. Mỗi cột nhà đều dựng trên một bệ đá thanh. Những viên đá tảng được chạm thành hai tầng, dưới vuông trên tròn, cao 31cm. Chung quanh mặt nền, xây một hệ thống lan can cao 0,65m, chỉ bị gián đoạn ở các hệ thống bậc thềm giữa 3 mặt trước, trái và phải dùng để lên xuống. Hai lối đi hai bên không có thành bậc thềm. Hai bên hệ thống bậc cấp mặt trước có thành bậc chạm hình rồng. Đứng từ mặt nhìn lên, ta thấy có trần gỗ. Từ tầng dưới đi lên tầng trên bằng một cầu thang bằng gỗ đặt ở góc phải.
Ở tầng trên, cả 4 mặt đều dựng đố bản, kiểu đố lụa khung tranh. Hai mặt trước và sau trổ cửa sổ tròn, hai mặt trái và phải trổ cửa sổ vuông, đối xứng nhau từng cặp. Chạy quanh bên ngoài là một hệ thống lan can con tiện bằng gỗ trau chuốt thật thanh tú và duyên dáng.
Ở nội thất không trang trí gì, nhưng ngoại thất thì trang trí đẹp. Trên nóc lầu đắp cặp hồi long chầu mặt nhật. Các góc mái chắp hình con giao. Các bờ nóc, bờ quyết đều chia ra từng ô hộc kiểu lòng giếng, trong đó trang trí các thứ hoa lá đắp nổi bằng sành sứ nhiều màu. Trước mặt tầng nầy treo tấm biển gỗ đề ba chữ Phu Văn Lâu (Ba chữ Phu Văn Lâu trên tấm biển thời Thành Thái này là do Tham tri bộ công Phạm Văn Điền viết. Ông có tài viết chữ rất đẹp. Sau khi về hưu, ông được tặng hàm Thượng thư bộ lễ.).
Dạng thức cấu trúc tòa nhà nằm trong hệ thống âm dương ngũ hành. Phú Văn Lâu hai tầng tượng trưng cho lưỡng nghi. Ở tầng trên, hai cặp cửa sổ tròn và vuông biểu hiện rõ rệt hình dáng trời và đất: trời tròn đất vuông. Cái nền, bộ phận thấp nhất của tòa nhà, có kích thước hình vuông, cũng tượng trưng cho đất, hình ảnh mặt trời trên nóc tầng hai, bộ phận kiến trúc cao nhất, hình tròn, cũng tượng trưng cho trời. Tòa nhà tuy không lớn nhưng đứng ở một vị trí quan trọng: ngay giữa mặt tiền kinh thành. Bởi vậy, ý niệm kiến trúc mang tính triết lý ấy phải được thể hiện ở đây. Dụng ý của các nhà kiến trúc Việt Nam đầu thế kỷ 19 được thấy rõ hơn qua kiểu xây dựng Kỳ đài và Ngọ Môn nằm trong câu ca dao đã được nhắc đến. Kỳ Đài ba cấp tượng trưng cho tam tài: thiên, địa, nhân.
Ngọ Môn năm cửa biểu hiện ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Như vậy, nếu tính từ ngoài và trong kinh thành thì khái niệm kiến trúc siêu nhiên ấy đã thể hiện từ lưỡng nghi (âm dương) với Phu Văn Lâu, qua tam tài và Kỳ Đài, đến Ngũ hành với Ngọ Môn. Và, nếu nhìn xa hơn một quãng nữa hòn núi Ngự Bình dùng làm tiền án cho đế đô có thể tượng trưng cho thái cực. Phải chăng cả một loạt thực thể và kiến trúc nằm trên trục chính kinh thành Huế đã đi từ thái cực đến lưỡng nghi, rồi qua những yếu tố khác nữa trong hệ thống Thái cực- Lưỡng nghi – tứ tượng – bát quái – vạn vật?
Hai bên mặt trước Phu Văn lâu có đặt hai khẩu súng thần công nhỏ bằng đồng hướng vào nhau. Phía trước mặt Phu Văn lâu là một tiểu đình nằm kề bên sông Hương gọi là Nghinh Lương Ðình. Ðây là nơi dùng để các vua tắm sông, hóng gió, ngắm cảnh.
Tóm lại, về mặt kiến trúc, ngoài vẻ đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng và tỷ lệ hài hòa cân xứng của nó, Phu Văn Lâu còn mang rõ tính triết lý theo thế giới quan của người xưa nữa.
Trải qua thời gian, Phú Văn Lâu hư hại nhiều. Qua những lần tu sửa, chất liệu xây dựng và một số bộ phận kiến trúc đã thay đổi nhưng vẫn giữ nguyên cốt cách đặc trưng của kiến trúc thời Nguyễn.
- Kết bài:
Nằm trên trục lộ chính của quần thể di tích cố đô Huế, Phu Văn lâu tô điểm thêm cho vẻ đẹp Huế cổ kính và trầm mặc. Công trình như một minh chứng cho một thời kỳ lịch sử gắn liền với nhà vua yêu nước Duy Tân và cũng là niềm tự hào của vùng đất cố đô.