thuyet-minh-ve-dinh-thu-vua-meo-tinh-ha-giang

Thuyết minh về Dinh thự họ Vương vua Mèo tỉnh Hà Giang

Thuyết minh về Dinh thự họ Vương vua Mèo tỉnh Hà Giang

  • Mở bài:

Nhắc đến Hà Giang là phải nhắc đến vua Mèo Vương Chính Đức và dinh thự của ông. Sau khi ký hòa ước với Pháp, Vương Chính Đức đã thỏa thuận với người Pháp trong việc mua bán thuốc phiện. Người Pháp đã buộc phải chấp nhận mua thuốc phiện của Vua Mèo Vương Chính Đức với giá gấp đôi so với giá cũ. Nhờ thỏa thuận này, người Mông Đồng Văn đã có một quãng thời gian dài sống no ấm nhờ cây thuốc phiện. Vương Chính Đức nhanh chóng trở nên giàu có, với dinh cơ và tài sản lớn nhất vùng cao nguyên đá.

  • Thân bài:

Vương Chính Đức là ông Vua Mèo được người dân Đồng Văn trọng vọng đến tận bây giờ. Được người Mèo chọn làm thủ lĩnh, Vương Chính Đức đã chiến đấu can trường diệt quân Cờ Đen và buộc Pháp ký hòa ước. Từ đó, người Mèo Đồng Văn được sống và làm ăn yên ổn trên mảnh đất của mình. Sau bản hòa ước, cộng đồng người Mèo tôn Vương Chính Đức là Chính Vương.

Khu dinh thự họ Vương là di tích do ông vua Mèo Vương Chính Đức xây dựng vào năm 1923 – 1926. Nơi đây lưu giữ bằng chứng phản ánh chế độ phong kiến miền núi điển hình của dân tộc Mông ở Đồng Văn, Hà Giang. Ngôi dinh thự như một pháo đài của “vua Mèo”, vừa là nơi ở vừa là nơi làm việc của gia tộc họ Vương. Để khẳng định vai trò và quyền uy của mình, vua Mèo đã cho xây dựng một khu tư dinh bề thế, với nhiều công trình phụ trợ khác làm nổi bật nét vương giả giữa vùng cao nguyên. Tổng kinh phí cho việc xây dựng dinh thự này là 15 vạn đồng bạc trắng, tính ra khoảng 150 tỷ thời nay.

Dinh thự họ Vương có ảnh hưởng kiến trúc của 3 nền văn hóa: Trung Quốc, người Mông và Pháp, do một người thợ quê gốc Nam Định thiết kế. Ngôi nhà có 4 nhà ngang, 6 nhà dọc, được chia thành tiền dinh, trung dinh và hậu dinh có 64 buồng được xây 2 tầng tường bằng đá xanh, mái vách bằng gỗ thông và ngói làm từ đất nung để lợp.

Trước cổng vào Dinh thự, hai hàng sa mộc đứng uy nghiêm, trầm mặc như những lính gác bảo vệ sự an toàn cho vua ở ngay lối dẫn vào dinh. Xug quanh dinh thự là hàng trăm cây mộc sa quý, có tuổi đời đến tới hàng trăm năm, mọc vươn cao vút lên tận trời xanh. Chiếc cổng đá lối vào cũng hiện ra sừng sững đầy uy nghi và bề thế. Đặc biệt hơn, toàn bộ vật liệu xây dựng lên cổng vào đều làm bằng những phiến đá hoa cương chạm khắc vô cùng tinh xảo. Tất cả kết hợp hà hòa như một sự giao thoa thú vị giữa nét văn hóa với nét tự nhiên vùng cao vô cùng tuyệt mĩ.

Ôm lấy khu dinh thự là một dải núi cao, tạo nên địa thế hình vòng cung ôm lấy toàn bộ ngôi nhà. Toàn dinh thự có 3 cung tiền, trung và hậu với 64 phòng dành cho 100 người ở.Lối dẫn vào nhà được làm bằng những phiến đá hoa cương có chạm khắc nhiều hoa văn, mái nhà cong, uống lượn, mái cổng được làm bằng gỗ lợp ngói âm dương, chạm khắc tinh xảo, nhiều hoa văn.

Khu Tiền dinh là nơi ở của lính canh, lính hộ vệ và nô tì. Trung dinh và Hậu dinh là nơi ở, làm việc của thành viên trong gia tộc họ Vương. Lúc ban đầu, toàn bộ gỗ được dùng trong ngôi nhà đều là gỗ thông đá. Nhưng kể từ khi trở thành tài sản của Nhà nước, tất cả các vật liệu gỗ của ngôi nhà đã bị thay đổi khoảng 60% bằng gỗ lim và gỗ nghiến. Phía ngoài gian chính giữa có treo một bức hoành phi bằng chữ Hán do vua nhà Nguyễn Khải Định phong tặng vua Mèo “Biên chính khả phong”.

Ngay từ khi xây nhà này, Vua mèo Vương Chính Đức đã tính toán nó là pháo đài, có khả năng phòng vệ và chiến đấu, chịu được sự khắc nghiệt của thời gian, thiên nhiên. Tường bảo vệ bên ngoài được xây cao vút, có quân lính bảo vệ nên khó có thể đột nhập từ bên ngoài, cách mỗi đoạn tường lại được bố trí các lỗ châu mai và chòi canh để bảo đảm sự an toàn cho cả khu dinh thự.

Phía sau dinh thự có một bể chứa nước rất lớn có thể tích 300 m3 được xây dựng toàn bộ bằng đá, thiết kế hứng nước mưa từ trên các dãy nhà xuống. Do nằm trong vùng thường xuyên khô hạn nên ngày nay chiếc bể nước này là nguồn cung cấp nước chính cho nhân dân ở Sà Phìn.

Khu dinh thự ngày nay được nhà nước công nhận là Di tích quốc gia từ năm 1993. Điểm nhấn nữa của dinh là nghệ thuật điêu khắc trong các phần của dãy nhà, mang đậm dấu ấn của dòng họ Vương. Nhiều chi tiết bằng đá của tòa nhà được chạm khắc cầu kỳ, khéo léo mang các biểu tượng cho sự phú quý, hưng thịnh. Những chân cột được chạm khắc hình cuống quả thuốc phiện to như cái chum, giống đến từng chi tiết, được mài cho thật bóng bằng bạc trắng.

  • Kết bài:

Lối kiến trúc, hay những gì còn lại của Dinh thự họ Vương một thời giờ tất cả đều là “báu vật”. Núi đá biên cương, vẫn trở nên kỳ diệu và huyền tích thu hút dòng người đến điểm du lịch để xem, nghe câu chuyện nơi này. Trải qua những thăm trầm của lịch sử, căn nhà vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, nghệ thuật giá trị, dinh thự nhà Vương vẫn kiêu hãnh khoe vẻ đẹp mỹ lệ giữa núi rừng Tây Bắc, tỏa sức hấp dẫn mê hoặc nhiều bước chân khám phá đến với tòa dinh thự đầy bí ẩn này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang