Thuyết minh về đền thờ vua Lê Lợi ở huyện Nậm Nhùn tỉnh Lai Châu

thuyet-minh-ve-den-tho-le-loi-tinh-lai-chau

Thuyết minh về đền thờ vua Lê Lợi ở huyện Nậm Nhùn tỉnh Lai Châu

  • Mở bài:

Lai Châu ở miền địa đầu tổ quốc, không có nhiều di tích, kì quan, thắng cảnh như các tỉnh khác ở nước ta. Các thắng cảnh ở Lai Châu luôn khiến cho những ai một lần đến đây đều nhớ mãi. Di tích văn hóa, lịch sử nổi bậc nhất có lẽ là đền thờ vua Lê Lợi ở xa Nậm Nhùn, nơi ghi nhận chiến công của Lê Lợi khi phá giặc miền xâm phạm biên cương Tây Bắc.

  • Thân bài:

Đền thờ Vua Lê Lợi nằm tại huyện Nậm Nhùn, tỉnhLai Châu. Đền thờ được dựng lên năm 2012 để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, người đã có công dẹp loạn vùng Tây Bắc. Sau khi bình định yên ổn vùng Tây Bắc, trên đường quay trở về, khi đi qua địa phận xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn hiện nay, vua Lê Thái Tổ đã cho khắc vào vách đá bài văn bia ghi nhớ sự kiện này.

Ngôi đền tọa lạc trên vị trí đắc địa, cao ráo, có thể phóng tầm mắt 4 phía. Tại quần thể đền thờ Vua Lê còn có một di tích quý báu đó là di tích bia Lê Lợi. Tháng Chạp năm Tân Hợi (1431), vua Lê Thái Tổ đã cho tạc khắc vào vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ bắc sông Đà để lưu lại cho muôn đời sau, sử cũ gọi là “Bia cổ hoài lai”.

Văn bia ghi lại sự kiện lịch sử vua Lê Thái Tổ thân chinh chỉ huy các đạo quân dẹp phản loạn ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Đó là sự kiện năm 1431, tù trưởng Đèo Cát Hãn làm phản, liên kết với Kha Đốn (còn gọi là Kha Lại) – một bầy tôi phản nghịch của Ai Lao (nước Lào) quấy nhiễu Nhân dân nơi biên ải, đánh chiếm vùng đất Mường Muỗi (nay là vùng Thuận Châu – Sơn La ngày nay).

Do hành động phản nghịch của Đèo Cát Hãn, vua Lê Thái Tổ đã phái Quốc vương Tư Tề và quan Tư khấu Lê Sát đem quân tiến đánh. Sau đó, vua Lê Thái Tổ thân chinh đem quân lên châu Phục Lễ (châu Ninh Viễn). Đại quân của triều đình tiến theo đường từ sông Hồng, rồi ngược sông Đà, bằng đường thủy và đường bộ, đánh tan quân phản nghịch Đèo Cát Hãn. Khi quân của nhà vua tiến đến sào huyệt của Đèo Cát Hãn, Kha Lại và Đèo Cát Hãn bỏ trốn, sau đó Nhân dân bắt được Kha Lại và giết chết.

Tháng Chạp năm Tân Hợi – 1431, sau khi bình định vùng Tây Bắc, trên đường quay trở về qua địa phận xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn (hiện nay), để ghi nhớ sự kiện trọng đại này đồng thời răn dạy các tù trưởng cai quản nơi biên cương của Tổ quốc, vua Lê Thái Tổ đã cho khắc vào vách đá bài văn ghi nhớ sự kiện này:

Việc nhà vua Lê Lợi thân chinh lên biên giới phía Tây Bắc để đánh dẹp bọn tù trưởng cát cứ là nhằm bảo toàn mảnh đất biên cương và cắt đứt sự nhòm ngó của kẻ thù bên ngoài. Đồng thời xác lập bản đồ của đất nước ở phía Tây nước Việt ta. Cuộc chinh phạt thành công, trên đường về vua Lê Thái Tổ đã đánh dấu sự kiện lịch sử này bằng bài thơ khắc trên bia đá.

Bài thơ trên của vua Lê được khắc trên một khối đá nặng 15 tấn tồn tại gần 600 năm qua. Văn bia đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1981, công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2016.

Năm 2012, bia Lê Lợi đã được di dời đến khuôn viên đền thờ vua Lê Thái Tổ cách vị trí cũ 500 m. Đền thờ vua Lê Lợi nằm trên một ngọn đồi cao ráo với vị trí đắc địa nhìn ra được bốn phía non nước, sơn thủy hữu tình.

Văn bia đền thờ vua Lê Lợi là một di sản văn hóa quý báu, là một minh chứng hùng hồn, khẳng định sự kiện lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia nơi biên cương. Từng lời, từng chữ được khắc trên vách đá như lời huấn thị của vua Lê với muôn dân về trách nhiệm bảo vệ đất nước, đồng thời cũng là lời nhắc nhở, răn đe những kẻ có mưu đồ chống phá sự ổn định và thống nhất đất nước chắc chắn sẽ phải chuốc lấy kết cục thảm bại. Lời huấn thị đến nay vẫn còn nguyên giá trị và như vẫn còn vang vọng đến mai sau.

Bia Lê Lợi là hiện vật gốc độc bản, hoàn toàn không trùng lặp với các văn bia đã được phát hiện, văn bia vừa mang giá trị to lớn về lịch sử nhưng cũng là một kiệt tác văn hóa của vị anh hùng tài hoa của dân tộc.

Đền thờ vua Lê Lợi không chỉ là để người dân nơi đây tưởng nhớ về vị anh hùng của dân tộc mà còn là một trong những điểm sinh hoạt văn hoá tâm linh của bà con nơi đây. Lễ hội Đền thờ Vua Lê Lợi được diễn ra vào ngày 12/1 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ công lao người anh hùng dân tộc – Vua Lê Lợi. Lễ hội này có ý nghĩa sâu sắc không chỉ về lịch sử mà còn có ý nghĩa giáo dục các thế hệ con cháu sau này về truyền thống yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi của cha ông ta.

  • Kết bài:

Với những giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước, đền thờ và văn bia của vua Lê Thái Tổ xứng đáng là Bảo vật quốc gia, khẳng định ý chí quyết tâm giữ vững biên cương, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của dân tộc ta.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.