thuyet-minh-ve-hoa-trinh-nu

Thuyết minh về hoa trinh nữ có yếu tố biểu cảm

Thuyết minh về hoa trinh nữ có yếu tố biểu cảm.

  • Mở bài:

“Khép nép bên đường một cây trinh nữ
Lá xanh xanh, màu hoa tím rung rinh
Không hương sắc, không dáng vẻ đẹp xinh
Nét giản đơn cô gái quê hiền dịu”

Chắc hẳn thông qua khổ thơ trên, chúng ta đã đoán ra được tên của một loài hoa đẹp. Đây là loài hoa dại mọc hoang dã giữa cao nguyên lộng gió đã mang vẻ đẹp vốn có của mình vượt qua tất cả các vẻ đẹp khác, trở thành biểu tượng của tình yêu và nỗi nhớ, đó là hoa trinh nữ.

  • Thân bài:

1. Nguồn gốc cây trinh nữ.

Cây Trinh Nữ hay còn được gọi với cái tên gần gũi với học sinh như: cây xấu hổ, cây mắc cỡ(ám chỉ đến phản ứng co rụt lại khi tiếp xúc). Đối với những người chuyên ngành nghiên cứu sinh vật thì chúng là cây hàm tu thảo.

Cây trinh nữ là một loài thực vật sống ít năm thuộc họ đậu, phân họ Trinh Nữ, chắc là loại cây này được vinh dự mượn luôn tên phân họ của nó. Dựa trên các dữ liệu phát sinh chủng loài và hóa thạch, loài hoa này được cho là xuất hiện đầu tiên trên Trái Đất cách đây từ 59 đến 34 triệu năm, đã đa dạng hóa trong suốt đầu kỷ đệ tam(khoảng 65 triệu năm trước), để trở thành thành viên phổ biến ở khắp mọi nơi của thực vật trên cạn hiện đại, giống như nhiều họ thực vật hạt kín khác. Loài cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ và Trung Mỹ, nhưng giờ là một loài cỏ dại ở vùng nhiệt đới.

Cây trinh nữ có thể được tìm thấy ở các quốc gia châu Á như Việt Nam Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Jamaica. Nó phát triển chủ yếu ở những khu vực râm yên tĩnh, ít người sinh sống, dưới gốc cây.

2. Đặc điểm hình thái.

Trinh nữ thuộc họ thân thảo đứng đối với cây non hoặc bò trườn đồi với cây trưởng thành. Thân cây có thể dài tới 1,5 m bò trườn hoặc tựa leo gần mặt đất, đối với thân cây tựa leo mỏng manh hơn thân cây bò trườn trên mặt đất. Vỏ thân cây có gai biểu bì thưa hoặc dày. Lá cây kép lông chim 2 lần chẵn, có từ 1-2 cặp lá thứ cấp, mỗi lá thứ cấp lại có từ 5-13 cặp lá chét. Các cuống lá sơ cấp cũng có gai.

Những bông hoa tím hoặc hồng ở đầu cuống mọc lên từ nách lá vào giữa mùa hè. Khi cây càng lớn thì hoa mọc càng nhiều hơn. Những bông hoa được thụ phấn nhờ gió và côn trùng. Các hạt mầm có vỏ cứng nhằm hạn chế sự nảy mầm. Rễ cây trinh nữ tạo nên carbon disulfide (chất lỏng không màu dễ bay hơi, thường chứa các tạp chất có mùi khó ngửi), ngăn ngừa một số loại nấm gây bệnh và cộng sinh từ phát triển trong vùng rễ của cây. Điều này cho phép hình thành các nốt sần trên rễ có chứa các cố định đạm (là quá trình cần thiết cho tất cả các hình thái của sự sống) nội cộng sinh, nhằm sửa chữa nitơ trong khí quyển và chuyển đổi nó thành một dạng có thể sử dụng bởi thực vật. Khi bị đụng, cây xấu hổ nó lập tức khép những cánh lá lại.

Đặc điểm ấy có liên quan tới “tác dụng sức căng” của lá xấu hổ. Ở cuối cuống lá có một mô tế bào mỏng gọi là bọng lá, bên trong chứa đầy nước. Khi bạn đụng tay vào, lá bị chấn động, nước trong tế bào bọng lá lập tức dồn lên hai bên phía trên. Thế là phần dưới bọng lá xẹp xuống như quả bóng xì hơi, còn phía trên lại như quả bóng bơm căng. Điều đó làm cuống lá sụp xuống, khép lại. Khi một lá khép lại, nó sẽ đưa tín hiệu lan rộng đến các lá khác, khiến chúng cũng lần lượt khép lại. Nhưng chỉ ít phút sau, bộ phận dưới bọng lá lại dần đầy nước, lá lại xoè ra nguyên dạng như cũ. Đặc tính này rất lợi cho sự sinh trưởng của cây, thích nghi với điều kiện tự nhiên.

3. Đặc điểm sinh thái.

Ở phương nam thường gặp những trận mưa bão lớn, cây xấu hổ thu lá lại khi gặp mưa gió sẽ giúp nó cứu được các lá non. Thật đặc biệt loài cây này chỉ có mình nó chứ không phân nhiều loại như các giống thực vật khác, độc nhất nhưng đơn độc. Ngoài ra, hoa trinh nữ còn có thể mọc ở khắp mọi nơi. Từ những khu đá sỏi ẩm ướt đến những vùng đất cằn cỗi chúng ta đều có thể nhìn thấy loài hoa đặc biệt này. Thế nhưng nơi phù hợp nhất để loài cây này phát triển chính là ở dưới gốc cây và là nơi có ít người sinh sống, không hổ danh là cây “xấu hổ”.

Đừng coi vẻ bề ngoài của cây trinh nữ mà nghĩ rằng loài hoa này không làm nên tích sự gì. Ta có thể chống lại nọc độc của rắn bằng cách dùng thân cây vò nát đắp lên vùng bị rắn cắn. Đúng thế, các nhà khoa học đã nghiên cứu rằng, trong thành phần của hoa trinh nữ, có chứa chất có thể trung hoà được nọc độc rắn. Không chỉ chống lại nọc rắn, ta còn có thể dùng loài cây này cho một số vị thuốc khác. Chỉ cần dùng một ít rễ cây xấu hổ với một số loại dược liệu khác, ta có thể chữa được căn bệnh đau lưng hay đau nhức xương khớp hoặc dùng để trị mất ngủ, viêm khí quản mãn tính.

4. Vai trò của cây trinh nữ trong đời sống con người.

Loài hoa này tuy có vẻ “hoang dại” nhưng về ý nghĩa lại vô cùng “khuôn khổ”. Hoa trinh nữ tượng trưng cho những nàng trinh nữ như tên của nó. Những cô gái thuần khiết, e ấp bên mình nụ cười duyên đẹp như bông hoa hồng hồng kia. Những cặp lá khép lại khi có người chạm vào như thể nàng trinh nữ mong manh sợ những tác động bên ngoài làm mất vẻ trong sáng của mình vậy. Loài hoa dại này còn được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết thành bài nhạc có tên “Hoa trinh nữ”.

  • Kết bài:

Trên tất cả, trinh nữ là một loài hoa đại diện cho tâm hồn và vẻ đẹp của người phụ nữ. Hơn thế nữa, hoa trinh nữ xứng đáng là một biểu tượng thiêng liêng mà cao quý đối với đất nước ta, biểu tượng cho nét đẹp trinh nguyên thuần khiết của người thiếu nữ.

Thuyết minh hoa Bỉ ngạn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang