Cảm nhận tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho ba trong buổi sáng chia tay trên bến sông. Từ đó liên hệ đến bổn phận, trách nhiệm của bản thân đối với cha mẹ

cam-nhan-cua-em-ve-tinh-cam-cua-nhan-vat-be-thu-danh-cho-ba-trong-buoi-sang-chia-tay-tren-ben-song

Tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho ba trong buổi sáng chia tay trên bến sông. Từ đó liên hệ đến bổn phận, trách nhiệm của bản thân đối với cha mẹ

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, khái quát đoạn trích.

– Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932, quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Tham gia trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ. Tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng có nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim và hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hoà bình. Lối viết của Nguyễn Quang Sáng giản dị, mộc mạc, nhưng sâu sắc, đậm đà chất Nam Bộ.

– Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” được viết năm 1966 – khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ những năm kháng chiến chống Mĩ và được đưa vào tập truyện cùng tên.

– Vị trí hai đoạn trích: Nằm ở phần giữa tác phẩm kể về diễn biến tâm trạng, tình cảm của bé Thu khi nhận ra ông Sáu là ba.

2. Phân tích, chứng minh:

a. Diễn biến tâm trạng, tình cảm của bé Thu trong hai đoạn trích:

– Tóm tắt nội dung trước khi dẫn đến hai đoạn được trích.

– Trước khi ông Sáu vào chiến khu, bé Thu được bà giải thích vết thẹo trên má ông Sáu, con bé lăn lộn suốt đêm không ngủ được, nó ân hận rồi căm thù giặc và thương ba nó vô hạn.

– Phản ứng không nhận ông Sáu quyết liệt bao nhiêu thì khi nhận ra cha tình cảm ấy lại càng sâu nặng bấy nhiêu. Trong giờ phút cuối cùng trước khi cha đi, tình cảm dồn nén bấy lâu nay bùng lên thật mãnh liệt, mạnh mẽ:

+ Nó thét tiếng “ba” xé ruột, xé gan. Đó là tiếng “ba” nó mong chờ bấy lâu nay, tiếng gọi bị kìm nén suốt tám năm, tiếng gọi chất chứa bao tình yêu thương thắm thiết. Bao nhiêu mơ ước, khao khát như muốn vỡ òa ra trong một tiếng gọi cha. Tiếng gọi ấy không chỉ khiến ba nó bật khóc mà còn mang một giá trị thiêng liêng với nó. Lần đầu tiên nó cảm nhận mơ hồ về niềm sung sướng của một đứa con có cha. – Rồi nó nhảy tót lên ôm chặt lấy ông Sáu, hôn vào tóc, vai, mặt, mũi và cả vết thẹo dài trên mặt ông.

+ Thu khóc vì thương cha, vì ân hận đã không phải với cha, vì không biết đến bao giờ mới được gặp lại cha. Lúc này tất cả hành động của Thu đều gấp gáp, dồn dập, hối hả, cuống quýt, có xen lẫn cả sự hối hận, trái hẳn lúc đầu.

+ Chân nó quắp chặt lấy ba, như thể không muốn cho ông rời đi.

– Trong tâm hồn cô bé, tình yêu với ba đã có sự thay đổi. Ngoài tình yêu còn có tình thương rồi cao hơn cả là niềm tự hào vô bờ bến, niềm kiêu hãnh vô cùng vì người cha chiến sĩ, người cha hy sinh tuổi thanh xuân, cống hiến cả cuộc đời cho cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

→ Tất cả những hành động ấy cho thấy Thu yêu thương ba vô cùng, một tình yêu mãnh liệt, chân thành, thắm thiết. Tình yêu đó được bộc lộ một cách cảm động qua hoàn cảnh éo le của chiến tranh.

b. Nghệ thuật xây dựng tâm trạng nhân vật bé Thu trong hai đoạn trích.

– Tình huống bất ngờ hợp lí, đã bộc lộ tình yêu thương tha thiết bé Thu dành cho ba của mình. – Miêu tả tâm lí và xây dựng tính cách nhân vật đặc sắc: Từ chỗ Thu ngạc nhiên hoảng sợ đến lạnh lùng, cuối cùng là sự bùng nổ những yêu thương do bị dồn nén. Thể hiện được điều đó chứng tỏ tác giả am hiểu tâm lí trẻ em, yêu mến, trân trọng những tình cảm trẻ thơ.

– Ngôn ngữ giản dị, đậm chất Nam Bộ.

3. Đánh giá tổng hợp về nhân vật:

– Nguyễn Quang Sáng đã rất thành công trong việc xây dựng nhân vật bé Thu – một nhân vật trẻ em có tính cách cứng cỏi, mạnh mẽ, dứt khoát (đến nỗi nhìn thoáng qua, người ta có thể cho là ương ngạnh, bướng bỉnh, khó bảo ) nhưng cũng hết sức hồn nhiên, đáng yêu, ngoan ngoãn và có tình yêu cha sâu sắc, hơn thế còn ca ngợi tình cha con thiêng liêng, vĩnh cửu dù trong chiến tranh.

4. Liên hệ trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ.

– Khi cha mẹ còn trẻ khỏe, chúng ta có trách nhiệm khiến cha mẹ luôn vui vẻ, hạnh phúc, không phải phiền lòng. Luôn luôn rèn luyện tu dưỡng đạo đức, học tập chăm chỉ để cha mẹ yên tâm, có trách nhiệm giúp cha mẹ san sẻ gánh nặng cuộc sống.

– Trong cuộc sống, có thể vì một lí do đặc biệt nào đó mà cha mẹ chưa chăm sóc chu đáo được cho ta nhưng ta vẫn phải sống đúng đạo làm con “tròn chữ hiếu” với cha mẹ.

– Khi cha mẹ già yếu thì có trách nhiệm chăm lo cho cuộc sống của cha mẹ, thường xuyên thăm hỏi sức khỏe của cha mẹ, nếu cha mẹ ốm đau thì phải tận tình chăm sóc, đưa đi thăm khám không quản nắng mưa.

– Khi cha mẹ đã già yếu, đầu óc không minh mẫn thì ta lại càng phải ân cần hơn nữa, không được làm cha mẹ cảm thấy bản thân là gánh nặng của con cái, phải dốc hết lòng yêu thương, chăm sóc.

– Khi cha mẹ chẳng may qua đời, thì phận là con cái phải có trách nhiệm lo liệu tang lễ, hậu sự cho thật chu đáo, tỏ rõ tấm lòng đau xót, tiếc thương, hằng năm cúng giỗ, lễ tết cũng nhất định phải tươm tất đầy đủ.

– Phê phán một số những bất cập trong xã hội hiện tại: Nhẫn tâm bỏ rơi cha mẹ, không thăm hỏi chăm sóc, đối xử lạnh lùng với cha mẹ. Có kẻ còn ác tâm hành hạ, đánh đập cha mẹ già.

* Nhận xét: Có thể nói giây phút chia tay trên bến sông trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” của hai cha con ông Sáu và bé Thu tuy ngắn ngủi nhưng đã phản ánh được tư tưởng nhân văn sâu sắc của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Bằng chất văn mộc mạc, thân thương, chân thực, ông đã “chạm tới những rung động vi nhiệm của tình yêu” và hơn hết, ông vẽ bức tranh về chiến tranh không phải bằng máu của những người lính ngã xuống mà bằng nước mắt của những người còn ở lại. Hình ảnh nhân vật bé Thu của ông như gói gọn cả quá khứ, hiện tại và thậm chí là tương lai của đất nước. Dù chiến tranh tàn phá rất nhiều thứ nhưng nó vĩnh viễn không thể tàn phá được trái tim con người.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.