Chứng minh: tình huống truyện “Vợ nhặt” độc đáo, kì lạ, oái oăm và chứa đựng nghịch lí trớ trêu.
- Mở bài:
Sau khi lướt qua các tình tiết chính của truyện ngắn “Vợ nhặt”, ta dễ dàng thấy rằng hạt nhân của tác phẩm này là một cuộc hôn nhân oái ăm, kì lạ. Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện trong Vợ nhặt” thể hiện qua nhan đề, những nghịch lí, éo le, trớ trêu, oái ăm và kì lạ trong tác phẩm; góp phần thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm.
- Thân bài:
Nguyễn Minh Châu cho rằng tình huống trong truyện là “lát cắt trăm năm của đời thảo mộc”. Qua đó bộc lộ rõ nhất tính cách nhân vật, phần nào khẳng định tài năng nghệ sĩ. Tình huống truyện còn là dấu hiệu của những tác phẩm có giá trị.
Tình huống oái ăm được hé mở ngay ở nhan đề: “Vợ nhặt”. Chính nan đề này đã gây tò mò, tạo tính hấp dẫn cho tác phẩm, gợi mở tình huống lạ, éo le trong tác phẩm, thể hiện niềm cảm thông sâu xót của nhà văn với số phận, cảnh ngộ người nông dân trong năm đói.
Động từ “nhặt” chỉ hành động thờ ơ, ngẫu nhiên, không có chủ tâm để lấy một vật quá nhỏ bé; thường không có giá trị, bị đánh rơi hoặc bị bỏ đi, thường nằm ở dưới đất. Danh từ “vợ” vốn rất thiêng liêng, trang trọng, là một phần rất quan trọng trong cuộc đời người đàn ông. Lấy vợ là việc trọng đại trong cuộc đời, thường phải mai mối, dạm hỏi, cưới xin trang trọng. Thế nhưng, ở đây, từ “vợ” và việc “lấy vợ” đã bị triệt tiêu hết ý nghĩa thiêng liêng của nó, chỉ còn giữ lại đúng phần hiện thực nghiệt ngã: vợ là một người phụ nữ. Nhan đề “Vợ nhặt” hé mở mâu thuẫn, nghịch lí trong truyện. Từ nhan đề, ta có thể suy đoán phần nào phẩm chất giá trị của người vợ và tình cảnh của người chồng.
Việc Tràng “nhặt vợ” tạo ra sự lạ lùng, ngạc nhiên đối với tất cả mọi người. Khi Tràng dẫn vợ về thì cả xóm ngụ cư ngạc nhiên. Trước hết là lũ trẻ. “Lũ ranh” ấy bỗng nhiên mất hẳn đi một bạn chơi, khi có đứa chợt nhận ra quan hệ của họ là “chồng vợ hài”. Còn đám người lớn thì ngớ ra “không tin được dù đó là sự thật”. Khi đã rõ, họ tò mò thì ít mà ái ngại nhiều hơn: “Giời đất này còn rước cái của nợ đời về”. Tiếp đến là bà cụ Tứ cũng quá đỗi ngạc nhiên: hoàn toàn không tin nổi – không tin vào mắt mình (ngỡ mình trông gà hoá cuốc), không tin vào tai mình (quái, sao lại chào mình bằng “u”).
Ngay cả Tràng vẫn không hết ngạc nhiên vì mình được vợ: chẳng những cứ đứng “tây ngây” giữa nhà tối hôm trước mà đến tận hôm sau, qua một đêm có vợ rồi nhưng “hắn cứ lơ lửng như người đi ra từ trong một giấc mơ”.
Từ phần gợi mở ban đầu, tình huống truyện được tạo dựng trên những mâu thuẫn, éo le, đầy nghịch lí, oái ăm, kì lạ. Trước hết, nghịch lí ở việc một anh nông dân có thân phận thấp kém, nhà nghèo, ngoại hình xấu xí, tính tình dở hơi như Tràng mà lấy được vợ. Không những lấy được vợ hẳn hoi mà lại là vợ theo không.
Tràng là một nông dân của xóm ngụ cư, nhà ở rìa làng. Thân phận của anh hoàn toàn bị lép vế so với những người dân trong làng. Không những thế, nhà Tràng rất nghèo, trang phục cũ rách, nếp nhà nhà rúm ró, xiêu vẹo. Anh lại là người xấu xí, thô vụng chẳng có gì nổi bậc ngoài hai con mắt gà gà nhỏ tí, hai bên quai hàm bạnh ra, tấm lưng to bè như lưng gấu. Lại thêm Tràng là người hơi dở tính. Anh thích chơi với trẻ con, bị chúng trêu thì ngửa cổ lên trời cười hềnh hệch một cách khó hiểu.
Với những đặc điểm ấy, ngay trong hoàn cảnh bình thường, Tràng cũng khó lấy vợ, nguy cơ ế vợ. Vậy mà, Tràng lại lấy được vợ một cách nhanh chóng (sáng đi là chàng trai độc thân, tối về đã là người đàn ông có vợ) và dễ dàng (hai bận tầm phơ tầm phào, mấy câu đùa và bốn bát bánh đúc) tạo nên một tình huống hết sức trớ trêu, oái oăm, bi hài với Tràng.
Nghịch lí và oái ăm ở việc một anh nông dân nghèo thô kệch, dân ngụ cư bỗng “nhặt” được vợ trong nạn đói khủng khiếp năm 1945.
Cuộc hôn nhân của Tràng lại diễn ra trong nạn đói khủng khiếp: người sống và người chết, không khí (lạnh lẽo, mùi ẩm thối của rác và gây gây của xác người, mùi đốt đống rấm…), âm thanh tiếng quạ thê thiết, tiếng hờ khóc, bóng tối bao phủ khắp nơi.
Tràng lấy vợ vào lúc không ai lại đi lấy vợ. Một đám cưới âm thầm, thiếu tất cả mà lại như đủ cả (thiếu tất cả những lễ nghi tối thiểu nhất của một đám cưới, nhưng nó lại có cái quan trọng nhất, cốt lõi nhất: sự thương yêu gắn bó thực lòng).
Với người vợ nhặt, lấy chồng nghi thức, không cheo cưới, không dạm hỏi, không sính lễ, không của hồi môn… người đàn bà đã theo không. Lấy chồng không phải mục đích mong tìm hạnh phúc, tổ ấm mà để chạy trốn cái đói, kiếm miếng ăn. Lấy chồng trong bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945 – thời điểm không ai dựng vợ gả chồng.
Tạo nền của một cuộc hôn nhân là sự chết chóc. Nó tạo nên sự đối đầu vô cùng khắc nghiệt giữa sự sống và cái chết, cái lạnh lẽo của chết chóc và cái ấm áp của tình người, hạnh phúc và khổ đau, tuyệt vọng và hi vọng. Đó là sự xung đột giữa những thái cực đối lập, được tạo nên bởi tình huống nhặt vợ của Tràng. Nó tạo nên sự éo le, nghịch lí đấy lên cao độ.
Như vậy, tình huống truyện “Vợ nhặt” nó độc đáo và kì lạ bởi nó chưa từng được xuất hiện trong văn học trước đó. Văn học viết về người nông dân thì có nhiều, đã từng có những tác phẩm xuất sắc, nhưng chưa bao giờ người nông dân được đặt trong một tình huống đặc biệt như Kim Lân: tình huống bỗng nhiên nhặt được vợ. Tình huống ấy được nhà văn khai thác dưới cái nhìn hết sức nhân bản và sâu sắc.
Tình huống truyện “Vợ nhặt” nó chứa đầy nghịch lí và hết sức oái oăm và hấp dẫn bởi tình huống nhặt được vợ ấy của nhân vật Tràng diễn ra trong một bối cảnh hết sức khủng khiếp: nạn đói năm Ất Dậu 1945 – hơn hai triệu đồng bào chết đói, khiến tất cả mọi người, và cả bản thân chủ thể của hành động nhặt vợ cũng hết sức ngạc nhiên. Tình huống ấy đã có sức hấp dẫn đặc biệt, thu hút toàn bộ sự chú ý của bạn đọc vào câu chuyện nhặt vợ của Tràng.
Tình huống nhặt vợ của Tràng có tác đọng sâu sắc đến mỗi nhân vật. Tâm trạng của những nhân vật trước tình huống này chứa đầy những cảm xúc ngổn ngang, mâu thuẫn và các nhân vật có sự thay đổi về tính cách.
Bà cụ Tứ vui vì cuối cùng con mình cũng có vợ nhưng lại tủi vì sự trớ trêu của số phận: có phải thời “tao đoạn” như thế, người ta mới chịu lấy con mình? Bà mẹ nghèo nặng trĩu những lo âu cho tương lai con “liệu chúng nó có nuôi nhau nổi sống qua được cơn đói khát này không?”. Câu hỏi từ đáy lòng của bà mẹ chất chứa nỗi hoang mang, ám ảnh của kiếp nghèo không lối thoát. Trong lời nghẹn nghào tâm sự có cả sự xót xa, một chút ân hận vì đã không làm được đầy đủ bổn phận của người mẹ đối với con.
Tâm trạng của Tràng cũng biến đổi liên tục. Lúc đầu Tràng tỏ ra lo lắng trước cảnh nghèo “… thóc gạo này mà còn đèo bòng”. Sau đó, Tràng chấp nhận đưa vợ về ra mắt với tâm trạng lâng lâng hạnh phúc, ngượng ngịu, bối rối. Sau một ngày có vợ, Tràng cảm thấy vui sướng, hạnh phúc và “nên người”. Tràng nhận ra được trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, với mẹ, với vợ và những đứa con sau này. Tràng tin tưởng sự đổi đời ở tương lai.
Ở người vợ nhặt, trước khi làm vợ Tràng, chị liều lĩnh, chao chát. Khi về làm vợ, chị tỏ ra lễ phép, đảm dang, hiền hậu, biết thu vén gia đình và có hiểu biết về thời sự.
Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện của Kim Lân thể hiện tài năng của nhà văn, tư tưởng nhân đạo sâu sắc và giá trị phong phú của tác phẩm.
Tình huống đã phơi bày bức tranh chân thực về nạn đói năm 1945. Nạn đói đã hủy hoại hình hài, dáng vẻ con người; hủy hoại nhân cách, danh dự, phẩm chất con người; đẩy con người và cuộc sống vào tình cảnh thê thảm, đau xót. Qua đó, nhà văn bày tỏ tình cảm trân trọng, ca ngợi, niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người không thể bị hủy hoại.
Sự đói khát không làm con người mất đi lòng nhân ái: biểu hiện qua thái độ của người dân xóm ngụ cư khi thấy Tràng đưa vợ về giữa những ngày đói khát; qua hành động nhặt vợ của Tràng (chia sẻ miếng ăn với người đàn bà xa lạ, xấu xí, đói khổ, rách rưới, chao chát, chỏng lỏn; đưa thị về làm vợ…). Qua thái độ đối với người vợ, cách giới thiệu vợ với bà mẹ; qua tâm trạng, thái độ, hành động của bà cụ Tứ – người mẹ nghèo thương con, thương dâu hết mực…
Sự đói khát không làm con người mất đi khao khát hạnh phúc: gương mặt của người dân xóm ngụ cư: trẻ con, người lớn tủm tỉm, rạng rỡ hẳn lên; vẻ mặt, tâm trạng của Tràng trên đường đưa vợ về, vào sáng hôm sau khi tỉnh dậy; qua nét mặt, dáng vẻ, thái độ của bà cụ Tứ và thậm chí là qua cách ứng xử, thái độ của người vợ nhặt…
Sự đói khát không làm con người mất đi niềm tin mãnh liệt vào một tương lai tươi sáng. Kim Lân đã thắp lên trong lòng người đọc một niềm tin, gieo vào lòng người một niềm tin rõ rệt vào tương lai của những con người khốn khổ. “Khi tôi viết, ý tưởng thường trực trong tôi là những người đói dù thế nào đi nữa vẫn luôn luôn khao khát cuộc sống tốt hơn, vẫn tin tưởng một cách mơ hồ vào cuộc sống tương lai”.
- Kết bài:
Qua tình huống truyện bất ngờ, nghịch lí, oái ăm, tác phẩm tố cáo được tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật, kẻ đã gây ra nạn đói khủng khiếp, không chỉ cướp đi sinh mệnh của mấy triệu người Việt Nam, mà còn hạ thấp giá trị con người. Nhà văn phát hiện và khẳng định bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của con người: ngay trên bờ vực của cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu đùm bọc lẫn nhau.
Tham khảo:
Phân tích tình huống truyện độc đáo trong tác phẩm Vợ nhặt và ý nghĩa của việc xây dựng tình huống.
- Mở bài
Kim Lân là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam trước và sau Cách mạng tháng Tám. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân được viết ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công là truyện ngắn “Vợ nhặt”,được in trong tập truyện “Con chó xấu xí”. ây là tác phẩm mà Kim Lân đã tái hiện thành công bức tranh ảm đạm và khủng khiếp về nạn đói Ất Dậu ( 1945) của nước ta.Trong tác phẩm, Kim Lân đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo vừa thể hiện được giá trị tư tưởng, lại vừa thể hiện được giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
- Thân bài
1. Khái niệm tình huống và vai trò của tình huống trong một tác phẩm truyện.
Có thể hiểu, tình huống truyện chính là bối cảnh, hoàn cảnh ( không gian, thời gian, địa điểm… tạo nên câu chuyện). Có ba loại tình huống phổ biến trong truyện ngắn: tình huống hành động; tình huống tâm trạng; tình huống nhận thức.Nếu tình huống hành động chủ yếu nhằm tới hành động có tính bước ngoặt của nhân vật; tình huống tâm trạng chủ yếu khám phá diễn biến tình cảm, cảm xúc của nhân vật; thì tình huống nhận thức chủ yếu cắt nghĩa giây phút “giác ngộ” chân lý của nhân vật. Tình huống càng độc đáo, mới lạ, càng giúp cho tác phẩm hấp dẫn, ấn tượng, sâu sắc với người đọc.
2. Tình huống truyện của tác phẩm:
Trước hết, Tràng là một là một người mồ côi cha, ở với mẹ già tại xóm ngụ cư. Nhà nghèo, hắn làm nghề kéo xe bò thuê .Tràng có một ngoại hình xấu xí, thô kệch. .Đã thế lại có phần dở người.Lời ăn tiếng nói cũng thô kệch như chính ngoại hình của hắn. Có thể nói, nguy cơ ế vợ đã rõ. Đã vậy, gặp năm đói khủng khiếp, cái chết luôn luôn đeo bám. Trong lúc không một ai (kể cả Tràng) nghĩ đến chuyện dựng vợ, gả chồng thì đột nhiên Tràng có vợ, mà lại có vợ bằng cách nhặt được. Trong hoàn cảnh ấy, ràng có vợ cũng là phải có thêm một miệng ăn và cũng là đem thêm tai hoạ về cho mình và mẹ, đẩy mau mình và mẹ đến cái chết. Như vậy, việc Tràng có vợ là một nghịch cảnh éo le, vui buồn lẫn lộn, cười ra nước mắt.Chính điều này đã làm cho nhiều người ngạc nhiên :
Đó là những người dân trong xóm ngụ cư: họ ngạc nhiên, bàn tán, phán đoán rồi họ cùng nghĩ : “biết có nuôi nổi nhau qua được cái thì này không?” Còn bà cụ Tứ – mẹ Tràng- lại càng ngạc nhiên . Lúc đầu bà lão không hiểu , rồi bà “ cúi đầu im lặng” với bao tâm sự vui – buồn lẫn lộn “biết chúng có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”. Nhất là, ngay chính bản thân Tràng cũng bất ngờ với chính hạnh phúc của mình. “ nhìn thị ngồi ngay giữa nhà đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ ngợ”. Thậm chí, sáng hôm sau Tràng cảm thấy “êm ái như từ giấc mơ đi ra”.
Tóm lại, tình huống truyện mà Kim Lân xây dựng vùa bất ngờ nhưng lại hợp lý, tạo sức hấp dẫn và nhiều suy nghĩ cho người đọc.
3. Thái độ của nhà văn.
Với người dân lao động: Qua câu chuyện, nhà văn đã dành những tình cảm tốt đẹp nhất đối với con người nghèo khổ bằng cả tấm lòng nhân hậu của mình.Ông xót thương cho dân tộc trước thảm hoạ đói chết.Ông cũng ái ngại cho người con gái bị nạn đói cướp đi gần hết (gia đình, nhan sắc, tính cách, tên tuổi …). Không những vậy, nhà văn còn rất tinh tế khi phát hiện ra khát vọng hạnh và niềm vui khi nhặt vợ của Tràng; cái duyên thầm của thị qua cái liếc mắt với Tràng… Có thể nói nhà văn rất trân trọng và tự hào về vẻ đẹp nhân tính của con người lao động nghèo trước thảm hoạ đau thương, chết chóc.
Đồng thời nhà văn còn tập trung ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của nhân dân lao động qua hình ảnh của bà cụ Tứ: một người mẹ giàu tình thương con, giàu lòng nhân hậu và niềm tin vào cuộc sống đây cũng chính là niềm tin của nhà văn vào phẩm chất tốt đẹp của con người.
Với thực trạng xã hội đương thời, thông qua tình huống truyện, nhà văn lên án và tố cáo tội ác của Nhật –Pháp đã đẩy nhân dân ta vào thảm hoạ đói nghèo, chết chóc. Chính chúng đã làm cho giá trị con người trở thành rẻ rúng như rơm như rác: vợ mà nhặt được .
- Kết bài :
Có thể nói. tình huống truyện trong truyện ngắn “Vợ nhặt” thật độc đáo và có ý nghĩa tư tưởng và giá trị nghệ thuật sâu sắc.Viết về nạn đói, nhưng Kim Lân không dừng lại ở việc miêu tả bức tranh ảm đạm ấy, mà còn hướng người đọc nhận ra vẻ đẹp tâm hồn của người lao động nghèo : đó là lòng nhân hậu, sự cưu mang và niềm tin vào tương lai của họ.
- Phân tích truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
- Ý nghĩa nhan đề và tình huống trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim lân