Trở về miền Ayun và truyền thuyết vua lửa
Có một ngày tôi trở vể miền Ayun sau bao năm xa cách. Ayun không có gì đổi khác ngoại trừ dòng sông nay đã cạn nước hơn nhiều.
Đứng trên đèo cao nhìn xuống, toàn miền Ayun như một cái chảo khổng lồ mà điểm sâu nhất là cánh đông lúa Phú Thiện-Phú Bổn. Bốn bề núi nổi bao quanh như bức tường thành chắn gió chắn bão. Dòng sông Ayun xanh thẳm, lượn lờ qua những cánh đồng bạt ngàn lúa trổ.
Theo tiếng Jarai, một tộc người bản địa, Ayun có nghĩa là mẹ. Sông Ayun là dòng sông mẹ. Khi hợp lưu với dòng sông (dòng sông cha) ở Phú Bổn đã tạo nên một vùng đất trù phú và thịnh vượng bậc nhất trong lòng chảo khép kín này.
Đến miền Ayun, ta vẫn không ngớt nghe người ta kể chuyện về 15 đời vưa lửa, thuở mang gươm thần mở cõi hình thành nên các tiểu vương quốc Jarai ở Tây nguyên. Thuở ấy, tiểu vương quốc Jarai trải dài trên toàn lãnh thổ Tây Nguyên bạt ngàn, phía đông xuống tận đồng bằng giáp ranh với Phú Yên. Tiểu vương quốc này hình thành từ thế kỉ 15 và chấm dứt sự tồn tại sau khi phân rã ra thành các bộ tộc độc lập vào khoảng cuối thế kỉ 19 khi người Pháp ồ ạt tấn công lên vùng này.
Theo tương truyền các vị vua là hiện thân của thần gươm Y Thih trong truyền thuyết, người đã tạo nên thanh gươm thần. Các vị vua là người được bộ tộc chọn ra, kế thừa ngôi vị và gìn giữ thanh gươm. Thanh gươm thần chính là vật truyền ngôi, khẳng định quyền và sức mạnh cai trị của vua lửa.
Có một thuyết khác cho rằng, nguồn gốc thanh gươm do anh em T’dia và T’diêng rèn từ một hòn đá ở núi Hàm Rồng. Khi nhìn lên núi thấy một hòn đá rự sáng, biết đó là đá thần, hai anh em đã cất công ngày đêm mài giũa, rèn nó thành một thanh gươm báu. Nhưng khi rèn xong, thanh gươm cứ đỏ rực, không chịu nguội, nhúng vào ghè ghè cạn, nhúng xuống suối suối khô, nhúng xuống sông sông hết nước… Cuối cùng người ta phải nhúng bằng máu các nô lệ và ai sở hữu thanh gươm này, người đó sẽ nói chuyện được với thần linh.
15 đời vua lửa còn được ghi chép cho đến ngày nay là những câu chuyện kể còn được tiếp tục truyền kì tại vùng đất kì bí này. Mở đầu cho thời đại huy hoàng ấy chính là vua Ksor Chơlỡi vào khoảng thế kỉ 15. Ksor Chơ lỡi được bộ tộc chỉ định làm vua và gìn giữ gươm thần, nhưng ông đã từ chối với lí do phải thực hiện một chế độ ăn kiêng nghiêm nghặt, không thể nhận lấy trọng trách. Vì từ chối mà ông đã bị dân làng trừng phạt rất nặng nề. Sau đó giao quyền làm vua cho R’com Trul. Sau R’com Trul là R’com Anur kế vị.
Đến đời thứ tư, do vua R’com Anur không có người họ R’com nào thay thế, vua Anur đã giao quyền lại cho con trai là Siu Bôm làm vua. Từ đây, họ Siu lần lượt thay nhau nắm giữ ngôi vị này.
Đến đời vua thứ 8 là Siu Blet, người có công thiết lập quan hệ với người Việt ở hạ lưu.
Từ đời vua thứ 11 là Siu At đến đời vua thứ 12 là Siu Tũ liên tục tổ chức chặn đứng và đánh đánh bại các cuộc tấn công của thực dân Pháp lên miền đất Tây Nguyên nhằm cướp gươm thần và thống trị vùng đất này.\Các vị vua đời sau vẫn truyền ngôi bình thường .Đến nay, đang giữ gươm thần và ở ngôi vua là vị vua thứ 15, Rahlan Hieo. Ông là người giúp việc cho Siu Luynh và được Siu Luynh truyền ngôi trước khi mất bởi ông là người duy nhất có thể điều khiển được gươm thần. Câu chuyện về gươm thần và huyền thoại vua lửa nghe có vẻ huyền hoặc nhưng đó sự thật đang tồn tại ở nơi đây – vùng đất Ayun huyền thoại.
Những đêm trăng bàn bạc, nằm trên gờ đá, lắng nghe tiếng chim kơtu kêu trên đỉnh núi, ngỡ như huyền thoại xưa tìm về trong tiếng gươm khua, núi lỡ. Ayun vẫn còn mang giữ trong mình chất huyền thoại kì bí đến kinh ngạc. Những núi đá lởm chởm trắng phau như gò xương, động cốt, ngỡ như chiến địa xưa vẫn còn dấu tích cho đến ngày nay. Những con vực sâu thẳm như sâu mãi vào lòng đất, một hòn đá rơi ngỡ chừng như rơi vào vô tận. Núi cao, đèo sâu, rừng rậm thâm u, cái gì mà chẳng có. Cảnh vật kì vĩ kết hợp với truyền kì vua lửa khiến cho vùng đất này trở thành nơi tìm về lí tưởng của những tâm hồm đam mê khám phá.